Ghosting không chỉ tồn tại trong một mối quan hệ tình cảm, mà bạn còn có nguy cơ bị “ghost" - bị “ngó lơ toàn tập" từ nhà tuyển dụng.
Nếu bạn đang ứng tuyển một công việc nhưng mãi không nhận được phản hồi, đừng vội nản lòng hay nghi ngờ bản thân vì có thể, bạn chỉ đang theo đuổi một “bóng ma" mà thôi.
1. Ghost job là gì?
Ghost job (Công việc bóng ma) chỉ các bài đăng tuyển dụng cho một vị trí không thực sự tồn tại. Khác với lừa đảo, các nhà tuyển dụng đăng tuyển ghost job không để chiêu mộ thêm nhân sự mà vì nhiều mục đích khác nhau, gây thêm khó khăn và bối rối cho cộng đồng tìm việc.
Dấu hiệu nhận biết của một ghost job bạn có thể tham khảo:
- Bài đăng tuyển mở đơn từ vài tuần tới vài tháng nhưng không đóng đơn dù số lượng ứng viên cao
- Mô tả công việc mơ hồ, mức lương và đãi ngộ “như mơ"
- Ứng viên không nhận được và ít nhận được hồi âm từ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng
2. Nguồn gốc của ghost job?
Trong quyển “The Job: Work and Its Future in a Time of Radical Change” xuất bản vào năm 2018, tác giả - nhà báo Ellen Ruppel Shell có nhắc đến hiện tượng ghost job, nhưng khi đó cách gọi này chỉ phố biến trong giới tuyển dụng. Sau đó, ghost job dần phổ biến hơn trên báo chí và mạng xã hội từ năm 2022 và bùng nổ vào năm 2024 với số lượng ghost job tăng đột biến.
Theo ResumeBuilder.com, 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Mỹ thừa nhận có đăng tuyển dụng ghost job. Ghost job cũng là một trong những lý do khiến tỉ lệ chiêu mộ thành công trên mỗi bài tuyển dụng giảm khoảng một nửa trong 5 năm gần đây, theo thống kế của Revelio Labs.
3. Vì sao ghost job phổ biến?
Có nhiều lý do doanh nghiệp đăng tuyển ghost job. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng, nhưng muốn thu thập một lượng ứng viên nhất định để phân tích và có thể tận dụng cho những đợt tuyển dụng sau này
- Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhưng sau đó lại có sự thay đổi về chi phí
- Tạo cảm giác doanh nghiệp “có vẻ như" đang trên đà phát triển, từ đó tăng độ nhận diện trên thị trường cho doanh nghiệp
- Tăng tính cạnh tranh giữa nhân viên hiện tại với những ứng viên “bóng ma"
Thực tế, các bài đăng tuyển ghost job cũng mang lợi ích cho doanh nghiệp như tăng lợi nhuận, thúc đẩy tinh thần cạnh tranh cũng như năng suất nhân viên vì họ không muốn bị thay thế, hay hào hứng vì sắp được sang sẻ lượng công việc hiện tại cho "nhân viên mới".
4. Cách dùng ghost job?
Tiếng Anh:
A: I noticed this job has been posted for several months and already has 80 applicants. Do you think the recruiter hasn’t found a promising candidate yet?
B: It could just be one of those ghost jobs.
Tiếng Việt:
A: Cái công việc này đăng tuyển được mấy tháng rồi, có tới tận 80 người ứng tuyển mà sao không thấy tuyển được ai nhỉ?
B: Chắc là lại ghost job rồi.