Trên facebook cá nhân, mình từng kể câu chuyện “Nếu sợ cô đơn, hãy chạy bộ”. Đây là một cột mốc quan trọng trong đời mình. Năm 2018 mình quyết định phải thay đổi bản thân, thoát ra khỏi một trong những thời điểm u ám nhất của cuộc đời với đầy rẫy vấn đề từ bên trong lẫn bên ngoài.
Bạn có thể nhìn lại tấm ảnh chân dung được chụp vào năm 2018 ở phía bên trái để thấy đôi mắt trĩu nặng mệt mỏi của mình. Tới mình cũng không thể tin được người bên trái và người bên phải lại là một người.
Sau khoảng thời gian chỉ biết lao đầu vào công việc, mình bị mất cân bằng và trở thành một phiên bản tồi tệ. Và gần như cùng một lúc, mọi khía cạnh trong cuộc sống từ công việc, tình cảm, sức khỏe của mình đều bị kéo tụt xuống một cách cực kỳ thảm hại, chưa cần tới con COVID nào cả.
Khi ngồi đây viết những lời này, mình chỉ muốn cảm ơn những khoảng thời gian đen tối đã trải qua để trưởng thành hơn, và có những kinh nghiệm mà biết đâu sẽ hữu ích cho những ai đang cần.
Đó là kinh nghiệm về việc xây dựng những thói quen cho 3 “cái tôi” của mình.
Mỗi người đều có 3 “cái tôi”
Khi ở trong tình trạng “chạm đáy,” mình đã dần nhận ra việc quá tập trung cho một khía cạnh duy nhất nào đó của bản thân sẽ tạo ra sự mất cân bằng và khiến cho mọi thứ dễ sụp đổ. Cần phải có cách nào đó phát triển bền vững hơn, và đây là cách mình đã áp dụng.
Mình nhìn bản thân dưới 3 “cái tôi” và phát triển thói quen theo từng nhóm cái tôi đó:
- Body: Cái tôi thể xác, bao gồm sức khỏe thể chất, ngoại hình.
- Mind: Cái tôi tâm trí, bao gồm kiến thức, suy nghĩ, niềm tin.
- Spirit: Cái tôi tinh thần, là thứ ảnh hưởng lên niềm tin, thang giá trị của mỗi cá nhân.
Những khái niệm này thật ra không mấy xa lạ, bạn có thể tìm hiểu nhanh trên Google nên mình sẽ không giải thích kỹ trong bài viết này nữa. Còn một cái tôi có vẻ như ít được nhắc đến hơn là soul - cái tôi linh hồn, mình sẽ nói thêm ở cuối bài.
Thói quen cho cái tôi thể xác (body)
Tôn trọng bản thân. Đây là một trong những thay đổi lớn của mình sau 4 năm. Mình học thói quen quan sát bản thân, chú ý đến những dấu hiệu khác lạ hàng ngày, để kịp thời thay đổi hành vi. Ví dụ như thấy da dễ mẩn đỏ (nghĩa là gan đang hoạt động quá tải) thì phải ngừng ngay việc uống rượu một thời gian.
Tập thể dục. Nó hẳn là một thói quen người ta cứ nói đi nói lại mãi và đã có nhiều lời khuyên. Nhưng với mình, lời khuyên duy nhất là hãy thử nhiều môn thể thao để tìm ra thứ phù hợp, và quan trọng là kiếm được bạn (partner) chơi cùng.
Mình đã tập với huấn luyện viên riêng trong liên tục 4 năm, với cách tạo động lực cho bản thân là hẹn giờ tập trước, rồi bạn ấy sẽ tới sớm hơn 15-30 phút ngồi chờ mình. Lúc đó vì sợ cảm thấy có lỗi nên dù mệt cỡ nào mình cũng sẽ xách đồ đi tập. Thói quen này còn vô tình dẫn đến thêm các thói quen tốt khác đi kèm, như uống nhiều nước lọc hơn vì tập mệt, hoặc chịu khó ăn uống lành mạnh để không uổng công tập tành.
Quan tâm ngoại hình. Cũng vì quan sát bản thân và chịu khó tập tành cho cơ thể cân đối hơn nên mình cũng để tâm đến vẻ ngoài nhiều hơn. Gọi là nhiều hơn nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải, như giữ cơ thể sạch sẽ, quần áo phù hợp dáng người, tóc tai gọn gàng (tranh thủ luôn mỗi lần cắt tóc thì gội đầu để thư giãn). Không cần phải quá đẹp hay cầu kỳ, chỉ cần xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu cũng là thể hiện sự tôn trọng người khác và dễ có thiện cảm hơn từ họ.
Ngủ đủ. Không nhất thiết phải ngủ quá sớm. Hãy ngủ đủ, theo giờ riêng của mình, vì “nếu thế giới cho bạn 99 vấn đề, ngủ sẽ giải quyết 98 trong đó”.
Thói quen cho tâm trí (mind)
Không dán nhãn cảm xúc. Mỗi khi đối diện với sự vật, sự việc mình sẽ cố gắng không dán nhãn ngay cái nào tốt, cái nào xấu, để chỉ nhìn vào đúng bản chất của nó. Vì thành kiến dễ dẫn dắt tới cái nhìn sai lệch. Nhìn vào một ly nước và thấy nó “vơi” một nửa, thay vì “đầy” một nửa, không phải là lạc quan hay bi quan, mà đơn giản là thấy lượng nước chỉ bằng một nửa sức chứa của ly.
Nói “không” nhiều hơn. Chủ động nói “không” nhiều hơn, không chỉ với người khác, mà với cả nhu cầu giải trí ngắn hạn của bản thân, để có thời gian cho tâm trí được nghỉ ngơi.
Dành thời gian ở một mình và chiêm nghiệm mỗi ngày (self-reflection). Thói quen này cực kỳ quan trọng. Nó giúp mình nâng cao khả năng tự nhận thức bản thân (self-awareness), gọi tên và nhìn ra những mẫu hành vi mình cứ lặp đi lặp lại, đánh giá xem kết quả có tạo ra những phiên bản mà mình mong đợi hay không. Mình sẽ nói về điều này kỹ hơn ở bài khác.
Tò mò. Đây không hẳn là thói quen, mà nó là bản tính của mình – không ngừng đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho mọi thứ xung quanh, chỉ dừng lại khi có câu trả lời tạm thỏa đáng. Thật sự quá trình này đã khai mở tâm trí mình rất nhiều.
Khi tò mò, mình cũng đọc sách nhiều hơn, vì sẽ không bao giờ đủ thời gian để tự mình trải nghiệm hết mọi thứ, đọc sách hoặc các nguồn kiến thức khác là cách chủ động và tiết kiệm nhất. Một vài kinh nghiệm nho nhỏ cho bạn:
- Kết hợp giữa đọc vì giải trí và vì chiến lược (cần một loại kiến thức cụ thể) để tránh bị quá tải thông tin.
- Đọc theo chủ đề đang quan tâm một lúc, để tổng hợp lại thành kiến thức.
- Không chỉ đọc, mà còn có thể nghe thêm sách nói tranh thủ khi tập thể dục. Sau khi nghe, mình sẽ mua đọc lại những cuốn có nội dung hay.
Thói quen cho tinh thần (spirit)
Nếu cứ mãi nghĩ ngợi để mở rộng tâm trí, hẳn là mình sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi, lúc này sẽ cần các thói quen tinh thần giúp cân bằng lại mọi thứ.
Phân biệt giữa buồn và tiêu cực. Nỗi buồn không phải lúc nào cũng tiêu cực. Nó giúp cuộc sống phong phú hơn, nên khi buồn, mình chỉ cần đơn giản là chấp nhận nó. Còn tiêu cực là những điều có thể gây tổn hại trực tiếp lên cơ thể hoặc tâm trí, do đó nên học cách phân biệt để không làm cho bản thân bị lún sâu vào tiêu cực.
Uống rượu (ít). Chẳng có gì xấu cũng như tốt hoàn toàn. Một ít rượu giúp mình bớt “lý trí” hơn để thôi cố gắng giải thích những điều còn dang dở. Sẽ còn vui hơn nữa nếu được ngồi uống và nói chuyện với những mối quan hệ thật sự có giá trị. Những người quen, hoặc lạ có thể cho mình thêm góc nhìn khác về điều gì đó mà mình chưa nhận ra.
Tiên trách kỷ, hậu trách kỷ lần nữa. Đổ lỗi hay trách móc những “thực thể” bên ngoài là việc làm lãng phí năng lượng, hãy thử tự trách mình 2 lần. Lần một là để học bài học. Lần hai là để tha thứ bản thân.
Tìm ra các giá trị bản thân, và tôn trọng nó. Mình đã nói về điều này trong bài mất phương hướng. Có một la bàn dẫn đường vẫn tốt hơn là lần mò trong đêm tối.
Mở rộng và điều chỉnh niềm tin. Tôn trọng các giá trị bản thân không có nghĩa là ta sẽ cứng nhắc và giữ khư khư những niềm tin đã có.
Chọn việc làm có ý nghĩa. Mục đích là để đủ kiên trì nhẫn nại với những việc vừa tạo ra giá trị vật chất, vừa có cả giá trị tinh thần.
Dành thời gian với chó/mèo. Với mình, khoảng thời gian dành cho “tụi nhỏ” là giây phút tâm trí chẳng còn lang thang đi đâu cả. Chỉ tập trung quan sát sự đáng yêu và thả lỏng hoàn toàn mọi giác quan.
“Đi trốn” (Đi tới những địa điểm xa lạ, hoặc rất thích thú). Những nơi xa lạ sẽ tạo ra những trải nghiệm mới. Những nơi rất thích thú sẽ tạo cảm giác an bình. Tùy nhu cầu chuyến đi mà mình sẽ chọn nơi đến giữa 2 đặc điểm trên.
Suy nghĩ cuối
Mình nghĩ không có sự tích cực nào về ngoại hình hay năng lực lại có thể ngẫu nhiên mà sở hữu và gìn giữ được lâu dài. Đằng sau đó là sự nỗ lực duy trì nhiều thói quen tốt mà đôi khi ta không thể quan sát hết được. Vì thế việc nghĩ rằng ai đó nổi trội chỉ là nhờ may mắn không chỉ làm ta đánh giá sai người khác, mà nặng hơn là đánh giá sai tiềm năng của bản thân.
Và như đã nhắc ở bên trên, cái tôi cuối cùng – soul, linh hồn – là trung tâm của sự tồn tại. Nó là những gì còn lại sau chặng đường dài thám hiểm thế giới bên ngoài. Nó là mục đích sống của chúng ta, nhưng có thật chúng ta cần tìm mục đích để sống, hay chính việc được sống đã là mục đích? Việc nuôi dưỡng cái tôi này mình xin được bỏ ngỏ để mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ.
Đầu năm chúc bạn có nhiều thói quen tốt.