Thương Thân phong cách Vietcetera trong giãn cách | Vietcetera
Billboard banner

Thương Thân phong cách Vietcetera trong giãn cách

Xem phim kinh dị, tám chuyện với bạn bè và ngưng ngủ nướng, nhà Vietcetera đã làm những gì để thương thân trong mùa dịch?
Thương Thân phong cách Vietcetera trong giãn cách

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bắt đầu giãn cách từ những ngày đầu tiên của chỉ thị 15, những con người ở Vietcetera đã bắt đầu quá trình làm việc tại nhà được gần 3 tháng. Cũng như mọi người, việc thích nghi với một lối sống hoàn toàn mới ít nhiều gì cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe tinh thần của tất cả.

Tuy nhiên điều gì cũng có mặt sáng của nó, sau cơn mưa là cầu vồng, sau mỗi lần chốt KPI căng thẳng là những ngày nhận lương. Những thành viên của Vietcetera cũng đã học được khá nhiều điều về cách để yêu thương chính bản thân trong những ngày giãn cách.

Hãy cũng nghe họ chia sẻ nhé!

Làm việc phong cách công sở… tại nhà

Chia sẻ bởi chu ng

Là 1 người viết mảng sáng tạo, thời khóa biểu làm việc ở nhà những ngày đầu giãn cách của mình là... theo cảm hứng. Sáng ngủ nướng, tối cày KPI với mình là chuyện cơm bữa. Nhưng rất nhanh sau đó, mình cảm thấy "sự khét lẹt" khi nuông chiều cảm xúc, làm việc và sinh hoạt thiếu khoa học.

Mình cho phép bản thân thử lối sống này trong vòng 1 tháng, và nếu cảm thấy không ổn thì mình sẽ trở về với giờ giấc bình thường. Và kết quả, với cá nhân mình thì không ổn thật. Vì nếu không có một thời khóa biểu rõ ràng, mình phụ thuộc chất lượng công việc vào cảm hứng quá nhiều và sức khỏe của mình cũng đi xuống nữa.

Chu Ng
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Quyết định thay đổi, mình giả lập một môi trường công ty ngay tại nhà bằng cách … cất hết gối mền vào tủ để ngăn sự cám dỗ. Mình thức dậy vào đúng một giờ nhất định, thay quần áo, mang giày như đang đi làm. Làm việc, ăn trưa hay tan ca đều theo đúng giờ của công ti. Kết quả là mình thấy ổn hơn rất nhiều, và còn tìm lại động lực để làm việc nữa.

Lời nhắn nhủ tới độc giả: Hãy cứ cho bản thân một thời gian để thử lối sống mà bạn nghĩ là hợp lý nhất. Nếu cảm thấy không phù hợp thì cũng đừng ngại sự thay đổi và điều chỉnh.

Tâm sự với gia đình

Chia sẻ bởi Tule

Mình là một người thường đi tìm kiếm cảm hứng từ việc dạo quanh thành phố, hoặc trên hai chân hoặc trên xe 2 bánh. Tất nhiên, trong những ngày tháng giãn cách, đó là điều không thể. Trong 1-2 tuần đầu của chỉ thị 16, mình lâm vào tình trạng là “không có gì để làm”. Thậm chí không có hứng thú gì đến việc xem phim giải trí, chứ đừng nói đến việc sáng tạo.

Sau khoảng 2 tuần, mình bỗng nhận ra mình có một nguồn cảm hứng nữa mà bấy lâu nay quên mất, đó chính là những bữa cơm gia đình. Mình tự nhủ rằng trong thời gian này, rõ ràng là mình có cơ hội nói chuyện với gia đình hơn, vậy sao mình không tận dụng cơ hội ấy?

Tule
Nhi Thanh @obanhmis

Nói chuyện với bố mẹ ảnh hưởng đến những chủ đề mình viết khá nhiều. Mình trở về các chủ đề gần gũi và nội tâm hơn, trái với những gì trước giãn cách khá nhiều và mình thấy điều đó khá thú vị.

Lời nhắn nhủ tới độc giả: Giấc ngủ đang bị đánh giá thấp lắm! Dù cho có chạy deadline hay KPI gì thì cũng nhớ ngủ đủ 8 tiếng liên tục nhé.

Kết nối giữa giãn cách

Chia sẻ của Đông Hà

Trong tình thế hiện tại, mất kết nối với bạn bè, đồng nghiệp là một cảm giác thường trực với rất nhiều người, mình cũng không ngoại lệ. Để thoát khỏi cơn bí bách, có một thời gian, mình gắn chặt cơ thể với điện thoại, máy tính - những phương tiện giúp mình giao tiếp với thế giới bên ngoài, tương tác với bạn bè, đồng nghiệp thân.

Nhóm bạn của mình có lập group chat để tám chuyện, hóng drama, nhưng chủ yếu là nhắn tin, mãi đến lúc dịch mới video call nhiều hơn. Từ những cuộc gọi hằng tuần, mình nhận ra tương tác qua máy tính không thực sự tệ như mình nghĩ.

Đocircng Hagrave
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Tụi mình thường cùng nhau chơi game, ưu tiên mấy trò được nói nhiều. Chơi một số game như Thiểu số/Đa số, tụi mình có cơ hội nêu ý kiến cá nhân, nhờ vậy mà hiểu nhau hơn. Ngoài ra, biểu cảm của các thành viên được thu gọn lại trong một khung hình để nhìn ngắm. Với một đứa thích quan sát ngôn ngữ cơ thể như mình, đây là một điểm cộng.

Lời nhắn nhủ cho độc giả: Nếu thấy nói chuyện với bạn bè chưa đủ “đô”, hãy thử nói chuyện với người lạ xem. Một số website như Omegle cho phép bạn làm điều này. Biết đâu, kết nối với người lạ sẽ giúp bạn mở lòng theo một cách khác.

Nhìn ngắm lại bản thân

Chia sẻ của Lê Nghĩa

Mình là một người cần vận động liên tục để có thể suy nghĩ một cách thông suốt. Nếu suốt ngày chỉ có nằm ườn một chỗ thì tâm trí mình sẽ không có động lực nào để kéo bạn thân dậy và bắt đầu công việc.

Ngay sau giờ làm việc mình thường bắt đầu tập thể dục, tận dụng lúc “máu dồn trên não”, mình nghĩ ngợi về khá nhiều chuyện. Việc ở một mình và không bị cuốn vào guồng quay của công việc cho phép mình có nhiều khoảng trống để làm điều đó nhiều hơn.

Nghĩa Lecirc
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nhìn chung, mình thấy làm việc ở nhà ngắn hạn có lợi cho sức khỏe tâm lý của mình khá nhiều. Nhờ vào đó mà mình có thời gian để định hướng lại mối quan hệ của bản thân với sáng tạo.

Lời nhắn nhủ cho độc giả: Hãy đọc sách và xem những bộ phim khiến bạn phải suy nghĩ, chúng sẽ giúp bạn nhìn thế giới ở một góc rộng lớn và thú vị hơn.

Đi tìm sự gần gũi

Chia sẻ bởi An Bảo

Điều mình cảm thấy nhớ nhất lúc này chắc chắn là sự kết nối với mọi người. Nhớ lúc còn ở văn phòng Publik, mình có nhiều cơ hội để nói chuyện lắm. Mọi người kết nối qua những bữa ăn, ăn trưa, ăn xế, ăn chiều hay thậm chí đôi lúc còn ở lại công ty ăn tối nữa.

Bây giờ những ngày giãn cách, tần suất kết nối với con người giảm rõ rệt làm mình mất đi một phương tiện giải tỏa căng thẳng rất quan trọng. Thế là cũng phải học cách kết nối với những người bạn thân trong công ty qua tin nhắn và gọi video. Mặc dù chỉ là nói chuyện qua mạng thôi nhưng nó cũng cho mình một cảm giác rất là gần gũi.

Lời nhắn nhủ cho độc giả: Khi làm việc ở nhà thói quen sinh hoạt sẽ bị đảo lộn, hãy nhớ ăn uống đúng giờ để giữ gìn sức khỏe.

Trốn thoát một tí cũng là giải pháp

Chia sẻ bởi Minh Anh

Bước vào giãn cách thì có một cái vòng lặp mà mình mắc phải. Đó chính là tâm trạng của mình đi xuống, dẫn tới hiệu suất làm việc không tốt, mình cảm thấy nghi ngờ khả năng bản thân và tâm trạng lại đi xuống. Một vòng lặp không hồi kết.

Minh Anh
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Sau khi mà nhận thấy là mình không thể nào đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra, mình đã quyết định phá vỡ vòng lặp bằng cách cho phép bản thân trốn thoát một tí qua việc ... coi phim kinh dị.

Đặc biệt là các thể loại máu me và kinh dị hình thể của Nhật, thiên về giá trị giải trí, không yêu cầu mình suy nghĩ quá nhiều. Hoặc là đọc các bộ manga nhẹ nhàng, tạo cho mình được cảm xúc đồng cảm. Những phương tiện này giúp mình trốn thoát (escapism) và tạm quên những thứ khiến mình phiền lòng khá tốt.

Lời nhắn nhủ tới độc giả: Trốn thoát thực tại cũng tốt, những hãy tự đặt giới hạn cho bản thân, biết khi nào là vừa đủ để chúng không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý.