Đêm 11/9 theo giờ Việt Nam, Huỳnh Như đánh dấu lịch sử khi trở thành nữ cầu thủ Việt đầu tiên cất bước chạy trên sân cỏ châu Âu tại giải Vô địch Bóng đá nữ Bồ Đào Nha. Dù chỉ ra sân trong những phút cuối trận, Huỳnh Như cho rằng đây là bước chạy đà tốt để cô hòa nhập với đồng đội mới, môi trường thi đấu mới, và nền văn hóa mới.
Trước Huỳnh Như vài tháng, ngôi sao của CLB Bóng đá Hà Nội và đội tuyển quốc gia là Nguyễn Quang Hải cũng xuất ngoại sang chơi ở giải hạng hai của Pháp. Và trước Quang Hải là Đoàn Văn Hậu tại Hà Lan, Đặng Văn Lâm tại Thái, hay xa hơn nữa là Lê Công Vinh đi Nhật.
Có nhiều cầu thủ chuyển ra nước ngoài chơi bóng vì lý do kinh tế bên cạnh vinh quang thi đấu. Vậy các cầu thủ bóng đá kiếm tiền như thế nào? Và liệu những chuyến du học có tương đồng với những khoản đầu tư tài chính có lời cho các cầu thủ?
1. Tiền lương từ câu lạc bộ
Các cầu thủ nhận lương từ chủ lao động là các câu lạc bộ bóng đá. Tùy theo vị trí và khả năng chơi bóng mà mỗi cầu thủ sẽ có một mức lương khác nhau.
Chừng nào còn trong biên chế của một đội bóng, cầu thủ sẽ nhận lương ngay cả khi mùa giải đã kết thúc. Tùy thuộc vào mỗi đội hoặc quy định của mỗi liên đoàn bóng đá, số tiền ngoài mùa giải có thể bằng hoặc ít hơn mức lương theo hợp đồng.
Các câu lạc bộ trả lương cho cầu thủ theo tháng, ngay cả trong trường hợp cầu thủ đó không thể ra sân vì chấn thương, thẻ phạt, vì không được đăng ký thi đấu, hay do án kỷ luật của liên đoàn bóng đá. Vậy tại sao lại có cách tính lương theo tuần như ta thường thấy trên truyền thông? Đó là bởi trong quá khứ, ở quê hương của bóng đá là nước Anh, đã từng có những đạo luật quy định mức lương tối đa mà một cầu thủ có thể nhận theo tuần.
Vào năm 1910, một cầu thủ tại Anh có mức lương tối đa là 5 bảng/tuần, chưa tính thưởng. Sau Thế chiến I, con số tăng lên thành 8 bảng và tăng dần đều theo thời gian. Tới 1961, quy định về mức trần của lương cầu thủ bị bãi bỏ.
Việc thông báo lương cầu thủ theo tuần có vẻ chỉ là thói quen của truyền thông Anh, tuy rằng đây cũng có thể là một cách đưa tin để độc giả dễ hình dung ra số lương khổng lồ của cầu thủ, theo kiểu “anh Bảy đá banh một tuần ấm hơn tôi đi làm cả năm.”
Bên cạnh tiền lương, đội bóng sẽ cung cấp một số khoản trợ cấp về ăn ở và chế độ tập luyện. Như trong trường hợp của Huỳnh Như, bên cạnh mức lương 1500 euro/tháng, đội bóng còn hỗ trợ chi phí ăn ở, ước tính khoảng 1000 euro/tháng. Con số 1500 euro là rất lớn nếu so với các đồng đội của cô tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa bằng mức trả trung bình của một cầu thủ nam tại V-league.
Nhìn chung, sự chênh lệch về tiền lương giữa bóng đá nam và bóng đá nữ là rất đáng kể. Quang Hải thi đấu ở một giải hạng hai của Pháp nhưng cũng nhận 2000 euro một tuần. Còn với những ngôi sao nam ở giải hạng nhất Pháp như Messi hay Neymar, con số sẽ lớn gấp trăm lần.
2. Tiền lương đội tuyển quốc gia
Bên cạnh việc thi đấu cho câu lạc bộ thì góp mặt tại đội tuyển quốc gia vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh hạnh với các cầu thủ. Khi tham gia các giải đấu quốc tế, cầu thủ nhận lương vận động viên do liên đoàn thể thao hay liên đoàn bóng đá của quốc gia chi trả.
Mức lương tại đội tuyển quốc gia thấp hơn rất nhiều so với mức lương tại câu lạc bộ. Ví dụ, các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam nhận khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng cho cả thời gian thi đấu và tập luyện, trong khi những gương mặt như Quế Ngọc Hải hay Văn Quyết nhận hàng chục triệu đồng cho mỗi tháng tại đội bóng, hoặc như Đặng Văn Lâm nhận 17 ngàn đô mỗi tháng khi chơi cho Bình Định.
Sự chênh lệch giữa lương đội tuyển và lương đội bóng là một hiện tượng toàn cầu. Tại World Cup 2018, Mbappe nhận 17 ngàn bảng cho mỗi trận anh thi đấu. Anh đá đủ 7 trận từ vòng bảng tới chung kết và bỏ túi 119 ngàn bảng, nghe thì có vẻ nhiều nhưng không là gì so với mức thu nhập hơn một triệu đô mỗi tuần của anh tại đội bóng PSG.
Trong trường hợp cầu thủ bị chấn thương khi thi đấu quốc tế và không thể tiếp tục chơi cho đội bóng, FIFA sẽ nhận trách nhiệm trả lương cho cầu thủ thay cho câu lạc bộ. Điều này được quy định trong “Chương trình bảo vệ câu lạc bộ” của FIFA.
3. Tiền thưởng
Con số lương theo tuần như truyền thông đưa tin, hay theo tháng như các cầu thủ nhận, là mức lương cơ bản. Bên cạnh khoản thu ấy, hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng có thể có những điều khoản thưởng thêm.
Thưởng mỗi lần ra sân (appearances bonus)
Đây là mức thưởng cơ bản nhất không chỉ bởi nó áp dụng cho tất cả cầu thủ, mà bởi nhiều loại thưởng khác cũng có liên đới với khoản thưởng này. Với mỗi lần một cầu thủ xuất hiện trong đội hình thi đấu chính thức hoặc trên ghế dự bị, câu lạc bộ sẽ trả thưởng thêm. Mức tiền thưởng cho mỗi cầu thủ là khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và các điều khoản hợp đồng của từng người.
Cách tính thưởng cho một cầu thủ trong đội hình chính thức với một cầu thủ dự bị có ra sân hay một cầu thủ chỉ dự bị cũng khác nhau. Một số điều khoản cho cầu thủ dự bị còn quy định mức thưởng nếu như người đó ra sân trước hoặc sau một thời điểm nhất định, thường là phút 70 hoặc 75 của trận đấu.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi một cầu thủ thi đấu tệ, cầu thủ ấy vẫn có thể kiếm khá nhiều tiền thưởng. Đây là trường hợp của Alvaro Morata - người đã có một mùa giải tệ hại tại Chelsea vào 2017/2018, nhưng vẫn bỏ túi 830 ngàn bảng do thỏa mãn điều kiện xuất hiện trong đội hình chính thức ít nhất một nửa số trận trong mùa bóng.
Thưởng trung thành (loyalty bonus)
Khoản thưởng này được kích hoạt khi một cầu thủ ở lại câu lạc bộ trong một thời gian nhất định. Thông thường, thưởng trung thành sẽ liên kết với thưởng ra sân theo dạng: trao thưởng cho cầu thủ X khoản tiền là Y nếu như tới ngày Z cầu thủ vẫn đá cho đội, và trước đó đã ra sân đủ A trận hoặc B phút.
Hạng mục thưởng này thường được câu lạc bộ quy định với những tên tuổi lớn, hoặc những tài năng trẻ. Là thứ để giữ chân các cầu thủ nên những khoản thưởng này thường rất lớn. Ví dụ, trước khi Messi chuyển sang thi đấu tại Pháp cho PSG, đội bóng Barcelona đã phải trả 39 triệu euro tiền thưởng trung thành cho anh.
Thưởng phong độ thi đấu
Với một số cầu thủ, có những điều khoản quy định thưởng thêm nếu họ thi đấu tốt. Câu hỏi “thế nào là thi đấu tốt” thì phụ thuộc vào từng vị trí khác nhau.
Với các tiền đạo - những người có nhiệm vụ ghi bàn, họ có thể nhận thưởng nếu trong một mùa ghi được một số lượng bàn thắng nhất định. Ví dụ, tiền đạo Lukaku có điều khoản thưởng thêm 10 triệu bảng trong hợp đồng với đội bóng Everton nếu anh này ghi được từ 23 bàn mỗi mùa trong suốt 4 năm hợp đồng.
Đối với các thủ môn và đôi khi là cả hậu vệ, điều kiện để đánh giá khả năng thi đấu và quy đổi ra thưởng là số trận giữ sạch lưới. Ở các vị trí khác, các tiêu chí như số đường kiến tạo hay số lần cản bóng cũng có thể trở thành điều kiện thưởng.
Tiền lót tay
Tiền lót tay thực tế giống một loại phí mà đội bóng trả cho cầu thủ hơn là một loại thưởng. Khi cầu thủ ký hợp đồng mới, anh hoặc cô ta hoàn toàn không nhận được gì từ giá trị bản hợp đồng chuyển nhượng của mình. Trong hoàn cảnh ấy, tiền lót tay đảm bảo rằng cầu thủ sẽ được nhận thêm tiền từ việc chuyển sang đội bóng mới hoặc tiếp tục gia hạn với đội bóng cũ.
Tại Việt Nam, tiền lót tay là một khoản thu nhập lớn với các cầu thủ, thậm chí cao hơn cả lương. Văn Quyết từng nhận 9 tỉ tiền lót tay để tiếp tục chơi cho câu lạc bộ Hà Nội. Quế Ngọc Hải cũng nhận 10 tỉ lót tay khi chuyển về Sông Lam Nghệ An. Nhưng ta cần lưu ý rằng, tiền lót tay không phải là điều kiện bắt buộc trong hợp đồng của cầu thủ với đội bóng.
Các loại thưởng khác
Thông thường, các đội sẽ trao thưởng cho các cầu thủ trong đội hình xuất phát và dự bị nếu trận đó thắng hoặc hòa. Các cầu thủ có trong biên chế nhưng không có trong danh sách thi đấu thì sẽ không được khoản thưởng này.
Khi một đội bóng thắng một giải đấu, cầu thủ sẽ nhận một phần tiền từ tổng tiền thưởng mà danh hiệu vô địch mang lại. Với các giải đấu quốc tế, các phần thưởng sẽ tới từ quỹ thưởng của nhà nước, cộng thêm những khoản đóng góp của doanh nghiệp, người hâm mộ, và nhà hảo tâm.
Với một số siêu sao bóng đá, có cả các điều khoản thưởng nếu họ đạt danh hiệu cá nhân như Quả bóng vàng hay Vua phá lưới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khoản thưởng khá… độc đáo, ví dụ như mức thưởng 1 triệu bảng mà Liverpool sẵn sàng chi cho Mario Balotelli - một cầu thủ nổi tiếng cứng đầu và ngổ ngáo - nếu anh này nhận ít hơn 3 thẻ đỏ một mùa.
4. Tài trợ và bản quyền hình ảnh
Trong điều khoản hợp đồng, các câu lạc bộ sẽ mua lại một phần hoặc toàn bộ bản quyền hình ảnh của cầu thủ để có thể sử dụng hình ảnh và sự xuất hiện của họ trong các chương trình quảng cáo hay các kế hoạch của đội bóng. Các cầu thủ cũng có thể cho phép các nhãn hàng sử dụng hình ảnh của mình.
Với những cầu thủ kiêm người nổi tiếng như Ronaldo, đây là một nguồn tiền lớn. Khi còn đá cho Real Madrid, cầu thủ người Bồ Đào Nha sở hữu 60% tiền bản quyền hình ảnh, còn 40% còn lại chảy về câu lạc bộ.
Theo ước tính, từ thời điểm 2015, “anh Bảy” đã kiếm được 23 triệu euro từ hình ảnh và quảng cáo mỗi năm. Sự tài trợ của các nhãn hàng cũng là một nhân tố quyết định trong câu chuyện về bản quyền hình ảnh.
Kết
Càng tìm hiểu về lương và thưởng trong giới bóng đá, ta càng thấy rằng những con số này lớn một cách không thể tưởng tượng và không thể hiểu, tới mức chuyện “đá một tuần hơn làm một năm” là một hiện tượng bình thường.
Đó là bởi bóng đá hiện đại đã biến thành một ngành công nghiệp, liên kết với cả thương mại, quảng cáo và nhiều ngành nghề khác. Doanh thu khổng lồ cộng với khoản tài trợ lớn là thứ đẩy mức lương cầu thủ lên cao.
Thế nhưng rõ ràng không phải ai cũng là Ronaldo hay Messi hay Mbappe, và có sự chênh lệch lương rất lớn giữa các cầu thủ đẳng cấp cao với phần còn lại. Sự chênh lệch ấy biến thành sự bất bình đẳng khi ta so sánh thu nhập của cầu thủ nữ với cầu thủ nam.
Điều này có nghĩa là chuyến du học của Quang Hải tại Pháp, của Huỳnh Như tại Bồ Đào Nha không có vai trò kinh tế quá lớn nếu xét trong câu chuyện tiền nong chung của giới bóng đá. Điều quan trọng nhất không phải là tiền, mà là trải nghiệm được những gì ở môi trường bóng đá đỉnh cao.