Đừng cố gắng gán ý nghĩa cho cảm xúc của mình (P2) | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 05, 2021

Đừng cố gắng gán ý nghĩa cho cảm xúc của mình (P2)

Bạn càng cố kiểm soát, cảm xúc càng sinh sôi nhanh chóng hơn. Làm sao để vượt qua cảm xúc của mình?
Đừng cố gắng gán ý nghĩa cho cảm xúc của mình (P2)

Chúng ta luôn cố kiểm soát cảm xúc nhưng thường thất bại. | Nguồn: Unsplash

Tiếp nối phần "Đừng chỉ tin vào cảm xúc!", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "Fuck Your Feelings" được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng ta thường cố kiểm soát cảm xúc và rồi thất bại

Những gì tôi nói tiếp theo đây không phải chuyện gì mới mẻ hay bất ngờ cả. Mà thực tế trước giờ bạn vẫn luôn cố vượt qua một số cảm xúc khó chịu và bốc đồng, để rồi thất bại.

Vấn đề là khi bạn bắt đầu cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, những cảm xúc đó sẽ “sinh sôi" chóng mặt như đàn thỏ vậy. Bởi vì chúng ta không chỉ nảy sinh cảm xúc với trải nghiệm của mình, mà chúng ta còn có cảm xúc với chính cảm xúc của mình. Tôi gọi đây là “siêu cảm xúc” và chúng thường hủy hoại gần như mọi thứ.

Con người thường rơi vào 4 loại siêu cảm xúc: thấy tệ về những cảm xúc xấu (khắt khe với bản thân), thấy tệ về những cảm xúc tốt (tội lỗi), thấy tốt về những cảm xúc xấu (tự cho là đúng) và thấy tốt về những cảm xúc tốt (cái tôi/ái kỷ).

Thấy tệ về những cảm xúc xấu (Khắt khe với bản thân):

  • Tự phê phán quá mức
  • Có các hành vi lo âu/kích động
  • Ức chế cảm xúc
  • Thường tham gia những hành vi lịch sự hoặc tử tế giả tạo
  • Cảm thấy mình sai ở đâu đó

Thấy tệ về những cảm xúc tốt (Tội lỗi):

  • Cảm giác tội lỗi dai dẳng, như thể bạn không xứng đáng nhận được hạnh phúc
  • Liên tục so sánh bản thân với người khác
  • Cảm giác như thể phải có điều gì sai sót, dù mọi thứ vẫn ổn
  • Thường có những chỉ trích và tiêu cực không cần thiết

Thấy tốt về những cảm xúc xấu (Tự cho là đúng):

  • Bất bình về mặt đạo đức
  • Tỏ ra kiêu ngạo với người khác
  • Cảm thấy mình xứng đáng với một số thứ còn người khác thì không
  • Tìm kiếm cảm giác bất lực và biến mình thành nạn nhân

Thấy tốt về những cảm xúc tốt (Cái tôi/ái kỷ):

  • Tự cổ vũ bản thân
  • Thường xuyên đánh giá quá cao bản thân, tự nhận thức theo hướng tích cực nhưng ảo tưởng
  • Không biết cách xử lý thất bại hoặc việc bị từ chối
  • Tránh những lúc phải đối đầu hoặc rơi vào tình huống khó chịu
  • Thường xuyên trong trạng thái chỉ quan tâm bản thân
Vượt qua cảm xuacutec
Khi bạn bắt đầu cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, những cảm xúc đó sẽ càng nhân lên.

Các kiểu siêu cảm xúc này là một phần trong những câu chuyện mà chúng ta hay tự thuật về cảm xúc của mình. Nó khiến chúng ta cảm thấy những ghen ghét của mình là hợp lý. Nó cổ vũ cho lòng tự hào của chúng ta. Nó đập thẳng nỗi đau vào mặt chúng ta.

Nó chỉ đơn giản là cảm nhận của chúng ta về tính hợp lý/bất hợp lý. Nó là cách chúng ta chấp thuận cho việc mình nên và không nên phản ứng cảm tính như thế nào.

Nhưng cảm xúc thường không đi đúng hướng. Cho nên thay vào đó, các siêu cảm xúc này có xu hướng tàn phá nội tâm chúng ta càng sâu hơn.

Nếu bạn luôn thấy tốt về những cảm xúc tốt, bạn sẽ trở nên tự chủ và “cầm trịch" những người xung quanh. Nếu cảm xúc tốt khiến bạn thấy tệ về bản thân, bạn luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi và xấu hổ, như thể bạn không xứng với bất cứ gì, chưa từng đạt được gì và chưa từng đóng góp được gì cho mọi người lẫn thế giới quanh mình.

Còn với những người luôn thấy tệ bởi những cảm xúc xấu. Những “người suy nghĩ lạc quan" này sẽ sống trong sợ hãi vì cho rằng bất cứ sự đau khổ nào cũng là minh chứng rằng họ đã sai ở đâu đó. Chính văn hoá, gia đình và ngành công nghiệp sách tự lực (self-help) đã đẩy chúng ta vào thứ vòng lặp phản hồi như địa ngục này.

Nhưng có lẽ loại siêu cảm xúc tệ nhất lại là loại phổ biến nhất: thấy tốt về những cảm xúc xấu. Những người có loại siêu cảm xúc này thường tận hưởng sự bất bình chính đáng. Họ cảm thấy “đẳng cấp" về mặt đạo đức hơn mỗi khi chịu khổ, như thể họ là một nghĩa sĩ trong thế giới tàn khốc. Phần lớn các xung đột xã hội hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt đều là kết quả của các siêu cảm xúc này.

Kiểm soát ý nghĩa chứ đừng kiểm soát cảm xúc

Để tháo gỡ những câu chuyện rối rắm đó, chúng ta phải quay về một sự thật đơn giản: cảm xúc không nhất thiết phải nói lên ý nghĩa nào đó. Chúng nó chỉ nói lên bất cứ ý nghĩa nào mà bạn gán cho nó.

Có thể hôm nay tôi thấy buồn. Có thể hôm nay có tám lý do khác nhau khiến tôi buồn. Nhưng tôi mới là người quyết định những lý do đó quan trọng tới đâu – những lý do đó có thể cho thấy điều gì đó về tính cách của tôi, hoặc đây chỉ là một trong số những ngày buồn.

vượt qua cảm xuacutec
Cảm xúc không nhất thiết phải nói lên ý nghĩa nào đó. | Nguồn: Unsplash

Đáng quan ngại thay, đây là một kỹ năng mà chúng ta thiếu hụt trong thời đại này: khả năng tách rời ý nghĩa khỏi cảm xúc, để quyết định rằng không phải chúng ta cảm thấy thế nào thì có nghĩa cuộc đời là thế ấy.

Mặc kệ cảm xúc đi. Đôi khi chuyện tốt vẫn làm bạn thấy tệ. Đôi khi chuyện xấu lại khiến bạn thấy tốt. Nó không thể thay đổi được sự thật rằng chuyện đó xấu/tốt. Đôi khi bạn sẽ thấy tệ vì thấy mừng về một chuyện xấu, và cũng sẽ thấy tốt vì thấy buồn về một chuyện tốt— biết gì không? Cứ kệ đi!

Nhưng không có nghĩa là bạn nên lờ đi cảm xúc của mình. Cảm xúc vẫn quan trọng. Nhưng không phải vì những lý do như bạn nghĩ. Chúng ta nghĩ nó quan trọng vì nó nói lên điều gì đó về chúng ta, về thế giới, về các mối quan hệ xoay quanh. Nhưng thật ra nó chẳng nói lên được gì cả.

Chẳng có ý nghĩa nào đi kèm với nó hết. Đôi khi bạn thấy đau lòng vì một điều tích cực, đôi khi vì một điều tiêu cực. Và đôi khi chẳng vì lý do gì. Nỗi đau ấy vốn là thứ trung lập. Còn nguyên nhân thì lại là thứ riêng rẽ.

Điều cốt yếu ở đây là bạn phải ra quyết định. Mà đa số chúng ta thường quên đi hoặc chưa từng nhận ra sự thật đó, rằng chúng ta là người quyết định nỗi đau của mình mang ý nghĩa gì. Cũng như chúng ta quyết định thành công của mình cho thấy điều gì.

Và thường thì bất cứ câu trả lời nào cũng sẽ tàn phá nội tâm của bạn, chỉ trừ một câu: chẳng nên mang ý nghĩa gì cả.