“Tự do tài chính đến từ tâm lý, không phải từ cái ví của bạn” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 02, 2024

“Tự do tài chính đến từ tâm lý, không phải từ cái ví của bạn”

Người làm truyền thông thường sợ toán, vậy Kolia Phan đã rẽ hướng từ truyền thông sang tư vấn tài chính như thế nào?
“Tự do tài chính đến từ tâm lý, không phải từ cái ví của bạn”

Nguồn: Kolia Phan cho Vietcetera

Tốt nghiệp ngành Truyền thông và có đam mê với Tâm lý học, song Kolia Phan (tên thật Phan Minh Chí) lại bén duyên với nghề tư vấn tài chính. Hiện Kolia cùng bố - tiến sĩ Phan Đoàn điều hành một học viện đào tạo về đầu tư tài chính. Anh cũng sở hữu kênh YouTube Koliaphan, thuộc top 5 tại Việt Nam về tư vấn đầu tư và chứng khoán.

Vietcetera đã có dịp nghe anh chia sẻ quan điểm về tự do tài chính, về đầu tư cũng như cách anh suy nghĩ và đánh giá về mối quan hệ giữa con người và đồng tiền. Đối với Kolia, ngành tài chính thực ra không hề nặng về số như nhiều người vẫn nghĩ, và tự do tài chính cũng không hoàn toàn đến từ việc kiếm thật nhiều tiền.

1. Bạn sẽ giải thích thế nào về công việc mình đang làm cho một đứa bé 5 tuổi?

Hiện tại mình làm tư vấn về tài chính cá nhân và đầu tư, đồng thời điều hành kênh YouTube về những nội dung này. Để giải thích cho một bạn 5 tuổi về đầu tư thì mình sẽ lấy ví dụ như sau:

Giả sử bạn mua 10 quả táo, mà cả thế giới chỉ có 100 quả như thế. Nghĩa là loại táo đó hiếm, bạn có thể bán cho người khác với giá rất cao. Vậy bạn nên mua giống táo nào bạn biết chắc chắn sẽ thành của hiếm, khi bán ra sẽ kiếm được nhiều tiền. Đó là kiểu đầu tư về tài sản.

Một kiểu khác là đầu tư vào cổ phiếu các công ty. Ví dụ bạn của bạn kiếm tiền rất giỏi, ngày hôm nay bạn đó kiếm 10 đồng, hôm sau đã kiếm 30 đồng. Thế là bạn cho bạn ấy tiền của bạn, để bạn ấy kiếm thêm về rất nhiều tiền, bạn sẽ được hưởng ké.

2. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau, bạn sẽ chọn làm nghề gì?

Có lẽ mình vẫn sẽ làm về tài chính. Bởi cái hay của ngành này là mình được tiếp xúc với rất nhiều người thu nhập cao, được học hỏi về cách kiếm tiền, quản lý tiền và quản lý thời gian, nhân sự của họ. Mình và họ đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày, mình thực sự tò mò muốn biết họ làm cách nào để quản lý được ngần ấy con người và công việc.

Một lý do nữa là mình muốn giúp nhiều người tìm cách đầu tư hợp lý. Hiện tại chỉ có khoảng 5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán, song con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 30-40% trong 10-20 năm tới. Nên nếu mọi người đầu tư thêm về cổ phiếu, các công ty sẽ lớn mạnh rất nhanh. Như vậy vừa giúp nền kinh tế phát triển, vừa giúp mọi người kiếm được thêm tiền.

3. Lý do gì khiến bạn chuyển từ ngành truyền thông sang tài chính?

Bố mình từng làm cố vấn tài chính cho chú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, và chính bố cũng đã truyền cảm hứng cho mình về ngành này.

Qua những cuộc trò chuyện với bố, mình nhận ra tài chính hay đầu tư không chỉ xoay quanh những con số, mà giống như mình đang đọc câu chuyện của một công ty. Mình vốn thích học lịch sử, nên cũng rất hứng thú khi tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của những công ty lớn như vậy.

Người làm truyền thông thường sợ toán, nên mình rất thích thú khi nhận ra ngành này nó không “số” đến thế. Việc tính toán các chỉ số thực ra chỉ dừng ở kiến thức của học sinh lớp 5, áp công thức vào là tính được ngay. Còn những câu hỏi quan trọng hơn hết về đầu tư, như công ty đó có tiềm năng tạo lợi nhuận trong tương lai không, ngành đó còn hấp dẫn để đầu tư hay không… thì lại không liên quan gì mấy đến tính toán.

02feb20243987315337269613028229438017076394522288870njpg
Kolia Phan và bố - Tiến sĩ Phan Đoàn. | Nguồn: Kolia Phan cho Vietcetera

4. Nếu được quay về năm 20 tuổi, bạn sẽ cho mình lời khuyên gì?

Mình sẽ khuyên bản thân ít chơi điện tử lại. Vì mình nhận ra nó là một dạng dopamine ăn liền, khiến mình dễ dàng tìm được niềm vui, nhưng sẽ hủy hoại phần đời còn lại của mình.

Mình đã thử “ăn kiêng dopamine” bằng cách tạm ngừng chơi điện tử một thời gian, và thực tế nó cũng khiến mình thấy thích làm việc hơn. Với mình, đây cũng là một bí quyết giúp mình kiếm và tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Bởi khi làm công việc mình thích (và nó kiếm ra tiền), mình sẽ không phải tiêu tiền vào cheap dopamine để thấy vui hơn nữa.

5. Thứ gì đắt tiền bạn từng mua mà thấy phí?

Chiếc GoPro mà mình mua hết 10 triệu, nhưng chỉ dùng một lần. Mình nhận ra nên thuê nó 1-2 ngày thôi sẽ đỡ phí hơn.

Trước đây mình cũng từng mua điện thoại Samsung chỉ để nhận ra mình không thích hệ điều hành Android, thế là lại bán nó lấy tiền mua iPhone. Tựu chung lại là với đồ điện tử, những món đắt tiền thì mình thấy nên tìm cách dùng thử trước khi quyết định xuống tiền.

6. Bạn đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?

Mình đã gộp nó với với tháng lương sau để mua một chiếc laptop mới phục vụ công việc. Việc sắm laptop với mình khi đó quan trọng hơn ăn mừng, vì đó là thứ giúp mình kiếm thêm tiền trong thời gian lâu dài. Đây cũng là lối tư duy tích sản mà mình áp dụng đến nay: thay vì tiêu tiền vào thứ tiêu sản, nên đầu tư vào thứ gì đó kiếm thêm tiền về cho mình.

02feb2024287014991825225657003448654367143377224275ojpg
Nguồn: Kolia Phan cho Vietcetera

7. Việc tiết kiệm với bạn quan trọng đến mức nào?

Tương đối quan trọng, mình luôn luôn nghĩ về rủi ro mình có thể gặp trong tương lai. Chẳng hạn nếu ngày mai mình sẽ mất tất cả nguồn thu nhập và không còn khả năng kiếm tiền nữa, mình sẽ cân nhắc để mua đồ mình thực sự cần.

8. Bạn định nghĩa thế nào là tự do tài chính?

Đối với mình, có 2 yếu tố tạo nên tự do tài chính:

Quản trị tâm lý: Nhiều người định nghĩa tự do tài chính là kiếm được cả triệu đô để tiêu mà không cần phải nghĩ. Nhưng thực ra bạn kiếm càng nhiều tiền thì nhu cầu tiêu tiền của bạn cũng lớn thêm, nên tiền kiếm đến mức nào cũng không bao giờ là đủ. Rất nhiều tỷ phú có 1 tỷ đô mà họ vẫn bất hạnh.

Nên đối với mình hạnh phúc thực ra không phụ thuộc vào việc kiếm nhiều tiền, mà nằm ở thái độ biết ơn với những gì mình có. Mình cảm thấy biết ơn khi được hít thở đều và gặp những người yêu thương mỗi ngày. Ngoài ra quản trị tâm lý còn là học cách vượt qua sợ hãi để thử những cái mới, để nhận ra điều gì thực sự quan trọng với mình.

Thu thập dữ liệu về bản thân: Đây là kỹ thuật phổ biến trong tâm lý học để tư vấn về ngành học hay công việc phù hợp. Và nó cũng nói lên rất nhiều về thói quen tài chính của mình.

Làm việc này thực ra không khó. Bạn thử viết nhật ký từng ngày rồi nhìn lại xem, ngày nào bạn vui và tiêu ít tiền có những yếu tố gì? Ngược lại, điều gì khiến bạn chán nản và tiêu nhiều tiền hơn? Dần dần bạn sẽ nắm được kiểu mẫu chi tiêu của mình, từ đó thiết kế thêm những hoạt động khiến bạn vui mà không phải tiêu quá nhiều tiền.

02feb2024386797074102110906367795678339482186609230182njpg
Nguồn: Kolia Phan cho Vietcetera

9. Theo bạn, người chỉ làm công ăn lương có thể đạt tự do tài chính không?

Như mình đã nói ở trên, tự do tài chính bắt đầu từ tâm lý chứ không phải từ cái ví của bạn. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề tâm lý gì, hãy tập trung giải quyết nó trước. Như vậy mối quan hệ của bạn với tiền sẽ tự khắc cải thiện.

Nhiều người khi buồn bực thường chơi game, ăn đồ ăn nhanh hay uống rượu. Những cái này khiến bạn thấy tốt hơn trong thời điểm đó, nhưng sẽ tốn số tiền không hề nhỏ. Thậm chí về lâu dài chúng khiến vấn đề của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Một vấn đề phổ biến khác là tâm lý FOMO. Bạn mua một món đồ chỉ vì mọi người đều mua, và rồi sau này bạn không biết dùng nó vào việc gì. Nên mấu chốt vẫn là phải thoát được vòng tròn so sánh, để biết cái gì thực sự quan trọng với mình.

10. Theo bạn, một người chưa biết đầu tư nên bắt đầu từ đâu?

Mình nghĩ cách bắt đầu hiệu quả nhất là đầu tư vào bản thân trước. Bạn có thể làm việc này bằng cách… đọc sách người giàu viết, vì bao nhiêu bí quyết làm giàu họ chia sẻ hết trong đó rồi.

Nhưng nghiêm túc hơn thì mình có một tip khác: tích cực viết mail và network với những người thu nhập cao, rồi xin làm miễn phí cho họ. Dần dần khi chứng minh được giá trị mình có thể tạo ra, bạn sẽ được họ tin tưởng và trao cho những cơ hội lớn hơn. Chính Steve Jobs cũng đã bắt đầu sự nghiệp bằng cách làm miễn phí ở HP, và ông đã đi xa đến đâu thì bạn cũng đã biết rồi.

Mình có thể coi công lao mình bỏ ra là học phí để họ dạy cho mình cái gì đó. Thay vì bỏ tiền đi học những khóa kỹ năng làm giàu được quảng cáo phổ biến, thì làm cách này bạn có được bài học thực tiễn khi làm việc luôn.

Cảm ơn DOTO Holdings đã đồng hành cùng bài viết trong The Money Date series.

Đội ngũ Doto đã phân tích trải nghiệm của hàng triệu nhà giao dịch và xây dựng một sàn giao dịch dễ sử dụng, phá vỡ các rào cản và giúp giao dịch trở nên khả dụng cho tất cả mọi người. Chỉ cần đăng ký cùng một vài thao tác, bạn sẽ sẵn sàng để mở giao dịch đầu tiên. Đây chính là những đặc điểm giúp cho Doto trở thành sàn giao dịch thân thiện với người dùng.

Khởi đầu cùng Doto. Đơn giản hoá giao dịch.