Điều gì khiến lời nói của bạn kém thu hút? Tâm lý học giải thích | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 05, 2020

Điều gì khiến lời nói của bạn kém thu hút? Tâm lý học giải thích

Tâm lý người nghe bị chi phối như thế nào? Làm sao để khắc phục những nhân tố đó để giao tiếp hiệu quả và trở thành một người lắng nghe ít thiên vị hơn?

Điều gì khiến lời nói của bạn kém thu hút? Tâm lý học giải thích

Điều gì khiến lời nói của bạn kém thu hút? Tâm lý học giải thích

Đã bao giờ bạn cảm giác lời nói của mình bị “phớt lờ”, hoặc gặp tình trạng người nghe không chú tâm vào bài thuyết trình của mình và thậm chí hỏi lại những thông tin mình vừa trình bày?

Nội dung chưa phải là tất cả, thành công trong giao tiếp còn bao gồm nhiều yếu tố khác. Đó là giọng điệu, tốc độ, phong cách nói, vốn từ,… và việc xác định đối tượng nghe là ai. Đây đều là những yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hút người nghe và trình bày ý tưởng của bạn.

Cụ thể hơn, tâm lý người nghe bị chi phối như thế nào? Làm sao để khắc phục những nhân tố đó? Hãy cùng Vietcetera đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi trên.

Bất đồng trong văn hóa (quốc gia/vùng miền)

Ngôn ngữ là một phần trong văn hóa. Trong môi trường có sự giao thoa văn hóa rõ rệt như công ty nước ngoài hay trường đại học, bất đồng trong giao tiếp là điều rất dễ xảy ra. Người nghe sẽ cảm thấy bối rối, khó hiểu và thậm chí bất bình khi nhận thông tin sai với quan niệm văn hóa của họ.

Ví dụ, người phương Tây có lối trình bày đi thẳng vào vấn đề, trong khi đó người Việt chuộng sự ý tứ, tế nhị nên có phần vòng vo hơn. Đối với vùng miền, người miền Bắc muốn xưng hô đúng vai vế, còn người miền Nam lại thích được gọi bằng đại từ nhân xưng trẻ hơn tuổi. Một số người lại có thói quen dùng từ địa phương khi nói chuyện.

Khắc phục:

Khi có sự giao tiếp đa văn hóa, cả hai bên nên tìm hiểu trước về bối cảnh văn hóa của nhau, hoặc đặt ra nguyên tắc chung khi giao tiếp trong công việc. (Ví dụ: hạn chế dùng phương ngữ, tóm tắt sự việc trước rồi mới trình bày chi tiết,…).

Điều gigrave khiến lời noacutei của bạn keacutem thu huacutet Tacircm lyacute học giải thiacutech0
Trong giao tiếp, việc hiểu biết về khác biệt văn hoá rất quan trọng.

Phong cách nói và phong cách nghe không khớp nhau

Trong cuộc trò chuyện thường có những tín hiệu phi ngôn ngữ đến từ phía người nghe, với hàm ý muốn được phản hồi, chất vấn hoặc cắt ngang. Thậm chí các khoảng ngắt nghỉ, im lặng trong cuộc đối thoại đều mang thông điệp riêng.

Việc giải mã các tín hiệu phụ thuộc vào phong cách nghe của từng người. Khi phong cách nói của bạn không khớp với phong cách nghe của người nhận thông tin, cả hai bên có thể đi đến kết luận sai lệch về nhau.

Khắc phục:

Nắm rõ ý nghĩa của một số tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ thường gặp sẽ trợ giúp bạn rất nhiều trong việc truyền tải lẫn tiếp nhận thông tin. Những kiến thức này sẽ phần nào tiết lộ phong cách nghe của đối tượng giao tiếp, và bạn có thể dựa vào đó để điều chỉnh thông điệp sao cho khớp.

Theo tác giả Rick Bommelje của cuốn sách”Listening Pays: Achieve Significance through the Power of Listening“, có bốn kiểu lắng nghe như sau:

  • Chú trọng con người: người nghe quan tâm đến những mối quan hệ và việc nắm bắt trạng thái tâm lý của người nói. Nếu người nghe của bạn trong nhóm này, bạn nên chọn hình thức chia sẻ theo kiểu hẹn riêng (ví dụ: đi cà phê) để tăng tính thân mật, hoặc lồng ghép những câu chuyện mang tính cảm xúc.
  • Chú trọng hành động: người nghe muốn biết tóm tắt nội dung chính trước khi trình bày chi tiết. Sự thiếu nhất quán và thiếu mạch lạc sẽ làm họ khó chịu.
  • Chú trọng nội dung: người nghe muốn xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Cần chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi khai thác đa chiều của họ
  • Chú trọng thời gian: người nghe cần người nói tuân thủ theo thời gian đã thống nhất từ trước. Vì vậy bạn cần nhanh chóng đi vào vấn đề và nắm rõ thời lượng cần thiết để trình bày xong.

Định kiến từ người nghe

Người nghe có thể đánh giá bạn từ định kiến họ đã có từ trước. Chẳng hạn, một nghiên cứu phát hiện khi một người đàn ông nói từ “academy”, người nghe cho rằng anh ấy nói về nghĩa “học viện”. Nhưng nếu một phụ nữ nói từ này thì người nghe cho rằng cô ấy đề cập đến một lễ trao giải.

CEO của Human Partners và là tác giả của cuốn sách “Breaking Through Gridlock: The Power of Conversation in a Polarized World“— Gabriel Grant cho rằng những liên tưởng và định kiến xung quanh bạn sẽ ảnh hưởng đến việc người khác tiếp thu lời bạn nói. Đôi khi người nghe không có ý đồ xấu, chỉ vì họ đã từng có những trải nghiệm không tốt trước đó mà thôi.

Khắc phục:

Xác định tất cả các định kiến có thể gây bất lợi cho việc truyền tải của bạn. Thử đặt những giả thiết mà người nghe có thể liên tưởng hoặc gán ghép cho bạn và làm sáng tỏ trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu.

Điều gigrave khiến lời noacutei của bạn keacutem thu huacutet Tacircm lyacute học giải thiacutech1
Người nghe có thể đánh giá bạn từ định kiến họ đã có từ trước.

Giọng nói ảnh hưởng đến sự thiên vị

Không thể phủ nhận rằng những yếu tố như ý tứ rời rạc, chọn sai từ ngữ, hoặc nhấn nhá không đúng chỗ sẽ làm giảm độ uy tín của lời bạn nói. Nhưng đôi khi, nguyên nhân chỉ đơn giản là giọng nói của bạn.

Chẳng hạn, một thí nghiệm phát hiện ra rằng những người Mỹ thông thường chuộng “giọng Anh-Anh chuẩn miền Nam” hơn là giọng New York dù cả hai nói những từ y hệt nhau. Thậm chí họ còn nhớ rõ những gì người giọng Anh nói hơn và đánh giá là người đó “thông minh hơn”.

Dù tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu liên quan, nhưng không hề thiếu những tranh cãi giữa “giọng chuẩn” và phương ngữ. Năm 2014, việc người dẫn chương trình nói giọng Huế lần đầu xuất hiện trên VTV đã từng gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng VTV phát sóng cho người dân toàn quốc nên người dẫn chương trình cần nói giọng Hà Nội để mọi người đều hiểu. Từ những ví dụ như trên cũng phần nào cho thấy sự thiên vị về giọng nói trong giao tiếp.

Trong một nghiên cứu của phó giáo sư ngành Ngôn ngữ học thuộc Đại học Stanford— Meghan Summer, khi một người phụ nữ và một người đàn ông cùng trình bày một vấn đề, giọng nữ thường được đánh giá thấp hơn khi xét về độ tin cậy, rõ ràng hay dễ hiểu. Ngay cả khi một người đàn ông có giọng nói được cho rằng không đáng tin hay thông minh, anh ta vẫn được đánh giá cao hơn khi so sánh với một người nữ.

Khắc phục:

Việc giữ gìn bản sắc văn hoá và tính đa dạng vùng miền là điều nên làm. Đôi khi đó còn là nét đặc biệt khiến người khác nhận ra và nhớ rõ về bạn. Tuy nhiên, nếu điều đó ảnh hưởng lớn đến công việc hoặc cuộc sống, bạn có thể cân nhắc linh hoạt điều chỉnh lại giọng nói của mình khi cần thiết.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu kinh tế học hành vi Iris Bohnet đề xuất trong cuốn sách “What Works: Gender Equality by Design” như sau:

  • Trong tuyển dụng, để lược bớt định kiến xã hội gây bất lợi cho nghề nghiệp của phụ nữ, cần thiết kế bộ câu hỏi theo thứ tự và nội dung thống nhất.
  • Trong buổi họp hoặc thuyết trình, có thể sử dụng phương pháp ghi chép để người nghe xem lại sau. Chữ viết sẽ loại bỏ các yếu tố chủ quan như giọng nói, phong thái hoặc đặc điểm bên ngoài của người nói. Nhờ đó, người nghe có thể tập trung vào nội dung chính thay vì bị xao nhãng bởi các yếu tố trên.
Điều gigrave khiến lời noacutei của bạn keacutem thu huacutet Tacircm lyacute học giải thiacutech2
Đôi khi, giọng nói chính là nguyên nhân làm giảm độ đáng tin và thu hút của bạn khi giao tiếp.

Mẹo tăng sức thuyết phục cho giọng nói

Khi nói chuyện, tăng âm lượng lên một chút và chuyển đổi tông giọng (trầm, bổng, ngắt quãng) theo nội dung. Theo nghiên cứu của giáo sư marketing Jonah Berger, “giọng điệu và âm lượng làm tăng cảm giác tự tin nơi bạn, từ đó củng cố thêm tính thuyết phục của nội dung bạn đang nói”.

Ưu tiên gặp mặt trực tiếp (hoặc ít nhất là gọi video) khi đàm phán vấn đề quan trọng. Giọng nói trực tiếp gần gũi và có hồn hơn nên có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý người nghe cao hơn so với email và tin nhắn.

Bài viết được thực hiện bởi Vivian Giang trên Fast Company, bình dịch bởi Hà Phạm.