Cách mạng tháng 8 là một sự kiện quan trọng trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nó là cột mốc đánh dấu loạt thắng lợi lớn: đánh đuổi đế quốc Nhật Bản ra khỏi bờ cõi, giành lại chính quyền, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền thân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Hôm nay, 19/08/2024, chúng ta đón mừng 79 năm kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 thành công. Cùng Vietcetera dành chút thời gian ôn lại lịch sử với 5 điều thú vị về cuộc cách mạng quan trọng này nhé:
1. Bác Hồ đã dự đoán chính xác thời điểm Việt Nam giành độc lập
Để giải thích vì sao Bác Hồ có thể đoán chính xác như vậy, chúng ta cùng nhìn lại một chút về bối cảnh diễn ra Cách mạng tháng 8 được Bác tóm tắt trong 8 câu thơ ngắn gọn dưới đây:
“Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà
Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”.
Đây là đoạn trích trong tập thơ Lịch sử Việt Nam được Bác Hồ sáng tác năm 1941 để cổ vũ nhân dân. “Pháp mất nước rồi” ý chỉ sự kiện chính phủ Pháp (phe Đồng Minh) đầu hàng Đức Quốc xã (phe Trục) giữa Thế chiến thứ hai năm 1940, vì vậy Pháp đã đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ miền Bắc Việt Nam (“giặc Nhật Bản thì mới qua”).
Cũng đúng lúc này Trung Quốc phải gồng mình với cả nội chiến và quân Nhật xâm lược, Mỹ và Anh thì dồn lực lo chiến đấu với phe Trục. Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lớn giành độc lập, với bước đầu tiên là thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), tiền thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Đáng chú ý, ở phần Niên biểu Lịch sử Việt Nam phía cuối tập thơ, Hồ Chí Minh đã ghi rõ mốc “1945 - Việt Nam độc lập”. Có thể nói đây không phải lời tiên tri ngẫu nhiên, mà là kết quả được Bác tính toán cẩn thận, phân tích kỹ lưỡng để đảm bảo thành công.
2. Chúng ta giành lại chính quyền từ tay Nhật, chứ không phải Pháp
Không ít người trong chúng ta tin rằng, Cách mạng tháng 8 là cột mốc đánh dấu thắng lợi của Việt Nam trước thực dân Pháp. Tuy nhiên trên thực tế, hai kẻ thù lớn nhất của dân tộc khi đó là thực dân Pháp và đế quốc Nhật đã tự loại lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta đã giành lại chính quyền từ tay Nhật chứ không phải Pháp.
Cụ thể, sau khi quân Nhật đổ bộ miền Bắc đã dần lớn mạnh. Và đến ngày 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính quân sự lật đổ Pháp, giành quyền kiểm soát toàn bộ Đông Dương. Trước tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Dưới sự cai trị của Nhật, nền kinh tế Đông Dương kiệt quệ, nạn đói khủng khiếp diễn ra khiến cuộc sống nhân dân cùng quẫn. Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước. Trên trường quốc tế, phe Trục liên tiếp gặp thất bại nhiều nơi, và đến ngày 15/8 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện - thời điểm vàng để tiến hành khởi nghĩa.
3. Cách mạng tháng 8 diễn ra chính xác trong bao lâu?
Đa số các tư liệu lịch sử ghi nhận thời điểm diễn ra Cách mạng tháng 8 là từ ngày 13-30/8/1945, bởi đây là thời điểm diễn ra hầu hết các sự kiện quan trọng.
Từ ngày 11/8, khi nghe tin Nhật sắp đầu hàng Đồng minh, nhân dân nhiều tỉnh phía Bắc đã tụ tập biểu tình, bãi công nhiều nơi. Các đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh cũng chớp thời cơ tiến công các đồn Nhật, giúp nhân dân Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái… tiến lên giành chính quyền tỉnh lỵ.
Đỉnh điểm là ngày 13/8, Hội nghị Tân Trào do Hồ Chí Minh chủ trì đã nhận định đây là thời cơ chín muồi để khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc được thành lập. Các cuộc tiến công vào Thái Nguyên (do Võ Nguyên Giáp chỉ huy), Huế (do Nguyễn Chí Thanh & Tố Hữu chỉ huy) và Sài Gòn (do Trần Văn Giàu chỉ huy) lần lượt giành thắng lợi vào ngày 17, 23 và 25/8.
Đến ngày 30/8/1945, Việt Minh giành chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh giành chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng. Dù vậy ở Đà Lạt, quân Nhật vẫn còn kháng cự mạnh đến tận 3/10. Ở phía Bắc, quân Tưởng Giới Thạch tràn vào Cao Bằng và Lạng Sơn, dẫn đến cuối tháng 10 mới thành lập được chính quyền cách mạng.
4. Vì sao lại lấy ngày kỷ niệm là 19/8?
Bởi đây là ngày khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi tại thủ đô Hà Nội. Sáng 19/8/1945, nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Đến 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, được sự bảo trợ của Thanh niên tự vệ và tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra.
Lực lượng tiếp tục tiến tới làm chủ toàn bộ Phủ Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ) mà không gặp bất kỳ kháng cự nào. Hai đồng chí Nguyễn Khang và Trần Tử Bình đã đàm phán tại chỗ, khiến Nhật đồng ý rút quân với điều kiện phải có cuộc đàm phán chính thức với chỉ huy tối cao của họ.
Ngay tối hôm đó, phái đoàn Việt Minh do Lê Trọng Nghĩa dẫn đầu đã đàm phán trực tiếp tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (ở số nhà 33 Phạm Ngũ Lão ngày nay). Phía Nhật đồng ý án binh bất động, đổi lại sẽ không bị quân Việt Minh tấn công.
Vậy là Việt Minh đã vừa tránh được đối đầu vũ trang với quân Nhật, vừa xóa bỏ mọi hy vọng “lật ngược tình thế” của các lực lượng khác thời điểm đó. Có thể nói, thắng lợi ở Hà Nội đã làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn khu vực phía Bắc.
5. Cách mạng tháng 8 “lọt top” các cuộc cách mạng thành công nhanh nhất thế giới
Chỉ trong khoảng 15 ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân toàn quốc đã đồng loạt giành chính quyền từ tay Nhật dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Đặc biệt ở Hà Nội, khởi nghĩa diễn ra “nhanh gọn lẹ” chỉ trong 1 ngày - sáng mít tinh, tối giành luôn chính quyền. So với cuộc Cách mạng Trung Quốc (45 ngày) và Cách mạng Pháp (60 ngày), chúng ta đã giành lại chính quyền với tốc độ đáng nể.
Không chỉ giúp nhân dân Việt Nam giành độc lập, Cách mạng tháng 8 còn là cuộc cách mạng giải phóng đầu tiên tại các nước thuộc địa lúc bấy giờ. Nó đã “truyền cảm hứng”, làm bùng nổ phong trào giành độc lập tại nhiều nước châu Phi và châu Á khác như Indonesia (8/1945), Lào (10/1945), Philippines (7/1946), Ấn Độ (8/1947) và Ai Cập (7/1952).
Nguồn:
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ngay-9-3-1945-phat-xit-nhat-dao-chinh-thuc-dan-phap-tren-toan-coi-dong-duong-419162
https://ivides.vnu.edu.vn/news/ban-tin/cau-truc-quyen-luc-o-viet-nam-sau-cuoc-dao-chinh-ngay-9-3-1945-va-van-de-khoang-trong-quyen-luc-trong-cach-mang-thang-tam-138.html
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bai-2-nam-bat-thoi-co-to-chuc-tong-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-1491882770