8 Điều mình đã hành động để sự nghiệp vững vàng sau 8 năm đi làm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 11, 2024

8 Điều mình đã hành động để sự nghiệp vững vàng sau 8 năm đi làm

Thứ đã đưa mình tới ngày hôm nay không chỉ đến từ việc học mà còn là sự kiên trì, thử nghiệm, cải tiến không ngừng.
8 Điều mình đã hành động để sự nghiệp vững vàng sau 8 năm đi làm

Nguồn: CareerLab

Trước khi trả lời câu hỏi “Làm gì để phát triển sự nghiệp vững vàng?”, mình nghĩ cần thống nhất với nhau “Thế nào là một sự nghiệp vững vàng?”. Với mình, đó là:

  • Sở hữu một vài năng lực quan trọng mà mình tự tin, thị trường lao động có nhu cầu cao và mình thích phát triển năng lực đó.
  • Không phải đi tìm việc, luôn có cơ hội tìm đến và chào đón sẵn dù là lúc mình có việc hay đang nghỉ việc.
  • Biết mình ở đâu, cần đi đến đâu và con đường để đi đến đó.

Có thể bạn đã đọc rất nhiều bài viết nói về công thức hay lời khuyên phát triển sự nghiệp để đạt được những điều này. Nhưng mình tin sự khác biệt nằm ở chỗ: công thức có thể ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng rõ cần hành động thế nào, và thực sự kiên trì hành động.

Hiện mình đang là Founder & CEO của CareerLab và LinkedIn Blue Ocean (LBO), nơi mình hỗ trợ các bạn trẻ tại Việt Nam làm chủ sự nghiệp thông qua các buổi chia sẻ, khóa đào tạo và dịch vụ tư vấn. Đồng thời mình cũng thường xuyên chia sẻ trên LinkedIn với hơn 76K người theo dõi.

Trong bài viết này, mình chia sẻ 8 điều đã giúp mình đạt được nhiều mục tiêu cá nhân sau 8 năm làm việc trong ngành nhân sự. Hy vọng “bảng chỉ dẫn” chi tiết bên dưới sẽ tạo động lực để bạn bắt tay vào hành động.

1. Tự học và "cày" mọi nguồn lực, cả trong lẫn ngoài công ty

Công việc đầu tiên của mình là làm headhunter tại HVN. Sếp trực tiếp không chỉ dạy nhiều ngoài việc cho mình ngồi phỏng vấn chung một lần duy nhất. Nhưng mình chủ động nhờ các anh chị khác hướng dẫn. Khi được tham gia chung vào các buổi phỏng vấn, mình cố gắng nghe lỏm cách các chị senior phỏng vấn, giao tiếp với ứng viên để khai thác thông tin như thế nào rồi cứ thế học theo.

Thậm chí, có kiến thức nào về ngành nghề đang tuyển dụng mà mình không biết thì mình sẽ thông qua phỏng vấn ứng viên để nhờ họ dạy lại cho mình. Mình rất may mắn khi được gặp các anh chị ứng viên cấp cao đã kiên nhẫn giải thích cho mình về công việc của họ để mình có thể làm tốt công việc headhunter hơn.

Bạn thấy đó, có rất nhiều nguồn xung quanh để học hỏi. Trước tiên là thử tập quan sát cách người khác làm rồi học theo, công ty có sẵn nguồn tài liệu, khóa học nào thì “cày” thật kỹ. Nếu có điều gì vẫn không biết thì bạn hãy nhờ mọi người hướng dẫn. Còn quá trình đi gặp khách hàng, đối tác cũng giống như cơ hội vàng để “du học”, giúp bạn mở rộng mối quan hệ, biết thêm nhiều kiến thức mới cũng như cách giao tiếp ứng xử và đàm phán.

2. Luôn cập nhật kiến thức chuyên môn, chắc chắn rồi

alt
Nguồn: CareerLab

Khi còn làm headhunter (chuyên viên tuyển dụng cấp cao), mình đã lên một danh sách cụ thể tổng hợp bộ kỹ năng cần có của một người làm ‘headhunter’ và dành rất nhiều thời gian rèn giũa để cải thiện từng kỹ năng đó. Từ tạo nguồn ứng viên, công cụ tìm kiếm trên LinkedIn, Facebook, sàng lọc ứng viên, kỹ năng phỏng vấn, quản trị khách hàng cho đến bước cuối cùng là đàm phán lương, mình không chểnh mảng một khâu nào.

Bạn cũng có thể lập một danh sách tương tự cho công việc của mình. Dành thời gian liệt kê xem trong ngày mình đang nắm những đầu việc gì, ghi lại các kỹ năng cần có để xử lý công việc tốt hơn. Hoặc hằng năm, Linkedin đều công bố danh sách những kỹ năng làm việc được yêu cầu nhiều nhất, bạn rất nên theo dõi để có kế hoạch phát triển bản thân bắt kịp với xu hướng thị trường lao động.

3. Học những điều không liên quan trực tiếp nhưng bổ trợ cho chuyên môn

Khi lên vị trí quản lý cho một team headhunter tại OAC, trách nhiệm của mình chỉ liên quan đến việc phát triển khách hàng và cung cấp dịch vụ tuyển dụng. Thế nhưng, trong giai đoạn này mình đã chọn học thêm những kỹ năng mới dù không liên quan trực tiếp nhưng bổ trợ rất tốt cho công việc chuyên môn của mình như:

  • Phát triển cộng đồng HR: Việc xây dựng mạng lưới gắn kết giữa các chuyên gia nhân sự giúp mình tăng cường cơ hội hợp tác và tìm kiếm ứng viên.
  • Tổ chức workshop và đào tạo: Mình đã tham gia làm diễn giả cho một số khóa học và workshop ngắn. Quá trình đó mình vừa đi truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho các chuyên viên khác và cũng đồng thời thông qua đó tìm thấy những cộng sự tiềm năng để kết nạp vào đội nhóm.
  • Kỹ năng viết nội dung: Viết các bài chia sẻ và hướng dẫn đã trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp mình gây dựng tầm ảnh hưởng và sự tín nhiệm trong cộng đồng nhân sự.
  • Điều phối hội thảo: Mình đã thực hành điều phối các sự kiện với nhiều diễn giả, điều này đã cải thiện khả năng giao tiếp và xử lý tình huống của mình ngày càng linh hoạt hơn.

Khi bạn là một chuyên viên (executive) bạn chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng để thăng tiến và đảm nhận tốt những vị trí cao hơn bạn sẽ cần thêm nhiều kỹ năng bổ trợ, không chỉ xoay quanh phát triển năng lực cá nhân mà còn là quản lý con người, phối hợp với những bộ phận khác và mở rộng tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

4. Học những điều hoàn toàn không liên quan tới chuyên môn

Chuyển sang giai đoạn mình làm Business Manager (Quản lý kinh doanh) hay Communication Strategist (Chuyên gia chiến lược truyền thông), mình lại học những điều mới hoàn toàn. Chẳng hạn như thiết kế website, tổ chức sự kiện, xây dựng và quản lý cộng đồng trên Discord hay phát triển chương trình đào tạo cho lập trình viên…

Dù chúng có vẻ như chẳng liên quan gì, thế nhưng về lâu dài chúng lại trở thành giá trị lớn cộng thêm cho công việc của mình. Mình trở nên linh hoạt hơn trong quản lý dự án và biết cách kết nối, tương tác hiệu quả với nhiều đối tượng khác nhau từ ứng viên, đối tác cho đến khách hàng. Chính việc đi ngang này đã giúp mình phát triển toàn diện, mang lại lợi thế cạnh tranh trong các môi trường đa ngành.

5. Luôn có việc làm phụ

alt
Nguồn: CareerLab

Side project (dự án/công việc phụ) là cách mình dùng để cân bằng với công việc chính, khiến mình không cảm thấy nhàm chán và luôn học được một điều gì đó mới. Mình coi đây như một không gian thử nghiệm để xem mình hợp với điều gì hơn.

Năm 2017 làm ở Navigos, side project của mình là phát triển thương hiệu cá nhân và network trên LinkedIn. Mình đã tự mày mò cách dùng LinkedIn sao cho hiệu quả và mỗi ngày đều đạt giới hạn gửi kết nối trên LinkedIn. Cuối năm đó, mình có khoảng 20.000 kết nối. Và hiện tại, sau 7 năm mình trở thành một trong những Top Influencer trên nền tảng này. (Xếp Top 1 LinekedIn Creator Việt Nam theo bảng xếp hạng Favikon tháng 06/2024)

Tới lúc làm ở Solana Superteam, side project của mình là CareerLab đến bây giờ đã phát triển thành việc kinh doanh chính của mình, trộm vía cũng khá thành công sau 3 tháng đã thu hút hơn 100 thành viên tham dự và phát hành hơn 30 ebook.

Mọi người hay nói nhiều về side hustle nhưng mình thấy side project cũng rất quan trọng. Nó là một nơi để bạn vừa chơi vừa làm và sẽ có những cánh cửa cơ hội không ngờ mở ra cho sự nghiệp.

6. Dám thử nghiệm để mở khoá những "lần đầu tiên" đáng nhớ và tự hào

Trong hành trình sự nghiệp, mình luôn coi thử nghiệm là chìa khóa để khám phá hướng phát triển mới. Ví dụ như thử cách tuyển dụng thông qua headhunt freelancer hay ra mắt dịch vụ mới như đào tạo recruiter và tổ chức sự kiện. Đặc biệt, năm 2022, mình dấn thân vào lĩnh vực blockchain/web3, một bước đi mới lạ nhưng đầy thú vị.

Nhờ sẵn sàng nói có với những nhiệm vụ mới, trải nghiệm mới mà mình có được rất nhiều "lần đầu tiên" đáng nhớ và tự hào. Lần đầu làm speaker cho TEDxTalk, lần đầu quay video chia sẻ bằng tiếng Anh với Asian Hustle Network, hay làm MC cho sự kiện công nghệ trước 500 người. Nếu vì lo lắng, tự ti mà từ chối cơ hội mình đã chẳng thể mở rộng giới hạn và tự tin đối mặt với những thử thách lớn hơn trong tương lai.

7. Làm giàu vốn xã hội nghề nghiệp

alt
Nguồn: Adele Doan

Mọi người hay gọi mình là super networker (siêu nhân tạo quan hệ) vì đây là một trong hai vốn liếng mình đã kiên trì tích lũy trong nhiều năm và từ nhiều nguồn. Mình không bỏ lỡ cơ hội làm quen với mọi người từ gần gũi như đồng nghiệp trong công ty, người chung ngành gặp nhau qua sự kiện, đối tác làm chung dự án đến xa hơn như những chuyên gia quen qua mạng xã hội hay người được bạn bè giới thiệu…

Hơn nữa mình không chỉ kết nối với những người trong ngành nhân sự mà còn tiếp xúc với nhiều cộng đồng khác nhau. Nhờ đó mà mình tích lũy được vốn kiến thức xã hội đa dạng về công nghệ, kinh doanh và cả thiền định, tâm lý,...

8. Xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm

Mình bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân từ rất sớm, ban đầu chỉ đơn giản là viết những bài chia sẻ trên LinkedIn. Dần dần, các bài viết về kỹ năng phỏng vấn, viết CV, và định hướng nghề nghiệp bắt đầu thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Sau đó, mình trở thành speaker cho các sự kiện sinh viên rồi mở ra cơ hội làm diễn giả tại những sự kiện lớn cho người đi làm và các doanh nghiệp.

Một trong những bước ngoặt quan trọng là khi mình tự tổ chức sự kiện riêng, phát triển podcast cá nhân với hơn 100 số, và đóng góp bài viết cho cuốn sách Người trong muôn nghề. Cứ thế từng bước một, cơ hội này sẽ dẫn tới một cơ hội lớn hơn, trong 3 năm gần đây những công việc đến với mình đều nhờ lời mời từ các công ty, thay vì mình phải nộp hồ sơ như trước.

Mình cũng không còn phải gửi hàng trăm tin nhắn để tiếp cận ứng viên, mình dùng chính sự hiện diện trên LinkedIn để họ chủ động tìm đến. Có khoảng 60% khách hàng headhunt của mình đều đến từ những kết nối trước đó ở trên LinkedIn. Thương hiệu cá nhân đã mang đến cơ hội nghề nghiệp và khách hàng cho mình, hơn thế còn giúp mình định vị bản thân rõ ràng trên thị trường.

Kết

Hy vọng thông qua trải nghiệm của mình, mọi người có thể cảm nhận được một điều rất thật rằng tất cả những gì mình đạt được là nhờ việc hành động và hành động rất nhiều. Bạn có thể biết hết công thức, lời khuyên, hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng sự nghiệp, nhưng nếu không bắt đầu hành động thì những gì bạn muốn sẽ chỉ dừng lại ở mong muốn mà thôi.

Vì vậy, việc chăm chỉ và nỗ lực trong những năm đầu sự nghiệp là tiền đề để bạn có những khoảng thảnh thơi và sự tự do lựa chọn trong những năm tiếp theo. Mong bạn kiên trì và tinh tấn hơn trong hành trình này để có một sự nghiệp vững vàng ngay cả khi các điều kiện ngoại cảnh có biến động thế nào đi chăng nữa.