1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Ngày 17/01, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân.
Bé A. (tên bệnh nhi) sau đó được chuyển viện do tình trạng nguy kịch. Kết quả chụp X-quang phát hiện bé có 9 dị vật trong hộp sọ, hình dạng giống đinh ghim. Bé cũng nhập viện trong tình trạng bó bột ở tay.
Được biết, tiền sử nhập viện của bé A. có nhiều điểm nghi bị bạo hành. Trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, bé A. từng hôn mê vì ngộ độc thuốc trừ sâu. 2 tháng sau, bé tiếp tục phải nhập viện vì có dị vật đường tiêu hóa. Tình trạng đau tai, nôn mửa và co giật cũng được ghi nhận.
Nhận thấy nhiều điểm bất thường, phía bệnh viện tiếp nhận bé A. đã trình báo Công an huyện Thạch Thất và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Hiện tại, cơ quan công an đang triệu tập những người liên quan để tiến hành điều tra.
2. Kết quả điều tra ban đầu là gì?
Liên quan đến vụ việc, cơ quan công an đã triệu tập Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi) - là mẹ của cháu bé, và Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi) - là người tình của cô để điều tra. Theo khai nhận ban đầu, Huyên đã hành hạ con riêng của vợ để không phải nuôi dưỡng, do lo ngại sự xuất hiện của bé A. ảnh hưởng đến cuộc sống riêng.
Huyên khai từ tháng 09/2021 đến nay đã hành hạ bé gái 4 lần bằng cách cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay và đóng đinh vào đầu. 9 chiếc đinh, mỗi cái dài 2,1 cm được đóng vào đầu bé A. vào ngày 17/01. Trước đó, do bực tức nên Huyên cũng đã tát bé A. nhiều lần.
Được biết, ông nội của bé A. cũng đã để ý những thương tích của cháu từ trước, nhưng do không chắc chắn bé bị bạo hành nên không báo công an.
Theo thông tin mới nhất, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt Nguyễn Trung Huyên, 30 tuổi, để làm rõ nghi vấn dùng đinh hành hạ con riêng 3 tuổi của người tình.
3. Đâu là ranh giới của “yêu cho roi cho vọt”?
Vụ việc nghi bạo hành này chỉ là một trong hàng loạt vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em được đưa ra gần đây. Điểm chung của chúng, là việc con trẻ bị bạo hành nhờ sự tiếp tay của chính những người thân trong gia đình.
Nếu ở vụ bé Vân An, cha ruột của bé chính là người bàng quan với hành vi bạo hành bé của người tình, thì ở vụ việc lần này, mẹ đẻ của bé A. lại chính là người làm lơ. Dù không trực tiếp ra tay, sự làm lơ của họ đã giúp sức, tạo điều kiện cho hành vi bạo hành. Trước khi bị đóng đinh vào đầu, bé A. cũng đã bị tát, đánh đập và nghi dùng bạo lực đến mức gãy tay.
Khi làm lơ trước những hành vi bạo hành, cha mẹ đẻ của các bé có thể đã coi nhẹ việc dùng bạo lực để dạy dỗ khi trẻ làm sai. Đây cũng là khi quan điểm truyền thống “yêu cho roi cho vọt” được mang ra bàn luận. Bạo hành trẻ em nhân danh giáo dục không phải là điều mới, khi câu tục ngữ truyền thống bị hiểu sai và lạm dụng.
Hành động bạo lực từ thế hệ trước tới thế hệ sau vì thế được coi là một vấn đề của xã hội học. Theo học giả Fleur Gabriel, do là nhân tố tiềm năng dẫn đến sự thay đổi, người trẻ thường bị áp đặt bạo lực để ép vào khuôn. Điều này giúp duy trì tính ổn định của giá trị cũ.
Học giả Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện) cho rằng đây là điểm khiến “yêu cho roi cho vọt” trở thành ngụy biện, khi nó cố gắng thuyết phục chúng ta rằng mọi sai lầm của thế hệ trước đều là đúng đắn. Đòn roi vì thế trở thành tổn thương tâm lý đối với trẻ em. Đối với phụ huynh, đòn roi khiến họ trì hoãn nhiệm vụ định hướng cho con trẻ.
4. Bạo hành có phải chỉ thể hiện qua bạo lực?
Bạo hành không chỉ được nhìn thấy qua những vết bầm. Hành vi bạo hành, đặc biệt là bạo hành trẻ em còn được thể hiện qua lời nói.
Việc bạo hành bằng lời nói và các hình thức phi vật lý khiến gia tăng tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh tâm thần. Theo thống kê, tại Việt Nam có đến 8 - 29% trẻ em và vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đa số các em đều không được phát hiện và điều trị.
Hành vi bạo hành trẻ em còn được thể hiện qua việc người giám hộ bỏ rơi đứa trẻ. Đặc điểm nhận biết là người giám hộ thiếu quan tâm và chăm sóc trẻ về mặt thể chất, cảm xúc, tâm lý, y tế và giáo dục.
Ngoài ra, ta không thể không nhắc đến bạo hành trẻ em dưới dạng xâm hại tình dục. Khi đối mặt với hình thức bạo hành này, trẻ em nam và nữ đều có thể là nạn nhân, cũng như nam giới và nữ giới đều có thể là hung thủ.
5. Tại sao có người cha mẹ kế tốt, nhưng có người lại bạo hành con riêng?
Một điều không khó để nhận ra qua những vụ án bạo hành gần đây, đó là hung thủ được xác định là người tình của cha/mẹ huyết thống của trẻ. Việc những người cha mẹ kế có xu hướng bạo hành con riêng của người tình chính là điển hình của hiệu ứng tâm lý Cinderella, hay hiệu ứng Lọ Lem.
Hiệu ứng Cinderella được đưa ra vào thập niên 1970s bởi giáo sư tâm lý học người Canada Martin Daly. Sau khi nghiên cứu thống kê về các vụ án bạo hành, giáo sư Daly nhận thấy những vụ cha mẹ sát hại trẻ em thường sẽ có liên quan đến cha mẹ kế. Hiệu ứng Cinderella vì thế cho rằng cha mẹ kế sẽ có tỷ lệ bạo hành trẻ em cao hơn so với cha mẹ đẻ của chúng.
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng rủi ro xảy ra hiệu ứng Cinderella. Theo giảng viên ngành tội phạm học Kevin Hoffin tại Đại học Birmingham City (Anh), những yếu tố này bao gồm gia cảnh, lịch sử bạo lực gia đình và tình trạng mối quan hệ của cha hoặc mẹ ruột với người mới.
Tuy nhiên, cần nói rõ rằng hiệu ứng Cinderella chỉ là một góc nhìn. Ta không nên hiểu hiệu ứng Cinderella theo hướng đánh đồng những người cha mẹ kế. Phần lớn trong số họ là người tốt, những người phạm tội chỉ chiếm một thiểu số rất nhỏ mà thôi.
6. Luật pháp có thể thay đổi thế nào để hạn chế tội phạm bạo hành?
Đối với tội danh “Hành hạ người khác”, luật pháp Việt Nam hiện vẫn có thể cho người phạm tội hưởng án treo nếu xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bùi Võ - điều tra viên tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, án treo với tội danh xâm hại trẻ em được coi là thiếu nghiêm minh và đi ngược lại luật quốc tế.
Chuyên gia Bùi Võ cho biết nhiều nước xử phạt rất nghiêm hành vi xâm hại trẻ em, với hầu hết hình phạt là tù giam. Không chỉ ở phương Tây, các nước Á Đông với văn hóa “yêu cho roi cho vọt” như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã sửa luật theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các tội danh này.
Ông Võ cũng chỉ ra luật Việt Nam hiện hành không quy trách nhiệm cho người phát hiện ra hành vi bạo hành. Đây là thiếu sót lớn, do hành vi xâm hại trẻ em diễn ra kín nên người phát hiện hay chứng kiến thường là các thành viên gia đình hoặc những người gần gũi với trẻ.
Chính vì vậy theo ông Võ, pháp luật hình sự đã đến lúc cần sửa theo hướng không cho hưởng án treo, tăng hình phạt với các tội liên quan đến trẻ em cũng như quy trách nhiệm cho người lớn xung quanh.
7. Làm gì khi phát hiện hành vi bạo hành?
Khi phát hiện hành vi bạo hành trẻ em, nếu không rõ nên làm gì, bạn chỉ cần gọi ngay đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, hoặc Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Ngoài ra, nếu phát hiện hành vi bạo hành, ta có thể giúp đỡ nạn nhân bằng 3 hành động:
- Xác nhận sự thật và mức độ nghiêm trọng.
- Giúp nạn nhân nhận thức hoàn cảnh và lên tiếng.
- Đảm bảo nạn nhân và người báo cáo được an toàn.
Những đứa trẻ ngày hôm nay cũng chính là những người sẽ dẫn dắt xã hội trong tương lai. Chính vì thế, việc nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ tốt không chỉ là trách nhiệm dĩ nhiên của người lớn với người thân của họ, mà còn là trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.