Khoảng hai thập kỷ trước, để vận hành một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là việc không hề dễ dàng. Vậy mà Apollo English đã mở ra một tiền lệ vào năm 1998, trở thành Trung tâm Anh ngữ thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Và thật trùng hợp, đây cũng là thời điểm bắt đầu của ông lớn Trung Nguyên với hai cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, như dự báo cho những bước tiến mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào những năm 2000.
Apollo English được sáng lập bởi Khalid Muhmood và Arabella Peters. Khalid đến Việt Nam du lịch lần đầu tiên vào năm 1992, khi hình ảnh xích lô và những quán xá vỉa hè vẫn đang ngập tràn khắp thành phố. Sau đó Khalid sang Singapore giảng dạy hai năm tại Trường Đại học Quốc tế Singapore và trở về lại Việt Nam để tìm kiếm những cơ hội phát triển mới trong lĩnh vực giáo dục.
Quãng thời gian từ khi Apollo English được thành lập cho đến hiện tại cũng là thời kì giáo dục có diễn biến vô cùng sôi động. Đáng kể nhất là việc ứng dụng công nghệ giúp các lớp học phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn, chẳng hạn như internet giúp việc nghiên cứu thuận lợi hơn, hay di động giúp học viên có thể tham gia các lớp học trực tuyến mọi lúc mọi nơi. Cộng hưởng cùng sự phát triển của công nghệ, những trung tâm anh ngữ truyền thống như Apollo English có rất nhiều cơ hội mới để phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn trong việc chọn lựa và ứng dụng công nghệ phù hợp với chương trình đào đạo.
Đến thời điểm hiện tại, Apollo English đã có 39 trung tâm. Và sắp tới đây, các chi nhánh mới theo mô hình cải tiến nhất sẽ được triển khai đến nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Indonesia và Thái Lan. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có Apollo Innovation Center nằm trong Trung tâm thương mại Estella Place Quận 2. Các lớp học tại đây được tổ chức theo hình thức kết hợp giữ học trực tiếp một thầy – một trò với giáo viên qua video tại nhà, và xen kẽ với các buổi học tại trung tâm.
Vào thời điểm chuyển mình này của Apollo English, chúng tôi đã tìm đến Khalid và Arabelle để hiểu thêm về hành trình 20 năm đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam thành những công dân toàn cầu của hai cựu giáo viên này.
Hãy kể cho chúng tôi biết về công việc hiện tại của các bạn.
Arabella: Thật ra Khalid và tôi đã cùng nhau thành lập Apollo English từ năm 1995. Những năm qua, chúng tôi đã giúp hàng nghìn học viên sử dụng Tiếng Anh một cách lưu loát và tự tin, giúp họ sẵn sàng đón nhận những cơ hội lớn trong học tập và sự nghiệp. Cũng từ thời điểm ấy, chúng tôi đã nuôi ý định thành lập trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam (British University Vietnam).
Ngày trẻ, chúng tôi đều có nhiều cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt, trở thành nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của chúng tôi sau này, thế nên khi quyết định khởi nghiệp, chúng tôi luôn bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sẽ tiếp tục sứ mệnh mang đến những cơ hội học tập chất lượng cao cho những người khác trên khắp thế giới.
Nếu có thể trở về tuổi thơ và thay đổi giáo trình học, bạn sẽ thay đổi những gì để chương trình phổ thông trở nên bổ ích cho sự nghiệp của mình sau này?
Khalid: Ngày trước, các chương trình học thường chỉ tập trung vào tích lũy kiến thức học thuật mà bỏ qua tầm quan trọng của những kỹ năng khác. Nhưng thành công không chỉ đến từ sách vở. Tôi nghĩ sự linh hoạt, khả năng tự nhận thức, sự tự tin, tinh thần hợp tác, tính ham học hỏi và tư duy phản biện mới là những kĩ năng hữu ích trong cuộc sống. Và ngày nay, các kỹ năng mềm này đang dần nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Theo các bạn, đâu là phương pháp học hiệu quả nhất?
Arabella: Bạn phải áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Tôi luôn quan niệm chỉ khi học đi đôi với hành bạn mới thật sự nắm rõ những kiến thức đã học.
Vì sao giáo dục thường được xem là ngành ít ứng dụng công nghệ hơn so với những lĩnh vực khác, đặc biệt là y tế?
Khalid: Rào cản chủ yếu hạn chế việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục đa phần xuất phát từ các bậc phụ huynh, giáo viên hay thậm chí cả những lãnh đạo của nhà trường. Ngược lại, học sinh luôn cởi mở trước những điều mới. Xét về mặt tích cực, tôi cực kì ấn tượng trước sự hiểu biết về công nghệ của các em học sinh ngày nay, vậy nên tương lai việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục với tần suất cao chỉ là chuyện sớm muộn thôi.
Mặt khác, nhiều chương trình giáo dục ứng dụng công nghệ nhưng vẫn không cải thiện được chất lượng giáo dục. Vậy đâu là định hướng giúp Apollo English ứng dụng công nghệ thành công?
Arabella: Chúng tôi rất cởi mở với những ý tưởng mới trong công nghệ, nhưng chỉ sử dụng những công nghệ thật sự hữu ích. Những tổ chức giáo dục khác mắc sai lầm ở chỗ ứng dụng những công nghệ nghe có vẻ hào nhoáng, nhưng lại không có tác dụng cụ thể trong việc cải thiện kết quả học tập của học viên.
Chúng tôi luôn học hỏi, trau dồi để sẵn sàng thích nghi với những thay đổi xảy đến… đây là thử thách mà bất cứ tổ chức có tốc độ phát triển nhanh nào cũng phải đối mặt. Bên cạnh đó, nhờ trụ sở chính ở Singapore, phát triển mạnh ở Anh và nhiều chi nhánh tại Việt Nam đã cho chúng tôi cái nhìn bao quát hơn về những xu hướng giáo dục đang diễn ra trên toàn thế giới.
Đào tạo Anh ngữ sẽ có những bước tiến gì trong tương lai?
Khalid: Nhìn chung trong tương lai sắp tới sẽ có rất nhiều điều thú vị, bởi những khóa học tiếng Anh sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt khi đã có các công nghệ tiên tiến. Chúng tôi tin chắc rằng, những buổi học trực tiếp giữa thầy và trò, những buổi học tại lớp vẫn sẽ được tiếp diễn nhưng sẽ thú vị hơn nhiều khi có sự góp sức của công nghệ.
Cuộc sống nằm trong tay những nhà giáo dục. Làm thế nào các bạn có thể xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi và đảm bảo những bài giảng được truyền tải hiệu quả?
Arabella: Việt Nam ngày nay đã là điểm đến vô cùng nổi tiếng thu hút rất nhiều người ngoại quốc và cũng là một nơi đang có nhu cầu học tiếng Anh cao, thế nên chúng tôi luôn có một nguồn lực nhân sự ổn định, phần lớn họ đến từ Mỹ, Anh, Úc và New Zealand.
Khalid: Mang đến kết quả giáo dục chất lượng luôn là mục tiêu chủ chốt của chúng tôi. Để đảm bảo được điều đó, những giáo viên được tuyển chọn không những đáp ứng về cả trình độ và thái độ mà họ còn phải trải qua một khóa huấn luyện rất nghiêm ngặt. Mỗi nhóm giáo viên đều có một quản lý giáo vụ tận tâm, họ từng là giáo viên sau đó được bổ nhiệm lên vai trò quản lý, nên họ nắm rất rõ quy trình và chất lượng giảng dạy. Đồng thời, chúng tôi luôn hệ thống hóa những nội dung giáo dục và thường xuyên làm việc với những đơn vị hỗ trợ, chẳng hạn như National Geographic, để liên tục cải tiến chương trình học.
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc người học cần trang bị những kỹ năng nào cho thế kỷ 21. Vậy theo các bạn, đâu là những kĩ năng hữu ích cho người trẻ Việt, và Apollo English trang bị những kỹ năng này cho họ như thế nào?
Khalid: Theo đuổi sứ mệnh phát triển thế hệ trẻ thành những công dân toàn cầu, chúng tôi tin rằng người trẻ cần phải tìm hiểu nhiều hơn về thế giới rộng lớn bên ngoài để tìm được vị trí phù hợp cho mình. Thế nên bên cạnh phát triển kỹ năng tiếng Anh cho người trẻ, giáo trình đào tạo của chúng tôi còn được thiết kế để giúp họ mở rộng kiến thức về thế giới bên ngoài. Chúng tôi luôn khuyến khích họ chấp nhận rủi ro để nâng cao kiến thức, nhờ đó họ sẽ tự tin và hiểu rõ bản thân hơn, thỏa thích sáng tạo và dễ dàng hợp tác với nhau hơn.
Có ý tưởng giáo dục hay quyển sách, thậm chí là trường học hay dự án giáo dục cụ thể từ những tổ chức nào khác làm bạn ấn tượng nhất không và vì sao?
Arabella: Để tìm những ý tưởng giáo dục mới, chúng tôi thường đi đến những buổi triển lãm giáo dục, hội thảo, trường học, những vườn ươm doanh nghiệp và cả những công ty nghiên cứu thị trường để biết được những thay đổi đang diễn ra và có những đánh giá riêng của mình.
Thường xuyên trao đổi cùng các bậc phụ huynh, học sinh và những nhân viên hay giao tiếp trực tiếp với khách hàng cũng rất quan trọng. Gần đây chúng tôi đã thực hiện một chuyến thăm Luân Đôn để tham dự chương trình triển lãm giáo dục lớn nhất thế giới và tiếp xúc với những chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đại học Cao đẳng Luân Đôn. Chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian và tài chính để cập nhật những điều mới mẻ đang diễn ra trên thế giới và áp dụng những kiến thức đó một cách có chọn lọc để phù hợp nhất với học viên của mình.
Nếu gặp lại Arabella và Khalid của năm 1995, thời điểm Apollo English vừa thành lập, hai bạn sẽ nói gì với họ?
Arabella: Chắc chắn chúng tôi sẽ kể về hành trình tuyệt vời mà chúng tôi đã trải qua và cả những cơ hội lớn xuyên suốt hành trình. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ bật cười khi nhìn lại thời điểm và cách chúng tôi khởi nghiệp, ngày ấy chúng tôi bị xem như những kẻ mạo hiểm với khối óc mộng mơ, vậy mà bây giờ người ta phải công nhận rằng chúng tôi đang đi trước thời đại.
Vì sao các bạn lại chọn cái tên Apollo?
Khalid: Apollo là tên của thần ánh sáng trong thần thoại La Mã và Hy Lạp, và cũng là tên gọi của dự án vũ trụ đầu tiên thành công đưa con người lên mặt trăng. Đối với chúng tôi, từ này có ý nghĩa rất sâu xa, thể hiện được định hướng, hoài bão và khát vọng của chúng tôi luôn hướng đến từ những năm 1995…
Xem thêm
[Bài viết] How I Manage: CEO Kambria – Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức
[Bài viết] “Nữ hoàng rắc rối” Thủy Muối và hành trình đi tìm những giải pháp