Đạo diễn Phạm Ngọc Lân - Điện ảnh như luồng sáng… biến mất | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
18 Thg 11, 2024

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân - Điện ảnh như luồng sáng… biến mất

Đối với đạo diễn của Cu Li Không Bao Giờ Khóc, điện ảnh đầy sức mạnh nhưng cũng rất phù phiếm. Một mặt nó có thể gây ảnh hưởng lên nhiều người; mặt khác nó cũng giống như một giấc mơ dễ dàng biến mất.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân - Điện ảnh như luồng sáng… biến mất

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân nhận giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024. | Nguồn: Berlinale

Ấn tượng về điện ảnh của Phạm Ngọc Lân trong tôi luôn là những hình ảnh liên kết giữa “tiểu tự sự” và “đại tự sự”, giữa những phận đời rất cụ thể nhưng cũng đầy hàm nghĩa phiếm chỉ. Câu chuyện về thế hệ, thời cuộc, những ấn tượng về văn hoá địa phương của Việt Nam luôn tàng ẩn trong các bộ phim ngắn như Giòng Sông Nhìn Thấy, Một Khu Đất Tốt…

Đến phim dài đầu tay Cu Li Không Bao Giờ Khóc, Phạm Ngọc Lân càng biểu đạt ngôn ngữ điện ảnh của mình một cách lớp lang, chặt chẽ mà nhiều sức gợi. Phim của anh luôn bắt đầu bằng một chuyến đi hay một sự trở về, và “hành trình” đó gợi ra cơ man những liên tưởng, suy tư. Đó cũng là một trong nhiều yếu tố khiến Cu Li Không Bao Giờ Khóc chiến thắng hạng mục Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024.

Trò chuyện với đạo diễn Phạm Ngọc Lân sau khi xem phim của anh là một điều thú vị khác. Những chia sẻ và câu chuyện anh kể, cuộn tròn vào những suy tư điện ảnh vừa mơ màng, vừa thực tế. Phần phỏng vấn sau đây được trích từ buổi giao lưu sau buổi chiếu phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc tại Hà Nội (ngày 02/11) và cuộc trò chuyện với đạo diễn sau đó của người viết.

Cảm giác của anh thế nào khi Cu Li Không Bao Giờ Khóc chính thức phát hành tại Việt Nam?

Tôi nghĩ là mình vui. Thực ra, những bộ phim như thế này, tôi làm xuất phát từ cá nhân. Vì thế, tận dụng được hệ thống rạp chiếu công nghiệp để hỗ trợ chiếu phim là một cơ hội tốt. Sau cùng, để một bộ phim đưa ra đại chúng, mình cũng phải quay về hệ thống công nghiệp vì ở Việt Nam đã mất hết các rạp chiếu phim độc lập.

Với tôi, một trong những sức mạnh của điện ảnh là việc nó ảnh hưởng đến nhiều người. Nếu mình chỉ dùng sức ảnh hưởng đó để thu lại tiền thì e rằng hơi ích kỷ. Như thế, mình sẽ không tận dụng hết được sức mạnh đích thực của điện ảnh. Song song với việc phát hành, những người làm phim cùng nhau (đạo diễn, sản xuất, diễn viên,...) cùng thể hiện một trách nhiệm xã hội khác lớn hơn.

Tôi thấy nhiều người kiếm rất nhiều tiền nhưng đến cuối cùng họ cũng đi làm từ thiện. Đối với tôi điện ảnh không phải là từ thiện, nhưng nếu tác phẩm của mình có những ảnh hưởng xã hội nhất định trong lúc phát hành thì càng tốt hơn nữa.

Nguồn cảm hứng nào để anh viết kịch bản Cu Li Không Bao Giờ Khóc?

Trước hết, điện ảnh đóng một vai trò quan trọng đối với tôi; và tôi cứ từng bước lần mò ra. Với Cu Li Không Bao Giờ Khóc, nó đến từ cảm giác hồi còn bé, khi tôi thường ngủ trưa với bà nội. Giấc mơ, lời ru và những âm thanh khác của thành phố cứ trôi vào tai mình.

Hà Phương trong một cảnh phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc. | Nguồn: Square Eyes Film; CJ CGV

Chúng tôi [Phạm Ngọc Lân và đồng biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang] gần như làm việc với nhau trên văn bản, cũng sửa lại kịch bản khá nhiều lần. Tôi làm việc khá nhiều với thoại trong phim. Lúc quay, tôi chú tâm nhiều đến khả năng, biểu cảm của diễn viên nên càng để ý đến thoại hơn.

Tôi làm việc với NSND Minh Châu từ nhiều phim trước, cảm được nhịp diễn của cô ấy. Tôi biết, thoại phải nên thế nào để diễn viên có thể truyền tải thân mật hơn, vừa có chất nhạc và có chất thơ trong đó. Nhưng thoại chỉ là một phần, cách làm việc với diễn viên cũng rất quan trọng.

Vì sao anh lựa chọn màu đen trắng cho bộ phim dài đầu tay của mình?

Nó bắt đầu từ một tai nạn. Lúc khởi quay, hai diễn viên Xuân An và Hà Phương bị ngã xe máy. Cả đoàn phải thay đổi kế hoạch và đợi chờ hơn nửa năm hai diễn viên mới quay trở lại. Trong thời gian chờ đợi đó, kinh phí cũng vì thế mà “bay” mất.

Chúng tôi nghĩ ra cách hoàn thành một bộ phim tốt với nguồn kinh phí còn lại. Các phương án đưa ra bao gồm sửa kịch bản, chuyển sang làm phim đen trắng để tiết kiệm. Khi chuyển qua phim đen trắng, tôi không phải quá bận tâm về set quay, dàn cảnh, hậu kỳ làm màu phim. Khi thay đổi lại kịch bản, chúng tôi sáng tạo thêm một chủ đề phụ ẩn dụ cho “thời gian”, mang tính suy tư cho bộ phim.

Bên cạnh đó, khi chuyển qua phim đen trắng, tôi cũng muốn mang đến cảm giác gì đó của những tác phẩm kinh điển. Hồi bé, tôi không có nhiều cơ hội ra rạp xem phim, nhưng phim đen trắng cứ chiếu đi chiếu lại trên tivi. Vì thế nó cũng có những ẩn ức trở nên kinh điển.

Nếu hỏi rằng, tôi ảnh hưởng từ nhà làm phim nào thì thực tình tôi không biết. Có thể khán giả sẽ rõ hơn tôi về điều này. Thực ra, khi làm phim người đạo diễn chỉ đi với bản thân họ mà thôi, chứ không có quá nhiều suy tư để nghĩ về người khác, tác phẩm khác.

Anh đã tìm diễn viên cho phim như thế nào?

Đối với những phim đầu tay, người đạo diễn thường có xu hướng làm những tác phẩm gần với họ. Điều đó ảnh hưởng đến cách lựa chọn diễn viên, bởi có một sự níu kéo về những thứ thân thuộc trong quá khứ của đạo diễn. Riêng với diễn viên, NSND Minh Châu và tôi lại có một cuộc hội ngộ rất khác. Từ hồi khoảng 10 hay 11 tuổi, tôi đã có cơ hội xem cô Minh Châu diễn trên màn ảnh lớn và cảm thấy xúc động.

NSND Minh Châu trong một cảnh phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc. | Nguồn: Square Eyes Film; CJ CGV

Cách tuyển diễn viên của tôi là cứ đi nhìn ngắm khắp nơi. Có một cách tuyển diễn viên đặc biệt của tôi, đấy là lên báo và đọc tin tức về các đám tang. Lúc đấy, tôi thấy các gương mặt đi viếng nhưng không trang điểm. Tôi thấy được sự tình cảm khi họ khóc, hoặc khi họ trò chuyện với nhau tại đám tang, hiện lên mà không qua lớp son phấn nào.

Trước đây, tôi cũng có nhìn thấy ảnh NSND Minh Châu đi viếng. Sau này nói chuyện, cô bảo với tôi rằng: Ai đóng vai chồng của cô cũng đã qua đời hết rồi.

Từ đạo diễn của những phim ngắn ấn tượng cho đến phim dài đầu tay, có gì thay đổi trong cách làm phim của anh?

Khi làm phim và phóng lên màn chiếu lớn, cảm xúc của tôi thường quyện với những ký ức đã có trước đây với diễn viên. Khi làm nhiều phim hơn, tôi cũng phải nghĩ cách làm sao cho bản thân mình bớt chán.

Tôi làm việc với nhiều diễn viên quen thuộc như NSND Minh Châu, Hoàng Hà... nên phải có cách làm sao cho cả mình lẫn những diễn viên trở nên tốt hơn, cảm nhận về điện ảnh tốt hơn.

Đối với phim dài, tôi có nhiều thời gian làm việc với mọi người, để đẩy diễn xuất cao hơn và dày hơn. Tôi không quan tâm đến độ dài - ngắn của một tác phẩm điện ảnh. Cứ làm đi làm lại với những diễn viên quen thuộc, mình sẽ nhìn thấy được con người và ký ức, cảm giác của diễn viên đó.

Khi đạo diễn và diễn viên ngồi xem lại những tác phẩm cùng tạo nên, chúng tôi cảm thấy các nhân vật vừa rất gần cũng rất xa, cứ như đã sống qua nhiều kiếp. Đó là thứ cảm giác xuyên qua màn ảnh, và nó rất đặc biệt.

NSND Minh Châu và diễn viên Hoàng Hà trong một cảnh phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc. | Nguồn: Square Eyes Film; CJ CGV

Điện ảnh trong quan niệm của anh như thế nào?

Với tôi điện ảnh rất gần với tưởng tượng và giấc mơ. Mình huy động cả một ekip để biến một giấc mơ thành thật. Những thứ ban đầu chỉ ở trong đầu mình, không sờ nắm được, nhưng dần dần hiện ra với bao nhiêu người cùng làm ở xung quanh mình. Như đã nói, tất cả những nỗ lực hiện thực hoá giấc mơ điện ảnh, cuối cùng chỉ là một luồng sáng bắn lên màn chiếu mà thôi. Với tôi đó là sự phù phiếm. Mình đã nỗ lực bao nhiêu để ra một luồng sáng và cuối cùng nó biến mất.

Còn điều gì nữa, thưa anh?

Những thứ xảy ra trong một tác phẩm, đối với tôi, không chỉ dừng lại trên màn chiếu mà họ xem cả vào sâu tận bên trong mình, cả ký ức về nơi chốn, về một người diễn viên đã thấy.

[Đạo diễn Phạm Ngọc Lân chia sẻ với tôi bức ảnh anh chụp trên điện thoại, tại một buổi chiếu phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc. Đó là cảnh 3 nhân vật do NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Hiền và diễn viên Thương Tín tại đám cưới của 2 nhân vật Quang và Vân trong phim.]

Trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc, mọi người thấy hình ảnh của cô Minh Châu, cô Thanh Hiền, chú Thương Tín - những bộ mặt điện ảnh của Việt Nam thế kỷ trước bỗng nhiên xuất hiện lại trên màn ảnh với vẻ ngoài già nua hơn… Điều đó khiến tôi rất xúc động. Ở trong hình thái điện ảnh mang chất kinh điển, cảnh 3 người cùng sẻ chia một khung hình, từng người họ đều đã già nua, với tôi đó không chỉ là các nhân vật, diễn viên đang diễn xuất mà còn thấy cả một đời sống điện ảnh.

Làm một bộ phim về chủ đề bên lề và mang tính địa phương như Cu Li Không Bao Giờ Khóc với anh như thế nào?

Nó khó hơn nhiều. Nếu nói về cái ai cũng muốn nghe thì sẽ dễ hơn. Nói về cái mà người ta không muốn nghe tiếp hết câu mà bạn vẫn dám làm, thế mới khó chứ. Nếu đến Hà Nội mà bạn kể về một thứ tận đẩu tận đâu, về câu chuyện từ một vùng đất người ta không quan tâm, thì điều đó khó hơn nhiều.

Đầu thập kỷ này, điện ảnh Việt Nam ngày càng nhiều tiếng nói độc đáo và đa dạng. Là một nhà làm phim độc lập, góc nhìn của anh như thế nào?

Tôi thấy nhiều nhà làm phim trẻ rất hay. Tôi nghĩ không cần phải so sánh người làm phim thương mại hay độc lập bởi điện ảnh là lớp trên cùng của một nền văn hoá xem. Dưới đó, media còn rất rộng. Báo chí, truyền thông thị giác, short video (video ngắn) đang phát triển cùng. Điện ảnh càng đa dạng càng tốt vì nó kích thích các nhánh khác cùng đi lên.

Một cảnh phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc. | Nguồn: Square Eyes Film; CJ CGV

Anh có thể chia sẻ đôi điều về dự án tiếp theo của mình?

Tôi đang có dự án thực hiện một phim ngắn tiếp theo. Còn về phim dài, tôi có ý tưởng nhưng chưa thực sự viết. Tôi cũng đang đợi xem việc phát hành phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc như thế nào? Nếu phát hành tốt, tôi nghĩ mình sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn. Đặc biệt, cách khán giả đón nhận cũng sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm tiếp theo của mình, từ cách gọi vốn tới thời gian huy động để thực hiện. Nếu nhiều người ủng hộ thì đoàn phim tiếp theo cũng sẽ được vận hành một cách nhịp nhàng hơn.