Phong trào anti-work: Khi người lao động mặc kệ cơm áo gạo tiền | Vietcetera
Billboard banner

Phong trào anti-work: Khi người lao động mặc kệ cơm áo gạo tiền

Điều gì khiến áp lực công việc dần trở nên cực đoan hơn?
Phong trào anti-work: Khi người lao động mặc kệ cơm áo gạo tiền

Phong trào anti-work phơi bày những tiêu cực mà xã hội đặt ra với người lao động. | Nguồn: Amine M' Siouri cho Pexels.

1. Anti-work là gì?

Anti-work, hay anti-work movement là phong trào tẩy chay công việc. Cũng như trào lưu “nằm thẳng” (lying flat) phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, phong trào anti-work thu hút những người lao động bất mãn, qua việc phơi bày những tiêu cực mà xã hội đặt ra với họ.

Các sự kiện nghỉ việc hàng loạt, cùng nhiều kết quả khảo sát không tốt về trải nghiệm công việc những năm gần đây chính là kết quả của sự gia tăng tâm lý anti-work. Theo khảo sát toàn cầu vừa được công bố vào ngày 25/01 của công ty bảo hiểm AXA, có đến 31% người lao động tại Trung Quốc đánh giá thời gian làm việc của mình là “tồi tệ”.

2. Nguồn gốc của anti-work?

Hành vi tẩy chay công việc đã nhen nhóm từ thuở hồng hoang của các cuộc cách mạng công nghiệp. Từ giữa thế kỷ 18, sự bùng nổ của chủ nghĩa tư bản khiến việc sản xuất hàng hóa trở thành mục tiêu hàng đầu. Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của các nước đế quốc ở giai đoạn này cho phép sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, bằng cách bóc lột người lao động.

Bị bóc lột, người lao động cảm thấy sức ép phải đấu tranh. Điều này dẫn đến sự ra đời của ngày Quốc tế Lao động - kết quả của phong trào đòi ngày làm việc 8 giờ, hay công đoàn - bộ phận phục vụ cho lợi ích của người lao động trong một doanh nghiệp hay tổ chức.

Nhờ sự phát triển của truyền thông, các phong trào đòi quyền lợi cũng được biết đến và phổ biến mạnh mẽ. Những doanh nghiệp lớn vì thế cẩn trọng và để ý hơn đến hình ảnh xã hội, bao gồm việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Từ đây, anti-work chính thức trở thành một từ khóa “nóng”, khi phong trào này không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi cho người lao động, mà thậm chí còn khuyến khích họ tẩy chay và nghỉ việc.

alt
Trào lưu "nằm thẳng" phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. | Nguồn: AP.

3. Anti-work phổ biến từ khi nào?

Trào lưu tẩy chay công việc trở nên phổ biến từ năm 2013, qua sự ra đời và phát triển của subreddit r/antiwork. Tính đến tháng 12/2021, subreddit này đã có hơn 1,4 triệu thành viên, được xác nhận là một trong 15 subreddits phát triển nhanh nhất.

Đại dịch Covid-19 xảy ra càng khiến trào lưu tẩy chay công việc phổ biến hơn. Cùng với đó, việc nhiều tập đoàn lớn gia tăng các hành động phá hoại công đoàn cũng khiến tâm lý tẩy chay công việc tăng cao.

Ngoài ra, cơ chế “tuần làm việc 4 ngày” cũng ngày càng được nhiều quốc gia cùng doanh nghiệp lớn thử nghiệm và ủng hộ. Tiêu biểu là UAE, New Zealand, Iceland và Thụy Điển. Các cuộc thử nghiệm ở quy mô nhỏ cho thấy năng suất lao động có thể tăng từ 25% đến 40% khi thời gian làm việc giảm chỉ còn 4 ngày/tuần.

Sự kiện Đại nghỉ việc (Great Resignation) tại Mỹ vào năm ngoái chính là một kết quả của phong trào anti-work. Theo đó, từ đầu năm 2021, hàng triệu người Mỹ đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc sau khi khi chính phủ Mỹ từ chối cung cấp các biện pháp bảo vệ người lao động để đối phó với đại dịch, khiến họ bị chậm lương trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

4. Dùng anti-work như thế nào?

Tiếng Anh

A: Is there a place where human beings just don’t have to work? I am so tired of working long hours everyday.

B: I cannot see that utopia in a near future, but for now you might want to be another member of the anti-work movement.

Tiếng Việt

A: Có nơi nào sống mà con người không cần phải làm việc không nhỉ? Quá mệt khi ngày nào cũng phải làm việc từ sáng đến tối.

B: Tớ chưa thấy thế giới lý tưởng đó trong tương lai gần, nhưng hiện tại chắc cậu sẽ muốn trở thành một thành viên của phong trào tẩy chay công việc đấy.