Tóm Lại Là: An Nguy có bầu, cơ hội nào cho những gia đình hai mẹ ở Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 12, 2020

Tóm Lại Là: An Nguy có bầu, cơ hội nào cho những gia đình hai mẹ ở Việt Nam?

Tóm lại là, vì sao việc An Nguy có bầu lại làm cư dân mạng xôn xao? Chúng ta học được gì qua câu chuyện An Nguy có bầu?
Tóm Lại Là: An Nguy có bầu, cơ hội nào cho những gia đình hai mẹ ở Việt Nam?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Tại sao ai cũng quan tâm chuyện An Nguy có bầu?

An Nguy đã từng là một cái tên nóng trong làng vlogger thời đầu của Việt Nam. Sau một thời gian vắng bóng, An Nguy bất ngờ đăng hình ảnh mình mang bầu, bên cạnh là người yêu Alex đang cầm bảng “Mommies to be" (“Sắp làm mẹ”).

Nguồn baybebonggg Instagram
Trang Instagram An Nguy mở cho con

Bên cạnh những lời chúc mừng, không ít người để lại bình luận có phần hiếu kỳ, thậm chí khiếm nhã và miệt thị người đồng tính. Một số còn cho rằng những việc An Nguy có bầu là “vô lý".

2. Tại sao An Nguy có bầu được?

Sự phát triển của khoa học đã tạo điều kiện cho các cặp đôi LGBT+ có con. Có 3 phương pháp chính để những người cùng giới tính sinh học có con là:

  • Thụ tinh Intrauterine insemination (UIU): Sử dụng tinh trùng được hiến tặng (thường là ẩn danh) để “bơm” vào người phụ nữ
  • Thụ tinh ống nghiệm (Reciprocal IVF): Trứng được lấy ra từ một trong hai người để tạo phôi, người còn lại sẽ mang phôi này. Trong quá trình này vẫn cần tinh trùng được hiến tặng để thụ tinh với trứng trong ống nghiệm.
  • Mang thai hộ (Surrogacy): Mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác Người mang thai hộ có thể là người quen biết hoặc ẩn danh.

Các phương pháp này có thể kết hợp với nhau. Ví dụ trong trường hợp hai mẹ, một mẹ sẽ cung cấp trứng để thụ tinh trong ống nghiệm. Người mẹ còn lại sẽ là người mang thai đứa trẻ.

3. Có hay không nhu cầu có con của cộng đồng LGBT?

Có 87,7% số người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam có ý định hoặc kế hoạch có con (UNDP, 2015, p.24). Tại Mỹ, tỉ lệ các cặp đôi đồng tính nhận nuôi con cũng cao gấp 4,5 lần so với các cặp vợ chồng dị tính (American Community Survey, 2012). Bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mỗi người là gì, thì mong muốn có một đứa con và xây dựng gia đình là hết sức bình thường.

4. Luật pháp quy định gì về việc nhận nuôi con của cặp đôi LGBT+?

Hiện nay pháp luật hiện hành chỉ cho phép các cặp đôi có quan hệ hôn nhân hợp pháp nhận con nuôi chung. Tuy nhiên mỗi cá nhân vẫn có quyền nhận nuôi con, miễn là đáp ứng được các điều kiện của pháp luật.

Tiêu chí xem xét hồ sơ đăng ký nhận nuôi vẫn còn mang tính chủ quan như “có tư cách đạo đức tốt" hay “có điều kiện kinh tế"... Chính điều này dẫn đến sự làm “khó dễ” cho các cặp đôi LGBT+ khi nhận nuôi con. 51,52% thừa nhận gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hành chính nhận nuôi con từ cơ quan nhà nước tại địa phương. (UNDP, 2015, p.36)

5. Có con theo phương pháp khoa học tại Việt Nam gặp khó khăn gì?

Tại Việt Nam, mẹ đơn thân có quyền xin tin trùng để mang thai. Đây cũng là cách mà người đồng tính nữ, song tính nữ hoặc chuyển giới nam sử dụng. Tuy nhiên, ngân hàng tình trùng thì lại thường xuyên khan hiếm nguồn cung.

Với các ông bố đơn thân hay người đồng tính nam thì việc có con ruột phức tạp hơn. Đa số những người đồng tính nam không muốn phải “tiếp xúc trực tiếp” với nữ giới chỉ để có con (UNDP, 2015, p.25). Vậy nên cách duy nhất họ có thể sử dụng là phương pháp “mang thai hộ”.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại đang cấm hình thức mang thai hộ thương mại. Còn mang thai hộ nhân đạo hiện tại chỉ áp dụng với các cặp vợ chồng “hợp pháp”.

6. Nỗi sợ có con vì yếu tố xã hội?

Đa phần các bố và mẹ LGBT+ khi nhắc tới dự định có con đều lo lắng về tương lai của đứa trẻ trong một gia đình khác với chuẩn mực bình thường. Theo như chia sẻ của Quý, một người đồng tính nam, anh lo sợ định kiến xã hội sẽ ảnh hưởng tới đứa con của mình. Anh cũng lo về việc liệu con có lớn lên được bình thường chỉ với hai ông bố hay không (iSee, 2020, p.45).

Những khó khăn và lo sợ đến từ định kiến của gia đình và họ hàng; câu chuyện về quyền nuôi con, giấy tờ pháp lý. Những yếu tố đó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới quyết định có con của những người thuộc cộng đồng LGBT+.

7. Tương lai nào cho những đứa trẻ trong gia đình 2 bố hoặc 2 mẹ?

Ở Việt Nam, hôn nhân đồng giới vẫn chưa được hợp thức hoá, dẫn đến sự khó khăn trong việc các cặp đôi đồng tính được có con. Những định kiến sai lệch về xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại.

Sự ám ảnh về chuẩn mực xã hội dẫn đến nhận định rằng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình phi truyền thống là lệch lạc, bất bình thường. Chính điều này phần nào làm ảnh hưởng và cản trở quá trình phát triển của trẻ. Câu hỏi “làm sao để có con" chỉ mới là khởi đầu của một hành trình dài.

Tài liệu tham khảo:

iSee, 2019. Sống Chung Cùng Giới. [online] Isee.org.vn.

UNDP, 2015. Quyền nuôi con của người đồng tính, song tính và chuyến giới tại Việt Nam.