4 Thuật ngữ để hiểu về màn ra mắt của VinFast tại sàn chứng khoán NASDAQ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
18 Thg 08, 2023

4 Thuật ngữ để hiểu về màn ra mắt của VinFast tại sàn chứng khoán NASDAQ

85 tỷ USD vốn hóa là một con số rất ấn tượng. Nhưng đó chưa chắc đã là chứng nhận cho giá trị của VinFast hay tiềm năng phát triển của doanh nghiệp này tại Mỹ.
4 Thuật ngữ để hiểu về màn ra mắt của VinFast tại sàn chứng khoán NASDAQ

Nguồn: Business Wire

Vào tối ngày 15/8 theo giờ Việt Nam, công ty VinFast chính thức ra mắt sàn chứng khoán NASDAQ tại New York bằng lễ rung chuông niêm yết mã cổ phiếu. Từ thời điểm này, VinFast trở thành công ty niêm yết đại chúng tại Mỹ, với cổ phiếu có thể giao dịch trên thị trường nước này, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình chinh phục thị trường ô tô lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VFS của VinFast có giá cao và đẩy mức vốn hóa của công ty lên 85 tỷ đô - con số mà nhiều đơn vị truyền thông nói rằng cao hơn nhiều công ty xe điện hay ô tô truyền thống nổi tiếng như Li Auto, Ford, BMW.

Cách nói này dù không sai về lý thuyết, nhưng có thể khiến độc giả hiểu lầm về giá trị của VinFast và cách thị trường chứng khoán hoạt động. Nếu vội kết luận về vị thế hiện tại của VinFast và những hứa hẹn trong tương lai qua con số 85 tỷ, ta dễ ngộ nhận do chưa nắm được đầy đủ thông tin.

Để có cái nhìn rõ hơn, bốn từ khóa sau đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về thị trường chứng khoán tại Mỹ, cách mà nó hoạt động, và mối liên hệ với sự kiện niêm yết của VinFast.

1. Special purpose acquisition company (SPAC)

SPAC - tức Công ty mua lại với mục đích đặc biệt - là một hình thức doanh nghiệp tạo ra để mua lại doanh nghiệp khác, hoặc để cho doanh nghiệp khác mua lại mình. Thông qua quá trình này, doanh nghiệp mua lại hoặc được mua lại thông qua SPAC sẽ có thể nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sở dĩ có SPAC là bởi, một doanh nghiệp muốn niêm yết phải thông qua quy trình chào bán lần đầu ra công chúng và một số quy định liên quan - quy trình này gọi là IPO, mất từ sáu tháng tới hơn một năm. Quy trình tốn thời gian như vậy bởi doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu của một công ty đại chúng.

Các doanh nghiệp SPAC ra đời như một lựa chọn thay thế, giúp các đơn vị muốn lên sàn chứng khoán có thể đẩy nhanh quy trình. Để có thể làm điều này, các nhà tài trợ sẽ lập ra một công ty rỗng, không có hoạt động kinh doanh cụ thể, cũng không mang lại dịch vụ hay sản phẩm nào. Đây sẽ là cái vỏ để doanh nghiệp khác muốn lên sàn chứng khoán có thể trám vào sau khi việc mua lại diễn ra.

17aug202324008jpeg
Số lượng các doanh nghiệp SPAC tại Mỹ đã IPO thành công, tính theo năm. | Nguồn: Statista/SPAC Insider

Sau khi đã thành lập, doanh nghiệp SPAC sẽ tiến hành gọi vốn thông qua quy trình IPO rồi tìm kiếm công ty khác để mua lại hoặc sáp nhập vào công ty đó. Như vậy, doanh nghiệp SPAC đã thực hiện quy trình IPO thay cho doanh nghiệp kia, để tới khi hai bên về chung một nhà thì đã có chỗ trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp SPAC và trở thành công ty đại chúng.

Trong trường hợp của VinFast, công ty này đã mua lại một doanh nghiệp SPAC có tên Black Spade Acquisition vào ngày 10/8. Chỉ 5 ngày sau, VinFast niêm yết với mã VFS, còn các nhà tài trợ và nhà đầu tư của Black Spade Acquisition thu hồi lợi nhuận nhờ phi vụ sáp nhập.

2. Market Value of Equity

Market Value of Equity, còn gọi là market capitalisation, tức giá trị vốn hóa thị trường (gọi tắt là vốn hóa) là tổng giá trị của số cổ phần mà một công ty niêm yết. Nói cách khác, đây là giá trị của công ty theo thị trường chứng khoán. Bên cạnh giá trị doanh nghiệp (enterprise value) và giá trị sổ sách (book value), vốn hóa là đại lượng khác để đo lường quy mô của doanh nghiệp.

Công thức để tính vốn hóa thị trường là: (số lượng cổ phiếu đang lưu hành) x (giá mỗi cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch). Tới đây, có lẽ tất cả đều đã nhận ra rằng giá trị vốn hóa thị trường không những không cố định, mà còn có thể thay đổi liên tục theo từng ngày theo đà tăng hay giảm của cổ phiếu.

Đây chính là đơn vị gắn với con số 85 tỷ USD mà ta thấy trên truyền thông khi theo dòng sự kiện này. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, VinFast có 2.3 tỷ đơn vị cổ phiếu đang lưu hành trên NASDAQ, mỗi cổ phiếu có giá 37.01 USD. Lấy 2.3 tỷ đơn vị cổ phiếu nhân với 37.01 USD, ta có con số vốn hóa như trên. Tới khi chốt phiên giao dịch ngày sau đó (16/8), mã VFS đã giảm còn 30.11 USD, khiến cho vốn hóa VinFast còn khoảng 69.5 tỷ USD.

3. Floating stock

Floating stock, tức cổ phiếu lưu động, là khối lượng cổ phiếu có thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Số lượng cổ phiếu lưu động chính là một trong hai đơn vị dùng để tính giá trị vốn hóa thị trường nêu trên.

Sở dĩ định nghĩa cổ phiếu lưu động như vậy là bởi có những cổ phiếu không dùng để giao dịch. Đó là những cổ phiếu do nhà đầu tư hay nội bộ công ty nắm giữ, hoặc những cổ phiếu đang bị hạn chế giao dịch.

Cách tính cổ phiếu lưu động là: (tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) - (số lượng cổ phiếu nội bộ + số lượng cổ phiếu hạn chế).

Trong số các cổ phiếu đang lưu hành của VinFast, trên 99% thuộc quyền sở hữu nội bộ. Điều này có nghĩa là số cổ phiếu lưu động đang được giao dịch ở NASDAQ chỉ là một số rất ít. Chính vì lượng lưu động thấp nên mã VFS đã có những phiên tăng giảm mức độ cao, thể hiện qua chênh lệch giá trị lớn và khối lượng giao dịch thấp.

4. Pump and dump

Pump and dump, tạm dịch là “nâng rồi thả,” là hành động thổi giá của một loại cổ phiếu vượt lên giá trị thực của nó. Thuật ngữ này mô tả một quá trình với hai hành động là mua vào (pump) và bán ra (dump), cả hai đều thực hiện với một khối lượng cổ phiếu lớn tới rất lớn.

Đầu tiên, các cá mập sẽ mua một lượng cổ phiếu được chọn để pump. Sau đó, họ sẽ tung ra những nguồn tin được cho là tin mật về hoạt động kinh doanh hay tình hình nội bộ của doanh nghiệp, hoặc là những lời hứa hẹn về tương lai phát triển dù là ngắn hạn hay dài hạn. Dần dần, nhiều người mua hơn, khiến khối lượng giao dịch lớn hơn, đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Tới khi cổ phiếu đã đạt tới mức giá trị cao hơn rất nhiều lần, các cá mập sẽ dump - bán đi hầu hết hay toàn bộ cổ phiếu mà mình đang nắm giữ để thu lời từ chênh lệch giá trị. Khi đó, giá không những ngừng tăng mà sẽ bắt đầu chu kỳ giảm, cùng với đó là cả khối lượng giao dịch. Điều này sẽ khiến giá cổ phiếu lao dốc.

Đây là một kiểu hành vi thao túng thị trường mà nạn nhân là những nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm hay lướt sóng bất thành. Không chỉ có trong cổ phiếu, pump and dump còn xuất hiện cả ở thị trường tiền mã hóa.