Chiếc quyền trượng ở trường đại học: Cần phải bàn xa hơn câu chuyện thẩm mỹ | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 08, 2022

Chiếc quyền trượng ở trường đại học: Cần phải bàn xa hơn câu chuyện thẩm mỹ

Bên cạnh việc tìm ra hình mẫu quyền trượng làm biểu tượng của liêm chính học thuật, ta cần quan tâm xem bản thân các cơ sở giáo dục có đáp ứng được lời hứa của biểu tượng này hay không.
Chiếc quyền trượng ở trường đại học: Cần phải bàn xa hơn câu chuyện thẩm mỹ

Nguồn: Facebook Đại học Kinh tế, VNU.

Điều đầu tiên cần phải khẳng định là, việc hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng quyền trượng trong buổi lễ tốt nghiệp là không hề sai trái về cả chuyên môn và thẩm mỹ. Bạn thấy chiếc quyền trượng và lễ phục của các giáo chức nhà trường “sang trọng” hay “màu mè” thì điều đó cũng nên chỉ hoàn toàn dừng lại ở đánh giá thẩm mỹ cá nhân.

Điều đó cũng không có nghĩa rằng ta nên nhìn buổi lễ của Đại học Kinh tế như một không gian ngoài công cộng, nên ta không thể bàn tán về hiện tượng văn hoá xảy ra vừa rồi. Điều ta cần quan tâm là làm rõ ý nghĩa biểu tượng đằng sau cây quyền trượng, và xem xét liệu nó có tồn tại vừa vặn với triết lý giáo dục mà trường đang theo đuổi.

httpsvietceteracomuploadsimages03aug202229550552157971684303331324495868593159328773n16593283393731182345659jpg
Các giáo chức Đại học Kinh tế (VNU) mặc lễ phục | Nguồn: Facebook Đại học Kinh tế (VNU)

Trong thực tế, theo ý kiến của thầy Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo của ngôi trường, thì hình ảnh hiệu trưởng mặc lễ phục và cầm quyền trượng trong buổi lễ tốt nghiệp đã trở thành truyền thống của Đại học Kinh tế. Như vậy câu hỏi đáng đặt ra là các cơ sở giáo dục có đáp ứng được đúng lời hứa liêm chính, uy nghiêm trong khoa học hay chưa?

Hình thức phải tương thích nội dung

Chiếc quyền trượng, hay cây chuỳ (ceremonial mace) được sử dụng trong những buổi lễ long trọng ở nhiều trường đại học trên thế giới, gắn liền với lịch sử tư tưởng phương Tây. Vào thời kỳ Trung Cổ ở châu Âu, chiếc chuỳ được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh. Bên cạnh đó, chiếc chuỳ trên tay của người vệ sĩ cũng được sử dụng để bảo vệ người chức sắc đứng cạnh trong các buổi lễ quan trọng.

Ở các trường đại học phương Tây, chiếc quyền trượng được sử dụng làm biểu trưng của quyền lực ban lãnh đạo nhà trường trước các thành viên. Là một thứ vũ khí bảo vệ sự học và tháp ngà học thuật, chiếc quyền trượng ra đời trong logic rằng cái đúng và chân lý chỉ có một. Logic này rất phổ biến trong thời Trung cổ, nơi Kinh Thánh được coi là nguồn chân lý duy nhất, và do không có công nghệ in ấn hiệu quả, chân lý này thường bị xích vào nhà thờ để không ai lấy cắp được.

httpsvietceteracomuploadsimages03aug2022newuniversitymacejpeg
Nguồn: APU Edge

Quan trọng hơn, chiếc quyền trượng là biểu tượng cho sự độc lập của cơ sở giáo dục, của hệ thống hàn lâm với những thế lực quyền lực ở phía ngoài. Toàn bộ giá trị học tập và trường quy của một ngôi trường sẽ được khắc lên chiếc quyền trượng.

Là nơi gìn giữ, lan toả, và sản xuất tri thức, tính độc lập của nhà trường với các nhóm lợi ích kinh tế-chính trị phía ngoài là tối quan trọng. Nguyên tắc này cho phép người nghiên cứu, giảng dạy, và cả người học có thể tiếp cận với tri thức một cách khách quan nhất.

Biểu tượng này, cùng ý nghĩa ngầm ẩn đằng sau nó, nếu như có thể hoàn toàn gìn giữ giá trị của mình khi du nhập đến những vùng đất khác nhau trên thế giới, thì sẽ được coi như dấu hiệu đáng mừng của các ngành học thuật, hàn lâm nói chung.

Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể cảm thấy lạc quan và phấn khích trước giá trị cốt lõi, tinh thần mà chiếc quyền trượng đem lại. Nhưng trong thực tế, do không trải qua lịch sử tư tưởng, giáo dục và học thuật giống như phương Tây, nên cây quyền trượng và áo choàng nhung đỏ có thể hoàn toàn bị lọt thỏm trong một hoàn cảnh văn hoá nó không thuộc về.

Điểm tương đồng giữa triết lý giáo dục phương Tây trong thời đại chiếc quyền trượng này ra đời và giáo dục phong kiến truyền thống Việt Nam, thực ra lại cũng là… những giá trị mà ngày nay chúng ta cảm thấy cần phải thay thế. Trong khi tri thức và chân lý ở phương Tây là duy nhất và quý giá tới nỗi phải được bảo vệ bởi các giáo phụ và tầng lớp tinh hoa nam giới, thì ở ta, sự học mang hình thức dùi mài kinh sử, giáo điều và noi gương.

Vì thế thực ra, để tránh chuyện bị cộng đồng mạng chê là “học đòi phương Tây,” chúng ta còn rất nhiều phương án để thay thế chiếc chuỳ, ví dụ như chiếc thước (nhằm căn người học vào tiêu chuẩn) và chiếc roi (nhằm gìn giữ kỷ luật).

Chiếc quyền trượng không quan trọng bằng triết lý giáo dục ta hướng đến

Những lạm bàn về bộ lễ phục và chiếc chuỳ khắc trên đó truyền thống nhà trường có thể không đạt tới độ hữu ích của chúng nếu sự thay đổi về hình thức này không đi cùng với sự thay đổi về nội dung. Giá trị biểu tượng có thể bồi đắp thêm vào ký ức sinh viên quý giá, nhưng e rằng sẽ không ăn khớp vào hệ thống triết lý giáo dục cụ thể nào cả.

Nhiều ý kiến ủng hộ sự đổi mới sáng tạo của Đại học Kinh tế đã đặt ra giả định rằng hệ thống giáo dục đại học lý tưởng chúng ta đang, và nên theo đuổi, là giáo dục theo kiểu phương Tây. Hệ thống Tây phương này vẫn còn mập mờ, chưa được làm rõ, nhưng một thay đổi hình thức có vẻ dễ dàng được đón nhận hơn nếu nó đã có sẵn tiền lệ ở nước ngoài.

httpsvietceteracomuploadsimages03aug2022graduation770x470jpeg
Nguồn: Arab American News

Tất nhiên, sự xuất hiện của một chiếc chuỳ bằng vàng chưa đáng kể bằng những xu hướng học thuật "quốc tế hoá" chỉ đạt được tới lượng, chứ chưa đạt được tới chất ở Việt Nam hiện nay. Điển hình là cuộc đua công bố bài nghiên cứu tiếng Anh trên các chuyên trang khoa học quốc tế. Với sự thúc ép về mặt KPI chứ không phải chất lượng và sự cống hiến, nhiều học giả trong nước đã “sập bẫy” của các “chuyên trang săn mồi” (predatory journals).

Đó là những chuyên trang không rõ chuyên môn, có quy trình kiểm định kém, nhưng có thể cam kết xuất bản công trình khoa học chỉ trong 3-4 tuần. Miễn là tác giả sẵn sàng đóng những khoản phí khổng lồ. Có nơi, một xuất đăng bài được đẩy giá lên tới 5000 đô-la Mỹ.

Xu hướng cho học sinh xét tuyển đại học bằng các văn bằng quốc tế như IELTS và SAT như ta đang thấy hiện nay cũng thể hiện giáo dục đại học của chúng ta không hoạt động dựa trên triết lý cốt lõi nào cả. Để giật lấy những văn bằng này cho mình, người học cần có năng lực học tập (và tiền), nhưng năng lực ấy có phù hợp với chương trình đại học trong nước hay không thì chưa ai cố gắng trả lời.

Không có giá trị “xương sống” của chương trình giáo dục và đào tạo, thì về mặt thẩm mỹ, dù những bộ lễ phục và quyền trượng có đạt yêu cầu, thì người học trò bước vào hay bước ra khỏi một cơ sở đào tạo vẫn phải đối diện với hoang mang về nghề nghiệp, cuộc đời, và niềm tin mình theo đuổi.

Phương Tây cũng không có sự đồng thuận tuyệt đối về chiếc chuỳ

Chiếc quyền trượng trong hệ thống giáo dục phương Tây có thể quen thuộc tới nỗi chúng ta cho rằng ở bất cứ trường đại học danh giá nào người ta cũng đối xử với nó như nhau. Trong thực tế, giáo chức ở nhiều trường học phương Tây cũng có mối quan hệ yêu/ghét nhập nhằng với chiếc chuỳ, và những giá trị nó mang theo.

Vào năm 2012, tờ The Guardian từng đưa tin công đoàn giảng viên tại trường đại học Bradford lên tiếng phản đối việc ngôi trường này dành tới 24 ngàn bảng Anh chỉ để đặt gia công một chiếc quyền trượng. Nếu bạn thấy con số trên là khổng lồ, thì sẽ còn sốc hơn nữa khi biết giá trị ban đầu của thương vụ là 35 ngàn bảng Anh. Sau sự phản đối của công đoàn, mức giá này mới được hạ xuống còn 2 phần 3 so với mức ban đầu.

Công đoàn cho biết, số tiền này có thể được chi tiêu hiệu quả hơn bằng cách bù đắp vào sự thiếu hụt kinh phí của chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên nghèo đi học.

Tóm lại, câu chuyện quyền trượng đã có thể được bàn thảo dưới nhiều lăng kính khác nhau mà không nhất thiết phải là sự đẹp-xấu của nó. Đục xuyên qua lớp vỏ thẩm mỹ, ta thấy được sự lúng túng của cả trường học và cộng đồng mạng trong việc lựa chọn cho mình một con đường phát triển giáo dục phù hợp.