Virgil Abloh một lần nữa là nhân vật gây chú ý nhất của ngành thời trang khi LVMH mua lại 60% cổ phần của Off-White và đưa Abloh lên một vị trí quyền lực hơn trong tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới này: Chief of Disruption. Vậy là ngoài vị trí Giám đốc Sáng tạo cho dòng đồ nam của Louis Vuitton, Giám đốc Sáng tạo của Off-White và nghề DJ thì Virgil Abloh sẽ làm việc với rất nhiều nhánh kinh doanh khác nhau trong LVMH từ rượu, khách sạn cho đến tìm kiếm một thế hệ nhà thiết kế tài năng mới cho tập đoàn này. Không hề tệ một nhà thiết kế mới bắt đầu sự nghiệp từ cách đây 6 năm và đã được gọi là “Karl Lagerfeld của thế hệ millennials.”
Vậy Virgil Abloh là ai và tại sao giới thời trang lại thần tượng anh đến vậy?
Vùng ngoại ô da màu ở Chicago và tình bạn với Kayne West
Virgial Abloh có một khởi điểm hoàn toàn không liên quan đến thời trang. Sinh ra và lớn lên ở ngoại ô Chicago trong khu của người da màu, Abloh lớn lên bình lặng trong gia đình nhập cư từ Ghana có mẹ là thợ may và bố làm việc cho một công ty bán sơn. Người ta có thể nói rằng anh đã học cách cắt may từ mẹ, nhưng thực sự thì Virgil không có định hướng làm về thời trang và nghệ thuật.
Đến tận khi đi học đại học và thạc sĩ, Virgil Abloh vẫn chọn ngành kỹ sư và kiến trúc. Trong khi học đại học Virgil Abloh có học một lớp về Nghệ thuật Phục hưng và trở nên ám ảnh với phong trào hội hoạ này. Thật tình cờ làm sao chỉ trong vòng 10 năm sau đó, Virgil Abloh cũng được báo chí và người hâm mộ gọi là “The Renaissance Man,” người đàn ông đã phục hưng lại thời trang streetwear cao cấp.
Bước ngoặt tiếp theo của Virgil Abloh là năm 2009 khi anh tham dự vào một khoá thực tập ở Fendi cùng với Kayne West. Trong 6 tháng cùng làm việc ở Fendi, đôi bạn Virgil và Kayne đã trở thành cạ cứng với sự đồng thuận trong sáng tạo và nghệ thuật. Họ thường xuyên tham dự các show diễn thời trang cùng nhau tại Paris và trở thành một phần cộng đồng thời trang.
Những năm sau đó, Virgil tiếp tục hợp tác với Kayne West trong các dự án nghệ thuật. Virgil thậm chí được đề cử giải Grammy với tư cách là giám đốc nghệ thuật cho album "Watch the Throne” của Kayne West và Jay-Z.
Ông vua sáng tạo mới lên ngôi của ngành công nghiệp thời trang
Năm 2013, Virgil Abloh mở ra thương hiệu thời trang đầu tiên của mình với tên gọi Pyrex Vision. Rất đơn giản, Virgil mua lại những chiếc áo không bán được của Ralph Laurents, in tên thương hiệu Pyrex Vision lên cùng con số 23, sau đó bán nó với giá $550.
Năm 2014, Virgil Abloh đóng cửa Pyrex Vision và sáng lập ra Off-White. Thiết kế của Off-White là sự lặp đi lặp lại những biểu tượng của một nước Mỹ công nghiệp: mũi tên màu trắng. Sọc trắng đen. Dấu ngoặc kép. Khoá kéo to bản. Những thiết kế này lập tức bùng nổ và Off-White chính thức trình diễn ở tuần lễ thời trang Paris ngay trong năm đó. Rihanna là một trong những celeb đầu tiên mặc thiết kế của Off-White và tất cả còn lại là lịch sử.
Có thể nói, từ đó những gì Virgil Abloh chạm đến đều biến thành vàng. Virgil Abloh từng thổ lộ anh luôn mang một chiếc bút dạ theo trong túi và cứ vẽ dấu ngoặc kép đã đi vào huyền thoại vào mọi nơi anh thấy đẹp. Nếu ngày xưa Vua Midas có đôi tay biến mọi thứ thành vàng thì Virgil Abloh ngày nay có một chiếc bút dạ.
Năm 2017, Off-White phối hợp với Nike để tưởng tượng lại toàn bộ 10 thiết kế giày nổi tiếng nhất của hãng. Virgil Abloh xé toang từng chiếc giày một, lộn trái tất cả chất liệu bên trong ra, thêm dấu ngoặc kép lên thân giày. Đây trở thành bộ sưu tập giày phá vỡ mọi kỷ lục. Không từ ngữ nào có thể tả nổi sự khó khăn để chạm tay vào một đôi giày nào trong BST này. Giá bán chính thức là $200 nhưng những sneakerhead sẵn sàng bỏ cả ngàn đô la ra để sở hữu chúng.
Trong năm 2018, Virgil Abloh tiếp tục chứng minh bàn tay vàng và vị trí Giám đốc Sáng tạo vô địch của mình với 22 DỰ ÁN COLLAB trong 1 năm: Champion, Le Bon Marche, Selfridges, SSENSE, KM20, TheDoubleF, Gore-Tex, Browns, Timberland, Burton, Jimmy Choo, Chrome Hearts, Vivendii, Rimowa, Hirshleifers, Ikea, Kith, Equinox, A-Cold-Wall, Burton, Grog, và Sunglass Hut.
Và đó vẫn chưa phải là tin tức khủng khiếp nhất trong 2018 vì ngay sau đó anh đã được đề bạt thành Giám đốc sáng tạo của dòng thời trang nam cho Louis Vuitton, người da màu đầu tiên đảm nhiệm vị trí này trong hơn 160 năm lịch sử thành lập hãng.
Điều gì tạo nên cơn sốt Virgil Abloh?
Từ góc nhìn của sự sáng tạo thời trang, Virgil Abloh không thể đứng cùng hàng với Jean Paul Gaultier, John Galliano, Alexander McQueen, hay Yohji Yamamoto. Thậm chí để so sánh với những nhà thiết kế cùng thời, Virgil Abloh không hẳn tài năng hơn Demna Gvasalia của Balenciaga hay Daniel Roseberry của Schiaparelli.
Chính Virgil Abloh cũng không tự nhận mình là một nhà thiết kế thời trang đúng nghĩa. Trong một bài viết trên The New Yorker, Virgil Abloh nói nếu bạn chỉ thay đổi 3% của một thiết kế có sẵn thì bạn đã có một thiết kế hoàn toàn mới. Luận điệu này cũng đưa đến nhiều chỉ trích rằng thiết kế của Off-White là sự chắp vá ý tưởng hơn là ý đồ nguyên bản. Diet Prada từng có một bài viết chỉ ra những mũi tên trắng của Off-White lấy từ… dải sơn đường băng trên sân bay ở Glasglow. Nhiều chi tiết thiết kế của Virgil Abloh cũng dính đến kiện cáo vì tương đồng với thiết kế của những nghệ sĩ Nhật Bản và Đan Mạch.
Nhưng Virgil Abloh và Off-White đến với thời trang đúng lúc ngành công nghiệp già nua này đang “khát” những sản phẩm có sức hút với giới trẻ. Người tiêu dùng thời trang cao cấp đang ngày càng trở nên trẻ hơn. Những thương hiệu cao cấp trở nên lỗi thời nếu họ chỉ dựa vào sale của túi xách hay áo lông thú để tồn tại. Thế hệ millennials và Gen Z giờ đây sẵn sàng bỏ ra cả ngàn đô cho một chiếc áo phông hay giày sneakers nếu họ cảm thấy thương hiệu đó đang dẫn đầu xu hướng. Họ là những hypebeasts, sống bằng sự hưng phấn khi tìm thấy một “hype” - xu hướng mới.
Không ai hiểu điều đó rõ hơn và “làm tiền” điều đó giỏi hơn Abloh
Những thiết kế trong ngoặc kép của Virgil Abloh vừa có sự mỉa mai dành cho ngành công nghiệp thời trang, vừa có tính biểu tượng cho thế hệ hiện đại, cũng như monogram của LV từng đeo bám Gen X, Gen Y. Nó đại diện cho một thế hệ đáng ra “chưa đủ tuổi” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để bước chân vào thời trang cao cấp, nhưng lại ngạo nghễ muốn đạp đổ mọi chuẩn mực đã được đặt ra về thẩm mỹ hay cái gọi là “đắt tiền.”
Cái thiên tài của Virgil có lẽ không hẳn nằm ở thời trang, mà là sự giao thoa giữa kinh doanh và nghệ thuật. Virgil có hơn 6 triệu người follow trên Instagram, trong khi Off-White có 10,7 triệu. Virgil làm bạn với những rapper như A$AP, Keyne West hay Jay-Z trong đúng thời điểm mà hip-hop đang trở thành văn hoá thống trị (dominant culture). Những người bạn nổ tiếng mặc đồ của Off-White lại càng khiến fan của họ thèm khát những thiết kế này, dù nó có giá trên trời ra sao.
Bạn có thể dành rất nhiều thời gian và công sức để hỏi tại sao thiết kế của Off-White lại mang sức ảnh hưởng đến thế, nhưng chính Virgil Abloh từng thừa nhận đôi khi anh chỉ tốn có 10 phút để tạo ra một thiết kế mới. Những món đồ được coi là avant-garde của Off-White thực sự là khá đơn giản và kinh tế (chứ không phải tinh tế.) Khi chuyển sang thiết kế cho Louis Vuitton, Virgil Abloh vẫn mang đúng cái hơi thở đơn giản và kinh tế ấy cho nhà mốt có tuổi đời 162 năm. Không ngạc nhiên, Abloh vô cùng thành công với Louis Vuitton. Nó đúng như Alex Castro, một cây bút cho tờ The Verge, từng viết:
Những thiết kế này thoạt nhìn thì có vẻ ngu ngốc. Nhưng vì nó ngu ngốc nên bạn lại dành thời gian nghĩ về nó, bạn nghĩ về xã hội và ngành công nghiệp thời trang và chủ nghĩa tư bản đã đi đến đâu mà người ta lại tôn vinh những thiết kế như vậy. Rồi nghĩ mãi không xong bạn lại nhận ra là thực ra nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Mấy đứa trẻ ngoài đường thích mặc như vậy rồi upload lên Instagram để tỏ ra là “deep” thôi. Thực ra Virgil Abloh có đang nói lên gì mới về xã hội của chúng ta không? Tôi nghĩ là không.
Ông vua có thời?
Đã từng có lúc bạn chỉ cần mặc chiếc áo phông có mũi tên Off-White, đi đôi giày hypebeast gì đó đội thêm chiếc nón tai bèo thì đã trở thành fashionista. Nhưng thời thế cũng phần nào đã thay đổi.
Theo một báo cáo của BoF vào năm ngoái, doanh thu của Off-White đã giảm từ 40-50% trên những sàn thương mại trực tuyến, bao gồm cả Farfetch. Đồ Off-White cũng phải sale nhiều hơn (tang khoảng 7% giá trị sale) thì mới có người mua. Giá trị thương hiệu trên truyền thông cũng giảm khoảng 40% sau mùa dịch COVID.
Đỉnh điểm là trong show Xuân Hè 2020, Virgil Abloh thậm chí còn không xuất hiện vì quá mệt mỏi và phải đi khám bác sĩ. Những thiết kế của Off-White trong những bộ sưu tập gần đây cũng bị đánh giá là nhàm chán hơn so với những gì Gucci hay Balenciaga đang tạo nên với giới trẻ. Sản phẩm bán chạy nhất của Off-White là áo phông, vớ và phụ kiện (túi xách, thắt lưng). Nếu không còn được giới hypebeast ưa chuộng thì thực sự thương hiệu sẽ lâm vào bế tắc.
Đúng lúc người ta đang đồn đoán liệu Virgil có đổi hướng để biến Off-White thành thương hiệu streetwear có tầm giá thấp hơn, thì LVMH tuyên bố mua lại 60% cổ phẩn của Off-White và đưa Virgil Abloh trở thành nhân vật có ảnh hưởng lớn trong tất cả những quyết định sáng tạo của tập đoàn. Điều này báo hiệu Virgil Abloh có lẽ đang “nhả” đứa con tinh thần Off-White ra thoát khỏi cái bóng và áp lực quá lớn của chính anh, và mang bàn tay hoá vàng của mình ra sân chơi lớn hơn cùng LVMH.
Virgil Abloh sẽ tiếp tục trở thành nhà thiết kế vĩ đại nhất trong lịch sử thời trang, hay chỉ được nhớ về là ông bạn thân của Kayne West? Vẫn còn nhiều thập kỷ nữa phía trước để Virgil Abloh chứng tỏ bản thân và sự kiêu hãnh của mình đối với một ngành công nghiệp vẫn mang nặng elitism và phân biệt chủng tộc. Pháp thuật của Virgil Abloh cũng phụ thuộc vào việc xã hội rồi sẽ tiến đến đâu, liệu chúng ta vẫn kinh doanh dựa vào số like trên Instagram hay còn một hệ luật lệ mới nào chuẩn bị xuất hiện nữa?
Có một điều chắc chắn, Virgil Abloh không phải là nhà ảo thuật mà chúng ta mong chờ, mà là nhà ảo thuật chúng ta tự sản và tung hô trong một thế giới ám ảnh với “hype”.