Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam: Các ngân hàng đóng vai trò thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 12, 2021

Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam: Các ngân hàng đóng vai trò thế nào?

Lắng nghe ông Tim Evans, CEO của HSBC Việt Nam, chia sẻ về nỗ lực hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và vai trò của thế hệ trẻ Việt đối với sứ mệnh này.
Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam: Các ngân hàng đóng vai trò thế nào?

Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam: Các ngân hàng đóng vai trò thế nào?

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi sinh vật trên trái đất. Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là lượng khí thải carbon dioxide (CO2) tăng nhanh, bất chấp những nỗ lực của nhân loại nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Tính đến cuối năm nay, tổng lượng khí thải trên toàn thế giới đã lên đến hơn 36 tỷ tấn, cao hơn 2 tỷ tấn so với năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam ghi nhận 321,9 triệu tấn khí thải nhà kính trong năm 2020, là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về phát thải khí nhà kính (chỉ sau Indonesia và Thái Lan).

Để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu, cả thế giới cần khẩn trương chung tay giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, làm cách nào để sẻ chia trách nhiệm giữa các khu vực, tổ chức, và cá nhân — vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để trong nhiều cuộc thảo luận trên quy mô quốc gia và quốc tế.

Qua podcast Vietnam Innovators, ông Tim Evans — CEO của HSBC Việt Nam — đã cùng trò chuyện và chia sẻ thông tin chuyên sâu với host Hảo Trần về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. HSBC là một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới, đã và đang phục vụ hơn 40 triệu khách hàng thông qua các ngân hàng chi nhánh trên toàn cầu.

Ngân hàng HSBC không chỉ có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn khu vực, mà còn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu theo đuổi mục tiêu net-zero (phát thải ròng bằng 0).

Vào năm 2002, HSBC khởi động dự án “Invest in Nature”, đánh dấu cam kết đầu tiên của ngân hàng đến công cuộc bảo vệ môi trường. Từ đó đến nay, ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai thêm nhiều sáng kiến thân thiện với môi trường và khí hậu, cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững.

alt
Hỗ trợ các dự án điện mặt trời mái nhà — một trong những nỗ lực của HSBC Việt Nam hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. | Nguồn: HSBC Việt Nam

Thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Tình trạng thời tiết khắc nghiệt diễn ra ngày một thường xuyên, trong khi công tác ứng phó với thiên tai và lũ lụt còn chưa được thực hiện kịp thời. Theo nghiên cứu từ Climate Central, đến năm 2030, khu vực phía đông thành phố có khả năng sẽ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao.

Vì thế, Việt Nam cần khẩn trương tăng cường hành động để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Evans chia sẻ: “Dù đã trì hoãn quá lâu, nhưng nhờ công nghệ hiện đại góp phần thay đổi lối sống, chúng ta hiện đã có đủ điều kiện để đưa ra và thực hiện các giải pháp cụ thể.”

“Nếu muốn có sự thay đổi, vậy bạn hãy bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình. Khi mọi người cùng thực hiện từng hành động nhỏ, chúng ta sẽ có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho tương lai.”

Là ngân hàng đi đầu trong các sáng kiến xanh, Evans khẳng định HSBC sẽ hỗ trợ cả khách hàng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Được triển khai vào tháng 09/2021, chương trình Tiền gửi xanh dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân là một trong những bước đầu hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam của HSBC.

Thông qua chương trình, các khoản tiền gửi sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường, thông qua hình thức cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp đầu tư khoản tiền nhàn rỗi vào các dự án và sáng kiến thân thiện với môi trường, đảm bảo nguồn lợi nhuận ổn định và được xác định trước.

alt
Host Hảo Trần — CEO của Vietcetera, và ông Tim Evans — CEO của HSBC Việt Nam. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

HSBC hiện cũng đang hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, trong dự án khôi phục rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Trong vòng năm 5 tới, dự kiến sẽ có 150ha đất rừng được khôi phục, giúp hấp thụ 20.000 tấn carbon hàng năm, từ đó tạo điều kiện gia tăng năng suất cho các trang trại nuôi cá và bảo vệ 10.000 hộ gia đình tại Đồng bằng sông Cửu Long khỏi thiên tai.

Các sản phẩm và sáng kiến kể trên là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn HSBC nhằm cung cấp từ 750 đến 1000 tỷ USD nguồn tài chính bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Evans khẳng định: “Nếu có thể mang lại lợi ích cho xã hội, thì các hoạt động này cũng sẽ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu nhìn rộng ra trên thị trường quốc tế, các nhà đầu tư đều đang chú trọng rót vốn vào các khoản đầu tư xanh.”

Theo Evans, các tập đoàn lớn cũng đóng vai trò thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia quá trình chuyển đổi xanh. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đủ khả năng tài chính để chuyển đổi và tăng trưởng xanh, nhưng HSBC cùng các ngân hàng trong nước luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ họ trong suốt quá trình.”

Vai trò của thế hệ trẻ đối với tương lai phát triển bền vững

Thế hệ trẻ — đặc biệt là Gen Z và Millennials — luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc đối phó với những thách thức toàn cầu. Sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, người trẻ hiện nay đặc biệt chú ý tới các vấn đề về sức khỏe, có ý thức xã hội và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Đây không chỉ là quan điểm mà Evans liên tục nhấn mạnh, mà còn là động lực để thế hệ trẻ sẵn sàng lên tiếng và đấu tranh vì những điều họ quan tâm. Theo Evans, “phát triển bền vững thực sự luôn bắt đầu từ mỗi cá nhân”.

Bối cảnh hạn chế đi lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng phần nào gia tăng cơ hội phục hồi cho thiên nhiên và môi trường. Hơn nữa, ngày càng có nhiều người — đặc biệt là người trẻ — quan tâm đến việc xử lý những thách thức về môi trường, từ đó cam kết thay đổi nhận thức và hành vi để đẩy mạnh phát triển bền vững.

Evans cũng nhận định, cùng với việc tăng cường và áp dụng rộng rãi tính minh bạch, nếu chúng ta càng đặt nhiều kỳ vọng vào trách nhiệm của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng càng nhận thức rõ những áp lực và cố gắng thay đổi để hướng tới phát triển bền vững.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân