Mỗi người chúng ta luôn để lại một ấn tượng nhất định trong tâm trí của những người xung quanh. Đôi lúc bạn không để tâm nhiều đến điều ấy, vì bạn vẫn chỉ đang ở trong một cộng đồng nhỏ với những gương mặt thân thuộc, hoặc vì người mà bạn tiếp xúc quá xa lạ và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn.
Nhưng khi các mối quan hệ ngày càng mở rộng, đặc biệt khi trưởng thành và đi làm, bạn bắt đầu chú ý đến cách nhìn nhận của người khác về mình. Từ đó, bạn dần để tâm đến ngoại hình, cách mình giao tiếp và ứng xử. Quá trình này tự nhiên đến mức bạn sẽ không màng đến việc định danh nó, nhưng những điều này đều cho thấy rằng bạn đang từng bước chăm chút cho ‘thương hiệu’ của bản thân.
Cùng là việc xây dựng ‘thương hiệu cá nhân’, nhiều người rất thoải mái với những gì mình đang thể hiện. Nhiều người khác lại xem nó như một lớp vỏ ngoài, giấu đi cá tính thật và cố duy trì nó trong trạng thái đầy mâu thuẫn ‘đây có thật là những điều mình muốn?’ Thậm chí, thương hiệu bạn đang cố gắng xây dựng đôi khi lại phản tác dụng, khiến người khác đánh giá sai về bạn.
Làm thế nào xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân một cách bền vững, đây là những điều bạn cần lưu ý.
1. Tách bạch giữa ‘thương hiệu’ và ‘hình ảnh’
Không ít người tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân bằng việc trở nên đẹp hơn, ăn mặc phong cách hơn và cố gắng cư xử sao cho mực thước. Thực chất, những điều này chỉ giúp bạn cải thiện về mặt hình ảnh, còn một thương hiệu cần nhiều hơn như thế. Trừ khi thời trang là đam mê của bạn, hay tính chất công việc đòi hỏi bạn phải chú trọng nhiều vào ngoại hình, bạn chỉ cần luôn tươm tất để tôn trọng người đối diện và chính bản thân mình.
Nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos từng chia sẻ: “Thương hiệu cá nhân là những gì người ta kể về bạn khi bạn không có mặt ở đó.” Thoạt nghe có vẻ thương hiệu của bạn phụ thuộc khá nhiều vào góc nhìn của người khác, nhưng những quan điểm đó đều là sự phản chiếu từ hành động và cách làm việc của chính bạn.
Nói đúng hơn, những điều bạn làm sẽ là nhân tố định hình thương hiệu cá nhân của bạn. Vậy liệu bạn có cảm thấy hài lòng khi mọi người nhắc đến bạn như một người ăn mặc rất phong cách, không hơn không kém?
‘The wrong question will never get the right answer’ (Xác định sai vấn đề sẽ không cho ra một giải pháp đúng). Để có một khởi đầu đúng trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân, trước tiên bạn phải xác định những giá trị cốt lõi mà bạn muốn gắn liền với tên tuổi của mình để phát triển nó một cách nhất quán.
2. Xác định điều khiến bạn trở nên khác biệt
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn giới thiệu bản thân ở một môi trường mới. Khả năng cao câu giới thiệu sẽ là ‘Mình là X, làm vị trí A tại công ty B’. Rất nhiều người đã đi làm thường dùng công việc hay nơi làm việc để nói về mình cho những người vừa gặp gỡ. Nếu có 10 người khác cũng giới thiệu về họ như thế thì bạn sẽ khác gì so với họ? Tất nhiên bạn đâu thể tự ba hoa về bản thân rằng mình nổi bật hơn tất thảy những người còn lại.
Nhưng khi người khác giới thiệu bạn cho một người thứ 3, lời giới thiệu sẽ là: “Đây là X, làm vị trí A tại công ty B. Cô/cậu ấy rất nhạy bén và thường có nhiều ý tưởng mới lạ.” Lúc này, biểu hiện trong công việc mới là thứ giúp bạn tạo ấn tượng trước người khác, chứ không phải công việc hay một chức danh nào đó.
Thương hiệu của một cá nhân gồm 2 phần, những việc bạn từng làm và ấn tượng mà bạn để lại cho người khác qua công việc ấy. Bạn có thể ở vị trí cao hoặc không, nhưng những giá trị riêng mà bạn mang đến qua công việc của mình sẽ luôn là thứ tạo ra sự khác biệt.
3. Xây dựng thương hiệu đúng với bản thân
Suy cho cùng, việc xây dựng thương hiệu bản thân là để bạn nâng cao giá trị của chính mình, thắng được sự yêu mến hay tôn trọng của những người khác. Cho nên khi phải loay hoay xác định phương hướng, đôi lúc bạn thường cố gắng lấy một hình mẫu đã giành được sự chú ý của bạn và cố gắng để được như họ.
Điều này không tệ nếu bạn chỉ dừng lại ở mức học hỏi, nhưng sẽ trở thành một ‘thảm họa nội tâm’ nếu bạn hướng đến những điều hoàn toàn trái ngược với bản thân. Hơn nữa, thương hiệu cá nhân sẽ đi theo bạn đến cuối sự nghiệp, thậm chí là cả đời, liệu bạn có thoải mái khi luôn cố gắng theo đuổi một hình tượng không phù hợp suốt chừng ấy thời gian?
Thay vào đó, hãy tự tìm ra điểm sáng của mình và phát huy chúng. Thông thường những người hướng ngoại, hoạt bát, và đặc biệt là có thể thẳng thắn bộc lộ quan điểm luôn có một sức hút cao. Nhưng nếu bạn hướng nội, hãy thu hút những người xung quanh bằng sự thông minh, điềm đạm và tinh tế.
Trong những nhân vật tôi từng phỏng vấn, mỗi người có một cá tính và cách bộc lộ bản thân khác biệt. Có nhiều người cương quyết, bộc trực, nhưng có người lại nhẹ nhàng đầy tính nghệ sĩ, và cũng có những nhân vật khéo léo dung hòa giữa cả hai. Đa dạng trong tính cách là vậy, nhưng giữa họ đều có một điểm chung, đó là hiểu rõ bản thân mình và phát triển cùng với nó.
4. Tối ưu hóa độ phủ sóng có chọn lọc
Ngày nay khi mọi người dành rất nhiều thời gian để online thì các nền tảng mạng xã hội cũng là một phương tiện để bạn có thể quảng bá thương hiệu cá nhân của mình. Nhưng như thế không phải để cổ vũ bạn xuất hiện trên tất cả mạng xã hội. Việc đó sẽ khiến thương hiệu cá nhân của bạn bị rối loạn, đồng thời sẽ mất nhiều thời gian và công sức để bạn cập nhật đầy đủ thông tin khi cần.
Hãy chọn lọc những nền tảng chính phù hợp với lĩnh vực của bạn. Nếu như bạn là một người sáng tạo, hãy tự tin chia sẻ những tác phẩm của mình lên nền tảng như Instagram hay Behance. Nếu thiên về nhân sự bạn cũng có thể chọn LinkedIn làm nền tảng chính để dễ dàng kết nối với nhiều người cùng ngành hơn.
Không nhất thiết phải chọn những nền tảng lớn nếu chúng không tập trung vào những giá trị mà bạn muốn cung cấp. Bạn có quyền chọn cho mình những ‘sân chơi’ nhỏ hơn, hay thậm chí là tạo một trang web riêng và tỏa sáng ở đó.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là một con dao hai lưỡi. Để tránh việc vô tình làm xấu đi hình ảnh của mình, bạn nên hạn chế ‘tự lăng xê’ bản thân quá nhiều. Thay vào đó, hãy chia sẻ những thông tin bổ ích để lan tỏa sự tích cực đến với những người xung quanh.
Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?
[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?