Các cụ nhà ta dạy “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.” Ngày nay, khi hiện tượng đa nghề nghiệp, đa lĩnh vực, thậm chí là “đa sự nghiệp” (multiple careers) trở nên phổ biến, xã hội có nhiều tranh luận về nó hơn. Tuy vậy, hầu hết các tranh luận không thoát khỏi việc lựa chọn giữa hai phương án: Nên làm một nghề vs. nên làm nhiều nghề.
Bài viết này sẽ không trả lời xem phương án nào tốt hơn phương án nào. Thay vào đó, tôi muốn đặt câu hỏi: Chúng ta có thực sự có lựa chọn? Khi xu hướng đa nghề (slash work và moonlighting) dần thống trị thị trường nghề nghiệp, có khả thi khi người trẻ chỉ muốn theo đuổi một nghề duy nhất?
Sự nghiệp là gì?
Sự nghiệp
Để hiểu được khái niệm "đa sự nghiệp," điều đầu tiên ta cần làm là tìm hiểu về bản thân khái niệm “sự nghiệp.” Theo cách hiểu thường gặp, sự nghiệp được xem như việc ta gắn bó với một công việc nào đó trong một khoảng thời gian dài, có thể là trong toàn bộ tuổi lao động của mình. Từ đó suy ra đa sự nghiệp là trong độ tuổi lao động đó ta theo đuổi nhiều công việc song song, hoặc chia thành từng chặng và mỗi chặng làm một loại công việc khác nhau, phù hợp với năng lực từng người.
Theo nghĩa này, "sự nghiệp" có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với "công việc." Hiểu đơn giản nhất thì công việc là một việc cụ thể chúng ta làm để kiếm thù lao. Trong khi đó, sự nghiệp không chỉ là một việc cụ thể chúng ta làm trong một khoảng thời gian dài để kiếm thù lao. Sự nghiệp, theo từ điển Oxford, là quá trình phát triển của một người qua cuộc đời của họ.
Sự nghiệp là một phép ẩn dụ chỉ hành trình cuộc đời, kéo dài từ giai đoạn học tập cho đến giai đoạn lao động, đồng thời có sự ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của cuộc sống. Giả dụ, bạn sinh ra với năng khiếu về con số. Bạn từ đó được bố mẹ đầu tư học tập trong các môi trường chuyên biệt về toán học, kinh tế, tài chính, tin học, thống kê khoa học xã hội, v.v. và những chuyên môn có liên quan đến toán học khác. Từ nền tảng đó, bạn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể và sự nghiệp là sự ghi nhận toàn bộ con đường bạn đến được vị trí này.
Đa sự nghiệp
Đa sự nghiệp là sự điều chỉnh quan niệm phía trên. Những người ủng hộ đa sự nghiệp cho rằng khả năng của con người luôn mang số nhiều. Vì vậy, một chuyên môn hoặc một công việc cụ thể, dù cho chúng ta sự tập trung trong đầu tư vào sự nghiệp, thì bên cạnh đó khiến nhiều thứ năng lực khác mà con người có nhưng không được rèn luyện bị mai một. Chúng ta có phải những cỗ máy chỉ làm một tác vụ duy nhất cả đời? - Những người ủng hộ đa sự nghiệp tự hỏi.
Đa sự nghiệp, vì vậy, không đơn giản là làm nhiều công việc cùng một lúc. Thay vào đó nó chỉ ra rằng khi để một người phát huy tối đa các năng lực của mình, thì trong cuộc đời, chúng sẽ không phục vụ một công việc duy nhất, mà một phổ các tác vụ thuộc về các công việc khác nhau dù gần lĩnh vực.
Độ phủ ngày càng dày đặc của internet khiến con người phải tái định hình toàn bộ cuộc sống của mình - đó là điều kiện ra đời của đa sự nghiệp. Xu hướng này tạo ra những loại hình công việc khác nhau như làm việc từ xa (remore work), làm việc tạm bợ (gig work), v.v. Những việc này đều có thể được điều phối bằng internet, với ví dụ điển hình là xe ôm công nghệ, freelancer, và người sản xuất nội dung số.
Đa sự nghiệp thì khác so với công việc tạm bợ và làm “chín nghề” (nhiều nghề). Không hướng đến những công việc ngắn hạn, loại hình sự nghiệp này hướng đến việc đa dạng hoá nguồn tiền từ mọi loại sở trường và sở thích mà bạn có thể theo đuổi suốt đời. Xa hơn, nó muốn loại bỏ sự tách biệt giữa công việc và cuộc sống.
Có thù lao, tình nguyện, và sở thích: Những ranh giới mờ nhạt
Sự có mặt của internet trong đời sống, sự ra đời của các công việc trực tuyến, xu hướng đa sự nghiệp, v.v. đều là biểu hiện của bối cảnh hậu sự nghiệp (post-work). Hậu sự nghiệp không có nghĩa là không cần làm việc để sống. Mà nó định nghĩa lại tất cả những gì chúng ta hiểu về công việc.
Trong thực tế, tư duy nhị nguyên trắng đen về thất nghiệp vs. có việc làm mới chỉ tồn tại trong vòng 2 thế kỷ trở lại đây. Sự tách rời này khiến nhiều người dù chán ngấy công việc nhưng không thể từ bỏ. Nếu từ bỏ, họ còn cảm thấy đau khổ hơn vì không có việc để làm, vì “không thất nghiệp” đang trở thành một thứ tôn giáo mới.
Trước đó từng không có sự tách biệt giữa lao động và cuộc sống. Con người sinh ra để lao động, chứ không phải làm việc để sống còn nếu không có công việc thì không sống nổi như ngày nay.
Xu hướng đa sự nghiệp phá vỡ sự phân tách rạch ròi giữa các khái niệm trong đời sống lao động hiện đại. Trước hết là các nhãn phân loại công việc như có thù lao, tình nguyện, và theo sở thích. Đây là những hạng mục ta ít khi có thể gộp chung lại.
Công việc chính là thứ ta ít khi thích thú. Công việc tự nguyện là thứ ta ít khi dám đòi hỏi thù lao. Sở thích thì lại là thứ ta khó có thể kiếm được tiền. Ranh giới này có thể bị xoá nhoà nếu bạn là một YouTuber, TikToker, hoặc một nhà sản xuất nội dung ở bất cứ nền tảng nào khác.
Theo một góc nhìn tích cực, khi công việc trở lại là một phần của cuộc sống, chúng ta có thể thực sự sống được bằng không những một, mà nhiều điều mình thích. Sự tồn tại của ta trong môi trường công việc không còn giống như một chiếc máy được thiết kế để thực hiện lặp lại một tác vụ duy nhất. Thay vào đó, sức lao động của con người được giải phóng và ta thực sự được tự do.
Nhưng những tính chất thiếu tích cực hơn của đa sự nghiệp có nhiều điểm cần phải chú ý hơn, vì chất lượng sống của chính chúng ta.
Tự do hơn nhưng có thiếu ổn định hơn?
Đời sống bấp bênh
Viễn cảnh được theo đuổi các lĩnh vực mình yêu thích và kiếm được từ chúng nhiều nguồn thu nhập, dường như vẫn xa vời với đại đa số chúng ta. Về cơ bản, cái giá của sự tự do là người lao động đối mặt với một môi trường công việc bấp bênh hơn. Lý do đến từ việc thị trường lao động có nguồn cung dồi dào hơn vì nhiều người làm nhiều công việc, trong khoảng thời gian dài, cùng một lúc.
Điều đó khiến giá lao động hoặc là rẻ mạt hơn, hoặc là thiếu sự cam kết duy trì hơn đứng ở góc độ của người trả tiền. Thử nghĩ, lý tưởng “làm công việc mình thích” thực ra đều đến từ ngành công nghiệp sản xuất nội dung, nơi thặng dư về mặt thông tin của công việc chính, công việc tình nguyện, và sở thích cá nhân, đều có thể được chuyển đổi thành dữ liệu cho các nền tảng số.
Trừ đi khoản tiền lương được trả thường niên bởi công ty bạn làm chính thức, thì thu nhập của các loại lao động còn lại đều đến từ tiền quảng cáo, được tính dựa trên đúng những gì bạn thực sự làm ra trong từng đơn vị thời gian nhất định. Với nguyên tắc này, để đời sống không bấp bênh thì chúng ta chỉ có một cách duy nhất là duy trì mọi công việc một cách đều đặn. Nhưng kể cả làm được vậy thì ta cũng không thể nào chắc chắn sự đón nhận của người theo dõi mình sẽ tăng trưởng ổn định theo thời gian.
Một điều mà những người cổ vũ xu hướng đa sự nghiệp chưa nghĩ đến đó là, ngay cả khi được làm công việc mình thực sự thích, dựa vào sở thích của mình, ví dụ như mở một kênh YouTube về nhiếp ảnh, thì chúng ta vẫn luôn có sếp. Không phải một nhân vật độc tài doạ trừ lương bạn như trong văn phòng truyền thống, sếp của ta là nền tảng số và bản thân thị trường. Cả hai tác nhân này đều không có nhiệm vụ phải bao cấp cho chúng ta, nếu ta không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ khác.
Chủ nghĩa duy năng suất
Đa sự nghiệp không phải một viễn cảnh thần tiên nơi ta chỉ cần làm việc vì đam mê và tiền sẽ đổ đầy túi. Trung gian đánh giá ý nghĩa của sự lao động vẫn là đồng tiền. Để có được đồng tiền đó, ta phải đáp ứng được năng suất.
Như vậy hãy tưởng tượng, sẽ kinh khủng đến cỡ nào nếu ta phải liên tục nghĩ tới năng suất của một công việc dựa trên sở thích? Chủ nghĩa duy năng suất (productivism) yêu cầu niềm đam mê và năng suất của chúng ta phải tỉ lệ thuận với nhau.
Hiểu một cách đơn giản, trong ngành công nghiệp nội dung, đam mê xác định khả năng ta viết ra một bài blog hay. Nhưng có nhiều đam mê không có nghĩa là thời gian thực hiện bài blog ấy sẽ ngắn lại. Trong nhiều trường hợp, thời gian sản xuất sẽ dài ra khiến ta không đạt được mục tiêu về năng suất. Tình huống tương tự sẽ diễn ra với sở thích hội hoạ, nhiếp ảnh, thơ ca, v.v.
Không những vậy, gìn giữ một đời sống cá nhân lành mạnh cũng không dề dễ dàng với chủ nghĩa duy năng suất. Xoá bỏ ranh giới giữa công việc và đời sống có nghĩa là bản thân đời sống của chúng ta phải tạo được ra năng suất. Hạnh phúc cá nhân, từ việc là một thứ rất riêng tư, phải đứng trước áp lực quy đổi thành thu nhập. Đó là sự hi sinh tôi không nghĩ nhiều người sẵn sàng đối mặt.
Nhìn chung, đa sự nghiệp là một lời hứa bùi tai nhưng có nhiều đau đớn đằng sau nó. Để không biến xu hướng đẹp đẽ này thành một dạng thức khai thác bản thân quá đà khác, chúng ta cần phải định nghĩa lại những quan niệm sơ đẳng nhất về việc làm và lao động. Điều này không dễ trở thành hiện thực trong tương lai trước mắt.