Để cho mình thất vọng là một điều phải học | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 09, 2022

Để cho mình thất vọng là một điều phải học

Một lần vấp ngã, một lần bị từ chối chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đã dám làm.
Để cho mình thất vọng là một điều phải học

Nguồn: Mắt Toét

Một hôm tôi đứng gắp thú bông, cái máy đã gắp rất chắc chắn rồi, không có lý gì lại không được nữa cả, thế là vội vàng nhắm mắt, quay một vòng, nhảy cẫng lên ăn mừng. Đến lúc quay lưng lại để chờ lấy thú, thì anh bảo “mừng sớm rồi…”

Hoá ra, gần đến cái chỗ để thả thì cái gắp tuột con gấu, thế là lại chẳng được gì.

Hôm đó người kia thì cười sằng sặc, còn kêu sẵn lòng trả thêm tiền chỉ để xem cái sự ăn mừng sớm của em trông vừa thương vừa buồn cười. Đứa còn lại thì lườm toé cả khói, vùng vằng đòi mua thêm xu để chơi lại, gắp cho bằng được. Nhưng mà bị kéo đi, không được chơi nữa.

Những phản ứng hồn nhiên đấy lúc nào cũng là mình chân-thực-nhất. Chúng ta luôn mừng quá sớm, luôn nghĩ mình biết trước, có thể tính toán được trước.

Tỷ lệ gắp được thú bông trung bình là 1/10 hoặc 1/15, có nghĩa là phải 10 - 15 lần chơi thì may ra mới trúng được một lần. Thậm chí có thể lên đến 20 lần tuỳ chủ cửa hàng, bởi máy gắp thú là cỗ máy có thể điều chỉnh thủ công.

Nhiều khi mình đang ở trong một hệ thống mà chưa chắc mình đã có thể nhìn thấy rõ cấu trúc vận hành hay những đòn bẩy đằng sau đó.

Để dù có thể gắp trúng, thì khả năng nâng được lên bằng không, hay gắp trúng, nâng được lên, đến lúc trong quá trình di chuyển, các móng vuốt bị lỏng thì thú vẫn có thể rơi được. Hoặc đơn giản chỉ cần quệt vào tường là thú rơi. Khả năng nào cũng có thể xảy ra.

Trong cuộc sống luôn có những thứ suýt soát như thế. Số điểm vậy là suýt soát đỗ rồi. Người yêu yêu nhau đến vậy suýt thì cưới rồi. Lời mời viết sách, làm ra cái bản thảo hay như vậy suýt thì thành sách rồi.

Có rất nhiều cái suýt mà đã vội vàng khoe với mọi người. Cái suýt đó, cũng cho mình thấy được rất nhiều người: người thì gật gù “không được lần này thì em sẽ có lần khác, không sao!”; người thì mừng thầm vì mình chẳng tới nơi “tưởng thế nào.”

Nỗi thất vọng với những câu chuyện của bản thân là một, nhưng xấu hổ khi phải xí xoá với những người mình đã khoe là mười.

Nó giống như việc tưởng mình sẽ thành sinh viên trường này đấy, tưởng mình sẽ lấy được cái dự án này đấy, tưởng mình sẽ lấy anh này làm chồng đấy hay tưởng mình sẽ là tác giả sách đình đám đấy. Mấy viễn cảnh đó vừa chạy vòng vèo trong đầu, rồi nhắm mắt mở mắt ra lại chỉ biết tặc lưỡi.

Dù anh hôm đó cười như bố đẻ em bé rằng em mừng vội, nhưng ngày đó, với mỗi bước đi nhỏ nhỏ, mà em chỉ nói với tính chất thông báo chứ không dám coi là thành tựu tự hào, thì anh luôn hoan hô và đòi ăn mừng.

Chẳng hạn như lên có 30% lương, thì anh bảo là "lên ‘tận’ 30% đấy em. Ăn mừng thôi!" Hay là xong một dự án, ăn mừng, thất bại, ăn mừng để rút kinh nghiệm.

Nên tôi nghĩ, cứ vui đi, vội chút cũng được vì ai cấm được những niềm vui đó. Cứ vui khi cái cần gắp đã nắm được con thú bông đi, cứ vui đi khi nó kéo lên được đi.

Cho đến khi nó rơi thì chúng ta trề môi phụng phịu cũng được. Cứ làm bài đến hết sức mình và công nhận mình đi. Cứ coi một bước tiến nhỏ dù chậm như sên cũng là tiến đi.

Một lần vấp ngã, một lần bị từ chối chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đã dám làm. Hãy nhìn vào cái dám đó để mà đi tiếp đi, để học thất vọng thì hãy học cách điều chỉnh kì vọng của mình, và tập trung công nhận mình từ những bước bé tí hon trước đi.

Hơn cả, đó là để dành thất vọng cho những cái to to, vì chỉ có kì vọng vào những điều đó thì mình mới có thất vọng. Cuối cùng, thất vọng cũng như chỉ là một hơi thở hắt ra và lại cặm cụi làm tiếp .