Trong chuyện tiền bạc, bạn cảm tính đến mức nào? | Vietcetera
Billboard banner

Trong chuyện tiền bạc, bạn cảm tính đến mức nào?

Cùng tìm hiểu những điểm "mù" trong quyết định tài chính mà có thể bạn đang mắc phải.
Trong chuyện tiền bạc, bạn cảm tính đến mức nào?

Nguồn: Zen Chung/Pexels

1. Mental accounting là gì?

Mental accounting, hay "kế toán nhận thức", là hiện tượng người tiêu dùng, hoặc nhà đầu tư đưa ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán, lập luận cảm tính, thường là gây bất lợi cho bản thân nhưng không nhận ra.

Nói cụ thể hơn, hành vi cảm tính ở đây là gán các giá trị, ý nghĩa khác nhau cho một khoản tiền dựa trên cảm xúc tạm thời.

Ví dụ: cùng là 1 triệu đồng, nhưng nếu đó là tiền thưởng, tiền được cho thì có xu hướng được tiêu nhanh tiền tự làm ra.

Đây là thuật ngữ được giới thiệu vào năm 1999 bởi nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel - Richard Thaler.

2. Mental accounting khiến bạn gắn những “nhãn mác” nào cho tiền?

Tiền “trên trời rơi xuống”

Theo thuyết Mental accounting của Thaler, con người có xu hướng đưa ra các quyết định bốc đồng hoặc liều lĩnh đối với những khoản tiền mình bất ngờ có được.

Ví dụ, lấy lì xì Tết hoặc tiền mừng sinh nhật để mua thêm đồ mới dù quần áo đã nhiều; hoặc lấy tiền trúng số để chi vào những khoản xa hoa trước, dù đang còn nợ nần hay mối lo tài chính khác.

Riêng với trường hợp tiền thưởng hay tiền hoàn thuế, chúng không hẳn là tự dưng mà có, nhưng vẫn được xếp trong nhóm này. Vì trong nhiều trường hợp, chúng gợi cho ta cảm giác rằng đó là khoản có thêm, nằm ngoài thu nhập bình thường, nên có thể dùng ngay cho các mục đích chi tiêu nhất thời như vui chơi, tiệc tùng.

Tuy nhiên, điều này có thể không thành vấn đề nếu tình hình tài chính của bạn đang khỏe mạnh và bạn có hoạch định sẵn một khoản chi tiêu thoải mái.

Tiền “xài rồi”

Đây là khoản tiền ta thường chi trước để “tạo động lực”.

Chẳng hạn, bạn chi 10 triệu cho một khóa học tổ chức tại thành phố khác trong vài tháng tới. Việc tiêu tiền tạo dopamine giúp tâm trạng bạn phấn chấn, làm việc trong tâm thế chờ ngày vi vu. Nhưng vì một lý do nào đó, tới ngày bay bạn lại cảm thấy không muốn đi nữa. Bạn rơi vào phân vân vì tiền đã tiêu rồi.

Trong trường hợp này các nhà nghiên cứu thấy rằng, bạn sẽ có xu hướng vẫn đến khoá học này vì nếu không, sẽ có cảm giác 10 triệu kia lãng phí. Tuy nhiên, theo kinh tế học hành vi, đây chỉ là một ngụy biện (sunk cost fallacy), vì trên thực tế, 10 triệu này đã mất rồi cho dù bạn làm gì đi nữa.

titleMental accounting Nguồn Mikhail NilovPexels
"Tiền tiêu để tạo động lực" được xem là một khoản nguỵ biện chi phí chìm (sunk cost fallacy). | Nguồn: Mikhail Nilov/Pexels

Tiền “mất cũng không sao”

Loại nhãn mác này thường xuất hiện trong lĩnh vực đầu tư. Chẳng hạn, một người có thể dành ra một khoản tiền riêng tập tành đầu tư, coi như mất cũng không sao để học hỏi. Thế nhưng đối với nhiều trường hợp khác, nó có thể bất hợp lý.

Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng có nhiều nhà đầu tư phân chia các danh mục đầu tư thành 2 nhóm. Một là “an toàn”, nghĩa là tiền rót vào đây phải sử dụng cẩn thận. Hai là “đầu cơ”, nghĩa là tiền đặt vào đây được sử dụng thoải mái. Mục đích là ngăn chặn lợi nhuận âm từ danh mục “đầu cơ” tác động đến tổng danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, cách phân chia này chỉ thuần dựa vào mục đích sử dụng của nhà đầu tư, thay vì cân nhắc về rủi ro của của từng danh mục để ước tính dòng tiền, bù trừ cho nhau.

3. Làm sao để tránh mental accounting?

Hãy lặp lại câu “thần chú”: tiền là tiền.

Tiền “dễ kiếm” (một cách chính thống) cũng không khác gì so với các loại tiền “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà bạn kiếm được từ công việc của mình. Vì vậy, khi phân bổ chi tiêu hãy cố gắng không quá rạch ròi về nguồn gốc của tiền. Nhắc nhở bản thân tiết chế khi có ý định tiêu hoang vào một khoản tiền dễ kiếm.

Đồng thời, tiền có giá trị hoán đổi cho nhau khi phân bổ giữa các ngân sách. Chúng không cố định với một mục đích sử dụng. Chẳng hạn, hàng tháng bạn không nhất quyết phải tiết kiệm 1 triệu, như nhiều lời khuyên rằng tiết kiệm rất quan trọng, nếu cũng đang đồng thời trả nợ/lãi suất cho vay với số tiền tương đương hoặc cao hơn. Trong trường hợp này, các nhà kinh tế học hành vi khuyên rằng tốt hơn bạn nên lấy tiền tiết kiệm để trả nợ trước.

4. Các thuật ngữ liên quan đến mental accounting

Behavioral finance (danh từ): kinh tế học hành vi, là giao điểm của kinh tế học và tâm lý học, trong đó nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, nhận thức, tình cảm, văn hóa và xã hội đối với các quyết định tài chính của cá nhân hoặc thể chế. Mental accounting là một khái niệm thuộc kinh tế học hành vi.

Endowment effect (danh từ): hiệu ứng sở hữu, là xu hướng con người đánh giá cao món đồ mà họ sở hữu hơn món đồ tương tự trên thị trường. Hiệu ứng có thể thấy rõ trong trường hợp người bán sản phẩm cũng là người tạo ra sản phẩm, hay trong câu nói dân gian “con cá mất là con cá to”.

Commitment bias (danh từ): thiên hướng “ngựa quen đường cũ”, lặp lại hành vi chi tiêu/đầu tư cũ dù biết rằng chúng có thể mang lại kết quả không mong muốn.