Ai trong chúng ta cũng cần gặp một life coach (cố vấn) trong cuộc đời. Life coach được định nghĩa một cách dễ hiểu, là người đồng hành cùng ta trên chặng đường phát triển bản thân và tìm lại chính mình, chỉ đường mỗi khi ta gặp khó khăn, biến cố. Ngay cả những người lãnh đạo có địa vị, học thức cao cũng cần có một life coach để giúp họ hiểu rõ hơn về bản thân, biết rõ trách nhiệm và sứ mệnh mình phải gánh vác để đủ sức chèo lái con thuyền lớn ra khơi.
Trong tập mới nhất của podcast Have A Sip, luật sư Nguyễn Cát Thảo, đồng thời cũng là chuyên gia cố vấn cho ban Lãnh đạo của Vietcetera ở thời điểm hiện tại đã có dịp chia sẻ với host Thuỳ Minh về những trải nghiệm trong vai trò life coach cho các lãnh đạo doanh nghiệp.
Muốn thay đổi thì không cần có cái tôi cao
Nếu bản thân muốn thay đổi để phát triển và đạt được nhiều thành tựu hơn, bạn phải có một động lực vô cùng to lớn để thúc đẩy chính mình. Đây là một hành trình không ngừng khám phá bản thân: Tật xấu của mình là gì, mỗi khi căng thẳng thì có xu hướng cư xử, thái độ như thế nào?
Và bài học đầu tiên chính là học cách buông bỏ cái tôi. Vì nếu cái tôi của mình quá cao, ta sẽ không sẵn sàng để lắng nghe, học hỏi. Và đôi khi sẽ khó khăn hơn khi hướng dẫn những người có địa vị cao. Vì đạt nhiều thành tựu đồng nghĩa với việc họ đã chứng minh được khả năng của mình, khiến họ khó hạ mình sẵn sàng lắng nghe thế giới xung quanh hay mở lòng đón nhận những điều mới mẻ.
Cân bằng ước muốn của bản thân với ước muốn xã hội
Theo cô, sự cân bằng giữa hai yếu tố trên là một bài toán khó, đặc biệt là với các bạn trẻ. Họ đang phải chịu nhiều áp lực: Làm sao để kiếm nhiều tiền, được xã hội công nhận, đến tuổi 30 phải dựng vợ gả chồng, phải thành công. Nhưng khi hỏi “Thành công đối với họ là gì?”, nhiều bạn vẫn còn loay hoay, chưa định nghĩa được, hay đôi khi nhầm lẫn thành công của bản thân với thành công mà xã hội mong muốn.
Lời giải của bài toán này xoay quanh hành trình "become yourself" (sống là chính mình). Và chuyến phiêu lưu này vẫn chưa ấn định hồi kết, mỗi người sẽ có mốc thời gian riêng để đào sâu vào bản thân, để bình tâm và tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề. Dù ngày tháng đó có dài hay ngắn, bạn cũng nên tôn trọng nó, cũng như dành sự tôn trọng cho chính mình.
Di sản của ta là những giá trị ta để lại
Nếu sống đúng với bản thân, tạo ra ảnh hưởng tốt đến xã hội, ta sẽ đủ không gian để phát huy tư duy tích cực, và ứng xử tử tế hơn với mọi người. Vì thử hỏi nếu bản thân đang rơi vào giai đoạn trầm cảm, thì làm sao vui vẻ với những mối quan hệ xung quanh?
Nếu bản thân có thể sống thoải mái theo mong muốn, mang lại hạnh phúc cho mình và cho người, đồng nghĩa với việc ta đang để lại đời một di sản.
Thành tích không được viết trên sơ yếu lý lịch, mà đến từ độ ảnh hưởng của bạn
Thành tích không đến từ chức danh, hay những nhân vật tầm cỡ ta từng gặp, mà đến từ phong cách sống của mỗi người. Có những người sống rất giản dị, nhưng sự liêm chính và đạo đức của họ đã truyền cảm hứng cho chị, và họ trở thành người thầy dẫn đường, soi sáng cho chị trên trong suốt chặng đường phát triển.
Là một cố vấn, vai trò, mục tiêu và hạnh phúc của chị khi hỗ trợ cho các lãnh đạo, hay người trẻ chính là giúp họ trở thành chính họ, chứ không phải trở thành một phiên bản của hình mẫu lý tưởng nào đó.
Bởi hạnh phúc lớn nhất chính là được làm những điều gần với mình. Và khi đó, thành tích ghi trên sơ yếu lý lịch không còn là điều quan trọng để ta chứng minh sức ảnh hưởng của bản thân với mọi người.