1. Chuyện gì đã xảy ra?
Sau một khoảng thời gian dài để các đối thủ “khởi hành trước”, vào ngày 11/6, Apple đã chính thức cho ra mắt hệ thống trí tuệ nhân tạo của riêng mình.
Được đặt tên là Apple Intelligence, hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ A.I. kết hợp với những thông tin riêng của người dùng (được Apple gọi tên là deep personal context) để đem đến một trải nghiệm sử dụng hoàn toàn mới, với những tính năng như tóm tắt văn bản tới tự tạo ra các emoji.
Apple Intelligence sẽ được tích hợp vào các thiết bị sử dụng iOS 18, iPadOS 18 và macOS Sequoia kể từ cuối năm nay.
2. Apple Intelligence đem đến những tính năng gì mới?
Tính năng đầu tiên được Apple nhắc đến có tên là Writing Tools. Tính năng này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà soát lỗi và viết lại mọi văn bản theo các tông giọng và câu từ khác nhau. Writing Tools cũng có thể tóm tắt và rút gọn văn bản, cũng như các dòng thông báo, email và cả những file thu âm.
Ngoài ra, tính năng này có thể giúp sắp xếp các thông báo và email theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là những thông báo có tính cấp thiết về thời gian như lịch họp hay vé máy bay.
“Nàng” trợ lý ảo Siri cũng sẽ được nâng cấp hoàn toàn với Apple Intelligence. Giờ đây, Siri sẽ mang một giao diện mới, giống một chiếc khung màu cầu vồng bao quanh màn hình. Với công nghệ A.I, Siri sẽ có khả năng tiếp nhận và giao tiếp ngôn ngữ đa dạng và tự nhiên hơn.
Nếu người dùng đưa ra một yêu cầu phức tạp mà Siri không thể xử lý, Apple Intelligence có khả năng sử dụng ChatGPT (với GPT-4o) để thực hiện mệnh lệnh đó. Tính năng này sẽ miễn phí cho toàn bộ người dùng, và người dùng sẽ được lựa chọn rằng họ có muốn sử dụng ChatGPT hay không trước khi Apple Intelligence kích hoạt tính năng đó.
Tuy nhiên, tính năng nhận được nhiều sự chú ý nhất trong buổi ra mắt chắc chắn là Genmoji. Như đã biết, Apple đã sở hữu một kho emoji khổng lồ và liên tục update các emoji mới. Nhưng giờ đây người dùng sẽ không phải chờ đợi nếu không tìm được emoji họ muốn.
Với Genmoji, người dùng có thể nhập mô tả và nhận được một chiếc emoji riêng biệt (giống với công nghệ text-to-image của những chương trình như Midjourney), sẵn sàng để chia sẻ trên các ứng dụng tin nhắn. Và do Apple Intelligence có khả năng sử dụng thông tin trong thiết bị, người dùng thậm chí có thể sử dụng Genmoji để tạo ra các emoji từ những người thật trong thư viện ảnh.
Đó không phải là tính năng duy nhất về mặt hình ảnh của Apple Intelligence. Công cụ Image Wand có thể biến mọi bản phác họa trong ứng dụng Note thành hình vẽ hoàn chỉnh, và công cụ Clean Up sẽ giúp người dùng xóa đi các chi tiết “thừa” trong một bức hình đã chụp.
3. Apple nói gì về tính bảo mật của Apple Intelligence?
Từ lâu, Apple đã cho thấy sự chú tâm vào vấn đề bảo mật và riêng tư của người dùng. Quan điểm này vẫn sẽ được tiếp tục với Apple Intelligence, khi công ty này tiết lộ rằng hệ thống trí tuệ nhân tạo mới sẽ được tích hợp vào “lõi” của các thiết bị, xử lý các mệnh lệnh (khi có thể) trên chính những thiết bị đó, thay vì đăng tải thông tin để xử lý qua đám mây (cloud processing).
Đây là cách để Apple giải quyết các lo ngại về quyền riêng tư, khi Apple Intelligence cần sử dụng thông tin cá nhân của người dùng trên thiết bị để hoạt động. Apple khẳng định rằng bằng cách này, thông tin của người dùng sẽ không bị lưu trữ và phát tán, và sẽ chỉ được khai thác với sự cho phép của họ. Điều này cũng sẽ áp dụng với tính năng ChatGPT.
Đối với những yêu cầu phức tạp và không thể được thực hiện “trên máy”, Apple Intelligence sẽ sử dụng một công nghệ mới mang tên Private Cloud Compute, được vận hành bởi các mô hình trí tuệ nhân tạo tân tiến của Apple Silicon.
4. Apple sẽ minh bạch về vấn đề bảo mật như thế nào?
Việc sử dụng tính năng ChatGPT đang khiến Apple gặp ít nhiều rắc rối với một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong giới công nghệ. Elon Musk, CEO của Tesla, SpaceX và chủ sở hữu của X (Twitter cũ) đã cảnh báo rằng ông sẽ cấm mọi thiết bị của Apple trong công ty của mình nếu Apple tích hợp ChatGPT vào hệ điều hành, vì cho rằng đó là một mối đe dọa về an ninh “không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, Apple cho biết sẽ tự nguyện chia sẻ hoặc cho phép các chuyên gia độc lập và công ty thứ ba kiểm tra hệ thống máy chủ bất cứ khi nào họ yêu cầu, để có thể xác thức những lời hứa của Apple về vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng.
Cách tiếp cận của Apple cho thấy công ty này, hơn các đối thủ của họ, hiểu rằng công nghệ A.I, vốn vẫn luôn là một vấn đề gây tranh cãi, cần được tiếp cận và phát triển một cách minh bạch. Những cam kết về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu này, nếu được thực thi một cách trơn tru, có thể sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới cho toàn bộ thị trường A.I.
5. Apple Intelligence - A.I. dành cho mọi người?
Khi nhìn vào những tính năng mà Apple giới thiệu dành cho Apple Intelligence, những người dùng hệ điều hành Android hoặc giới đam mê công nghệ có thể cho rằng đây là những tính năng tương đối cơ bản, không phải những đột phá về công nghệ A.I.
Thậm chí, theo các thông tin từ sự kiện, những đại diện đến từ Wall Street dường như không quá ấn tượng sau màn ra mắt của Apple Intelligence, phần nhiều vì họ hy vọng được chứng kiến những tính năng tân tiến hơn.
Hướng tiếp cận của Apple có lẽ chưa khiến Wall Street thực sự an tâm về khả năng chạy đua của Apple với đối thủ trong “cuộc đua” về A.I, và vì vậy ngay sau buổi ra mắt, cổ phiếu của Apple đã giảm gần 2%.
Nhưng đó vẫn luôn là triết lý của Apple. Những sản phẩm của họ, từ iPhone tới AirPods, hay cả hệ điều hành iOS, chưa bao giờ sở hữu những tính năng “xa hoa” như những đối thủ cùng tầm giá. Apple dường như luôn biết những tính năng cơ bản nhất mà khách hàng cần, và chính sự đơn giản đó lại đem đến sự tiện nghi và thân thiện với người dùng.
Với Apple Intelligence, Apple hy vọng sẽ một lần nữa thành công theo cách của họ. Thay vì tập trung vào các tập đoàn và giới công nghệ, Apple sẽ cố gắng thuyết phục hơn một tỷ người dùng về sự cần thiết của công nghệ A.I. Một phần lớn trong số đó không phải những người quá am hiểu về công nghệ, vậy nên cách tiếp cận A.I. theo hướng “đơn giản” có thể là lựa chọn hoàn hảo nhất.