Tăng Thanh Hà - Chuyện kinh doanh và những bài học | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
19 Thg 09, 2019

Tăng Thanh Hà - Chuyện kinh doanh và những bài học

Trong tiếp theo của A Working Woman, cùng Vietcetera trò chuyện cùng Tăng Thanh Hà, với tư cách là một nữ doanh nhân, quản lý hệ thống nhà hàng The Crab Shack, và hai thương hiệu thời trang Sunnies Studios Vietnam và HATANG.

Tăng Thanh Hà - Chuyện kinh doanh và những bài học

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.

Sẽ rất khó để có thể viết được những dòng giới thiệu khác với những gì mà người ta từng viết về Tăng Thanh Hà. Ai cũng biết chị từng là một trong những diễn viên hàng đầu trong làng điện ảnh Việt. Khi mà danh tiếng đang ở thời kỳ đỉnh cao và khán giả không ngừng mong ngóng sản phẩm tiếp theo có tên Hà Tăng, chị lại quyết định thử thách mình ở những sân chơi mới, những lĩnh vực mới. Đối với số đông, đó là một ngã rẽ đột ngột, nhưng với chị thì không.

Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, chị vẫn có sức hút nhất định với khán giả và giới truyền thông. Ai cũng tò mò rằng một diễn viên kỳ cựu chuyển hướng sang kinh doanh thì sẽ như thế nào? Chị cáng đáng cuộc sống của một người vợ, người mẹ đồng thời cũng là người làm kinh doanh đa lĩnh vực ra sao?

Cùng chúng tôi tìm hiểu về công việc và những bài học của Hà Tăng qua bài viết dưới đây.

A Working Woman Tăng Thanh Hagrave Chuyện kinh doanh vagrave những bagravei học0

Tăng Thanh Hà tại chi nhánh The Crab Shack Phan Xích Long.Chị có thể chia sẻ những giá trị mà chị trân trọng và không bao giờ thoả hiệp được không?

Trong công việc, có hai giá trị mà chị luôn luôn tôn trọng khi làm kinh doanh, đó là tính chính trực (integrity), và tôn trọng lẫn nhau. Khi làm việc cùng nhân viên và đối tác, chị luôn muốn xây dựng một môi trường làm việc dựa trên hai giá trị này.

Chị có thể chia sẻ về công việc và cuộc sống của mình hiện tại? Đâu là những thứ chị ưu tiên tại thời điểm này?

Hiện tại, chị đang kinh doanh trong hai lĩnh vực, đó là F&B và thời trang. Về F&B, chị đang quản lý The Crab Shack, một chuỗi nhà hàng hải sản gồm 3 chi nhánh. Sắp tới, The Crab Shack sẽ mở rộng ra thị trường phía Bắc.

Còn về thời trang, chị đang vận hành Sunnies Studios Vietnam, thương hiệu mắt kính nhượng quyền. Tháng 12 này, Sunnies cũng có kế hoạch phát triển cửa hàng tại Hà Nội và Nha Trang. Và cuối cùng là HATANG, thương hiệu thời trang do chị sáng lập.

Nói về ưu tiên ở thời điểm hiện tại, thì dĩ nhiên là những thương hiệu mà chị đang vận hành và quản lý. Hơn nữa, vì là người đã có gia đình và hai đứa con, nên chị luôn cố gắng để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình.

A Working Woman Tăng Thanh Hagrave Chuyện kinh doanh vagrave những bagravei học1

Không gian bên trong nhà hàng The Crab Shack.Tại sao chị lại chọn kinh doanh hai lĩnh vực F&B và thời trang?

Đây đều là những lĩnh vực mà chị yêu thích. Từng thử sức với nhiều lĩnh vực nên chị nhận ra là khi làm những công việc yêu thích mình sẽ không cảm thấy mệt hay chán ngán công việc. Mọi thứ nên bắt đầu từ niềm đam mê, từ việc mình biết làm gì và muốn làm gì.

Trong gia đình chị, thành viên nào cũng thích nấu ăn, bản thân chị vốn cũng có niềm đam mê với ẩm thực. Ý tưởng xây dựng The Crab Shack xuất phát từ chính món ăn mà chị hay nấu, đó là hải sản sốt Cajun. Thấy người thân trong gia đình ai cũng yêu thích món ăn này, ông xã chị gợi ý mang món ăn này ra kinh doanh để phục vụ cho nhiều người hơn. Thế là từ một công thức gia đình, hải sản sốt Cajun trở thành công thức cho một nhà hàng. Và hiện tại, khoảng 95% công thức của The Crab Shack cũng là do chị phát triển.

Một niềm đam mê khác của chị là thời trang. Chị nghĩ ai làm diễn xuất thì ít nhiều cũng sẽ có cảm quan thẩm mỹ tốt. Thời trang và ẩm thực là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng đâu đó cũng có sự tương đồng nhất định. Suy cho cùng, cả hai đều là những bộ môn nghệ thuật, thức ăn ngoài vị giác ra cũng cần phải đẹp nữa.

Mọi người thường cho rằng kinh doanh là một hướng rẽ đột ngột trong sự nghiệp của chị, chị nghĩ sao về điều này?

Mọi người thường nghĩ chị bắt đầu từ một diễn viên sau đó rẽ hướng sang làm kinh doanh, nhưng thực tế thì không phải. Diễn xuất và kinh doanh là hai công việc chị làm song song từ rất lâu rồi. Chị từng theo học ngành Thương mại (Business of Commerce – RMIT University), trong quá trình học, chị cũng đã làm qua một số công việc về đầu tư bất động sản, chứng khoán, và truyền thông. Sau khi ra trường, chị muốn làm một công việc đúng với ngành học của mình.

Dĩ nhiên, tính chất công việc diễn xuất và kinh doanh là hoàn toàn khác nhau. Mỗi dự án phim đều có áp lực và khó khăn riêng, thế nhưng khi phim công chiếu cũng là lúc chị hoàn thành vai trò của mình. Sau mỗi dự án, chị được trả mình về số không, và có thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu những dự án khác.

Nhưng kinh doanh thì khác, nó giống như một dự án không bao giờ ngưng nghỉ. Khi bắt đầu làm kinh doanh, chị cũng phải mất một khoảng thời gian để thích nghi với điều này.

A Working Woman Tăng Thanh Hagrave Chuyện kinh doanh vagrave những bagravei học2

“Đừng sợ thất bại và đừng xem thành công của người khác là một sự may mắn.”Một số thế mạnh và điểm yếu của chị trong công việc là…

Chị là một achiever (người thích chinh phục). Lúc nào chị cũng muốn phát triển, muốn có mục tiêu và thử thách mới để chinh phục. Khi hoàn thành hết những mục tiêu mà mình đặt ra trong ngày, thay vì kiệt sức, chị sẽ thấy tràn đầy năng lượng và phấn khởi.

Nhưng đôi lúc, tính cách của một achiever cũng là điểm yếu của chị. Nếu không thể hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, hay thời gian dài không có dự án, thử thách mới, chị sẽ cảm thấy rất khó chịu, đôi khi còn thiếu tự tin vào bản thân mình.(cười)

Chị có thể chia sẻ một số bài học đáng nhớ trong suốt chặng đường sự nghiệp của mình được không?

Giai đoạn đáng nhớ nhất là khi chị bắt đầu một mô hình kinh doanh mới. Có rất nhiều khó khăn cũng như những thứ mà mình cần phải tìm tòi, học hỏi. Chị bắt đầu với F&B từ con số không–không có kinh nghiệm, không có nhiều chi phí đầu tư. Vì muốn tiết kiệm ngân sách, chị chỉ tuyển một vài vị trí cố định, còn lại không có bộ phận nào mà chị không thử làm, từ thu mua, marketing, thu ngân, đến bếp,… Thiếu vị trí nào là chị vào vị trí đó.

Thế nhưng nhờ những lần đội nhiều cái mũ như vậy mà chị học được rất nhiều thứ. Đến bây giờ khi mà mọi thứ đã vào guồng ổn định rồi, chị vẫn tự tin là mình am hiểu tường tận thương hiệu của mình. Đó cũng là cái thú vị của người làm khởi nghiệp.

Sau The Crab Shack, chị cũng có mở 2 doanh nghiệp F&B lấy cảm hứng từ những thương hiệu mà mình thấy ấn tượng trong những chuyến du lịch. Nhưng rất tiếc là cả hai doanh nghiệp này đều không thành công, bởi vì chị tự tin về độ thành công sẵn có của mô hình ở nước ngoài mà không làm nghiên cứu và phân tích thị trường kỹ càng. Chị học được một điều rằng không phải sản phẩm tốt nào cũng thành công, thị trường phải có nhu cầu và tiếp nhận nó. Ngoài ra, khi kinh doanh F&B, địa điểm cũng đóng vai trò rất quan trọng, kết quả kinh doanh (Profit & Loss) cũng phải tốt từ ngay từ những ngày đầu.

Ai là người đã theo sát và chỉ bảo cho chị trong sự nghiệp?

Chị may mắn vì có dịp gặp gỡ với những người đi trước, họ có kinh nghiệm để chia sẻ lại cho mình. Tuy nhiên, nếu nói đến người theo sát chị trong sự nghiệp thì đó chính là chồng chị. Chị sẽ không gọi anh là người dẫn dắt. Đối với chị, anh chính xác là một người bạn đồng hành, vì thời điểm cả hai bắt đầu thành lập những mô hình kinh doanh riêng là tương đồng với nhau. Anh đã bên chị trong những thời điểm khó khăn.

Cho đến tận bây giờ, nếu có gặp khó khăn trong công việc, anh vẫn sẽ là người đầu tiên chị tìm đến để thảo luận và chia sẻ ý kiến. Chị may mắn vì có một người bạn đời, đồng thời cũng là bạn đồng hành trên con đường sự nghiệp.

A Working Woman Tăng Thanh Hagrave Chuyện kinh doanh vagrave những bagravei học3

“Thời trang và ẩm thực là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng đâu đó cũng có sự tương đồng nhất định. Suy cho cùng, cả hai đều là những bộ môn nghệ thuật.”Một ngày thường nhật của chị diễn ra như thế nào?

Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng. Sau khi tập thể dục xong, chị sẽ đánh thức các con dậy, cho hai bé ăn sáng và sửa soạn đi học. Trong lúc đó, chị sẽ chuẩn bị buổi trưa và đồ ăn vặt cho con. Sau đó chị sẽ đưa từng bé đến trường, rồi mới đến văn phòng để làm việc. Lúc nào chị cũng cố gắng hoàn thành công việc sớm để có thể đi đón con. Nếu không thì chị sẽ đi đón con và trở lại văn phòng để tiếp tục công việc.

Chị có lập kế hoạch dài hạn cho mình không?

Chị bắt đầu đi làm từ năm 12 tuổi. Kể từ lúc đó, chị đã biết lập cho mình những kế hoạch 3 năm, 5 năm, và 10 năm. Chị luôn lên những kế hoạch nhỏ để đạt được những mục tiêu lớn. Và vì có kế hoạch rõ ràng nên chị có thể theo sát tiến độ phát triển của công việc cũng như của bản thân.

Thước đo thành công của chị là…

Chị nghĩ không có thước đo cụ thể nào dành cho thành công cả, bản thân mình phải tự học cách hài lòng với cuộc sống hiện tại. Phải biết sống trọn vẹn từng phút, từng giây thì mới cảm thấy hạnh phúc được. Còn nếu cứ phải đo lường xem mình hạnh phúc và thành công chưa, điều đó vô hình trung sẽ tạo ra áp lực cho chính bản thân mình.

Chị nghĩ chúng ta chỉ cần có kế hoạch cho cuộc sống của mình, và từng bước thực hiện những kế hoạch đó. Đồng thời trân quý từng phút giây trên hành trình đó.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều gì khiến chị tự hào và hạnh phúc nhất?

Nói về đời sống cá nhân, điều hạnh phúc nhất chắc chắn là được làm mẹ. Trong công việc, khi đã bước qua tuổi ba mươi, chị cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có.

A Working Woman Tăng Thanh Hagrave Chuyện kinh doanh vagrave những bagravei học4

“Khi hoàn thành hết những mục tiêu mà mình đặt ra trong ngày, thay vì kiệt sức, chị sẽ thấy tràn đầy năng lượng và phấn khởi.”Một người phụ nữ mà chị ngưỡng mộ.

Chị không có hình tượng một người phụ nữ điển hình, nhưng người phụ nữ mà chị ngưỡng mộ nhất chắc chắn luôn là mẹ. Mẹ chị cũng là người từng làm kinh doanh, chính mẹ đã dạy cho chị giá trị của đồng tiền, và kiếm tiền một cách chân chính. Không chỉ là người kinh doanh giỏi, bà còn là một người tài gia nội trợ, biết chăm chồng chăm con. Bản thân chị học được từ mẹ rất nhiều.

Cuối cùng, chị có điều gì muốn nhắn nhủ cùng những nữ độc giả trẻ của Vietcetera ?

Chị là người trẻ, cũng đã trải qua quá trình khởi nghiệp và cũng gặp rất nhiều khó khăn, chị nghĩ suốt chặng đường đó chị rút ra được 4 điều quan trọng.

Đầu tiên là đừng so sánh mình với bất kỳ ai. Mỗi người có một giá trị và thế mạnh riêng. Việc tự so sánh mình với một người khác cũng giống như mình không tôn trọng chính mình. Với thời gian đó, chúng ta có thể tập trung vào việc phát triển bản thân.

Điều thứ hai là các bạn trẻ nên xây dựng cho mình một tư duy tích cực. Đây là thứ nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tư duy ở đây không phải là thứ gì quá to tát, nó bắt đầu bằng một việc rất đơn giản hằng ngày–đó là ngừng nói những câu như “Chán quá”, “buồn quá”… Những câu cửa miệng đó lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bản thân theo hướng tiêu cực. Một tư duy tích cực sẽ tiếp thêm năng lượng, giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn và nhìn nhận cuộc sống theo cách nhẹ nhàng hơn.

Điều thứ ba là đừng sợ thất bại và đừng xem thành công của người khác là một sự may mắn. Chị nghĩ rằng không có ai thành công mà chưa bao giờ trải qua thất bại cả. Nhưng chính những thất bại đó sẽ làm cho bản thân có nhiều kinh nghiệm, nghị lực, và cách xử lý tốt hơn. Bản thân chị thất bại rất nhiều, có những lần thất bại khiến chị không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng cũng từ đó mà chị ngộ ra những thứ mà bản thân nên thay đổi.

Thứ tư là sự kiên nhẫn. Người trẻ làm gì cũng cần kiên nhẫn, để đạt được điều gì đó thì mình phải có kế hoạch, và kiên nhẫn thực hiện kế hoạch đó.

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.