Body Horror: Khi nào thì con người còn là con người? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 05, 2022

Body Horror: Khi nào thì con người còn là con người?

Thể loại kinh dị này đã đặt ra một câu hỏi mang nặng tính nhân sinh như thế nào?
Body Horror: Khi nào thì con người còn là con người?

Nguồn: Tetsuo- The Iron Man

Bài viết có hình ảnh và nội dung mô tả các yếu tố kinh dị thể xác có thể gây khó chịu.

Thức dậy với sự đau nhức trên toàn cơ thể, bạn chầm chậm lê bước đến trước chiếc bồn rửa mặt trong phòng tắm. Dưới áp lực của dòng nước chảy, từng chiếc móng tay của bạn bị bóc ra khỏi cơ thể. Bạn cố gắng la lên nhưng không thể, môi bạn đã bị khâu chặt lại vào nhau, những chiếc răng hàm dần rơi khỏi nướu, lạo xạo trong miệng,...

Nếu những gì được miêu tả khiến bạn cảm thấy khó chịu, để Bóc Phim giải thích về một yếu tố kinh dị mang tên là Body Horror (kinh dị thể xác).

1. Body Horror là gì?

Body horror hay kinh dị thể xác là một yếu tố kinh dị khai thác nỗi sợ liên quan đến những bệnh tật, đau đớn, biến dạng mà cơ thể con người chịu đựng.

alt
Nguồn: Black Swan

Những bộ phim có chứa những yếu tố kinh dị thể xác thường gây sợ hãi bằng những hình ảnh, hành động tổn thương nghiêm trọng đến cơ thể con người như phẫu thuật, tra tấn, cắt bỏ tứ chi, nhổ răng, bóc rời móng tay chân, lột da, khâu miệng của một người vào hậu môn của một người khác,...

Ngoài ra, những chuyển động bất thường hoặc sự biến dạng của cơ thể con người cũng được xem là một yếu tố thường thấy trong kinh dị thể xác.

2. Kinh dị thể xác có bắt nguồn từ đâu?

Cũng như mọi yếu tố kinh dị khác, những yếu tố kinh dị thể xác có thể được tìm thấy ở những hình mẫu kinh dị lâu đời. Chẳng hạn như những hiệp sĩ không đầu ở Châu Âu, Kappa ở Nhật Bản hay ma vú dài của Việt Nam,...

Tuy nhiên, trong điện ảnh, thể loại này trở nên phổ biến vào khoảng giữa thập niên 70 khi chúng khai thác được nỗi sợ dâng cao của công chúng tại thời điểm đại dịch HIV/AIDS đang hoành hành tại Mỹ. Đạo diễn người Canada, David Cronenberg là một trong những người tiên phong đầu tiên của thể loại.

Bộ phim nhận được đầu tư lớn đầu tiên của vị đạo diễn, Shivers, ra mắt vào năm 1975, nói về một tòa chung cư đầy những người mắc phải một căn bệnh bí ẩn lây qua đường tình dục. Bộ phim tiếp theo của ông, Rabid, có nội dung xoay quanh một cô gái hút máu đối phương khi đang quan hệ tình dục, khiến họ mất đi nhận thức và trở thành những sinh vật tương tự như cô.

alt
Jeff Goldblum vào vai nhà khoa học bị lai tạo với ruồi | Nguồn: The Fly

David Cronenberg sau đó tiếp tục thực hiện các bộ phim kinh dị thể xác thuộc hàng kinh điển như The Fly, Videodrome,... Có thể nói vị đạo diễn chính là cha đẻ của thể loại kinh dị thể xác hiện đại.

3. Vì sao kinh dị thể xác lại phổ biến?

Những yếu tố kinh dị thể xác hoàn toàn có thể xuất hiện ở những nhánh phim kinh dị khác. Việc một nhân vật bị cắt đi tứ chi có thể xuất hiện ở những bộ phim tra tấn (torture), giết người (slasher),... tuy nhiên thông điệp và mục đích mà hình ảnh này đem lại ở từng thể loại phim là hoàn toàn khác nhau.

Đi từ nỗi sợ bắt nguồn từ đại dịch HIV/AIDS, thể loại này muốn khán giả có thể cảm nhận được nỗi đau dai dẳng của nhân vật, sự bất lực khi nhìn thấy cơ thể héo mòn từ từ từ mà không thể làm gì…

Khác với những thể loại kinh dị khác, thể loại kinh dị thể xác không chọn gây sợ hãi bằng những yếu tố bên ngoài như ma quỷ, sát nhân, quái vật,... Thay vào đó, chúng tấn công vào nỗi sợ bên trong con người, nỗi sợ của việc mất đi bản ngã.

Cảm giác chính mà một bộ phim thuộc thể loại này muốn hướng tới là sự mất đi nhận thức và quyền điều khiển cơ thể của một con người. Hay cụ thể hơn, chúng đặt ra cho người xem một câu hỏi rằng “Cho đến khi nào thì ta không còn là ta?”

alt
Đến khi nào thì một thực thể còn được xem là con người? | Nguồn: Tusk

Trở nên phổ biến với công chúng từ nỗi sợ đến từ dịch AIDS, thể loại kinh dị thể xác đến nay đã phát triển ra khỏi bối cảnh ấy. Vẫn tập trung vào một câu hỏi nặng tính nhân sinh, thể loại kinh dị thể xác hiện đại đã biến đổi để khai thác những nỗi sợ rất riêng của từng thời đại.

Điển hình là những bộ phim như Alien của đạo diễn Ridley Scott (1979, chủ đề xâm hại tình dục), Videodrome (1983), The Thing (1982, nỗi sợ người nhập cư), Antiviral (2012, văn hóa thần tượng),...

4. Những bộ phim kinh dị thể xác tiêu biểu

Tusk

Sản phẩm kinh dị thể xác của A24 xoay quanh một podcaster kiêu ngạo và ngu ngốc, một mình đi đến phỏng vấn một nhà tài phiệt với niềm đam mê mãnh liệt với hải mã (walrus).

Antiviral

Bộ phim có bối cảnh đặt tại một xã hội nơi những con virus đang tồn tại trong cơ thể người nổi tiếng có thể được chiết xuất và bán cho người hâm mộ. Một ca sĩ thần tượng bị tấn công sinh học, nhốt vào chiếc hộp. Hàng ngày cơ thể của cô bị lóc thịt, và chiết xuất để bán cho người hâm mộ.

The Fly

Một nhà khoa học sau một lần bất cẩn đã vô tình lai tạo chính bản thân với một con ruồi. Sản phẩm kinh điển của đạo diễn David Cronenberg cho người xem chứng kiến hành trình một con người tài năng vui vẻ, đầy tình yêu từ từ đánh mất đi bản năng và trở thành một sinh vật đáng sợ.

Tetsuo: The Iron Man

Một doanh nhân vô tình đâm xe trúng một người cuồng tín kim loại (Metal Fetishist). Sau đó anh bị trả thù và từ từ bị người cuồng tín này biến đổi thành một thực thể kết hợp giữa con người và kim loại bị rỉ sét.