Trào lưu "chữa lành", "tìm kiếm bản thân" từ đâu mà ra? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 04, 2023
Đời sống

Trào lưu "chữa lành", "tìm kiếm bản thân" từ đâu mà ra?

Gen Z ở Việt Nam đã quen thuộc với những từ vựng ở phong trào New Age như “chữa lành”, “phát triển bản thân.” Phong trào này có nguồn gốc ra sao, và tìm đường tới Việt Nam như thế nào?
Trào lưu "chữa lành", "tìm kiếm bản thân" từ đâu mà ra?

Trào lưu New Age từng làm mưa làm gió ở phương Tây | Nguồn: Aeon

“Cố gắng định nghĩa bạn là ai giống như là cố gắng cắn vào răng của chính mình.”

“Bí mật thực sự của cuộc sống là cam kết với những gì bạn đang thực hiện, tại đây và lúc này. Và thay vì gọi nó là công việc, hãy nhận ra rằng nó là cuộc chơi.”

Alan Watts, nhà thần học, triết học người Anh sẽ bất ngờ khi những câu nói trên của ông vẫn còn "viral" với giới trẻ, 50 năm sau ngày ông mất. Watts được coi là một trong những podcaster vĩ đại nhất của nhân loại, một triết gia gây tranh cãi vì góp phần khởi xướng phong trào “New Age” (Thời Đại Mới) ở Mỹ và các nước phương Tây những năm 60-70 của thế kỷ trước. Ông cũng là một gương mặt nổi bật của thị trường sách chữa lành và phát triển bản thân tại Việt Nam.

httpsimgvietceteracomuploadsimages10apr2023webpnetresizeimage2jpeg
Phong thái “hiền triết phương Đông” làm nên thương hiệu của Alan Watts | Nguồn: Berkeley Historical Plaque Project

Ngày nay ở trong nước, chúng ta đã quen thuộc với những từ vựng như “chánh niệm”, “chữa lành”, “đi tìm vũ trụ bên trong bạn”, “sống trong hiện tại”, v.v. Được xem như xuất phát từ hệ thống tư tưởng cốt lõi của các nước Á Đông, song ta lại nghe chúng từ các tác giả, diễn giả New Age nổi danh ở phương Tây như chính Alan Watts, hay Carl Jung, Timothy Leary, Aldous Huxley, Osho, v.v.

Là phong trào văn hoá, tôn giáo, tri thức, và tiêu dùng gây tranh cãi bậc nhất của thế kỷ 20, New Age có những thành tố nào xây dựng nên, trải qua những bước phát triển gì, và vì sao lại được đón nhận ở Việt Nam?

Phong trào New Age ở phương Tây

Cung cấp một định nghĩa duy nhất về New Age là không hề dễ dàng. Vì đó là tên gọi chung của rất nhiều xu hướng tư tưởng và thực hành xuất phát từ một số nguyên nhân lịch sử. Nỗi chán chường về một thảm hoạ hạt nhân xuất phát từ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Triều Tiên và Việt Nam, và chủ nghĩa tiêu dùng cùng nhau làm nên phong trào New Age.

Tư tưởng phản chiến là nguyên do xã hội đầu tiên của New Age, sau đó là các phong trào Hippie cổ vũ người trẻ từ bỏ xã hội công nghiệp bon chen, quay về lối sống thuận tự nhiên. Phong trào này cũng “học hỏi” từ các tư tưởng phương Đông như Phật Giáo, Đạo Giáo, tín ngưỡng shaman giáo của các cộng đồng bản địa, v.v. “Zen boom” là tên gọi khác của cơn sốt Á Đông này.

httpsimgvietceteracomuploadsimages10apr2023180210flemingthebeatlesinindiaherohultonarchiveafmpuvjpeg
Maharishi Mahesh Yogi, một guru và lãnh đạo của phong trào "Thiền siêu việt toàn cầu" là người dạy thiền và truyền nhiều cảm hứng cho ban nhạc The Beatles | Nguồn: Daily Beast

Với Michel Bauwens, cây viết quen thuộc của tờ Open Democracy, phong trào New Age có thể được xem như sự thay thế đối với chủ nghĩa xã hội siêu tưởng mà một số phong trào chống tư bản lúc đó đang theo đuổi. Với thực hành cụ thể, người trẻ đã xoay chuyển những tư tưởng cố hữu trong xã hội phương Tây như ám ảnh với tích luỹ vật chất và chủ nghĩa cá nhân. Họ tin vào những kết nối siêu nhiên của vũ trụ để “chữa lành” thế giới đầy nỗi đau.

Nhưng New Age cũng nhanh chóng thoái trào vào những năm 90, bởi tính tiêu dùng của nó gần lấn át tính đấu tranh. Nhà báo Amal Awad của The Guardian nhận định, New Age không chỉ là một phong trào, nó đã trở thành một ngành công nghiệp. Tư tưởng cấp tiến của New Age trở thành nguyên liệu cho ngành xuất bản với thể loại sách chữa lành cá nhân, phát triển bản thân, thay vì thay đổi xã hội. Nhiều chuyên gia văn hoá cũng phê bình phong trào New Age vì có những sinh hoạt và tổ chức cộng đồng dưới hình thức giáo phái (cult).

Không chỉ vậy, nó cũng bị cáo buộc là chiếm đoạt văn hoá đối với tư tưởng Á Đông và các cộng đồng thiểu số. Lễ nghi, phong tục, tư tưởng của họ đã bị “mượn” không có sự đồng thuận để kiếm bộn tiền ở phương Tây. Bản thân Alan Watts cũng bị chỉ trích là diễn giải sai một số quan điểm Phật Giáo cơ bản để dễ thuyết giáo ở Mỹ và Tây Âu hơn.

Khi New Age về tới Việt Nam

Ở phương Tây, New Age được xem như một đặc thù của thế hệ Millennials. Nhưng tại Việt Nam, chúng nổi bật hơn đối với thế hệ Z. Sự muộn màng về niên đại du nhập này là dễ hiểu, vì cho đến sau Đổi Mới năm 1986, văn hoá phương Tây mới có cửa du nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, sự công nhận các giá trị văn hoá tâm linh truyền thống vào thập niên 90 khiến vấn đề này được bàn thảo rộng rãi hơn bằng ngôn ngữ “toàn cầu hoá” ở Việt Nam.

Khi hệ từ vựng của phong trào New Age dần được chấp nhận trong văn hoá đại chúng, người ta sử dụng chúng như công cụ để nói về những niềm tin mà trước đây không được công khai. Ngôn ngữ “Tây” giúp nhiều người trẻ bộc lộ nhu cầu niềm tin của mình.

Khi internet trở thành một dịch vụ bình dân, phong trào New Age ở Việt Nam tồn tại dưới dạng các sản phẩm xuất bản, các lớp học phát triển bản thân, dịch vụ tham vấn tâm lý và bói toán. Bên cạnh những tiêu cực mà nhiều chuyên gia phương Tây đã chỉ rõ, phong trào này cũng giúp giới trẻ chống lại lo âu, tạo điểm tựa trong một thị trường việc làm bấp bênh, và đi tìm sự độc lập về quan niệm sống với thế hệ đi trước.

httpsimgvietceteracomuploadsimages10apr20231jpg
Một trong những xuất bản phẩm nổi tiếng của Alan Watts ở Việt Nam | Nguồn: Neta Books

Quả thực, trên góc độ thị trường, phong trào này tình cờ giải quyết nhu cầu giảm thiểu sự bất an của người trẻ trong môi trường công việc toàn cầu ngày càng áp lực. Sự hoài nghi với lối sống cá nhân chủ nghĩa cạnh tranh và ích kỷ đã được hợp thức bởi phong trào New Age, vốn cổ vũ sự rũ bỏ và hoà mình với thiên nhiên (nhưng không dạy bạn làm sao để kiếm sống).

Nhưng có những phê phán đối với phong trào New Age trên phương diện văn hoá. New Age lan truyền và kiếm lợi nhuận từ những tư tưởng xuất phát từ phương Đông, từ các nhóm thiểu số. Trong khi được nói bằng ngôn ngữ truyền thống, chúng không được chấp nhận. Vậy mà khi được “chỉnh sửa” qua bộ lọc “branding” của phương Tây, chúng trở thành phong trào.

Ngày nay, New Age đang có đời sống xã hội vô cùng phong phú ở Việt Nam, dù tại phương Tây nó không còn phổ biến như trước đây. Trong phần 2 của chuỗi bài, các bạn hãy cùng chúng tôi quan sát đời sống của những “chân dung” của phong trào New Age trong nước.

Đọc phần 2 của bài viết tại đây.