Để lời khen tặng không bị biến thành "thảo mai" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 08, 2020

Để lời khen tặng không bị biến thành "thảo mai"

Nhiều khi việc khen ngợi có thể bị hiểu lầm là "thảo mai" phải không nào? Sau đây là 10 bí quyết giúp lời khen của bạn luôn chân thành

Để lời khen tặng không bị biến thành "thảo mai"

Nguồn: iJeab/Shutterstock

Lời khen là một món quà đại diện cho sự trân trọng và công nhận. Tuy nhiên, nó chỉ làm đúng chức trách khi phản ánh chân thật những gì người tặng cảm nhận.

Nghệ thuật khen tặng là một kỹ năng giao tiếp căn bản, và bạn không cần phải là một chuyên gia mới có thể vận dụng tốt. Bạn chỉ cần khen ngợi chân thành, cùng với đó là một chút quan sát tinh tế. Vài bí quyết sau đây sẽ giúp bạn.

1. Hãy khen thật lòng

Trong cuốn sách kinh điển của dòng Self-help, "Đắc nhân tâm", tác giả Dale Carnegie cũng nhấn mạnh vai trò của việc khen ngợi một cách chân thành và trung thực với người khác trong cuộc sống và công việc.

Khi bạn muốn nói lời tốt đẹp với ai đó, hãy tìm những điều tích cực ở họ mà bạn thực lòng ghi nhận. Một lời khen thực tâm sẽ mang lại niềm vui và tạo cho người nghe cảm giác đáng tin hơn bất cứ câu nói "đao to búa lớn" nào. Nếu bạn nói những gì mà bạn không thực tâm nghĩ, mọi người sẽ rất dễ nhận ra sự xã giao trong đó và nghi ngờ mục đích khen ngợi của bạn.

Một lời khen thực tâm sẽ mang lại niềm vui và tạo cho người nghe cảm giác đáng tin hơn bất cứ câu nói đao to búa lớn nào nguồn shutterstock
Một lời khen thực tâm sẽ mang lại niềm vui và tạo cho người nghe cảm giác đáng tin hơn bất cứ câu nói "đao to búa lớn" nào. | Nguồn: Shutterstock

2. Để ý ngôn ngữ cơ thể

“Của cho không bằng cách cho” – điều này cũng đúng với lời khen. Cách bạn khen ngợi ai đó cũng quan trọng không kém nội dung của lời khen.

Một lời khen chân thành sẽ được cảm nhận qua giọng điệu của người nói, đừng nói quá nhanh hoặc nói lí nhí. Bên cạnh đó, hãy nhìn thẳng vào người đối diện với nét mặt hay nụ cười tươi tắn.

3. Khen điều họ đã dành nhiều công sức hoặc thời gian

Sự ghi nhận cho những điều người khác cố gắng và dành thời gian công sức để hoàn thành chính là lời khen mà họ muốn nghe nhất.

Khi một người đang cố gắng giảm cân, hãy khen ngợi vì người đó đã quyết tâm và chăm chỉ tập luyện. Khi họ tốn nhiều thời gian để phối đồ trước bữa tiệc, hãy khen ngợi phong cách hoặc điểm nhấn mà họ đã chọn. Hoặc khi ai đó chia sẻ một bài viết dày công nghiên cứu, hãy cho họ biết bạn ghi nhận thành quả đó.

4. Tìm điều gì đó đặc biệt

Hãy tìm những điểm cụ thể để khen ngợi, người nhận sẽ cảm thấy đây là sự tán thưởng thật tâm của bạn, chứ không phải một lời khen xã giao.

Thay vì khen chung chung bộ đồ đẹp, hãy nói cụ thể hơn về cách phối màu trang phục hoặc trang sức đi kèm. Thay vì chỉ khen "Bà cắm bình hoa này đẹp thế", có thể nói chi tiết hơn "Ý tưởng điểm xuyến mấy thêm mấy bông hoa trắng này hay nhỉ".

5. Hỏi thêm chi tiết về điều bạn vừa khen ngợi

Ai cũng thích được nói về bản thân, đặc biệt là khi họ chia sẻ về điều vừa được khen ngợi. Cách này còn giúp bạn kéo dài cuộc trò chuyện, không để lời khen trôi qua trong vô nghĩa.

“Món này ngon quá, nấu có phức tạp không?” “Thêu bức tranh này công phu thật, chị luyện tập lâu chưa?” Đừng ngại hỏi họ về quá trình thực hiện. Cứ cho thấy bạn thật sự có hứng thú với thành quả của họ, rồi họ sẽ nhiệt tình chia sẻ với bạn.

Ai cũng thích được nói về bản thân đặc biệt là khi họ chia sẻ về điều vừa được khen ngợi Nguồn Shutterstock
Ai cũng thích được nói về bản thân, đặc biệt là khi họ chia sẻ về điều vừa được khen ngợi. | Nguồn: Shutterstock

6. Cân nhắc trước khi nói

Đôi khi lời khen của bạn có thể khiến người đối diện bối rối hoặc hiểu lầm. “Dạo này bạn xinh thật đó, mới giảm cân có khác.” – Bạn rất vô tư nhưng người nghe có thể hiểu là bạn chê hình ảnh của họ trước khi giảm cân. Hãy chậm lại và suy nghĩ kỹ xem điều bạn sắp nói ra có vô tình ẩn chứa ý nghĩa nào khác không.

7. Đừng khen kiểu "vơ đũa cả nắm"

Gộp lời khen theo nhóm giới tính, chủng tộc, tuổi tác dễ gây hiểu lầm kỳ thị hoặc phân biệt. Chẳng hạn “Con gái mà học giỏi mấy môn tự nhiên ghê” có thể khiến người nghe cảm thấy bị xúc phạm và mang cảm giác khinh thường nữ giới.

8. Đừng hạ thấp người khác

Khen ngợi ai đó để mang đến cảm giác tích cực, vì thế đừng hạ thấp người này để tâng bốc, tung hô người khác.

Khi bạn khen một người phụ nữ trông thật gọn gàng, hãy dừng ở đó, đừng thêm câu “không như chị X cũng hai con nhưng không bằng”. Hạ thấp người khác để nâng ai đó lên không phải là cách đưa ra lời khen thông minh và chân thành. Chắc hẳn người khen cũng không hề vui vẻ khi bị đem ra so sánh như vậy đâu.

9. Tránh “khen trước chê sau”

Nếu trong câu khen của bạn có từ “nhưng” ở cuối vế đầu, chẳng hạn "Anh là một đầu bếp giỏi nhưng..." thì hãy suy nghĩ lại có nên nói ra hay không.

Mở đầu bằng lời khen trước khi đưa ra phản hồi (feedback) là lời khuyên thường gặp dành cho các quản lý. Nhưng nếu thường xuyên lợi dụng câu khen ngợi như một phương tiện để đưa ra lời chỉ trích thì có thể phản tác dụng, người nghe sẽ không còn tin tưởng, thậm chí đề phòng mỗi khi bạn khen ngợi họ.

Nên tránh tần suất đưa lời khen chỉ để tạo tiền đề cho phần chỉ trích đằng sau Nguồn Unsplash
Nên tránh tần suất đưa lời khen chỉ để tạo tiền đề cho phần chỉ trích đằng sau. | Nguồn: Unsplash

10. Thời điểm và tần suất đưa lời khen rất quan trọng

Hãy chắc chắn là bạn chọn đúng thời điểm để đưa ra lời khen và biết dừng lại đúng lúc, bởi vì dành quá nhiều lời khen cho một điều sẽ gây nhàm chán.

Bạn có thể hào hứng với một món bánh trong hai ngày đầu, nhưng sẽ bắt đầu ngán khi cứ phải ăn vào mỗi bữa tối trong suốt một tuần. Nhận lời khen cũng vậy. Nếu không thể tìm được điều nào khác để khen ngợi, hãy thử làm theo những bí quyết ở trên xem sao.