IPO là gì? Những thuật ngữ nào xoay quanh IPO? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 04, 2021

IPO là gì? Những thuật ngữ nào xoay quanh IPO?

Có gì liên quan đến thủ tục chào bán công ty trên sàn chứng khoán?
IPO là gì? Những thuật ngữ nào xoay quanh IPO?

Quyết định IPO đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp | Nguồn: VinFast

Ngày 12/04 vừa qua, tờ Bloomberg đưa tin tập đoàn Vingroup đang xem xét thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với VinFast.

Theo đó, thương hiệu ô tô của Việt Nam đang làm việc với các tổ chức tư vấn để có thể tiến hành IPO ngay trong quý II. Nếu thuận lợi, đợt IPO có thể thu về 3 tỷ USD với mức định giá doanh nghiệp dự kiến thấp nhất khoảng 50 tỷ USD.

Quyết định IPO đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, và là cột mốc quan trọng trong hành trình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Trong bài viết này, Vietcetera sẽ giới thiệu những thuật ngữ cơ bản cần biết xung quanh việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

1. IPO

IPO là từ viết tắt của Initial Public Offering, chỉ quy trình chào bán công ty lần đầu ra công chúng bằng cách phát hành cổ phiếu.

Phát hành cổ phiếu ra công chúng cho phép các công ty tư nhân huy động vốn từ các nhà đầu tư đại chúng. Quá trình phát hành và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ làm gia tăng đáng kể lượng tiền mặt và vốn trong thời gian ngắn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tài chính mới.

Việc IPO cũng giúp tăng chất lượng và độ chính xác trong các báo cáo tài chính của công ty, giúp tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Stock index

Stock index là chỉ số thị trường chứng khoán, dùng để đo lường thể hiện giá của các rổ mã chứng khoán bằng cách sử dụng các số liệu và phương pháp luận được tiêu chuẩn hóa.

index
Biến động chỉ số VN Index trong cả năm 2018 | Nguồn: VNDirect

Stock index có thể là một chỉ số rộng thể hiện hiệu suất của toàn bộ thị trường chứng khoán, hoặc mang tính chuyên biệt hơn chẳng hạn như thể hiện hiệu suất của một ngành hoặc phân khúc cụ thể.

Nắm bắt những chỉ số 'index' của một sàn chứng khoán giúp các nhà đầu tư hiểu được 'sức khỏe' của sàn chứng khoán đó.

3. Market capitalization

Market capitalization (thường được gọi tắt là 'market cap') là giá trị vốn hóa của một công ty, đề cập đến giá trị của một công ty được xác định bởi thị trường chứng khoán. Nó được định nghĩa là tổng giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành.

Để tính vốn hóa thị trường của một công ty, chúng ta nhân số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá trị thị trường hiện tại của một cổ phiếu. Ví dụ, một công ty có 20 triệu cổ phiếu bán với giá 100 USD một cổ phiếu sẽ có vốn hóa thị trường là 2 tỷ USD.

Theo Bloomberg, giá trị vốn hóa của VinFast dự kiến đạt mức 50 tỷ USD sau IPO. Với mức định giá này, giá trị vốn hóa của VinFast sẽ sánh ngang các doanh nghiệp ôtô lâu đời của thế giới như Honda (khoảng 50 tỷ USD) hay Hyundai (khoảng 51 tỷ USD).

Sau khi một công ty niêm yết cổ phiếu và bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán, giá của cổ phiếu đó được xác định bởi nguồn cung và nhu cầu trên thị trường. Vốn hóa thị trường do đó trở thành công cụ trong thời gian thực để ước tính giá trị của một công ty.

4. Financial statement

Financial statement là báo cáo tài chính, gồm những văn bản ghi chép lại các hoạt động kinh doanh và kết quả hoạt động tài chính của một công ty.

Báo cáo tài chính thường được kiểm toán bởi các cơ quan chính phủ, kế toán và doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác cho các mục đích hoạt động về thuế, tài chính hoặc đầu tư.

Các báo cáo tài chính được sử dụng bởi các nhà đầu tư, nhà phân tích thị trường và các chủ nợ để đánh giá sức khỏe tài chính và tiềm năng lợi nhuận của một công ty. Một báo cáo tài chính đầy đủ thường bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

ipo
Một ví dụ về báo cáo lưu chuyển tiền tệ | Nguồn: Bench Accounting

5. Due dilligence

Due dilligence là cuộc thẩm định công ty hoặc cổ phiếu một cách có hệ thống để phân tích và giảm thiểu rủi ro cho quyết định kinh doanh hoặc đầu tư. Đây là thủ tục quan trọng cần vượt qua trước khi một doanh nghiệp chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Việc thẩm định có thể được thực hiện bởi các nhà phân tích tài chính, nhà quản lý quỹ, nhà môi giới, nhà đầu tư cá nhân và các công ty đang xem xét mua lại các công ty khác. Trong thế giới tài chính, 'due dilligence' diễn ra thường xuyên chứ không nhất thiết giới hạn ở các công ty chuẩn bị IPO.

Mục tiêu của quá trình thẩm định doanh nghiệp trước IPO là phân tích tính bền vững của mô hình kinh doanh, mức độ cạnh tranh, tiềm năng giải ngân cũng như đánh giá các cơ hội và rủi ro tiềm ẩn trong môi trường thương mại và pháp lý.

Bloomberg cho biết VinFast có ý định niêm yết và giao dịch trên Sàn chứng khoán New York (NYSE). Thủ tục 'due dilligence' của VinFast do đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của NYSE về tài chính và cơ cấu cổ đông. Theo đó, một công ty muốn niêm yết trên NYSE cần có ít nhất 400 cổ đông và tỉ lệ cổ phần tối thiểu do công chúng nắm giữ bắt buộc phải ở mức 1,1 triệu cổ phiếu.

6. Float

Thuật ngữ 'float' đề cập đến các cổ phiếu thông thường mà một công ty đã phát hành ra công chúng để các nhà đầu tư có thể giao dịch. Con số này được tính bằng cách lấy số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty và trừ đi số lượng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

Cổ phiếu bị hạn chế có thể bao gồm cổ phiếu do thành viên công ty nắm giữ nhưng không thể giao dịch vì chúng đang trong giai đoạn 'lock-up' sau khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Bằng cách xác định số lượng cổ phiếu bị hạn chế so với số lượng cổ phiếu lưu hành, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về cơ cấu sở hữu của công ty.

'Float' của một công ty là con số quan trọng đối với các nhà đầu tư vì nó cho biết số lượng cổ phiếu đang có sẵn để giao dịch.

7. Liquidity

Liquidity có nghĩa là tính thanh khoản. Tính thanh khoản đề cập đến mức độ dễ dàng và nhanh chóng một tài sản có thể được mua hoặc bán.

ipo
Tính thanh khoản đề cập đến mức độ dễ dàng và nhanh chóng một tài sản có thể được mua hoặc bán | Nguồn: IG Bank

Tiền mặt thường được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì nó có thể được chuyển đổi thành các tài sản khác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các tài sản hữu hình, chẳng hạn như bất động sản, đồ mỹ nghệ và đồ sưu tầm đều có tính thanh khoản thấp hơn.

Trên thị trường chứng khoán, tính thanh khoản của cổ phiếu đề cập đến mức độ nhanh chóng một mã cổ phiếu có thể được mua hoặc bán mà không ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu đó. Khi sở hữu cổ phiếu có tính thanh khoản thấp, nhà đầu tư sẽ khó bán được số cổ phiếu đó, dẫn đến nguy cơ thua lỗ tăng cao.

8. Stock price

Stock price là giá cổ phiếu, cho biết giá trị bằng tiền hiện tại của nó đối với người mua và người bán. Nếu có nhiều người mua hơn người bán, giá cổ phiếu sẽ tăng. Nếu có nhiều người bán hơn người mua, giá sẽ giảm.

Trên thị trường chứng khoán, giá của mỗi mã cổ phiếu được hiển thị theo 3 mức.

  • Floor price: là giá sàn của cổ phiếu. Giá sàn là mức giá thấp nhất trong một phiên giao dịch mà một cổ phiếu có thể giảm.
  • Ceiling price: là giá trần của cổ phiếu. Giá trần là mức giá cao nhất trong một phiên giao dịch mà cổ phiếu có thể tăng lên.
  • Reference price: là giá tham chiếu của cổ phiếu. Giá tham chiếu là giá đóng cửa (hay giá thực hiện của lần khớp lệnh cuối cùng) của ngày giao dịch trước đó. Đây cũng là cơ sở để xác định giá trần và giá sàn của ngày giao dịch hiện tại.