Hành trình tìm mình của những người trẻ chơi hệ "tâm linh" ở Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 04, 2023

Hành trình tìm mình của những người trẻ chơi hệ "tâm linh" ở Việt Nam

Gen Z quen thuộc với đời sống “vô thần” nhưng tin vào chuyện tâm linh, vì sao lại thế?
Hành trình tìm mình của những người trẻ chơi hệ "tâm linh" ở Việt Nam

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Đọc phần 1 của chuỗi bài viết tại đây.

Dù đã kém thịnh hành so với thời gian trước đây ở phương Tây, phong trào New Age có đời sống xã hội vô cùng phong phú ở Việt Nam. Sự sinh động của New Age không dừng lại ở những đặc điểm bề nổi như “chữa lành”, “đi tìm đứa trẻ bên trong” hay “hãy trở thành chính mình.” Người trẻ tìm cách nói ra vấn đề của bản thân bằng những từ vựng mới này, và khẳng định niềm tin với nhiều khác biệt so với thế hệ đi trước.

Bản thân “tâm linh” (spirituality) là một khái niệm đa nghĩa. Thay vì định nghĩa tâm linh như một thế giới siêu việt, nằm ngoài khả năng giải thích của con người, người trẻ ngày nay dường như tin hơn vào “năng lượng vũ trụ,” thứ có thể can thiệp vào đời sống tâm lý của họ. Nói cách khác, “tâm linh” đang được dùng sát với nghĩa “tâm lý,” một “vũ trụ” bên trong đối xứng với “vũ trụ” bên ngoài.

Hãy cùng tôi lắng nghe ba câu chuyện sau đây về đời sống của người trẻ trong công cuộc “tìm ra chính mình” trong thế giới tâm linh.

*Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

“Huyền học phương Tây là công cụ của người trẻ”

alt

Thanh, 23 tuổi, nghe thường xuyên về những câu đùa chiêm tinh vụn vặt như “Điểm thi kém đừng đổ tại sao hỏa nghịch hành” khi đi du học. Ở phương Tây, kiến thức thường thức về huyền học được truyền tải gần gũi hơn qua những câu đùa, lời than, lời ăn tiếng nói thường nhật.

Thanh đã biết về bản đồ sao, cung hoàng đạo kiểu phương Tây từ những năm học cấp 2 thông qua một số tờ báo. Tại đó, Thanh biết dựa trên ngày sinh tương ứng với cung hoàng đạo nào, có những đặc điểm gì.

Cũng trong thời gian này, thị trường xuất bản xuất hiện nhiều hơn những sách về chiêm tinh. Các khóa học trực tuyến về chiêm tinh cũng phổ biến hơn trên mạng xã hội. Bạn hướng nội hay hướng ngoại, giỏi giao tiếp hay không, kiên nhẫn hay bốc đồng, nên theo ngành nghề gì trong tương lai, v.v.? Cung hoàng đạo trả lời cho Thanh những gì cô thậm chí còn không biết ở bản thân, bắt đầu từ ngày tháng năm sinh, và chi tiết hơn nữa với giờ và nơi sinh, để tính toán cụ thể vị trí của các hành tinh trong vũ trụ chiêm tinh, giúp xem chính xác hơn đặc tính và số phận của một con người.

Với Thanh, bản đồ sao không chỉ là công cụ để cô hiểu về chính bản thân mình. Nó còn là cách để cô hiểu thêm về những người gần gũi với mình nhất. Cô sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Trong tuổi thơ của Thanh, bố mẹ gây cho cô nhiều tổn thương. Bản đồ sao là cách cô tự giải thích về các xung đột trong gia đình. Từ đó, cô học cách chấp nhận và hoà giải với quá khứ của mình.

“Bản đồ sao là công cụ của người trẻ” - Thanh chia sẻ. “Em thấy người lớn thường dùng tử vi phương Đông để xem hạn nhiều hơn và học cách đề phòng, trong khi người trẻ tìm đến cơ hội phát triển bản thân mình trong bản đồ sao. Với em, đó là cách tiếp cận lạc quan hơn.”

“Những người giỏi nhất của tâm linh phương Đông đều ở ẩn”

alt

Việt, 21 tuổi, hay có nhiều giấc mộng lạ từ thuở bé. Cậu mơ thấy mình là một con người khác, sống một cuộc đời khác và tiếp xúc với những người cậu cảm thấy quá đỗi thân quen dù không hề tồn tại trong đời thật. Lớn lên, do có duyên được tiếp xúc với nhiều người tu tập, Việt cho rằng cậu đã nằm mơ thấy kiếp trước của mình.

Cũng từ đó, Việt thường xuyên tìm kiếm nguyên nhân của những hiện tượng cơ thể và tâm lý của mình trên internet, ở các diễn đàn cộng đồng có cùng chung sự quan tâm về chủ đề này. Tại đây, Việt gặp một số kết nối hướng dẫn mình “chuyển phái” từ Đông sang Tây.

Việt trả lời tôi rằng tư tưởng phương Đông màu nhiệm, uyên bác, nhưng thường quá khó hiểu và với lối sử dụng ngôn ngữ có phần huyền bí. Nói về những điều này, Việt cảnh báo, dễ bị cho là “mê tín.” Nhiều người thực hành không dám cởi mở chia sẻ về niềm tin của mình. Không giống như những ai theo “hệ” phương Tây có công việc như người thường vì “sự giác ngộ cần con đường dẫn đến thế giới phàm,” ai theo “hệ” Đông tài giỏi nhất cũng đều kín tiếng. Họ thường ở ẩn hoặc “lên núi tu tập.”

Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy bên cạnh tài liệu trực tiếp từ trong nước, sách vở và podcast đến từ trào lưu New Age cũng được truyền tay và giới thiệu phổ biến giữa nhiều cộng đồng tâm linh Việt. Tri thức phương Đông qua diễn giải phương Tây dễ hiểu và có hướng dẫn thực hành cụ thể. Chúng cũng xoa dịu sự mệt mỏi của những ai mất niềm tin với đời sống kim tiền hiện đại bằng những thông điệp như “bỏ phố về rừng”, “sống thuận tự nhiên” hay “sự nghiệp bền vững.”

Khi từ vựng New Age dần được chấp nhận ở Việt Nam, Việt nói cậu dễ nói về những câu chuyện li kỳ bản thân từng gặp hơn, mà không bị phán xét là mê tín.

“Kiến thức văn hoá, tâm linh bản địa giúp mình hiểu tình trạng của thân chủ hơn”

alt

Dương, 28 tuổi, là một chuyên viên tham vấn tâm lý, song cô có người nhà là thầy bói. Với Dương, hoàn cảnh gia đình như vậy không phải một trở ngại với sự nghiệp “khoa học” của cô. Trái lại, nó còn giúp cô xây dựng một nền tảng đạo đức làm nghề vững vàng. Dương tin rằng người làm điều xấu sẽ phải trả giá, điều đó nhắc nhở cô hãy làm nghề chính trực. Dương cũng nhìn hoàn cảnh của thân chủ mình một cách nhiều thông cảm hơn. Cô cho phép họ được nói về những gì người bình thường sẽ cảm thấy phi lý.

Không phải ai làm khoa học thì cũng là người “vô thần.” Nhưng theo Dương, họ sẽ không nói về niềm tin của mình công khai. Trong công tác tham vấn, một số chuyên gia sẽ chỉ lấy chuyện xem bản đồ sao, tử vi, chỉ tay, thần số học, v.v. làm lời mào đầu để thân chủ cởi mở với mình hơn. Chúng sẽ không được xem như phương pháp chữa bệnh.

Với Dương, trong bước kết nối với thân chủ, chuyện tâm linh không đơn thuần chỉ là một lời mào đầu. Thực tế, với gốc rễ văn hoá sâu đậm, những câu chuyện này còn giúp thân chủ mô tả rõ ràng vấn đề của mình hơn. Họ gần gũi với văn hoá Đông hoặc Tây thì chuyên viên đều có đủ từ ngữ Đông-Tây để thực hiện phiên tham vấn của mình. Sự gần gũi này cũng giúp cô vượt qua sự hạn chế của những nguyên tắc làm nghề cứng nhắc do phương Tây quy định.

Ngoài ra, Dương cũng cho rằng không vội bàn đến tính đúng-sai của niềm tin, thì việc thực hành niềm tin giúp nhiều người bệnh có điểm neo giữa cuộc sống bấp bênh. Người làm nghề cần hiểu người bệnh như vậy, thay vì quy kết họ theo tiêu chuẩn xã hội.

Là một nghề còn non trẻ, với chức danh “nhà tâm lý học” mới xuất hiện trong danh mục nghề nghiệp ở Việt Nam vào năm 2020, người làm nghề vẫn phải dò đường. Việc có hiểu biết về các trào lưu văn hoá đương đại là cần thiết. Với hệ từ vựng New Age như “đứa trẻ bên trong” hay “thế giới tâm linh” đã bén rễ sâu vào đời sống thường nhật, kiến thức của một chuyên gia giúp họ hiểu thế giới của người bệnh trước khi cung cấp giải pháp chữa bệnh.

Kết

Nhìn chung, những nhân vật tôi được theo chân tỏ rõ mong muốn đối diện với cuộc sống bấp bênh. Họ xem bản đồ sao và tử vi để tìm một định nghĩa chắc chắn về mình và con đường đời tốt nhất mình có thể đi. Trong một xã hội chưa quá quan tâm đến các vấn đề tâm lý, họ tự điều trị cho mình thông qua những thực hành tâm linh trên internet hoặc sách vở chữa lành.

Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rõ, những phương pháp chữa lành của New Age chỉ mang tính tạm thời và hướng vào cá nhân. Khi được thực hành dưới danh nghĩa chữa lành bản thân và phát triển bản thân, phong trào này là những liều thuốc giảm đau ngắn hạn, giúp người ta học cách chấp nhận tình trạng của mình thay vì thay đổi nó. Và giống như tại phương Tây những năm 90 của thế kỷ trước, phương thuốc New Age đã trở thành một mặt hàng tiêu dùng đại trà, nhiều hơn là một hướng đi cải tiến xã hội.