Fear of abandonment: Vì sao nhiều người lại sợ bị bỏ rơi? | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 11, 2021

Fear of abandonment: Vì sao nhiều người lại sợ bị bỏ rơi?

Trong cuộc sống, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên với một số người, nỗi sợ mất đi một mối quan hệ thân thiết lại luôn luôn thường trực.
Fear of abandonment: Vì sao nhiều người lại sợ bị bỏ rơi?

Nguồn: Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có lúc phải đối mặt với việc mất đi người mình yêu thương vì những lý do khác nhau. Đây là điều tất yếu mà không ai có thể tránh khỏi.

Tuy nhiên có những người luôn sống trong fear of abandonment - nỗi sợ bị bỏ rơi trong một mối quan hệ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tình cảm của họ nếu không can thiệp kịp thời.

Nỗi sợ bị bỏ rơi là gì?

Đây là kiểu lo lắng xảy ra khi người ta đối mặt với nỗi lo người mình yêu thương sẽ rời đi. Những người mang nỗi sợ này thường do những vết sẹo tinh thần trong quá khứ. Một số biểu hiện phổ biến của nó có thể kể đến:

  • Bám trụ những mối quan hệ độc hại dù tự nhận thức được điều đó. Họ làm mọi cách để vừa lòng đối phương hoặc tự thao túng chính mình (Self-gaslighting) khi có vấn đề xảy ra.
  • Thường xuyên cần được đối phương đảm bảo và xoa dịu, nhưng lại tự phủ nhận khi được trấn an.
  • Tự huỷ hoại các mối quan hệ của mình. Họ cố ý chọc giận hoặc xa lánh đối phương để không cảm thấy sốc nếu đối phương rời đi.
  • Hẹn hò cùng lúc nhiều người (Serial dater) nhưng không gắn kết lâu dài với một ai. Việc chấm dứt tìm hiểu là một cách để họ tránh bị đối phương từ chối. Đây cũng có thể là biểu hiện của một số nỗi sợ khác liên quan đến tình cảm, như sợ cam kết hay sợ thân mật. Trong những trường hợp này, việc chấm dứt tình cảm sớm lại là cách để họ "chạy trốn" khỏi một mối quan hệ thân mật lâu dài.

Nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ bị bỏ rơi

Thiếu hụt cảm xúc từ cha mẹ

Thuyết gắn bó giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người. Theo nhà tâm lý Hailey Shafir, các tương tác từ khi chúng ta vừa sinh ra với cha mẹ ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất, nhận thức, xã hội và tình cảm về sau.

Nếu cha mẹ vắng bóng hoặc phớt lờ nhu cầu cảm xúc của con cái trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ dễ hình thành kiểu gắn bó lo âu. Vì thiếu đi sự thân mật trong những năm tháng thơ ấu, họ luôn khao khát nó khi trưởng thành. Điều này dẫn đến sự nhạy cảm thái quá về các dấu hiệu chia cách trong mối quan hệ và xu hướng kiểm soát, bám đuôi đối phương.

title19nov2021intext3jpg 19nov2021intext3jpg
Sự thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu dễ dẫn đến nỗi sợ bị bỏ rơi về sau này.

Nhiễu loạn về khái niệm tồn tại

Nỗi sợ bị bỏ rơi được cho là liên quan tới thuyết vật thể hằng tồn (object constancy theory).

Theo chuyên gia tâm lý Jean Piaget, các giác quan phát triển mạnh trong 2 năm đầu đời. Qua việc sờ, nhìn, nếm, vận động, trẻ em ở tuổi này hình thành lược đồ (schema) về một đồ vật hay con người nhất định. Đây là tiền đề để trẻ hiểu rằng, người hay vật đó vẫn tồn tại dù trẻ không nhìn thấy hoặc nghe thấy.

Một đứa bé chưa hình thành lược đồ sẽ khóc nếu cha mẹ không ở gần bên vì hiểu lầm rằng họ không còn tồn tại. Phản xạ này sẽ biến mất khi trẻ đã có lược đồ về cha mẹ, và thời gian chúng không ở bên họ tăng lên (khi đi học hoặc cắm trại xa nhà).

Nỗi sợ bị bỏ rơi xảy ra khi khái niệm vật thể hằng tồn của trẻ bị nhiễu loạn. Trường hợp này thường là khi cha/mẹ qua đời, ly hôn hoặc đi công tác xa, dẫn đến thời gian xa cách với trẻ lâu trên mức bình thường. Ở 2 trường hợp sau, nếu cha mẹ không thường xuyên liên lạc, trẻ dễ hiểu lầm rằng chúng đã bị bỏ rơi.

Từng trải qua sự mất mát trong mối quan hệ

Nếu đã từng trải qua chia tay hoặc ly hôn, đặc biệt nếu nguyên nhân do đối phương không chung thủy, bạn dễ hình thành nỗi sợ bị bỏ rơi.

Không chỉ trong quan hệ đôi lứa, sự mất mát trong các mối quan hệ thân cận khác cũng có thể dẫn đến nỗi sợ này. Theo nhà tâm lý Karey O’Hara, những đứa trẻ chứng kiến cha mẹ cãi vã hoặc xô xát dẫn đến ly hôn có nguy cơ cao hình thành nỗi sợ bị bỏ rơi, kể cả khi trẻ thân thiết với cả cha và mẹ (upi.com).

Bị ngược đãi trong mối quan hệ

Sự ngược đãi trong các mối quan hệ làm tăng nguy cơ dẫn đến các chứng rối loạn tâm lý. Trong đó, có thể kể đến Stockholm syndrome - phản ứng tâm lý khi nạn nhân trở nên quý mến và đồng cảm với kẻ bạo hành mình.

Khi thiếu thốn tình cảm, nạn nhân dễ dàng lầm tưởng kẻ bạo hành quan tâm mình là lòng tốt hoặc người yêu. Điều này vô tình tạo thành một vòng luẩn quẩn độc hại, khi nạn nhân không đủ can đảm để nhận ra sự ngược đãi này.

Các hội chứng rối loạn tâm lý

Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể là biểu hiện của một số chứng rối loạn tâm lý như: Rối loạn nhân cách tránh né (avoidant personality disorder), rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) hay rối loạn lo âu ly thân (separation anxiety disorder). Trong trường hợp này, bạn không thể tự can thiệp mà cần nhờ đến các quy trình trị liệu y học để giải quyết triệt để vấn đề.

Cách vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi

Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ của bạn. Nếu mang nỗi sợ này, bạn có thể tham khảo các cách sau để vượt qua:

Trao đổi với đối phương

Sự thành thật và mở lòng là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ lâu dài. Vì vậy, nên thẳng thắn chia sẻ để đối phương hiểu bạn có nỗi sợ này. Từ đó, họ có thể thông cảm và hợp tác tìm hướng giải quyết khi có vấn đề xảy ra.

Không đổ lỗi cho bản thân

Khi xảy ra mâu thuẫn, người sợ bị bỏ rơi thường có xu hướng nhận lỗi về mình để làm vừa lòng đối phương. Điều này dễ dẫn đến mối quan hệ không lành mạnh, thậm chí bạo hành khi bị đối phương nắm thóp. Trong trường hợp này, nên dừng cuộc trò chuyện để bản thân suy nghĩ thấu đáo và tìm kiếm lời khuyên.

Đi tư vấn tâm lý

Một số người có thể tự vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi bằng cách học các cơ chế đối phó (Coping Mechanism). Tuy nhiên với nhiều người khác, nỗi sợ này bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa mà họ không thể tự mình làm sáng tỏ.

Trong trường hợp này giải pháp tốt nhất là đi tư vấn tâm lý. Tư vấn viên sẽ giúp bạn tìm kiếm gốc rễ của vấn đề để thay đổi suy nghĩ và hành vi một cách hiệu quả. Đặc biệt nếu gặp phải các biến cố nghiêm trọng, quá trình tư vấn sẽ giúp bạn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài.

title19nov2021intext2jpg 19nov2021intext2jpg
Trong nhiều trường hợp, đi tư vấn tâm lý sẽ giúp bạn hiểu rõ gốc rễ của vấn đề để giải quyết hiệu quả nỗi sợ bị bỏ rơi.

Cải thiện các mối quan hệ khác

Cần nhớ rằng bạn có những mối quan hệ khác ngoài tình cảm đôi lứa. Việc củng cố quan hệ với người thân và bạn bè giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và tăng cảm giác thuộc về.

Đồng thời bạn có thể xây dựng một nhóm hỗ trợ (support group) với những người mà bạn tin tưởng. Khi đó, bạn sẽ luôn có một chốn an toàn để chia sẻ cảm xúc và ít bị phụ thuộc về vào đối phương về mặt tình cảm.