4 Cách xây dựng tủ đồ trả lời câu hỏi "Hôm nay mặc gì?" | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 07, 2020

4 Cách xây dựng tủ đồ trả lời câu hỏi "Hôm nay mặc gì?"

Một tủ đồ ứng dụng cao sẽ giúp bạn tập trung vào những trang phục giúp bạn tự tin và thoải mái, thay vì chạy theo những xu hướng thay đổi đến chóng mặt.

4 Cách xây dựng tủ đồ trả lời câu hỏi "Hôm nay mặc gì?"

4 Cách xây dựng tủ đồ trả lời câu hỏi "Hôm nay mặc gì?"

Theo Common Project, năm 2016 thế giới tiêu thụ khoảng 107 tỷ đơn vị quần áo và 14,5 tỷ đôi giày. Trước trào lưu thời trang nhanh, nhu cầu tiêu dùng trong thời trang không ngừng thay đổi, và số lượng quần áo trong tủ đồ của chúng ta ngày một tăng lên.

Xây dựng một tủ đồ mang tính ứng dụng cao sẽ giúp bạn tập trung vào những trang phục giúp bạn tự tin và thoải mái, thay vì chạy theo những xu hướng thay đổi đến chóng mặt. Đồng thời, nó còn giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Hơn hết, với một tủ đồ hiệu quả, bạn sẽ không cần mất thời gian trả lời câu hỏi “Hôm nay mặc gì?” vào mỗi sáng.

Sau đây là những cách bạn có thể làm để xây dựng một tủ đồ hiệu quả cho riêng mình.

1. Chỉ mua những món đồ hay mặc

Hầu hết chúng ta đều không thể luân phiên mặc tất cả quần áo mình sở hữu. Những món đồ bị “lãng quên" trong tủ đồ thường nằm sâu trong góc tủ, hoặc bị sờn cũ chỉ sau một lần giặt. Thực tế, ta chỉ đang mặc khoảng 50% tủ đồ của mình.

Hầu hết chúng ta không thể luân phiên mặc hết quần áo mình sở hữu
Hầu hết chúng ta không thể luân phiên mặc hết quần áo mình sở hữu.

Hãy quan sát những món đồ bạn thường mặc nhất. Chú ý đến form dáng, tông màu và chất liệu của những món đồ này. Sau đó, đánh dấu hoặc ghi chép lại những yếu tố trên. Chúng sẽ giúp bạn hiểu hơn về sở thích và phong cách thời trang cá nhân, cũng như làm “kim chỉ nam” cho những lần mua sắm tiếp theo.

2. Không mua sắm theo cảm xúc

Đối với quần áo, chúng ta thường không mua sắm theo kế hoạch. Thực tế, hiện tượng “impulsive buying” (tạm dịch là mua sắm bốc đồng) là kết quả của các yếu tố khách quan như quảng cáo hay các đợt khuyến mãi, giảm giá.

Các thương hiệu thường sẽ tạo ra những cơ hội về tài chính kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quần áo đứng thứ 2 trong số những thứ dễ mua sắm bốc đồng nhất, chỉ sau thực phẩm.

Impulsive buying khiến chúng ta mua những món đồ không cần thiết
Impulsive buying khiến chúng ta mua những món đồ không cần thiết.

Hơn hết, quyết định mua sắm của chúng ta chủ yếu dựa vào cảm xúc, đặc biệt là khi buồn. Mỗi khi gặp chuyện không vui, ta sẽ thường tự trấn an bản thân bằng cách tìm đến các cửa hàng quần áo. Nhưng, liệu pháp “retail therapy” (tạm dịch là mua sắm để giải khuây) thường chỉ có hiệu quả nhất thời và thậm chí còn khiến bạn trở nên bốc đồng hơn trong chi tiêu.

Hiểu được điều này, hãy luôn tỉnh táo trước khi quyết định mua hàng. Quần áo cũng giống như bất kỳ khoản chi nào; hãy có một kế hoạch mua sắm hợp lý để có một tủ đồ hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân.

3. Cân nhắc trước khi mua hàng

Khi đi mua quần áo, đẹp không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Bạn có thể tự hỏi mình những điều sau khi ướm thử một món đồ:

Cô gái đang mua sắm quần áo
Hãy tự hỏi mình những điều dưới đây.


  • “Nó có vừa với mình không?” — Quần áo vừa vặn với cơ thể sẽ tạo cảm giác thoải mái, đồng thời giúp bạn trông gọn gàng và chỉn chu. Hạn chế việc mua một món đồ không vừa và nghĩ rằng mình sẽ giảm cân để mặc nó. Khả năng là bạn không còn nhớ đến chúng khi điều đó xảy ra đâu.
  • “Mình có thể mặc nó với những gì ở nhà?” — Một món quần áo mới nên có khả năng phối cùng nhiều món đồ bạn đã có sẵn. Ghi nhớ điều này cũng sẽ “kìm hãm" bạn mua thêm một món đồ khác đi kèm. Ví dụ, nếu mua một chiếc áo mới, hãy thử nó với chiếc quần bạn đang mặc, hoặc thử kèm những chiếc quần trong tiệm tương tự những chiếc ở nhà.
  • “Mình có thể mặc nó trong những dịp nào?” — Một trang phục linh hoạt sẽ phục vụ cho nhiều mục đích và hoàn cảnh khác nhau. Hãy chọn mua những món đồ vừa phù hợp đi làm và đi chơi. Đối với các dịp như dự tiệc hay ăn cưới, bạn có thể mặc luân phiên những chiếc đầm hay suit, hạn chế việc mua một trang phục chỉ để mặc một lần.

4. Làm gì với quần áo cũ?

Hãy kiểm tra và sàng lọc quần áo định kỳ
Hãy kiểm tra và sàng lọc quần áo định kỳ.

Để duy trì tủ quần áo hiệu quả, hãy kiểm tra và sàng lọc quần áo định kỳ. Đối với quần áo không còn dùng, bạn có thể:

  • Tặng lại cho người thân hoặc bạn bè.
  • Quyên tặng từ thiện hoặc đến những người cần chúng hơn.
  • Rao bán lại những món đồ còn mới tốt. Bạn có thể ký gửi quần áo cũ tại Urban Circular Space (Hà Nội) hoặc CoCo Dressing Room (TPHCM).

Kết

Một tủ đồ hiệu quả sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Không chỉ tiết kiệm không gian tủ đồ, thời gian và chi phí mua sắm, nó còn giúp bạn hiểu hơn về phong cách thời trang của bản thân. Hơn hết, nó sẽ giúp bạn thêm yêu những món quần áo mình đang mặc hàng ngày, và trở thành một người yêu thời trang có ý thức.