Lớn lên tại Việt Nam, với tôi học cách yêu cơ thể là một cuộc cách mạng từ nhận thức tới hành động kéo dài nhiều năm liền.
Cơ thể là phương tiện trải nghiệm cuộc sống của mỗi người.
Phụ nữ Việt Nam chịu áp lực ngoại hình kinh khủng. Đừng đợi đến khi mình đẹp mới yêu thương cơ thể mình.
Cho phép người khác yêu thương mình để tự mình yêu thương mình hơn.
Nhắc đến tuổi trẻ của mình, tôi thường nhớ lại những lần chán ghét bản thân đến nỗi không dám chụp ảnh. Giờ là một nhiếp ảnh gia, tôi có dịp tâm sự với nhiều bạn trẻ tự ti về ngoại hình. Điều này khiến tôi buộc phải nhìn lại chặng đường mình đi qua.
Học cách yêu cơ thể mình không phải là chuyện dễ dàng và không hề đến tự nhiên. Đối với tôi đó là một cuộc cách mạng từ nhận thức tới hành động kéo dài nhiều năm. Đó cũng là điểm đến sau nhiều chuyến du lịch một mình, những buổi trò chuyện với bạn bè, và rất nhiều suy tư.
‘Yêu thương’ cơ thể không chỉ là một cảm xúc đơn thuần. Nó bao hàm sự biết ơn, trân trọng, cũng như dung thứ cho những điểm không hoàn hảo của bản thân mình. Nó cũng đòi hỏi những cuộc đàm phán tư tưởng giữa cá nhân và xã hội về tiêu chuẩn cái đẹp.
Đây là 4 điều tôi học được trên chặng đường này. Tôi mong chúng sẽ khiến bạn nhìn cơ thể mình khác đi.
1. Cơ thể mình là một cỗ xe
Tôi thường khuyên những ai còn tự ti về ngoại hình dành nhiều thời gian đi du lịch một mình hơn. Khi bước vào một môi trường xa lạ, bạn sẽ thấy cái giá của việc có một cơ thể lành lặn để dựa vào. (Nếu bạn sống với một cơ thể không lành lặn, bạn có nhiều thứ để dạy tôi hơn tôi có cho bạn.)
Tôi từng mập, rồi ốm, rồi mập. Đôi chân tôi từng lành lặn, rồi chi chít sẹo. Da tôi từng nhiều mụn rồi hết mụn. Nhưng có một điều không thay đổi: hình hài này đưa tôi đi khắp mọi nơi và kết nối với mọi người. Tôi có một cái miệng để nói lên những gì mình nghĩ, có tay chân để đứng bếp nấu ăn cho người mình thương, có đôi mắt ngắm hoàng hôn chiều về.
Cơ thể là phương tiện trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Cỗ xe này luôn trung thành với bạn. Khi bạn ốm, cơ thể bạn cố hết sức để hồi phục. Khi bạn gặp nguy hiểm, cơ thể bạn đấu tranh để sinh tồn. Nếu chúng ta có thể đi bộ hay thở mà không gặp quá nhiều khó khăn, chúng ta nợ cơ thể mình một ân nghĩa, một lời cảm ơn. Vì vậy cơ thể bạn luôn xứng đáng một sự đối xử tử tế.
2. Đừng bất công với cơ thể mình
Nhiều người nghĩ chỉ khi đủ đẹp mình mới yêu cơ thể mình được. Tuy nhiên cái đẹp phần lớn là tiêu chuẩn xã hội chứ không phải tiêu chuẩn tự nhiên. Tiêu chuẩn tự nhiên có thể đong đếm với định lượng khoa học; tiêu chuẩn xã hội lại khác nhau trong từng cộng đồng, phụ thuộc vào thẩm mỹ địa phương và bị thao túng bởi ngành công nghiệp làm đẹp.
Ví dụ, bạn cao 1m75 thì theo tiêu chuẩn tự nhiên đi đâu trên Trái Đất bạn cũng đo được 1m75. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn xã hội châu Âu, đàn ông cao 1m75 thường bị chê là thấp so với mặt bằng chung. Ở Việt Nam, đàn ông cao 1m75 được khen là cao hơn mức trung bình.
Bạn có rất ít quyền quyết định chiều cao của mình, nhưng xã hội lại có rất nhiều quyền quyết định chiều cao đó là đẹp hay xấu và định mức giá trị của bạn dựa vào đó. Ở Việt Nam tôi đã tiếp xúc với không ít sự áp đặt chướng tai: da trắng mới đẹp, con gái cao quá là xấu, con trai vai phải rộng, mắt một mí không có duyên…
Chạy theo nét đẹp quần chúng là một cuộc đua ai cũng ít nhiều tham gia. Giải thưởng của cuộc đua này khá hấp dẫn: sự công nhận (nhiều lời khen, rất nhiều lời tán tỉnh), sự thuận lợi (dễ được thiên vị, ưu ái), sự tôn thờ (vương miện hoa hậu). Thực tế mà nói, chừng nào bạn còn sống trong xã hội loài người, bạn sẽ luôn luôn bị ảnh hưởng bởi cuộc đua sắc đẹp.
Nhưng dù bạn chạy đua hăng say thế nào đi nữa, hãy nhớ đây là một cuộc đua của những người có xuất phát điểm không giống nhau, được tài trợ bởi những công ty bán nước tăng lực. Họ cần bạn chạy để họ bán được nước. Họ cần bạn ham muốn cái đẹp để họ bán được quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ thẩm mỹ.
Tôi không bài trừ ngành công nghiệp làm đẹp vì tôi cũng là một phần của nó. Nhưng tôi thấy buồn khi người ta ám ảnh chạy theo cái đẹp như một con rối bị giật dây. Mọi người không nhận ra họ đang chạy theo những phán xét bất công với cơ thể mình.
Có một thang tiêu chuẩn tốt hơn để bạn theo đuổi, đó là sức khỏe. Ăn uống tập luyện lành mạnh để tinh thần phơi phới, trang điểm một chút để thấy hứng khởi. Sức khỏe tốt thì thần thái tốt. Đẹp kiểu này bền hơn.
3. Đừng rơi vào cạm bẫy kỳ vọng của ‘phái đẹp’
Là một nhiếp ảnh gia, tôi bầu bạn với nhiều người mẫu. Có một câu chuyện ngành luôn khiến tôi ngạc nhiên: người mẫu càng biết mình đẹp thì càng hà khắc với bản thân, càng không dung thứ với những ‘khiếm khuyết’ trên cơ thể mình. Những lời khen ngợi liên tục tạo cho họ áp lực mình phải hoàn mỹ như xã hội kỳ vọng.
Đặc quyền của ‘phái đẹp’ đi kèm với nghĩa vụ phải duy trì vẻ đẹp ấy, và vô vàn nỗi sợ. Họ sợ phải để mặt mộc. Họ sợ người khác nhìn thấy những nét rất ‘người’ của mình, như lông tay hay một nốt mụn. Một lời chê bai vu vơ cũng khiến họ hốt hoảng chi tiền sửa chữa.
Sinh sống và làm việc qua vài châu lục, tôi nhận ra ở những nước châu Á đặt nặng tư tưởng giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam), phụ nữ chịu áp lực ngoại hình kinh khủng hơn ở những xã hội hướng tới bình đẳng giới. Kể cả bạn không phải là người mẫu, diễn viên, khi vẻ ngoài của bạn không làm nên cơm ăn áo mặc, bạn vẫn sẽ dễ dàng hứng chịu những lời bình phẩm khắt khe từ người khác.
Khi ai đó tự ti về ngoại hình, lời khen chỉ giúp xoa dịu tạm thời. Để bắt đầu gỡ bỏ những hà khắc này, người đó cần hiểu rõ tác động của những tiêu chuẩn xã hội lên bản thân mình. Từ đó, họ mới chủ động điều chỉnh những ảnh hưởng này về mức cân bằng.
Tôi nghĩ những người phụ nữ tự ti về bản thân mình và miệt thị ngoại hình của nhau là vấn đề của cả một xã hội. Không ai thích sống trong không khí soi mói và thiếu tôn trọng. Chúng ta cần bắt đầu tạo nên một văn hóa mới nơi ‘phái đẹp’ là một từ vô nghĩa, và nơi không ai là nạn nhân của những lời bình phẩm vô ý tứ từ người khác.
4. Cho phép người khác yêu thương mình
Lớn lên tại Việt Nam, tôi trải qua tuổi dậy thì ‘hờn dỗi’ cơ thể mình như hầu hết các bạn khác. Tôi may mắn có bạn trai tâm lý và kiên nhẫn. Anh dành thời gian hiểu tại sao tôi lại hà khắc với bản thân, phân tích cho tôi gần như tất cả những gì tôi đang nói với bạn, và đối xử với tôi rất tốt tới khi tôi tin mình xứng đáng được yêu thương.
Tôi học từ anh cách khiến người khác nhận ra giá trị của họ. Anh tạo nên một tiêu chuẩn kết bạn của tôi sau này: tôi không kết thân với những người có thói miệt thị ngoại hình của người khác, và tôi giữ lại những người biết nhìn nhận tôi một cách toàn diện.
Tôi nhận ra rất khó để xây dựng một cái nhìn tích cực về cơ thể mình nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sự thật là chúng ta không thể độc lập tư tưởng hoàn toàn với số đông những người xung quanh mình. Môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều tới cách bạn nhìn nhận bản thân.
Bạn phải tìm đến và dũng cảm mở lòng với những người dám nghĩ sâu sắc hơn về những tiêu chuẩn ngoại hình. Bạn cũng cần cách ly tư tưởng của mình với những nguồn ảnh hưởng tiêu cực, dù từ một nhóm người hay từ mạng xã hội.
Nói cho cùng mỗi cơ thể là một phương tiện truyền đạt giá trị chứ không phải một chiếc bát sứ. Những sứt mẻ trên bề mặt không nên quyết định giá trị của chúng ta. Tôi xin kết bài bằng ‘bản tuyên ngôn’ cô bạn người mẫu của tôi vẫn hay nói, “Làm đẹp để có show, nhưng sống thế nào để khi mình ‘xấu’ vẫn có người thương.”