Bình Minh và Anh Thơ: Tính "chắc tay" để chu toàn cuộc sống | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 09, 2021

Bình Minh và Anh Thơ: Tính "chắc tay" để chu toàn cuộc sống

"Thơ không trọng lối sống thực dụng nhưng lại đề cao lối sống thực tế. Khi chấp nhận yêu và cưới, mình phải biết ngày sau của mình như thế nào và tính toán cho tương lai của gia đình."

Bình Minh và Anh Thơ: Tính "chắc tay" để chu toàn cuộc sống

Vợ chồng Bình Minh và Anh Thơ.

Bình Minh và Anh Thơ bước vào mối quan hệ hôn nhân với những điểm khác biệt ban đầu, từ nghề nghiệp cho đến tính cách. Tại thời điểm kết hôn, anh ghi dấu với vai trò người mẫu và tỏa sáng khi lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất. Chị thành công trong kinh doanh và giữ vị trí quan trọng tại một khách sạn 5 sao nổi tiếng.

Với anh chị, yêu và cưới là một hành trình dài của sự thích nghi mà ở đó cả hai đã thay đổi cùng nhau và vì nhau. Chính tình yêu và trách nhiệm, xen lẫn lãng mạn và thực tế, đã giữ lửa cho hôn nhân của anh chị suốt 13 năm vừa qua. 

Bước vào cuộc sống hôn nhân, hai anh chị đã học được gì để trở nên “vừa vặn" với nhau hơn? 

Anh Thơ: Đã hơn 13 năm kể từ ngày cả hai về chung một nhà, có rất nhiều sự thay đổi thú vị ở bản thân mỗi người. Anh Minh là người Bắc còn mình là người Nam, hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau nên cách cư xử và hành động cũng có phần đối lập. Anh Minh là kiểu người rất quan tâm từ gia đình cho đến họ hàng, lối xóm. Còn Thơ thì theo “chủ nghĩa cá nhân”, luôn tôn trọng sự tự do và quyền riêng tư mỗi người.

Bên cạnh đó, anh là nghệ sĩ nên tính cách khá bay bổng và tùy hứng. Mình thì ngược lại, lúc nào cũng muốn phải có kế hoạch trước. Lúc yêu, mình chưa thực sự để ý, nhưng khi kết hôn thì đây lại là vấn đề lớn mà hai vợ chồng cần giải quyết để hòa hợp hơn.

May mắn là cả hai đều có sự tôn trọng và tin tưởng đối phương. Hai vợ chồng luôn cố gắng lắng nghe nhau, thích nghi và thay đổi bản thân để chấp nhận những điều xa lạ. Đó cũng chính là bài học mình rút ra được sau ngần ấy năm chung sống.

Bình Minh: Khó khăn lớn nhất trong suốt 13 năm chung sống đúng là sự “hòa hợp”. Cả hai vợ chồng đều có cá tính mạnh và ít nhiều đã đạt được những thành công riêng trong sự nghiệp. Nếu không hạ cái tôi để lắng nghe nhau thì chắc không thể bước tiếp đến giờ này. 

Hơn 13 năm chung sống, Bình Minh và Anh Thơ thay đổi bản thân để chấp nhận những gì xa lạ trở nên thân quen.

Có phải hành trình “hòa hợp” là chặng đường vất vả nhất để anh chị đạt được hạnh phúc như hôm nay?

Anh Thơ: Thơ nghĩ, trong mọi mối quan hệ - tình cảm hay kể cả hôn nhân, gia đình - đều cần sự nỗ lực của cả hai. Người ta luôn cần hai bàn tay để vỗ thành tiếng, nếu một người cố, một người im thì cũng không thành. 

Mình không nên ép người kia thay đổi theo ý của mình, ngược lại mình cũng phần nào không thích nếu phải thay đổi theo ý của đối phương. Tại sao hai người không cố để hiểu nhau, tự thay đổi mỗi ngày để dần thu hẹp khoảng cách và vun đắp mối quan hệ bền chặt hơn?

Anh chị định nghĩa thế nào về vai trò trụ cột trong gia đình? 

Bình Minh: Đối với Minh, trụ cột trong gia đình là người có thể chăm lo cho cả gia đình - từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đời sống kinh tế đến đời sống tinh thần - với sự trợ sức của người còn lại. 

Người trụ cột phải nắm tình hình tài chính của gia đình, quan tâm đến vấn đề nhà cửa và kế hoạch tương lai. Bên cạnh đó cũng là người có thể chia sẻ, an ủi và bảo vệ các thành viên trong gia đình mỗi khi họ có những tâm tư, khuất mắt trong đời sống hàng ngày.

Trong gia đình anh chị, ai là trụ cột để các thành viên khác có thể tựa vào? 

Anh Thơ: Chắc chắn là ba Bình Minh rồi. Kể cả Thơ mang tiếng mạnh mẽ trên thương trường là thế, nhưng có việc xảy ra ở công ty đều kể cho ông xã nghe, hỏi ý kiến và luôn nhận được những lời khuyên rất giá trị. Hai cô con gái thì lúc nào cũng cho rằng ba là “người khổng lồ”, việc gì đến tay ba đều sẽ được giải quyết.

Còn Thơ tự nhận thấy mình là người giữ “tay hòm chìa khóa”. Về thu nhập của cả hai, ông xã hoàn toàn tin tưởng để Thơ quản lý. Mình phân chia rất cụ thể, bao nhiêu tiền dành cho việc học của con, bao nhiêu để trang trải cuộc sống, bao nhiêu để đi du lịch, bao nhiêu dùng để đầu tư…

May mắn là qua ngần ấy thời gian chung sống, Thơ cũng chứng minh được là anh Minh không sai khi đặt niềm tin vào Thơ.

"Hai cô con gái thì lúc nào cũng cho rằng ba là “người khổng lồ”, việc gì đến tay ba đều sẽ được giải quyết."

Cuộc sống của anh chị đã thay đổi ra sao sau khi sinh con?

Anh Thơ: Sau khi sinh con, câu chuyện không còn là của riêng anh và em nữa, mà là của chúng ta. Bất cứ mọi quyết định nào cũng đều nghĩ đến con đầu tiên. Nuôi dạy con thế nào, sống ở đâu thì phù hợp với sự phát triển của con... đều là những vấn đề hai vợ chồng phải suy xét kỹ lưỡng. Khi có con, người ta trở nên có trách nhiệm hơn so với lúc còn son.

Bận rộn với sự nghiệp riêng, anh chị phân công nuôi dạy con thế nào?

Anh Thơ: Do cả hai thường xuyên phải đi công tác nên mỗi khi có thời gian rảnh là dành hết cho gia đình. Hai vợ chồng luôn cố gắng thu xếp để có ít nhất 1 ngày trong tuần được ở nhà, thoải mái chơi với hai cô con gái. 

Việc chăm con cũng được phân chia một cách tự nhiên, dựa theo khả năng và đặc biệt là sự yêu thích của hai con. Về chuyện học hành của các bé thì Thơ sẽ là người phụ trách chính. Do từng có kinh nghiệm làm việc trong môi trường giáo dục nên mình sẽ là người chọn trường cho con, phân bổ thời gian một cách hợp lý nhất để con có thể theo đuổi các môn kỹ năng yêu thích. 

Ba Bình Minh thì dịu dàng với hai cô con gái hơn mẹ nên sẽ là người tự tay chăm sóc con. Tắm cho con và đút con ăn khi con còn nhỏ, những việc này hai cô con gái rất thích được ba Minh làm cho.

Tài chính có phải là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc? 

Bình Minh: Chắc chắn rồi, không cần phải giàu có, nhưng phải đảm bảo được những vấn đề cơ bản trong cuộc sống cho cả gia đình thì mới bảo vệ được hạnh phúc. Hai vợ chồng tin rằng, khi gia đình có sự đồng lòng và biết đâu là đủ, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Đối với vợ chồng Bình Minh và Anh Thơ, tài chính là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Bước ngoặt nào khiến anh chị nhận ra mình cần phải tính toán nhiều hơn để vun vén cho gia đình?

Anh Thơ: Là khi con bước vào lớp 1, lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp cho con là điều đau đầu nhất với vợ chồng mình. Mình luôn mong muốn con được hưởng một nền giáo dục thật tốt vì đó là nền tảng vững chắc để con có thể tự xây dựng tương lai. 

Trong vấn đề học tập của con cái, Thơ là một người tính rất chặt. Một khi đã chọn trường thì mình cũng không muốn “đứt gánh giữa đường”, bởi vì hai con sẽ rất khó để thích nghi một môi trường hoàn toàn mới. 

Từ lúc đó, gia đình Bình Minh và Anh Thơ đã phải thận trọng tính toán tài chính cho cả gia đình, chi tiêu và tích cóp như thế nào để đảm bảo con được giáo dục và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhất.

Bình Minh: Minh và bà xã nghĩ rằng chẳng có tài sản nào quý giá hơn những thứ mà chính các con tự tạo ra. Thay vì để lại tài sản nào đó cho con, hai vợ chồng cố gắng cho con một môi trường giáo dục tốt nhất, một thân thể khỏe mạnh nhất và một mái nhà đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia. 

Cuộc sống vật chất cũng sẽ được chu toàn và tính toán một cách hợp lý để các con trưởng thành không mang nỗi lo “cơm áo gạo tiền” từ quá sớm.

Hai vợ chồng Bình Minh và Anh Thơ luôn tính toán hợp lý để cho các con một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Mùa dịch này, đời sống của anh chị có bị ảnh hưởng nhiều?

Anh Thơ: Cả gia đình mình may mắn vẫn khoẻ mạnh và thường động viên nhau tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Tuy nhiên, về mặt tinh thần, mặc dù cả hai đều lạc quan hết mức có thể nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị lay động.

Do hoạt động kinh doanh bị đình trệ và phải làm việc ở nhà nên cả hai vợ chồng đều mang những suy tư riêng. Cả Bình Minh và Anh Thơ đều gặp phải những áp lực về mặt kinh tế và trăn trở trong việc duy trì cơ sở kinh doanh.

Với Thơ, vừa là giám đốc của một công ty, vừa tham gia đầu tư ở một số lĩnh vực giải trí, nhà hàng nên ít nhiều mình cũng bị tác động. Còn với anh Bình Minh, các cơ sở hoạt động về golf của anh đã phải đóng cửa 3-4 tháng nay. Không thu được lợi nhuận, tuy nhiên, vẫn phải trả tiền mặt bằng và nhân sự để duy trì và chờ ngày quay trở lại.

Ảnh hưởng là thế nhưng hai vợ chồng may mắn vì có những kế hoạch và nguồn quỹ dự phòng. Chính nhờ sự tính toán và dự đoán trước của mình nên những khó khăn hiện tại chưa ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình. 

Việc tính toán đúng vừa là bản năng, vừa là bản chất từ bé của Thơ. Mình nghĩ rằng việc dự toán cho tương lai cũng là cách để tránh những rủi ro có thể xảy đến và nâng cao xác suất thành công trong công việc. 

Vậy theo chị Anh Thơ, trong tình yêu có cần phải tính không?

Anh Thơ: Thơ không trọng lối sống thực dụng nhưng lại đề cao lối sống thực tế. Khi chấp nhận yêu và cưới, mình phải biết ngày sau của mình như thế nào và tính toán cho tương lai của gia đình.

Thơ tính từ ngắn hạn đến dài hạn. Trong mùa dịch, kế hoạch ngắn hạn của mình là phải đảm bảo đủ lương thực cho cả gia đình. Mình chủ động tìm kiếm các phương án mua hàng khác nhau, lên kế hoạch tỉ mỉ mua gì, ở đâu để làm sao gia đình có đủ những thực phẩm thiết yếu. 

Đặc biệt là Thơ lúc nào cũng có "plan B" - Thơ đã tính trước một quỹ dự phòng nên dù có khó khăn, giai đoạn này cũng chưa ảnh hưởng quá sâu sắc đến gia đình.

Sau đó tính tới kế hoạch trung hạn là sau dịch mình sẽ làm gì. Cả hai vợ chồng bàn tính cách “đề máy” trở lại, cẩn thận cho các kế hoạch mở cửa vì thị trường cần được phục hồi và mình phải nương theo để tránh những rủi ro.

Cuối cùng với kế hoạch dài hạn, điều gia đình Thơ quan tâm nhất chắc chắn là chuyện giáo dục của hai cô con gái. Theo Thơ, đã sinh con là phải có trách nhiệm nuôi dạy và chăm lo đời sống cho con một cách tốt nhất. Việc tính toán là để đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống và chu toàn những nhu cầu cơ bản, là bàn đạp để con có thể tự đạt được những điều con mong muốn trong tương lai.

“Yêu phải tính” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu từ Prudential, xoay quanh câu chuyện của những mối quan hệ, hành động vì nhau và làm cho nhau. Trong quá trình hành động vì nhau, sẽ luôn có những bài học về tình yêu để họ học mỗi ngày, cùng hòa hợp và hạnh phúc. Chắc chắn không thể thiếu đi bài học rất chân thật về “cơm áo gạo tiền” mà họ luôn phải tính để đảm bảo hạnh phúc cho nhau.