Gen Z kể chuyện "Nam tiến" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 06, 2022

Gen Z kể chuyện "Nam tiến"

Ngày càng nhiều người Việt trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, chuyển tới Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Sức hút của thành phố này với Gen Z đến từ đâu?
Gen Z kể chuyện "Nam tiến"

Nhiều người trẻ ngày nay có xu hướng chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp. | Nguồn: Shutterstock

Cụm từ “Nam tiến” thường được dùng cho những người nổi tiếng chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh để phát triển sự nghiệp. Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng Nam tiến còn xuất hiện ở các bạn trẻ miền Bắc. Họ cân nhắc rời xa bố mẹ và gia đình để tìm kiếm công việc có mức thu nhập tốt và nhiều tiềm năng phát triển ở thành phố tận phía Nam xa xôi.

Điều gì ở thành phố này hấp dẫn các bạn trẻ đánh đổi cuộc sống ở quê nhà để lập nghiệp ở nơi đất khách?

Một cuộc sống mới ở nơi xa

Bùi Thu Uyên và Ninh Viết Hoàng là hai bạn Gen Z đã chuyển tới Hồ Chí Minh làm việc. Hiện tại, Thu Uyên đang làm về phân tích dữ liệu, còn Viết Hoàng làm trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Cả hai đều đến Sài Gòn vì nơi đây mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho công việc.

“Nhiều tập đoàn lớn đều đặt trụ sở tại Hồ Chí Minh, vì vậy các quản lý cấp cao nắm giữ dữ liệu của công ty cũng ở trong này. Ở Hà Nội cũng có nhiều nơi đề nghị mình về làm việc, nhưng không bằng ở đây” - Uyên chia sẻ.

Khi biết về kế hoạch vào miền Nam của con, bố mẹ của Hoàng hoàn toàn ủng hộ chàng trai theo đuổi sự nghiệp. “Ban đầu, bố mẹ mình lo lắng lắm nhưng cũng dần quen với việc mình xa nhà. Mình cũng thường xuyên liên lạc với gia đình nên bây giờ bố mẹ cũng đỡ lo lắng và tự hào về mình nhiều hơn”.

alt
Hoàng vào Sài Gòn lập nghiệp đúng lúc thành phố bắt đầu đóng cửa giãn cách.

Bắt đầu cuộc sống ở một nơi mới chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Hoàng vào Sài Gòn đúng lúc thành phố bắt đầu đóng cửa giãn cách. Điều này ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống xã hội của anh. Áp lực phải làm quen với công việc cũng như giao tiếp với đồng nghiệp online trong những tháng đầu đã từng khiến Hoàng cảm thấy choáng ngợp.

Ngược với Hoàng, Uyên đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi quyết định “Nam tiến”. Bố mẹ của cô phản đối kịch liệt. Họ cho rằng cuộc sống ở Hồ Chí Minh nguy hiểm và Uyên không thể sống quá hai ngày tại nơi đây. Tuy nhiên, Uyên cũng dần thích nghi với môi trường mới và cuộc sống xa xứ cũng đi vào ổn định.

Với Uyên, rời xa gia đình là cơ hội cho cô học cách sống độc lập hơn. Dù vậy, không ít lần cô gái trẻ cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa thành phố xa lạ. Một mình nơi đất khách, Thu Uyên nhận ra rằng: “Đôi khi, chúng ta quên mất bố mẹ quan trọng tới nhường nào”.

alt
Uyên đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi quyết định “Nam tiến”.

Nơi tràn ngập những cơ hội

Về môi trường làm việc, Hoàng chỉ ra có hai điểm khác biệt giữa Thành phố Hồ Chí Minh Hà Nội: Thành phố mang tên Bác cởi mở, năng động, và nhộn nhịp hơn. Đa số mọi người tới đây là để tìm kiếm cơ hội trong công việc nên ai cũng chăm chỉ, tập trung vào những việc được giao. Theo ý kiến của anh, môi trường ở đây cũng trẻ và tập trung nhiều người nước ngoài. Do đó, nhân viên thường có nhiều góc nhìn đa chiều và lối tư duy phóng khoáng hơn.

Sau vài tháng ở Sài Gòn, Uyên nhận thấy điểm thu hút của nơi đây chính là đa dạng lĩnh vực hoạt động, cơ hội làm việc dồi dào, mang lại nhiều trải nghiệm, kỹ năng mới và tự do hơn.

alt
Thế Anh, hiện đang là sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng dự định vào Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp.

Nguyễn Thế Anh, hiện đang là sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng dự định vào Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp. Trong năm cuối đại học, Thế Anh hi vọng sẽ mài dũa thêm các kỹ năng truyền thông và tích luỹ thêm kinh nghiệm để chắc chắn hơn về quyết định của mình.

Bạn trẻ cũng đã gặp nhiều anh chị từng vào Sài Gòn và về lại Hà Nội sau một thời gian làm việc. Nhiều người trong số đó vốn vào Nam để thử thách bản thân xem liệu họ có thể thích nghi với cuộc sống nơi đây không.

“Sài Gòn luôn náo nhiệt và tràn đầy sức sống, nên các bạn trẻ đổ về đây lập nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Vốn dĩ, thế hệ Gen Z vẫn được hình dung là một thế hệ năng động và nhiệt huyết. Do đó, mình không quá bất ngờ khi mọi người thường sẽ có xu hướng vào Sài Gòn hoạt động và làm việc” - Thế Anh bày tỏ.