Năm 2004, người đàn ông mang quốc tịch Canada Kelly Wong chuyển đến Việt Nam để làm việc cho tập đoàn HSBC. Sau gần 15 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hiện tại, anh được biết đến với cương vị Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Kido (viết tắt là Kido Group), trước đây là Tập đoàn Thực phẩm hàng đầu Việt Nam Kinh Đô. Những lúc rảnh rỗi, anh thường dành thời gian để đọc sách và chạy bộ.
Nhắc đến Kido Group, có lẽ ai cũng biết đây là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo và thức ăn nhẹ tại Việt Nam. Và kể từ sau thương vụ chuyển nhượng 80% cổ phần cho tập đoàn Mondelez International (gã khổng lồ đằng sau các loại bánh quy nổi tiếng như Oreo và Ritz), nhất cử nhất động của Kido Group và ban lãnh đạo tập đoàn này đều được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế chú ý. Ai cũng tò mò về những bước chuyển dịch tiếp theo của Kido Group, mà cụ thể là thâm nhập thị trường thực phẩm thiết yếu có quy mô lên đến 250.000 tỷ đồng.
Dùng ba từ để mô tả về phong cách quản lý của anh?
Ở cương vị một người quản lý, tôi là người hơi nóng vội, muốn đơn giản hoá mọi vấn đề và đề cao tầm quan trọng của giao tiếp.
Thật lòng mà nói tôi khá thiếu kiên nhẫn với những người xung quanh. Đó là vì tôi không thích dài dòng, mọi vấn đề nên được bàn luận một cách thẳng thắn và thông suốt. Thế nên khi đối diện với một người có xu hướng quan trọng hóa vấn đề hay diễn tả quan điểm một cách dài lòng, tôi thường rất dễ mất kiên nhẫn.
Trong khi giao tiếp, tôi thường cố gắng để diễn tả mọi thứ một cách bao quát nhất. Trong công việc, tôi luôn muốn tín nhiệm mọi người, bởi vì tôi tin rằng mọi người cũng có cùng suy nghĩ như mình. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng không phải như vậy – việc chỉ tín nhiệm mà không giám sát là một quyết định rất rủi ro. Kể từ đó, tôi dành rất nhiều thời gian ngồi xuống thảo luận để chắc chắn rằng mọi người trong đội đều đồng lòng, đồng thuận. Tới thời điểm hiện tại, bước đầu tiên tôi làm luôn là thiết lập giao tiếp chặt chẽ giữa các thành viên trong đội.
Anh thích làm việc và kết bạn với những người như thế nào?
Tôi thích làm việc với những người thông minh và nhạy bén hơn mình. Ở một nơi mà bạn là người thông thái nhất, bạn sẽ không có cơ hội để phát triển và những người xung quanh cũng có xu hướng ít hiểu ý bạn hơn. Vì vậy, tốt hơn là hãy đến những nơi mà bạn có cơ hội được học từ những người giỏi hơn mình.
Mô tả môi trường làm việc lý tưởng của anh.
Môi trường làm việc lý tưởng của tôi là nơi đầy đủ ánh sáng tự nhiên và mát mẻ. Thêm vào đó là yên tĩnh để tôi có thể lắng nghe những bản nhạc mà mình yêu thích. Góc làm việc của tôi ở nhà và ở công ty được sắp xếp tương tự như nhau để tôi có thể cảm thấy thoải mái dù ở bất cứ đâu.
Còn khi làm việc nhóm, tôi tin rằng mọi người phải cởi mở và giao tiếp thẳng thắn thì công việc mới đạt hiệu quả cao, đặc biệt là những khi có bất đồng quan điểm. Thảo luận những bất đồng quan điểm một cách thẳng thắn là cánh cửa dẫn đến những ý tưởng mới và giải pháp vượt trội.
Ai là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của anh?
Đó là người quản lý cấp trên đầu tiên của tôi tại Việt Nam. Anh ấy đã dạy nhân viên của mình về đạo đức làm việc và biết chịu trách nhiệm cho bản thân. Anh ấy cũng dạy cách đối diện với vấn đề của mình và giải quyết chúng. Không những thế, anh ấy còn dạy cả cách chấp nhận lỗi lầm và biết rút kinh nghiệm từ chúng. Có lần anh hỏi tại sao tôi lại thích học mọi thứ một cách trầy trật thế, tôi chỉ đáp rằng không trầy trật thì học bằng cách nào khác bây giờ.
Có vị tác giả hay quyển sách nào góp phần mài dũa kỹ năng kinh doanh của anh không?
Tôi là một người rất thích đọc và thậm chí còn có hẳn một danh sách dài những quyển sách có tác động mạnh mẽ đến mình. Tôi chia chúng ra thành ba thể loại chính: Rèn luyện trí óc, Kỹ thuật chuyên môn và Nuôi dưỡng tinh thần. Theo tôi, tinh thần mạnh mẽ, tâm lý vững vàng và kiến thức chuyên môn sâu rộng là những yếu tố cần thiết để phát triển sự nghiệp. Và tùy thuộc vào mỗi giai đoạn trong đời mà bạn ưu tiên những vấn đề khác nhau.
Anh có thể đưa ra một lời khuyên cho những người bắt đầu thử sức với vị trí quản lý được không?
Phải biết lắng nghe nhiều hơn là phát biểu. Sự tín nhiệm và nể trọng không tự nhiên mà đến, bạn phải lao động vì nó. Bạn có địa vị không có nghĩa là bạn ép mọi người phải nghe theo ý kiến của mình.
Thử thách lớn nhất trong công việc của anh là gì?
Cũng chính là lắng nghe trước khi đưa ra quan điểm của mình. Bởi vì càng lớn tuổi, bạn càng dễ ngộ nhận là mình biết nhiều hơn người khác.
Theo anh, trong kinh doanh, quyền lực nên được trao cho mọi người hay phân chia theo cấp bậc?
Tôi nghĩ quyền lực nên được trao cho những người biết sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Nếu một tổ chức hoạt động dựa trên sự phối hợp giữa nhiều phòng ban khác nhau, thì quyền lực nên được phân chia một cách đồng đều để khuyến khích sự cộng tác. Còn đối với những mô hình kinh doanh cần có định hướng chặt chẽ, thì phân chia quyền hạn theo cấp bậc là hợp lý hơn cả.
Bước đầu tiên trong việc khắc phục một vấn đề nảy sinh giữa nhiều bên khác nhau là gì?
Tôi thấy nhiều người có mâu thuẫn với nhau mặc dù chính họ cũng không biết vấn đề đó phát sinh từ đâu, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là do cách họ nhìn nhận vấn đề không giống nhau. Vì vậy, để giải quyết mọi vấn đề thì trước hết phải hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề đó.
Anh có thường suy nghĩ về những mục tiêu dài hạn không?
Mỗi ngày. Tôi thường lập ra kế hoạch và xem lại để biết chắc rằng mình đang đi đúng hướng. Đó cũng là cách để tôi có thể “ăn mừng” khi hoàn thành một cột mốc nào đó, dù là nhỏ nhất, hoặc tránh khỏi sự hoang mang khi gặp những trở ngại nho nhỏ. Sống và làm việc là học cách kiểm soát những thứ luôn luôn chuyển động không ngừng.
Công việc hiện tại của anh tại Kido Group là gì?
Tôi đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Kido. Hiện chúng tôi đã bán mảng bánh kẹo của Kinh Đô, tuy nhiên vẫn sở hữu những mảng còn lại, trong đó có sản xuất kem lạnh, và dầu ăn.
Được biết, trước khi phụ trách mảng tài chính cho Kido, anh từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Liệu có sự khác biệt nào giữa hai công việc này không?
Tôi từng làm việc cho ngân hàng HSBC Việt Nam. Sau đó, tôi có làm công việc tư vấn cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Và bảy năm sau, tôi đến Kido Group để vận hành bộ máy tài chính của công ty.
Theo tôi nhận thấy, lĩnh vực ngân hàng không còn giống như trước nữa. Trước đây, nó là lĩnh vực khá thú vị và xoay quanh các mối quan hệ. Mọi người thường quan tâm đến những người tài trợ. Nhưng đến thời điểm này, sự kết nối ngày càng mất dần, và họ cũng không thể tự do cởi mở được nữa vì những quy định của nhà nước. Đã từng xoay quay việc tạo dựng mối quan hệ, ngân hàng bây giờ chỉ đơn giản là những giao dịch khô khan.
Còn về lĩnh vực tài chính cho doanh nghiệp, công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức, không những vậy, bạn còn phải hiểu rõ triết lý của thương hiệu, các cấp bậc và thành viên trong đội ngũ. Bạn phải thật sự kết nối với thương hiệu và học hỏi từ những quy luật, điều lệ có sẵn. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sau tất cả, những mối quan hệ không phải là thứ có thể xây dựng chỉ sau một đêm.
Còn nói về quyết định chuyển hướng sự nghiệp, đó là do tôi khao khát được ở lại Việt Nam, và trở thành một phần của sự tăng trưởng và phát triển đang diễn ra ở đây. Vì vậy, tôi thay đổi từ những tập đoàn quốc tế, những nhà cung cấp dịch vụ sang những công ty nội địa. Có như vậy tôi mới học thêm được ngoại ngữ và những đặc tính trong kinh doanh tại Việt Nam.
Khi một người bạn của tôi gia nhập Kido, tôi quyết định mình cũng nên tìm kiếm cơ hội ở đây. Ban đầu chỉ đơn giản là ở lại vài năm để học hỏi, quan sát và kết quả là ở lại công ty đã hơn 7 năm. Hiện trong môi trường làm việc của tôi có khoảng 3000 nhân viên nhưng chỉ một vài người trong số họ là người nước ngoài. Và vì được sáng lập và phát triển bởi người Việt nên bối cảnh văn hóa ở đây cũng phù hợp với nguyện vọng của tôi.
Đâu là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình chuyển tiếp đến công tác tại một công ty Việt Nam?
Thử thách lớn nhất mà tôi gặp phải là vấn đề giao tiếp, rào cản ngôn ngữ, và khác biệt văn hóa. 15 năm trước, tôi không hề biết một từ tiếng Việt, chỉ biết tiếng Quảng Đông và tiếng Trung phổ thông để phục vụ cho công việc tại HSBC. Thế mà khi đến Kido tôi phải làm việc hoàn toàn bằng tiếng Việt, các cuộc họp, email, và thậm chí là thuyết trình bằng ngôn ngữ địa phương. Học cách điều hành hoàn toàn bằng một ngôn ngữ mới, trong một nền văn hóa xa lạ, giống như cưỡi tàu lượn vậy.
Vậy điều gì lại níu giữ anh lại?
Ở đây, tôi có cơ hội được làm nhiều công việc ý nghĩa hơn tôi từng làm tại Canada. Cuộc sống ở đây cũng sôi động hơn vùng Bắc Âu. Nhưng nói thế không có nghĩa là sinh sống ở Việt Nam dễ dàng hơn. Người dân ở đây luôn xây dựng những dự án thú vị, vậy nên lúc nào cũng có những cái mới đang diễn ra. Và tôi thích điều đó.
Đúng là Canada cung cấp một nền giáo dục và y tế miễn phí, nhưng Việt Nam lại mang đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Nó thúc đẩy mọi người làm việc chăm chỉ và sáng tạo hơn. Chính vì vậy mà tôi muốn các con của mình cũng trưởng thành ở đây.
Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo đây?
Các bạn nên trò chuyện với anh bạn chí cốt của tôi, Ralph Matthaes. Anh ấy là người Canadian, từng làm việc tại TNS, và hiện đang sở hữu một công ty riêng mang tên inFocus, chuyên về nghiên cứu thị trường. Anh ấy là một người vui tính và đang tổ chức một giải khúc côn cầu trên băng tại Việt Nam. Ralph là người đã ở đây một thời gian dài để chứng kiến những bước chuyển tiếp mạnh mẽ của thị trường Việt Nam.
Xem thêm:
[Bài viết] CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy và ý tưởng “Đầu tư chỉ với 50.000 VNĐ”
[Bài viết] Jonathan Wong và công cuộc dẫn dắt Maison Fashion Group vào kỷ nguyên tiếp thị nội dung