Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm | Vietcetera
Billboard banner

Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm

Trong suốt 9 năm làm nghề, nhà thiết kế Vũ Hoàng Anh luôn quan niệm rằng, nhà thiết kế sản phẩm không chỉ giải quyết vấn đề cho người tiêu dùng, mà còn phải truyền tải câu chuyện ý nghĩa qua sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị của người thợ thủ công.

Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm

Tự nhận bản thân là một cư dân trên ốc đảo tưởng tượng của riêng mình, Vũ Hoàng Anh mang dáng vẻ nửa gần gũi, nửa cách biệt. Gặp gỡ Vũ Hoàng Anh là một trải nghiệm rất thú vị và mới mẻ với chúng tôi. Anh mang đến một góc nhìn rất riêng xung quanh công việc thiết kế sản phẩm (product design).

Vũ Hoàng Anh luôn quan niệm rằng, nhà thiết kế sản phẩm là người đưa ra giải pháp cho vấn đề của con người và cuộc sống. Qua lời chia sẻ của anh, chúng tôi hiểu thêm về nỗ lực truyền tải những câu chuyện ý nghĩa thông qua sản phẩm, và tinh thần nâng cao giá trị của những người thợ thủ công trong suốt 9 năm anh làm nghề.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm0
Không định danh, không gọi tên và cũng không mang tính giáo điều, mọi thứ Vũ Hoàng Anh nói ra hay hành động đều xoay quanh sự trải nghiệm và chiêm nghiệm của anh.

Anh bắt đầu công việc này như thế nào?

Tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ làm công việc hiện tại. Trước đây, tôi học về mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành là điêu khắc tạo hình. Ngành học này giúp tôi tiếp cận rất gần với mỹ thuật thị giác, cũng là nền tảng vững chắc cho công việc của tôi sau này.

Trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp, tôi thử sức với bất kỳ công việc nào liên quan đến thiết kế và thẩm mỹ, bao gồm điêu khắc, kiến trúc, và đồ hoạ. Năm 2012, tôi trở về Việt Nam và làm việc tại District Eight trong 5 năm. Đến thời điểm hiện tại, tôi đang làm công việc thiết kế sản phẩm tự do.

Anh so sánh những gì mình làm với công việc của người “thợ đụng”, vì sao lại thế?

Khi ta “đụng” đến bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có vấn đề của nó. Bản thân tôi quan niệm mình chỉ đang làm công việc giải đố. Bài toán (brief) của khách hàng là câu đố còn tôi là người đi tìm lời giải thông qua việc thiết kế sản phẩm. Sản phẩm ở đây có thể là bất cứ thứ gì như một chiếc ghế, một tủ sách, hay một bộ bài.

Một nhà thiết kế đồ hoạ người Ý từng nói, “Nếu như đã chọn thiết kế, bạn hãy làm công việc tư duy để không chỉ thiết kế một cái thìa mà còn có thể thiết kế được cả tòa nhà.” Không có ranh giới nào cho việc thiết kế, miễn là người làm nghề không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức về những mảng khác nhau. Bởi điểm chung của thiết kế là giải quyết vấn đề của con người và cải thiện cuộc sống.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm1
Sản phẩm kệ sách từ Vũ Hoàng Anh, được lấy cảm hứng từ những cánh “dziều” trên bầu trời. | Nguồn: Tuan.Fr.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tự do trong quá trình thiết kế sản phẩm của anh?

Với nền tảng là mỹ thuật, tôi muốn mỗi sản phẩm được trau chuốt và cải thiện về chất lượng và tư duy hơn so với một sản phẩm mang tính công nghiệp. Nếu như trước đây khi làm việc cùng District Eight, tôi tập trung phát triển nội thất (indoor furniture) thì giờ đây tôi có thể tự do sáng tác bất kỳ thứ gì.

Hiện tại, thiết kế của tôi được phát triển từ những ý niệm mà cá nhân tôi muốn chia sẻ. Nhiều người thường có xu hướng tạo ra sản phẩm trước rồi mới lồng ghép một câu chuyện vào. Ngược lại với họ, tôi chỉ phát triển sản phẩm khi có được ý tưởng.

Song song đó, tôi muốn đề cao tay nghề của những người thợ thủ công Việt Nam. Mối quan hệ giữa người thiết kế và người thợ không phải là người đưa yêu cầu và người thực hiện. Ở đây, cả hai bên phải cùng nhau chia sẻ và phát triển sao cho khi ra được thành quả, người thiết kế thoả mãn với sản phẩm và người thi công tự hào vì đã làm ra nó.

Anh có thể nói rõ hơn về quy trình thiết kế sản phẩm của mình?

Có người từng mô tả quy trình làm việc của tôi giống như việc làm bánh. Để làm ra chiếc bánh, tôi phải có đầy đủ nguyên liệu, đó chính là thông tin khi trao đổi cùng khách hàng. Trong quá trình nhào nặn ý tưởng, tôi đồng thời đặt ra câu hỏi cho mình và khách hàng: Tại sao tôi lại làm sản phẩm này? Sản phẩm khi hoàn thiện sẽ mang giá trị gì?

Những câu hỏi này tưởng chừng rất đơn giản nhưng phải sàng lọc qua nhiều tầng suy nghĩ lẫn trải nghiệm cá nhân. Sau khi gom góp đủ ý tưởng và suy nghiệm, tôi mới có thể bắt đầu sáng tác.

Lấy ví dụ về bộ bài Toàn Dân, một dự án mới mẻ của tôi sau thời gian dài thiết kế đồ nội thất. Đề bài tôi nhận được chỉ là một bộ bài có khuôn mặt của người Việt Nam nhưng tôi biết mình có thể đưa ra nhiều giá trị hơn chỉ là một bản thiết kế.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm2
Hình ảnh ông đồ, cô nông dân và đứa trẻ mục đồng trên bộ bài Toàn Dân. | Nguồn: Zo.

Mặt trước của bộ bài là hình ảnh của con người Việt Nam như bác sĩ, anh công nhân, cô nông dân,… Bên cạnh đó, họa tiết ở mặt sau lá bài lại lấy cảm hứng từ hình ảnh hạt gạo, cũng là một biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Phần họa tiết này khi úp ngược sẽ trông như chiếc sân trải đầy thóc, một phần thưởng cho người chơi sau mỗi cuộc vui.

Nhờ đó, bất kỳ ai cầm bộ bài trên tay đều hiểu được tinh thần của nhóm tạo ra sản phẩm, đó là mang dáng hình người Việt, bao trọn xã hội Việt – một hình ảnh “ta” trên bộ bài Tây. Bộ bài không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt thiết kế của nhóm Ù Tròn, mà còn tạo ảnh hưởng tinh thần rộng lớn hơn cho người sử dụng.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm3
Bộ bài Toàn Dân với phần họa tiết đằng sau là hạt gạo, trải dài ra như chiếc sân đầy thóc, một phần thưởng sau mỗi cuộc vui. | Nguồn: Zo.

Một ví dụ khác là dự án thiết kế ghế ăn cho không gian của Pizza 4P’s tại Saigon Centre. Khi bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp này, tôi để ý rằng họ luôn thiết kế quầy làm pizza nằm ở trung tâm nhà hàng, còn xung quanh là không gian ăn uống của thực khách.

Điều này vô tình trùng hợp với giá trị của tôi – đưa người thợ mộc vào trung tâm. Từ đó, tôi phát triển ý tưởng ghế ăn cho Pizza 4P’s từ sản phẩm ghế Centre Rays của mình trước đó và tạo thành một bộ sưu tập bao gồm ghế quầy bar, hai phiên bản ghế ăn và ghế dài.

Hình ảnh chữ ‘Nhân’ (人) ở phần chân ghế giúp đề cao giá trị của người thợ thủ công trong những sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Ý tưởng này không chỉ phù hợp với giá trị của Pizza 4P’s mà còn kết hợp hài hoà với quan niệm thiết kế của kiến trúc sư.

Có khi nào anh nghĩ rằng mình đang tạo ra nhiều sản phẩm dư thừa không?

Các sản phẩm của tôi không dành cho thị trường tiêu thụ nhanh. Tôi cung cấp những sản phẩm giới hạn, chỉ dành cho những khách hàng đã có sự thấu hiểu và tiêu chí nhất định. Họ đều từng biết đến sản phẩm của tôi, thấu hiểu yêu cầu và cách làm việc của cả hai bên.

Ngoài ra, sản phẩm của tôi không phụ thuộc vào những phong cách nhất thời hay bị gò bó bởi xu hướng. Đây cũng là lý do vì sao tôi luôn cố gắng gợi mở những câu chuyện trong từng thiết kế, để người tiêu dùng hiểu và tự quyết định liệu họ có muốn sở hữu sản phẩm đó hay không.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm4
Phiên bản ghế Centre Rays ở nhà hàng Pizza 4P’s với phần chân ghế được lấy ý tưởng từ chữ ‘Nhân’. | Nguồn: Anh H. Nguyen.

Làm thế nào anh có thể làm mới bản thân sau 9 năm đi làm?

Tôi luôn cố gắng suy nghĩ tích cực để mang lại kết quả tốt. Suy nghĩ là một quá trình diễn ra hằng ngày. Nếu mang thái độ tiêu cực và ức chế, ta vẫn có thể giải quyết vấn đề nhưng không đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu nhìn vấn đề một cách chủ động và tích cực, ta luôn có được hiệu quả công việc ngoài sức tưởng tượng.

Ngoài ra, việc sống trong một ốc đảo do mình tạo nên mặc dù có thể giúp tôi dễ dàng hình dung ý tưởng nhưng lại khó gọi tên nó ra để trao đổi, triển khai cũng như hiện thực hóa. Thay vì né tránh điểm yếu này, tôi dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp với những người thợ thủ công. Tôi lắng nghe họ chia sẻ kinh nghiệm, quyết định, lý do hoặc phương pháp làm việc. Theo đó tôi có thể điều chỉnh lại yêu cầu của mình, hoặc cùng họ thử nghiệm những phương pháp mới.

Nghề Lạ Vũ Hoàng Anh định hình khái niệm nghề Thiết kế sản phẩm5
“Việc sống trong một ốc đảo do mình tạo nên khiến mặc dù có thể giúp tôi dễ dàng hình dung ý tưởng nhưng lại khó có thể gọi tên nó ra để trao đổi, triển khai cũng như hiện thực hóa.”

Anh có lời khuyên nào dành cho những nhà thiết kế trẻ không?

Người trẻ phải làm thật nhiều để tìm ra phương pháp làm việc hiệu quả và giá trị cốt lõi của bản thân. Hằng năm, có rất nhiều triển lãm mới hay hội chợ thiết kế với những xu hướng mới. Đây vừa là cơ hội để tiếp cận và tìm hiểu thế giới, nhưng vô hình trung lại ảnh hưởng đến quá trình định hình bản thân của các nhà thiết kế trẻ.

Nếu bạn không tự tìm kiếm và khám phá giá trị cốt lõi của mình, không xây dựng phong cách cá nhân thì bạn sẽ luôn là người chạy theo. Tôi quan niệm, trong thiết kế, một người đã chạy theo thì khó mà tự sáng tác được nữa.

Các bạn luôn có thể dừng lại, nhìn lại quá trình làm việc trong quá khứ, trong tương lai và tự đánh giá lại mình. Giá trị cốt lõi rất quan trọng vì nó giúp định hình sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, chính biểu hiện cá nhân của người thiết kế trong sản phẩm sẽ thay bạn giao tiếp với khách hàng.

Xem thêm:

[Bài viết] Nghề Lạ: Hướng dẫn viên ẩm thực và sứ mệnh truyền bá văn hóa Việt

[Bài viết] Takashi Niwa: Kiến trúc đồng điệu thiên nhiên