4-1-9 có ngày gặp “ma”
Bạn có bao giờ chia sẻ những bệnh về tình dục của mình cho người thân nghe chưa? Hẳn nhiều người sẽ cất giấu những chuyện này cả đời vì nó thật tế nhị và cả xấu hổ nữa. Thế nhưng, đôi lúc chuyện không đơn giản là giấu nhẹm đi mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Đơn cử như tìm kiếm chỗ dựa tinh thần và tài chính của bạn không đủ để chữa trị. Khi đó, bạn cần sự trợ giúp từ gia đình.
Sau nhiều lần đắm mình trong 4-1-9 (for one night – Ý chỉ tình một đêm), cuối cùng thì tôi cũng gặp hậu quả. Thật ra từ trước đến nay, tôi không nghĩ mình sẽ mắc bệnh tình dục bởi tôi tin vào trực giác và sự lựa chọn bạn tình của mình. Thế nhưng tôi quên rằng không phải ai cũng biết tình trạng sức khỏe của họ.
Và đối phương, người mà tôi cảm thấy sự an toàn, đáng tin cậy hóa ra cũng không biết anh ta mang mầm bệnh. Trong một đêm cao hứng quan hệ tình dục không an toàn, tôi nhận hậu quả là giờ đây “cô bé” đang trong trạng thái bất ổn. Cầm trên tay kết quả viêm âm đạo nghiêm trọng cùng chi phí điều trị vượt khả năng chi trả của mình, tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang.
Đứng trước vấn đề về tài chính và sức khỏe, tôi còn một câu hỏi nan giải và khó nói hơn: liệu gia đình có nên biết chuyện này? Thật ra, tôi đã nghĩ đến nhiều cách để giấu nhẹm, chẳng hạn như mượn tiền bạn bè để trị bệnh. Nhưng lúc đó trong lòng tôi lại hiện lên hai chữ gia đình. Bởi tôi, vốn là đứa con gái có đời sống ngoan hiền ở nhà và được gia đình yêu thương. Chỉ là, cả bố và mẹ đều không biết tôi có một cuộc đời khác.
Cú sốc và phản ứng không ngờ của người thân
Tuy vậy, việc nói với bố mẹ rằng mình mắc bệnh tình dục cũng chẳng mấy dễ dàng. Nó giống như để cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình thì bạn lại phải vượt qua một hàng rào thép gai ở ngay cửa vậy.
Bố mẹ rất thương tôi và đó cũng là rào cản đầu tiên khi tôi nghĩ đến việc chia sẻ vấn đề của mình. Cũng như bao gia đình Việt khác, chuyện tình dục vốn khó nói, đằng này lại là một chuyện bệnh tình dục. Rõ ràng, mức độ nghiêm trọng của nó đã tiến xa hơn giáo dục giới tính đơn thuần.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi vẫn quyết định hé lộ với mẹ theo một cách không thể trực diện hơn. Sẽ có những khoảnh khắc, thà phơi bày sự thật còn giúp bạn…khỏe hơn là giấu nó mãi. Tôi nói là muốn bà cùng tôi đi khám sức khỏe. Nhìn gương mặt ngạc nhiên xen lẫn bối rối của mẹ, tôi nghĩ bà hiểu mình đang được chuẩn bị tâm lý.
Điều gì đến cùng phải đến, tôi thú nhận với mẹ rằng mình mắc bệnh tình dục. Tuy đã được làm “công tác tư tưởng” trước, và bối cảnh là bệnh viện nhưng mẹ tôi dường như vẫn rất sốc và thốt lên “trời ơi!”. Bà liên tục hỏi tôi về nguyên nhân, tôi thì lại trấn an mẹ rằng bệnh tuy khá nghiêm trọng nhưng bác sĩ bảo điều trị được.
Nhìn biểu cảm của mẹ những ngày sau đó, tôi biết bà đang cố tiêu hóa những thông tin động trời về con gái mình. Tôi nghĩ bố cũng biết chuyện này vì không khí gia đình có phần trầm lắng hơn. Nhưng có điều tôi không ngờ là người lớn, cách phản ứng có thể rất khác với những gì ta tưởng.
Bố hầu như không đề cập đến sức khỏe của tôi có vấn đề, thay vào đó ông lại nói nhiều về những đứa con trai sở khanh. Tần suất ông lên án những tên con trai dụ dỗ con gái nhà lành tăng lên trông thấy. Tôi biết ông đang xoa dịu đứa con gái bé bỏng. Dẫu cũng là “thủ phạm” trong chuyện này, chả hiểu sao tôi vẫn thấy được an ủi lắm.
Chuyện tình dục nên chia sẻ thế nào với người lớn
Lý do để đi đến “cởi mở” này thật ra xuất phát từ việc tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cơn bão. Trước đây, tôi vốn hay ám ảnh về mọi thứ sự thật được phơi bày ra thì sẽ ra sao? Tôi nên để sự bình yên giả tạo này hay thẳng thắng chia sẻ với nguy cơ cao là mang đến một cơn bão?
Nhưng khi mắc bệnh tình dục, khi bản thân có vấn đề, tôi mới nghiệm ra mình mới chính là cơn bão lớn nhất. Tôi mới là đứa con gái tạo ra chuyện này và mang “bão” về nhà. Và như bao cơn bão khác, những người “vô tội” cần phải được cảnh báo trước.
Tôi bắt đầu nghĩ bố mẹ cần nhận ra vấn đề của tôi để chuẩn bị. Gia đình cần phải biết điều gì đang xảy ra. Thà rằng để bố mẹ biết đến cơn bão này, còn hơn là nó ập đến một cách bất ngờ. May mắn là bố mẹ tôi đối phó với “thiên tai” thật bình tĩnh và gọn gàng. Bão trong tôi cũng dần tan khi được hỗ trợ tài chính, điều trị theo phác đồ.
Mỗi nhà mỗi cảnh, tôi không dám chắc những bạn khác khi nói với gia đình vấn đề mình đang gặp phải thì sẽ được đón nhận thế nào. Có thể bạn sẽ gặp thêm những cuồng phong từ phía bố mẹ, người thân. Tuy nhiên, điều mà ta có thể làm là giải đi cơn bão đầu tiên bên trong chính mình bằng chia sẻ.
Thay vì để nó lớn dần thêm qua những e dè, che giấu, ta có thể đưa nó đến cực điểm để rồi tan đi. Giải được cơn nào thì sẽ thoải mái với cơn đó. Còn nếu bạn muốn phòng những cơn bão lòng như thế này xuất hiện, có lẽ cách tốt nhất là lần sau hãy nhớ… đeo bao vậy.
Bài viết được chấp bút thông qua phỏng vấn nhân vật.