Trần Quốc Anh: “Khi vẽ phải biết người ta muốn nhìn ngắm gì ở tranh mình" | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Trần Quốc Anh: “Khi vẽ phải biết người ta muốn nhìn ngắm gì ở tranh mình"

Chủ đề trong các tác phẩm của Quốc Anh thường sẽ là tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, tâm lí tự vấn của người trẻ…
Trần Quốc Anh: “Khi vẽ phải biết người ta muốn nhìn ngắm gì ở tranh mình"

Tác phẩm cá nhân| Nguồn: Trần Quốc Anh

Vietcetera

Trần Quốc Anh là một hoạ sĩ minh hoạ hiện đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ khi bước vào nghề, Quốc Anh đã định hướng bản thân là một họa sĩ minh họa sách thiếu nhi, dù công việc thực tế đôi khi vẫn gắn với nhiều thể loại sách khác.

Bên cạnh đó, Quốc Anh luôn muốn đưa phong cách nghệ thuật vào tranh minh họa sách thiếu nhi của mình. Đối với Quốc Anh, ý tưởng hay một nhân vật/nhóm nhân vật mới của trước hết phải mang tính cập nhật: Bối cảnh phải gần gũi và hiện đại.

Chân dung hoạ sĩ Trần Quốc Anh

Nhân vật ngoài việc mang cái chung ai ai nhìn cũng đoán ra còn phải có cái “nghịch”, cái tôi của chính mình ở trong đó. Sau đó mới là liên hệ với thực tế đang có những vấn đề gì nổi bật. Người ta đang muốn nhìn ngắm gì trong tranh của mình, từ đó tiến tới định hướng cho các tác phẩm mới.

Anh cũng là một trong 12 họa sĩ tham gia dự án "Hí Hoáy by Vietcetera"

1. Khi nào thì một tác phẩm hoàn thành? Khi nào là “đủ”?

Nếu là tác phẩm mình sáng tạo từ cốt truyện đến concept, nhân vật, trường hợp đôi khi đã hoàn thiện đến 70-80%, mình vẫn có thể gạt đi và xây dựng lại từ đầu.

Bởi vậy, tác phẩm thực tế hoàn thành của mình phụ thuộc một phần từ các tác giả viết lời, người phối hợp cùng sửa đổi và thời hạn buộc phải đưa tác phẩm đến với đông đảo mọi người nữa. Hay nói cách khác, tác phẩm hoàn thành khi “bị deadline đuổi”.

Tranh minh hoạ Mẹ Âu Cơ trong tác phẩm Hương vị của đất - Thiền sư Thích Nhất Hạnh | Nguồn: Trần Quốc Anh

Còn với mình, tác phẩm “đủ” khi ngay từ đầu mình lên ý tưởng cho nó, theo một hoặc nhiều hướng khác nhau, bám sát ý tưởng đó và bản cuối cùng vẫn hệt như ý tưởng sơ khai, đó là sự “đủ” vừa vặn.

2. Theo bạn, yếu tố gì của một bức tranh đẹp đã chạm đến cảm xúc của khán giả?

Theo mình là màu sắc và không gian được thể hiện trong tranh. Người xem tranh trước hết phải ấn tượng bởi màu sắc khi nó choán lấy ánh nhìn của họ, sau đó là dẫn dắt đưa họ vào không gian tranh - thứ mà hoạ sĩ tạo nên thế giới trong tranh.

Tranh màu nước vẽ cho khách | Nguồn: Trần Quốc Anh

3. Ngoài thực hành vẽ truyện tranh, vẽ minh hoạ, còn lĩnh vực nào mà bạn muốn thử sức không?

Mình rất muốn thử sức làm vlog về ẩm thực. Không mơ mộng được như “Ẩm thực mẹ làm” nhưng ít nhiều mình muốn có một kênh nấu ăn của riêng mình, chia sẻ cách nấu những món ăn vặt dễ làm cho người sống một mình. Mình ăn rất là nhiều (haha).

“Bơ không phải để ăn” - Trần Quốc Anh và Huỳnh Trọng Khang, Chung Bảo Ngân đồng tác giả | Nguồn: NXB Phụ Nữ

4. Lời khuyên sự nghiệp tệ nhất bạn từng nghe?

“Đừng vẽ minh họa sách nữa. Nghèo lắm.” Nhưng cũng kệ, nghèo với ước mơ chớ cũng đâu có đói.

“Người trồng rừng” - JEAN GIONO - Trần Quốc Anh minh hoạ | Nguồn: Phuongnambook

5. Khi tìm ra một kỹ năng mới, bạn đã làm gì để học nó hiệu quả nhất? Bạn đã áp dụng nó thế nào?

“Practice makes Perfect.” Bạn sẽ không sở hữu những kỹ năng mới nếu không ngừng luyện tập nó như cơ thể không thể thiếu nước vậy đó. Tất nhiên là phải luyện tập đúng cách chứ không phải lao vào vẽ thật nhiều nhưng luôn sai.

Bộ sách "Từ điển muôn loài" - minh hoạ Trần Quốc Anh | Nguồn: Phuongnambook

Mình sẽ tìm hiểu kĩ năng đó từ những người từng trải trước, rút kinh nghiệm và chọn cách luyện tập phù hợp với mình.

Mình áp dụng các kỹ năng bản thân đang sở hữu, và những gì đi qua mắt mình, sau đó mới suy nghĩ về concept của cả một bức tranh lớn.

6. Phương pháp thực hành nào giúp cải thiện kỹ năng sáng tác?

Đọc nhiều, vẽ nhiều, quan sát nhiều. Trong đó, hãy luôn bắt đầu từ việc đọc để hiểu chính xác cái mới mình cần tiếp thu.

Tác phẩm “Ngôi nhà trong cỏ” tác giả Lý Lan - Trần Quốc Anh minh hoạ | Nguồn NXB Kim Đồng

7. Sở thích lúc bé của bạn là gì?

Ngoài vẽ ra mình cũng rất thích viết văn. Không phải những câu chuyện dài với khối lượng nhân vật đồ sộ, chỉ là những mẩu chuyện ngắn siêu ngắn.

Tranh trong tác phẩm “Ngôi nhà trong cỏ” | Nguồn NXB Kim Đồng

8. Điều bạn nhận được nhiều nhất sau mỗi tác phẩm cá nhân là gì?

Trước hết là niềm vui khi tác phẩm đã hoàn thành và đến tay nhiều người. Sau đó là động lực để mình sáng tác, tác phẩm sau phải vượt trội hơn tác phẩm trước về mọi mặt.

“Trò chơi dân gian” bìa vở cho các bé thiếu nhi | Nguồn: Trần Quốc Anh

9. Bạn có bao giờ sáng tác trong khi đi du lịch?

Có, rất nhiều lần. Đi du lịch cũng là một trong những cách giải toả tâm lý những lúc bí ý tưởng của mình. Và thường mình thấy hiệu quả.

Tranh vẽ ngẫu hứng bằng điện thoại | Nguồn: Trần Quốc Anh

10. Bạn học từ nguồn nào?

Mình học được nhiều nhất từ YouTube. Vì qua các vlog của các nghệ sĩ khác, mình có thể nhìn và học trực tiếp kỹ năng hội họa từ họ.

Đối với các nguồn tranh, ảnh trên các trang Web khác như Pinterest, Behance thì mình sẽ tham khảo cách thể hiện của họ khi muốn đưa ra nhiều hơn những ý tưởng khác nhau.

Tranh minh hoạ trong sách tranh “Bơ không phải để ăn” | Nguồn NXB Phụ Nữ

Facebook | YouTube