Những chấn thương thời thơ ấu có thể diễn ra theo cách mãnh liệt hay thầm lặng. Nhưng chúng đều có chung một hình hài, đó là đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta.
Theo nhà tâm lý học Carl Jung, “đứa trẻ bên trong” thực ra chính là chúng ta khi còn nhỏ, song nó không “lớn” lên khi số tuổi của ta tăng. Nó lưu giữ tất cả kỷ niệm và cảm xúc mà ta trải qua, đặc biệt trong những năm tháng đầu đời khi ta chưa thể sống độc lập.
Tuy nhiên, những đứa trẻ ấy cũng dễ bị tổn thương từ lời nói và hành động tiêu cực của người khác. Một khi bị thương, chúng sẽ tác động xấu đến cách ta suy nghĩ và hành động khi trưởng thành, cũng như các mối quan hệ xã hội quanh ta.
Theo chuyên gia trị liệu Sarah Pacaro, dưới đây là 4 vết thương lòng mà đứa trẻ trong ta có thể đang chịu đựng:
Vết thương tội lỗi (guilt wound)
Người mang vết thương này luôn cảm thấy tội lỗi, dù họ không làm gì sai. Nếu gặp vấn đề gì, họ rất ngại nhờ người khác giúp đỡ. Thay vào đó, họ thường tự mình tìm cách giải quyết, và rồi cảm thấy đơn độc.
Trong công việc, họ thuộc tuýp người dễ an phận, ngại đàm phán tăng lương hay đấu tranh cho quyền lợi của mình. Trong mối quan hệ với người khác, họ né tránh việc đặt ra các giới hạn vì cho rằng như vậy là có lỗi với đối phương.
Hệ quả là họ dễ bị hoặc lợi dụng bởi những người thích thao túng họ bằng cảm giác tội lỗi. Về lâu dài, điều này tăng nguy cơ bị lôi kéo vào những mối quan hệ độc hại.
Nguyên nhân: Những người có vết thương tội lỗi thường bị thao túng cảm xúc khi còn nhỏ. Họ có cha mẹ thích sử dụng cảm giác tội lỗi để khiến họ nghe lời. Họ được nuôi dưỡng theo kiểu “yêu thương có điều kiện”, có nghĩa là để được yêu thương và chăm sóc, họ phải luôn làm vừa lòng cha mẹ. Cảm giác tội lỗi này dần dần kiểm soát cách họ tương tác với người khác.
Vết thương bị bỏ rơi (abandonment wound)
Người mang vết thương này lúc nào cũng cảm thấy như người thừa trong gia đình, hay trong nhóm xã hội mà họ thuộc về. Họ cảm thấy mình luôn bị bỏ rơi, không có tiếng nói trong các vấn đề chung của gia đình hay cơ quan. Họ có thể vẫn có một nhóm bạn thân, vẫn đi ăn đi chơi cùng họ, nhưng lại luôn cảm giác mình bị bỏ mặc.
Những người này cũng thường có mối quan hệ đồng phụ thuộc trong tình yêu. Họ ghét ở một mình hoặc phải tự mình ra quyết định, và phần lớn thời gian lệ thuộc vào đối phương. Hệ quả là họ dễ thu hút những người thiếu vắng cảm xúc, gặp khó khăn trong việc hiểu nhau khi yêu.
Nguyên nhân: Họ có cha mẹ hiếm hoặc không thể hiện tình cảm với con. Cha mẹ họ không động viên, khích lệ dù con làm điều tốt, cũng như không an ủi hoặc hỗ trợ con khi cần thiết. Một trường hợp khác là họ bị phân biệt đối xử so với anh chị em, trở thành “con cừu đen” trong nhà. Điều này hình thành cảm giác “người thừa”, cản trở họ xây dựng các mối quan hệ lành mạnh khác.
Vết thương lòng tin tưởng (trust wound)
Người mang vết thương này không tin tưởng chính mình hay bất cứ ai khác. Trong công việc, họ ôm đồm quá nhiều và ngại giao việc cho người khác. Khi có cơ hội thăng tiến, họ thường lo lắng vì không tin tưởng vào khả năng của mình.
Trong mối quan hệ, họ thường xuyên thấy bất an và cần đối phương trấn an liên tục. Họ cũng nhạy cảm và nhiều khi hành xử cảm tính, khiến đối phương gặp khó khăn trong việc nắm bắt cảm xúc và mong muốn của họ. Nói cách khác, họ sợ bị tổn thương và thu hút những người cũng thiếu cảm giác an toàn, dẫn đến những mối quan hệ không ổn định.
Nguyên nhân: Những người này thường bị ngược đãi trong quan hệ với người mà họ tin tưởng sẽ mang lại cảm giác an toàn. Chẳng hạn, họ bị cha mẹ đối xử thậm tệ, bị bắt nạt ở trường học hoặc bị lạm dụng tình dục. Một số trường hợp có vết thương lòng tin do phải trưởng thành quá sớm, dẫn đến lo toan nhiều và không yên tâm giao việc cho người khác.
Vết thương bị chối bỏ (neglect wound)
Nói không hay buông bỏ dường như là “nhiệm vụ bất khả thi” với người mang vết thương này. Họ không dám chối từ những yêu cầu vô lý từ cấp trên hay người yêu, dù trong lòng rất bực bội. Họ thường thiếu ý thức về giá trị bản thân và sợ việc mở lòng với người khác.
Người có vết thương bị chối bỏ cũng thường kìm nén cảm xúc thay vì chấp nhận chúng. Điều này khiến họ dễ tức giận và nhiều khi đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.
Họ có thể biết rõ bản thân đang trong mối quan hệ độc hại, nhưng không dám dứt ra. Nếu có, thì họ cũng phải mất rất lâu mới quên được người kia. Điều này khiến họ dễ bị lợi dụng bởi những người không coi trọng hay ghi nhận những cố gắng của họ về mọi mặt.
Nguyên nhân: Người mang vết thương bị chối bỏ thường bị bỏ mặc về cảm xúc khi còn nhỏ. Cụ thể, họ không được phép có những cảm xúc tiêu cực như buồn hay nhớ nhung, cũng như không được khóc vì đó là biểu hiện của yếu đuối. Họ cũng có thể bị hạ thấp bằng lời nói, dẫn đến thiếu tự tin về giá trị bản thân và tìm cách làm vừa lòng người khác.
Điều quan trọng là ta ghi nhận và tìm cách chữa lành vết thương
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, “Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Chúng ta đeo lên lớp mặt nạ của người lớn và chôn sâu trong mình đứa bé đang ngày đêm bị tổn thương trong lòng.”
Một khi đã bị thương, em bé đau khổ ấy sẽ tiếp tục “quấy khóc” trong cách ta suy nghĩ và hành động khi trưởng thành. Chính vì vậy, điều ta có thể làm là ghi nhận, lắng nghe và sớm tìm cách chữa lành cho em, tránh để vết thương tiếp tục tác động tiêu cực lên cuộc sống.