Shark Linh Thái: Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 02, 2018

Shark Linh Thái: Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam

Shark Linh Thái, Giám đốc chiến lược & vận hành quỹ đầu tư VinaCapital, chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp tại Việt Nam và các kỹ năng cần có của một thủ lĩnh trẻ.

Shark Linh Thái: Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam

Tám năm làm việc trong giới tài chính và khởi nghiệp ở Mỹ, doanh nhân Linh Thái đã xây dựng cho mình một thái độ sống và làm việc ít ai sánh kịp. Sau đó, chị trở về Việt Nam với tư cách là Giám đốc chiến lược và vận hành quỹ đầu tư DFJ VinaCapital, tính đến giờ cũng đã được năm năm. Không dừng lại tại đó, để thật sự hòa nhập vào môi trường khởi nghiệp đầy tiềm năng và cũng không thiếu cạnh tranh của Việt Nam, chị đã xây dựng cho riêng mình một thương hiệu thời trang cũng vừa tròn ba tuổi, mang tên là Rita Phil.

Người ta thường nói rằng nếu đã có gan lập nghiệp thì phải lập từ sớm để không bỏ lỡ cơ hội cả đời. Nhưng liệu đó có phải là tư duy đúng đắn mà cả thế hệ trẻ Việt Nam nên theo đuổi? Đó cũng là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra cho Shark Linh để được lắng nghe về hành trình trở về Việt Nam sinh sống và làm việc của chị.

Shark Linh Thái Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam0

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vậy chị bắt đầu cảm thấy gắn bó với quê hương từ luôn nào?

Tôi trở về thăm Việt Nam lần đầu năm 1993. Hồi đó, phương tiện đi lại vẫn còn là xe đạp. Khi đang học đại học, tôi có về Việt Nam lần nữa với tư cách là khách du lịch. Nhưng lúc bấy giờ, tôi vẫn còn quá trẻ để nhìn thấy những cơ hội ở đây. Nhất là khi bản thân đã quá đỗi quen thuộc với định nghĩa “giấc mơ Mỹ” – đó là khoác lên mình đồng phục chỉnh tề, làm việc trong những tòa nhà cao tầng và dần dần thăng tiến.

Và rồi giấc mơ đó thành sự thật, nhưng rồi tôi nhận ra rằng nó không đáng để mình ao ước. Là người làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, phần lớn thời gian tôi chứng kiến cảnh số dư tài khoản của mình tăng lên nhanh chóng nhưng đồng thời cũng thắc mắc liệu đó có phải là tất cả mà cuộc sống có thể mang lại. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, tôi dành để tìm hiểu về cách để khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc. Và trong rất nhiều những bài viết từng đọc qua, có một câu nói khiến tôi nhớ mãi, “if you do something you truly love, then it won’t feel like work.” (Tạm dịch là: Hãy tìm một công việc mà mình yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc ngày nào trong đời.) Nhưng vấn đề mà tôi, cũng như rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20 mắc phải, đó là không tìm ra được hướng đi cho riêng mình!

Lớn lên, tôi chưa bao giờ có khái niệm về việc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Thậm chí nếu có người nói điều đó sẽ xảy đến trong vòng tám năm tiếp theo, chắc hẳn tôi cũng như nhiều kiều bào khác sẽ chỉ bật cười. Bởi với số đông Việt kiều, quyết định hồi hương và sinh sống lâu dài chỉ là kết quả của một lựa chọn ngẫu nhiên trong số rất nhiều phép thử mà họ làm nhằm tìm ra định hướng cho bản thân.

Shark Linh Thái Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam1

Vậy sự ngẫu nhiên nào đã dẫn dắt chị về với Việt Nam?

Sau tám năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và khởi nghiệp, cộng với hai năm theo đuổi các ngành học kinh doanh, tôi muốn tìm cho mình một cơ hội để được làm việc trong một công ty đầu tư mạo hiểm ở một thành phố xa lạ. Vì ham muốn được chuyển đổi môi trường sống và làm việc mà tôi tìm ra một người bạn học cũ đang làm việc cho một quỹ đầu tư ở Việt Nam ở thời điểm đó. Và may mắn thay, họ cũng đang tuyển dụng nhân viên cho lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Điều đó thật nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, bởi nó vừa là cơ hội để theo đuổi đam mê cũng như khám phá thêm về quê hương Việt Nam của mình. Và tôi biết mình phải nắm bắt cơ hội ngàn năm đó! Sau ba vòng phỏng vấn qua điện thoại, tôi thu xếp hành lý trở về Việt Nam. Khi đó, tôi chưa thể hình dung ra được mình sẽ làm việc với ai hay là sống thế nào ở thành phố Hồ Chí Minh.

Là một người phụ nữ, chị phải trải qua những khó khăn gì khi bắt đầu cuộc sống tại Việt Nam?

Sau 10 năm khởi nghiệp ở Mỹ, trong một môi trường làm việc mà nam chiếm đại đa số, tôi và các đồng nghiệp nữ khác đã quen với cách nói năng và cư xử như một người đàn ông thực thụ – dứt khoát, rành mạch và kiên định giữ vựng lập trường của mình. Vốn sinh ra đã khá “ngỗ nghịch”, tôi thích nghi rất dễ dàng với môi trường làm việc đó.

Nhưng khi về đến Việt Nam, tôi không những phải thích nghi với cách biệt văn hóa mà còn phải học lại cách ứng xử mềm mỏng của người phụ nữ Việt Nam. Ngay từ tuần đầu tiên tại chỗ làm, mọi người bảo cách nói năng và cư xử của tôi quá nam tính (hai năm sống ở New York, bất cứ ai cũng sẽ bảo bạn phải bước thật nhanh thì mới kịp đi hết cả thành phố được.)

Thời gian đầu, tôi vẫn cố chấp giữ nguyên quan điểm là điều đó không sai. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng đó chỉ là những khác biệt văn hóa giữa các dân tộc. Muốn thành công, bạn phải biết thích nghi với sự khác biệt đó.

Đến thời điểm này, nếu giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi vẫn sẽ là một người mạnh mẽ với những cái bắt tay dứt khoát. Nhưng khi đã nói tiếng Việt rồi, tôi sẽ trở nên dịu dàng, từ tốn và nhẹ nhàng chào hỏi. Nhưng dù có thế nào đi nữa, chỉ cần một nụ cười chân thành là đã đủ sức kéo mọi nền văn hóa và các cá tính khác biệt lại với nhau rồi.

Nhưng đừng hiểu sai ý tôi nhé! Đó chỉ là khác biệt trong phong cách ứng xử chứ không phải là để ám chỉ phụ nữ Việt Nam dễ bị thu phục. Bất cứ mối quan hệ nào muốn phát triển cũng đòi hỏi những người trong cuộc phải đồng điệu. Và nếu đã xác định sinh sống và làm việc ở Việt Nam rồi, thì phải biết cách cư xử như một người Việt.

Shark Linh Thái Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam2

Vậy, những hoạch định trong thời gian sắp tới của chị là gì?

Đó là xây dựng thương hiệu Rita Phil, chuyên thiết kế và sản xuất chân váy theo số đo tại Việt Nam. Đối tượng khách hàng chính sẽ đến từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Chúng tôi tự tạo ra các thông số kỹ thuật và phương pháp cắt đo phù hợp với tất cả các hình thể và kích thước, từ size 00 đến size 24.

Phương châm của Rita Phil là phải tập trung thiết kế và phát triển một sản phẩm cho thật hoàn hảo thì mới chiếm được trọn vẹn tình cảm của khách hàng. Nhờ vậy, chúng tôi có rất nhiều khách hàng quay lại mua thêm sản phẩm và giới thiệu cho bạn bè. Dĩ nhiên trong thời gian sắp tới, Rita Phil sẽ mở rộng thêm dòng sản phẩm của mình, nhưng trước hết, làm ra váy để tôn dáng cho chị em toàn cầu là đã vui lắm rồi.

Cái tên Rita Phil bắt nguồn từ bộ phim Ngày chuột chũi (Groundhod Day). Trong phim, nhân vật chính có tên Phill vô tình mắc kẹt trong một lỗ hổng thời gian và phải sống với các sự kiện lặp đi lặp lai. Câu chuyện đó tương tự như điều mà đa số nữ giới hiện nay mắc phải, đó là thức dậy mỗi sớm, nhìn vào tủ quần áo và thở dài không biết mặc gì. Rita Phil ra đời là để kéo phụ nữ ra khỏi vòng lẩn quẩn đó bằng loại trang phục được may đo kỹ lưỡng và tôn dáng.

Chị có thể nói thêm về thương hiệu Rita Phil được không?

Chúng tôi nhận may đo cho mọi kích cỡ, từ size 00 đến size 24. Phạm vi size rộng như thế là điều không phải thương hiệu nào cũng thực hiện được. Với đội ngũ nhân viên toàn là nữ, chúng tôi hy vọng có thể hiểu hết mọi tâm tư của phái nữ khi tìm kiếm trang phục.

Rita Phil bảo đảm sự vừa vặn tuyệt đối cho khách hàng. Nếu khách hàng không vừa ý với sản phẩm, chúng tôi sẵn sàng hoàn trả 100% chi phí hoặc may lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng miễn phí dịch vụ giao nhận và hoàn trả sản phẩm.

Quan trọng hơn hết, Rita Phil muốn mang lại sự tự tin cho phái đẹp bằng cách tôn vinh nét đẹp hình thể của họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung đào tạo và bồi dưỡng cho các nữ nhân viên của mình sao thợ may biết lập trình trang web, kế toán có thể viết tập tin và nhà thiết kế thời trang quản lý được các trang mạng xã hội.

Shark Linh Thái Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam3

Theo chị, có hay không một thời cơ vàng cho người Việt hải ngoại để trở về và khởi nghiệp tại Việt Nam?

Là một trí thức trẻ trên đất Mỹ, bạn sẽ luôn có những cơ hội để được chỉ bảo tận tình. Những năm đầu đại học, bạn sẽ được trau dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp để hòa nhập trong môi trường làm việc. Còn nếu tham gia vào môi trường đoàn thể hay các doanh nghiệp trẻ, bạn sẽ có dịp được chứng kiến mọi người tự chỉ đạo và thực hiện các dự án với cường độ làm việc cực kỳ cao. Không ai có nghĩa vụ phải nhắc bạn đi sớm, chủ động giúp đỡ mọi người và ở lại đến khuya với cả nhóm. Đó là lẽ thường, là luật bất thành văn mà bạn sẽ mang đi khắp chặng đường phía trước.

Vậy nên, theo quan điểm của tôi, nếu có cơ hội, các bạn trẻ trong độ tuổi 20 nên sinh sống ở Mỹ để định hình đạo đức nghề nghiệp và quan trọng hơn cả, đó là học hỏi những kỹ năng làm việc sao cho hiệu quả. Quá trình “khắc nghiệt” đó nên kéo dài trong khoảng vài năm. Tại sao gọi là “khắc nghiệt”? Bởi không phải công việc nào ở Mỹ cũng mang lại những bài học quý giá. Để cho bản thân có cơ hội được rèn luyện, hãy tìm cho mình những công việc mang tính thách thức và khiến bạn cảm thấy sợ hãi nhưng vẫn quyết tâm đương đầu với nó.

Khi bạn đã được trang bị đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm, hãy về Việt Nam! Hữu xạ tự nhiên hương.

Nếu muốn được trò chuyện với chị, mọi người nên tìm đến những nhà hàng hay quán cà phê nào ở thành phố Hồ Chí Minh?

Vì bận rộn với gia đình và việc điều hành công ty, tôi thường hay gọi đồ ăn mang đến. Gần đây, tôi ưa chuộng sản phẩm của JuicElixir, một thương hiệu đồ uống tốt cho sức khỏe được sáng lập bởi nữ thạc sĩ về dinh dưỡng đến từ Cornell. Cô ấy tạo ra những thức uống có thành phần tự nhiên và không đường. Trung bình một ngày tôi uống khoảng từ 2-3 chai để quên đi cơn thèm chocolate, món ăn khoái khẩu của mình.

Nếu cảm thấy muốn “gian lận”, tôi thường tìm đến Gongcha và gọi cho mình một ly trà dừa sủi bọt với 4-5 loại thạch đi kèm. Ngoài ra, tôi cũng rất thích chocolate nóng của Maison Marou.

Những hôm bạn bè ghé thăm, tôi thường dẫn mọi người đến Cục Gạch Quán bởi không gian và món ăn ở đây mang đậm phong cách truyền thống của Việt Nam.

Chị có thể chia sẻ với chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sinh ra và lớn lên ở Mỹ với tư cách là một người Mỹ gốc Việt hay không?

Tôi theo học trung học ở Victorville, một thị trấn nhỏ nằm giữa Los Angeles và Las Vegas. Học tập trong một ngôi trường chỉ có khoảng 30 người châu Á, tôi hoàn toàn không có khái niệm về việc mình là người Mỹ gốc Việt.

Ngày ghi danh vào USC, tôi hào hứng vì nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để gặp gỡ nhiều bạn châu Á hơn. Khi tham gia vào một hội nữ sinh Á châu, có một chị trong hội hỏi tôi thế này, “Vậy cậu là người nước nào ở châu Á?” Tôi khá bối rối vì không cắt nghĩa được câu hỏi.

Tôi nghĩ mình là người Việt Nam. Nhưng tôi cũng nói cả tiếng Trung nữa. Vậy rốt cuộc tôi là người Trung Quốc hay Việt Nam? Đó là điều tôi chưa bao giờ hỏi mẹ một cách dứt khoát.

Ở tuổi 18, lần đầu tiên trong đời tôi biết mình người Trung Quốc 100%. Trong suốt những năm trước đó, tôi chưa một lần đặt dấu chấm hỏi cho nguồn gốc của mình. Bởi sắc tộc và màu da là thứ không nên phân biệt. Tôi là người Trung Quốc, nói tiếng Việt ở nhà, có hàng xóm là người Mexico và kết bạn với những người đến từ Armenia, Philippines.

Shark Linh Thái Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam4

Chị gợi ý cho chúng tôi những nhân vật để trò chuyện tiếp theo được không ạ?

Theo tôi, đó là chị Crystal Lam, người kế thừa và lãnh đạo Vinawood. Tiếp theo đó là chị Julie Huỳnh, người cùng tôi xây dựng và phát triển Rita Phil. Tuy mới về Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng chị đã mang những quan điểm độc đáo đậm chất Việt kiều của mình vào việc đào tạo và trao đổi với các đồng nghiệp Việt Nam. Không thể không kể đến người lãnh đạo nhà xuất bản, định hướng kinh doanh cho Sentifi, chị Huyền Trân cũng như chị Caroline Lê, người sáng lập ra JuicElixir.

Vietcetera chân thành cảm ơn chị đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc chị luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết được dịch bởi Uyen Duong.