Nền kinh tế đam mê (passion economy) xoay quanh việc một cá nhân tạo ra thu nhập từ đam mê và sở thích của bản thân. Passion economy cho phép mỗi người xây dựng sự nghiệp trong chính lĩnh vực mà họ yêu thích, dù đó là âm nhạc, hội họa, hay thậm chí là trò chơi điện tử.
Các nhân tố chính của nền kinh tế đam mê bao gồm: (1) nền tảng công nghệ nhằm phát triển và phân phối sản phẩm sáng tạo; (2) nhà sáng tạo, những người trực tiếp tạo ra các nội dung xoay quanh sở thích và đam mê của bản thân; (3) tập khán giả chia sẻ cùng đam mê và tiêu thụ các sản phẩm do nhà sáng tạo cung cấp.
Cùng Vietcetera tìm hiểu thêm những góc nhìn về passion economy thông qua 6 từ khóa tiếng Anh dưới đây.
1. Creativity
Creativity là tính sáng tạo - yếu tố cốt lõi khiến cho passion economy khác biệt với nền kinh tế truyền thống. Một trong những đặc điểm nổi bật của passion economy là mang đến một hình thức lao động thay thế, gắn liền với các hoạt động sáng tạo.
Trong quá khứ, sự sáng tạo (creativity) và năng suất lao động (productivity) thường đối nghịch với nhau. Lối làm việc rập khuôn của lao động truyền thống bị chỉ trích là giết chết sự sáng tạo. Cùng với đó, rất nhiều người đi theo lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống.
Nhưng passion economy đang định hình văn hóa và thay đổi cách chúng ta làm việc. Với sự hỗ trợ của internet và mạng xã hội, mô hình này có thể tận dụng tối đa khả năng sáng tạo của từng cá nhân, tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng và đưa nó đến với công chúng.
2. Creator
Creator là các nhà sáng tạo, những người trực tiếp xây dựng sản phẩm dựa trên đam mê và sở thích của bản thân. Những người sáng tạo có thể là những nghệ sĩ, người viết lách, youtuber, streamer,...
Sự nở rộ của nền kinh tế đam mê cho phép các nhà sáng tạo tìm ra điểm giao giữa đam mê và tiền bạc. Họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu, với giờ giấc linh động. Đối với nhiều người, passion economy đang hiện thực hóa giấc mơ kiếm tiền từ sở thích cá nhân của họ.
Trong nền kinh tế đam mê, các creator trở thành những doanh nhân khởi nghiệp. Sản phẩm kinh doanh sẽ xoay quanh đam mê của họ, bất kể đó là trò chơi điện tử, âm nhạc, hội họa hay thời trang. “Làm những gì bạn yêu” trở thành tôn chỉ của nền kinh tế này.
Sự thành công của nhiều youtuber/streamer nổi tiếng ở Việt Nam như Cris Devil Gamer hay Độ Mixi đang khiến passion economy ngày càng trở nên hấp dẫn với cộng đồng.
3. Media Platform
Media platform là những nền tảng phương tiện truyền thông cho phép người dùng chia sẻ thông tin và kết nối với cộng đồng từ khắp nơi trên thế giới.
Passion economy gắn liền với các nền tảng công nghệ kết nối nhà sáng tạo với khán giả. Facebook và Youtube biến việc chia sẻ cuộc sống cá nhân trở thành một công việc nghiêm túc. Spotify hay Apple Music cho phép các nghệ sĩ quảng bá và kiếm tiền trực tiếp từ sản phẩm âm nhạc của họ. Những website phát trực tuyến như Twitch thì hiện thực hóa giấc mơ “chơi game cũng ra tiền” của hàng triệu streamer.
Theo Forbes, passion economy đang tạo ra một không gian để khán giả tương tác với những nhà sáng tạo. Thay vì lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ dựa trên giá cả như trước đây, họ sẽ lựa chọn dựa trên niềm đam mê, sở thích cá nhân, cũng như sự chân thành trong việc chia sẻ.
4. Unfair Advantage
Unfair advantage, hay các lợi thế cạnh tranh bất công, bao gồm các kỹ năng, tiềm lực, quyền lực độc quyền mà bạn sở hữu so với những người khác. Những lợi thế này có thể là tài năng vượt trội, chương trình giáo dục phát triển, mạng lưới quan hệ xã hội. Ví dụ, một người trung lưu ở thành thị sẽ có khả năng tiếp cận với các chương trình giáo dục tiên tiến nhiều hơn nếu so với các gia đình có thu nhập thấp.
Unfair advantage gắn liền với những cá nhân thành công trong passion economy. Không phải ngẫu nhiên mà phong trào này phát triển mạnh mẽ ở thung lũng Silicon, nơi tầng lớp quản lý cấp cao sinh sống và làm việc. Đó là những cá nhân có tiềm lực tài chính, cũng như kỹ năng vững vàng cho những thay đổi và rủi ro.
Thế nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng đủ những tiêu chí như vậy để tham gia vào thị trường lao động mới này. Những trường hợp cá biệt tạo ra một lầm tưởng rằng theo đuổi đam mê sẽ là công thức chung cho thành công. Điều này làm chúng ta phớt lờ đi các yếu tố như xuất thân, hoàn cảnh và may mắn, vốn dĩ sẽ đóng vai trò trực tiếp cho kết quả cuối cùng.
5. Anti-work movement
Anti-work, hay anti-work movement là phong trào tẩy chay công việc. Phong trào này biểu hiện ở các cuộc đình công, bỏ việc, nơi người lao động phơi bày những tiêu cực trong môi trường và chính sách làm việc.
Sự nở rộ của passion economy liên quan mật thiết đến anti-work movement, vốn đang lan rộng ngày càng mạnh mẽ. Rất nhiều cuốn sách self-help, các cá nhân có tầm ảnh hưởng đã phê phán kịch liệt tình trạng bóc lột của hình thức lao động truyền thống. Họ dùng các cụm từ như “nô lệ”, “bế tắc” và “tha hóa” khi mô tả về người lao động trong bối cảnh cũ.
Nền kinh tế đam mê được nhiều cá nhân coi như giải pháp của tình trạng bất cập ấy. Việc được tập trung vào lĩnh vực mình yêu thích, cùng với thời gian làm việc linh động, khiến nhiều người sẵn sàng từ bỏ những công việc với thu nhập ổn định để dấn thân vào nền kinh tế đam mê.
Một ví dụ nổi bật là phong trào “I quit my dream job,” khi nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng quyết định từ bỏ các công việc mơ ước như kỹ sư, lập trình viên, luật sư ở các tập đoàn lớn để theo đuổi những đam mê cá nhân. Ở Việt Nam, youtuber Giang Ơi cũng từng từ bỏ công việc stylist, người viết chuyên thời trang để trở thành nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp.
6. Work-life balance
Work-life balance là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Với các công việc truyền thống, chính sách làm việc 8 tiếng một ngày chính là để đảm bảo sự cân bằng cho người lao động. Trong nền kinh tế đam mê, work-life balance đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Khi dấn thân vào passion economy, chúng ta được làm công việc chúng ta yêu thích, với thời gian do chúng ta lựa chọn. Nhưng để đảm bảo có thể duy trì cuộc sống, sự căng thẳng và áp lực công việc vẫn là điều không thể tránh khỏi.
Ranh giới giữa công việc và đời sống riêng bị xóa nhòa. Nhiều người sẽ buộc phải hy sinh thời gian cá nhân để hoàn thành các dự án. Những ngày cuối tuần, hay thời gian nghỉ ngơi đều có nguy cơ được tận dụng để “chạy deadline.” Sự mất cân bằng dẫn đến tình trạng kiệt quệ trở thành hậu quả điển hình.
Passion economy là một cơ hội tuyệt vời nếu chúng ta có khả năng và may mắn để biến đam mê trở thành công việc cả đời. Tuy vậy, bản thân phong trào này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề và không dành cho tất cả mọi người. Chúng ta sẽ cần những suy xét cẩn trọng, trước khi thực sự quyết định biến đam mê trở thành công cụ kiếm tiền.