Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Ngài Bez Babakhani, Tổng Lãnh sự mới được bổ nhiệm của Tổng Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với bề dày sự nghiệp hơn 22 năm. Ông tham gia vào nhiệm vụ ngoại giao ở Sài Gòn tại thời điểm mối quan hệ giữa hai nước đang được kéo lại gần hơn, nhờ có sự bùng nổ thương mại, trao đổi văn hoá và những cơ hội hợp tác để đối phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Từng là một luật sư, Bez đã có khoảng thời gian công tác ở một số quốc gia châu Á như Malaysia và Hàn Quốc, do đó ông cũng không quá lạ lẫm với lối sống và văn hoá nơi đây. Tuy nhiên, so với chuyến thăm trước, Việt Nam đã “thay da đổi thịt” khá nhiều khiến ông vô cùng bất ngờ khi trở lại. Cả thành phố và đất nước như đang trải qua một cuộc trùng tu ngoạn mục, với sự xuất hiện của những toà nhà cao tầng và cả sự phát triển vượt bậc của ngành ẩm thực.
Mối quan hệ giữa Việt Nam - Canada có ý nghĩa như thế nào? Là đối tác giao thương lớn nhất của Canada tại khu vực ASEAN, Việt Nam ngày nay là cái tên được cân nhắc hàng đầu khi đề cập tới các kế hoạch đầu tư ở một số lĩnh vực công nghiệp. Từ khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thương mại hàng hoá song phương giữa hai nước đã tăng lên 10% dù đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế do dịch bệnh, và sự tăng trưởng giao thương này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam cũng như các nước cùng tham gia hiệp định CPTPP.
Từ mối quan hệ xuyên đại dương
Ngài Bez rất thích thú khi thấy nhiều người Canada gốc Việt trở về quê hương, mang theo nền giáo dục và kiến thức họ tiếp thu ở Canada. Đối với ông, việc hợp tác trao đổi kiến thức như vậy đã giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa hai quốc gia.
Cộng đồng người Việt hải ngoại ở Canada đã lên tới 300.000 thành viên, với nhiều người trong số đó hoạt động tích cực và gặt hái thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, kinh doanh và chính trị.
Ngoài ra, hiện có hơn 25.000 học sinh - sinh viên Việt Nam theo học tại Canada, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 về lượng du học sinh tại đây. Nhiều du học sinh Việt lựa chọn học tập tại Toronto hay Vancouver, vì hai thành phố này có cộng đồng người Việt đông đảo cùng một số trường đại học hàng đầu như Đại học Waterloo hay Đại học Ryerson. Hơn nữa, Đại học Ryerson còn đầu tư vào những công ty khởi nghiệp hứa hẹn, đồng thời nhận diện Việt Nam là một trong ba “khu vực trọng điểm” trên thế giới.
Theo ngài Bez, sức hấp dẫn của đất nước Canada nói chung và của nền giáo dục Canada nói riêng là dễ lý giải. Bản thân ông cũng từ Iran đến Canada du học, rồi trở thành công dân nước này và làm việc trong ngành công vụ. Quốc gia này luôn giang rộng tay chào đón mọi người, và thực tế là cứ bốn công dân Canada thì có một người không sinh ra tại đây.
Cho đến các cuộc hợp tác xanh
Trong số các đề xuất ban đầu được đưa ra bởi vùng kinh tế công và tư nhân tại Việt Nam và Canada gần đây, có khá nhiều chương trình tập trung vào việc cải tiến. Ngoài AI, năng lượng mặt trời, ICT và những công nghệ khác mà Canada có thế mạnh, họ còn làm việc với cộng đồng người địa phương để cải thiện việc sản xuất nông nghiệp, bằng cách phát triển nhiều loại gạo mới có khả năng thích ứng cao với tình trạng thay đổi khí hậu.
Cùng với những tiến triển tích cực của thương mại song phương, nhiệm vụ ở Sài Gòn cũng lớn dần. Trong hai năm qua, nhân viên lãnh sự quán từ 30 đã tăng lên 60 người, và con số này vẫn tiếp tục lớn dần. Ngoài việc hỗ trợ các cơ hội đầu tư, nhiệm vụ chính trong những năm tới là tập trung vào các vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Ngài Bez bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều người trẻ Việt hơn nữa tham gia vào các hoạt động và chương trình xanh của lãnh sự quán.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Bích Trâm.