Chi phí trị liệu tâm lý cao do đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 09, 2022

Chi phí trị liệu tâm lý cao do đâu?

Chi trả cả triệu đồng cho việc ngồi xuống, trò chuyện và được lắng nghe, liệu có đáng?
Chi phí trị liệu tâm lý cao do đâu?

Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera

Dù ở Việt Nam hay trên thế giới, chi phí tham vấn và trị liệu tâm lý đều không rẻ, dao động khoảng 500.000 tới hơn 2 triệu đồng cho một phiên. Với chừng ấy tiền, nhiều người sẽ chọn ăn uống hay mua sắm để giải tỏa stress và các gánh nặng tâm lý thay vì tham vấn trị liệu.

Nhưng những cách xoa dịu tâm lý ngắn hạn sẽ nhanh chóng hết tác dụng. Đồng thời, vì vấn đề vẫn còn đó nên các triệu chứng tâm lý sẽ ngày càng nghiêm trọng và khiến cuộc sống của bạn dần mất kiểm soát.

Lúc này, động lực đã có nhưng chi phí trở thành rào cản. Và bạn có thể tự hỏi rằng tại sao nhà tâm lý chỉ ngồi nói chuyện vài câu mà chi phí trị liệu lại cao như vậy? Liệu mức phí này có xứng đáng với giá tiền của nó hay không?

Nhà tâm lý phải trải qua hành trình đào tạo dài

Về mặt chuyên môn, việc tham vấn trị liệu theo đúng tiêu chuẩn không dựa theo kinh nghiệm sống cá nhân và đưa lời khuyên. Những gì nhà tâm lý làm đều dựa theo các nền tảng khoa học được nghiên cứu, đúc kết và phải được đào tạo tại các cơ sở được cấp phép như các khoa tâm lý trong trường đại học.

Vì vậy, nhà tâm lý sẽ chỉ được hoạt động trong khuôn khổ bằng cấp, chứng chỉ mà họ có. Chẳng hạn, một nhà tâm lý theo học chuyên ngành tâm lý học đường sẽ không làm trị liệu mà chỉ làm tham vấn và chỉ tập trung vào đối tượng học sinh và sinh viên.

Các chuyên gia tâm lý đa phần đều có bằng thạc sĩ trở lên với thời gian học trung bình là 6 năm. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho 6 năm cũng không nhỏ, khoảng 160 tới 900 triệu tùy trường đào tạo. Còn chi phí du học nước ngoài sẽ khoảng 160.000 tới 350.000 đô. Nhà tâm lý cũng cần tự trau dồi chuyên môn qua các khóa đào tạo, các buổi tập huấn cũng như tìm hiểu những kiến thức bổ trợ cho việc thực hành nghề của họ như kiến thức, xu hướng kinh tế, xã hội hay triết học…

26sep2022chiphitrilieuintext2jpg
Phải học và tự học rất nhiều để có thể trở thành một nhà tâm lý.

Ngoài ra, điểm đặc biệt hơn cả của quá trình đào tạo ngành nghề này là sự rèn rũa về con người như nhân cách, lối sống của nhà tâm lý. Giống như những huấn luyện viên PT ở các phòng tập gym, hình thể bên ngoài của họ là một trong những tiêu chí để học viên tin tưởng, thì nhà tâm lý cũng vậy. Con người tràn đầy tình yêu thương và khả năng ứng phó lành mạnh trước những vấn đề tiêu cực không thể tránh khỏi trong cuộc sống chính là điều mà thân chủ cần thấy ở người hỗ trợ mình.

Với khối lượng đào tạo và thực hành như vậy, chi phí về tiền bạc, thời gian và công sức bỏ ra để trở thành nhà tâm lý là tương đối lớn. Vì vậy, việc được trả công xứng đáng là điều hợp lý cho sự đánh đổi của họ.

Quá trình trị liệu không chỉ nằm ở những buổi nói chuyện

Thông thường, thân chủ chỉ làm việc với nhà tâm lý khoảng một giờ mỗi tuần. Ở những phiên đầu tiên, song song với việc lắng nghe chủ động các vấn đề của thân chủ đang gặp phải, người làm chuyên môn cần đánh giá tình trạng tâm lý của thân chủ bằng nhiều kiến thức và kỹ thuật khác nhau tùy theo liệu pháp họ sử dụng.

Nhưng các buổi gặp mặt trực tiếp chỉ là một phần nhỏ trong công việc của nhà tâm lý. Sau buổi gặp mặt, họ có thêm một loạt tác vụ khác cho thân chủ như: tổng hợp và sắp xếp những điểm chính diễn ra trong phiên, viết báo cáo chuyên môn, phân tích tâm lý, xây dựng kế hoạch trị liệu, nghiên cứu tài liệu liên quan…

26sep2022chiphitrilieuintext3jpg
Trị liệu bằng lời nói là một bước quan trọng, nhưng không phải là công việc duy nhất của nhà tâm lý.

Qua mỗi phiên, nhà tâm lý lại hiểu thân chủ thêm một chút. Vì vậy, họ cần liên tục phân tích và cập nhật những thông tin mới trong quá trình làm việc. Kết quả là họ sẽ phải thường xuyên đánh giá các vấn đề của thân chủ và điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch trị liệu nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, đôi khi nhà tâm lý sẽ phải chuẩn bị các tài liệu bổ sung cho thân chủ tự tìm hiểu. Hoặc một công việc khác là gửi báo cáo ngắn gọn về tình trạng cũng như hướng dẫn hỗ trợ cho người nhà thân chủ nếu họ mong muốn tham gia.

Do đó, chi phí trị liệu tâm lý cao bởi khối lượng công việc của nhà tâm lý nhiều hơn chúng ta tưởng. Như thế, có thể nói chi phí cho một phiên không chỉ bao gồm việc gặp mặt trực tiếp, mà còn là cho những công việc như ở trên nhưng đó đều là những đầu việc rất quan trọng, phục vụ trực tiếp cho lợi ích quá trình tham vấn và trị liệu của thân chủ.

Nguồn lực phải trả để đảm bảo chất lượng dịch vụ

Giám sát chuyên môn là cách thức giúp nhà tâm lý xem xét và đánh giá lại quá trình làm việc với thân chủ. Vì vậy, dù mới vào nghề hay là người thực hành lâu năm thì việc được giám sát với những nhà tâm lý nhiều kinh nghiệm hơn luôn là điều không thể thiếu.

Bởi với sự phức tạp của tâm lý con người và tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội, vô vàn tình huống mới có thể phát sinh trong quá trình tham vấn trị liệu mà không sách vở nào nói đến. Khi ấy, nhà tâm lý luôn cần phải học hỏi thêm để hỗ trợ họ. Đồng thời, trách nhiệm của nhà tâm lý là đảm bảo quyền lợi cho thân chủ cũng như hạn chế hết mức những điều có thể gây hại.

26sep2022chiphitrilieuintext1jpg
Để có thể thực hiện công việc chữa lành, nhà tâm lý cần sự trợ giúp từ các đồng môn.

Vì vậy, việc được giám sát bởi một người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn hơn, hoặc bởi những đồng nghiệp đồng đẳng cho phép các nhà tâm lý có một không gian an toàn để vừa hỗ trợ thân chủ, vừa phát triển năng lực nghề.

Với yêu cầu này, đa phần các nhà tâm lý đều cần bỏ ra một khoản chi phí định kỳ để được giám sát. Như thế, chỉ riêng khoản phí cho việc đào tạo, đảm bảo chất lượng và các công việc liên quan đã cho thấy chi phí cho dịch vụ này là không rẻ.

Tạm kết

Nghiên cứu năm 2014 của bác sĩ tâm thần Susan G. Lazar kết luận rằng liệu pháp tâm lý là một biện pháp can thiệp hiệu quả về chi phí cho các tình trạng rối loạn. “Hiệu quả” ở đây không mang nghĩa là “rẻ” mà có nghĩa là chúng xứng đáng với sự phục hồi về tinh thần mà tham vấn trị liệu có thể mang lại.

Một số nước cho phép bảo hiểm chi trả cho các liệu pháp tâm lý. Tại Việt Nam, dù bảo hiểm chi trả cho việc khám tâm thần và điều trị bằng thuốc, nhưng chưa có sự hỗ trợ nào cho các dịch vụ tâm lý. Do đó, một số nhà tâm lý độc lập hoặc trung tâm cũng có những chương trình hỗ trợ điều trị riêng dành cho những trường hợp khó khăn.

Nhưng nhìn chung, qua đợt dịch Covid-19, chúng ta đã và đang ngày càng hiểu thêm về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng rằng trong tương lai gần, hệ thống y tế sẽ có nhiều hỗ trợ hơn với những người cần liệu pháp này.