Hầu Hiếu Hiền và những trang sử mới của điện ảnh Đài Loan | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 11, 2023

Hầu Hiếu Hiền và những trang sử mới của điện ảnh Đài Loan

Hầu Hiếu Hiền vừa có thể gói gọn không khí lịch sử thăng trầm của Đài Loan - một chủ đề rất nặng nề và khô khan - nhưng lại đồng thời tạo nên những thước phim bay bổng vô kể về con người.
Hầu Hiếu Hiền và những trang sử mới của điện ảnh Đài Loan

Nguồn: The Film Stage

Tin tức buồn nhất với những người yêu điện ảnh những ngày qua: Hầu Hiếu Hiền - nhà làm phim vĩ đại bậc nhất châu Á - sẽ ngừng làm phim. Chỉ trước đó không lâu, còn có tin ông bắt đầu khảo sát tìm phim trường cho một dự án mới với Thư Kỳ, nàng thơ điện ảnh của mình, một tác phẩm lấy cảm hứng về hệ thống sông nước ở thành phố Đài Bắc.

Nhưng sau cùng, Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin) vẫn là tác phẩm cuối cùng chúng ta còn được chiêm ngưỡng tay nghề của ông. Ông dừng lại, bởi căn bệnh mất trí của tuổi già.

Khi đọc tin tức ấy, điều đầu tiên tôi nhớ đến là cảnh cuối của Đồng niên vãng sự (A Time To Live And A Time To Die), một tác phẩm kinh điển năm 1985 của Hầu, trong đó nhân vật người bà già cả im lặng qua đời trên tấm chiếu quen thuộc nơi bà đã nằm, ngồi, sống trong biết bao năm tháng. Chỉ khi kiến bắt đầu bâu lấy bà, những đứa cháu mới biết bà đã không còn nữa.

03nov2023mv5bmwm1mjc2yzmtnwqzys00zmrmltgxytitmmflyzjhnzy3mthjxkeyxkfqcgdeqxvymjexmzq4mzkv1jpg
Đồng niên vãng sự (1985) | Nguồn: IMDb

Lúc ấy, Hầu Hiếu Hiền chỉ 38 tuổi, vậy mà bằng cách nào đó, ông đã nhìn thấu lẽ sống - chết, đã có những thước phim thấm thía đến tận cùng về tuổi già.

Đài Loan của Hầu Hiếu Hiền

Ai đã từng du lịch Đài Loan (Trung Quốc) hẳn đều được khuyên nhất định phải đến thăm Cửu Phần và Thập Phần - hai địa danh đã được bất tử hoá qua những thước phim của Hầu Hiếu Hiền. Việc “đọc” phim Hầu Hiếu Hiền không dễ dàng với người nước ngoài bởi để hiểu ông, nhất định phải đọc về hòn đảo Đài Loan.

Hầu Hiếu Hiền không sinh ra ở Đài Loan. Ông vốn là sinh ra ở Đại Lục, nhưng đã theo gia đình di cư tới Đài Loan vào năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch bại trận ở Đại Lục, cùng tàn quân rút về Đài Loan, và trong nhiều thập kỷ, quân đội Tưởng Giới Thạch đã cai trị Đài Loan bằng bàn tay sắt. Hầu Hiến Hiền vì vậy được coi là một waishengren - phe đối nghịch với benshengren (những người Đại Lục đã định cư ở Đài Loan trong nhiều thế hệ.)

Điều đó cũng từng được thể hiện trong Đồng niên vãng sự, bộ phim có tính tự sự của Hầu Hiếu Hiền, với người bà trong phim lúc nào cũng mong mỏi được trở về Đại Lục, bà thường dắt thằng nhỏ đi loanh quanh và nói với nó rằng, chỉ cần đi qua một cây cầu là sẽ trở về cố hương thôi.

03nov2023164224476198749248790878807996990064258927ojpg
Đồng niên vãng sự (1985) | Nguồn: IMDb

Dù không phải người Đài Loan “gốc”, nhưng Hầu lại là cánh chim đầu đàn của Làn sóng mới Đài Loan thập niên 80, với những tác phẩm điện ảnh góp phần định nghĩa cho khí chất Đài Loan, không khác gì Vương Gia Vệ hay Ngô Vũ Sâm đã tạo nên khí chất Hong Kong. Mọi bộ phim của Hầu, nói cho cùng, đều để trả lời cho câu hỏi: Đài Loan là thế nào?

Người ta vẫn nói đỉnh cao của Hầu Hiếu Hiền là Bi tình thành thị (A City of Sadness) - tác phẩm Đài đầu tiên đoạt giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice và Hí mộng nhân sinh (The Puppetmaster), bộ phim 1994 về nghệ nhân múa rối Lý Thiên Lộc. Nhưng với những ai mới bắt đầu tìm hiểu ông, có nhiều tác phẩm ngắn hơn, nhỏ hơn và dễ cảm thụ hơn.

Hầu Hiếu Hiền luôn giấu câu chuyện về Đài Loan bên dưới rất nhiều câu chuyện khác. Có khi là một chuyện tình như trong Luyến quyến phong trần (Dust In The Wind), với cặp đôi thanh mai trúc mã A Viễn và A Vân lên Đài Bắc tìm việc làm - chàng bán sức lao động trong một xưởng in, nàng quần quật trong một cửa hiệu may vá, để rồi cuối cùng A Viễn bị gọi nhập ngũ còn A Vân tìm được duyên tình mới.

03nov2023dustinthewind1jpg
A Viễn và A Vân trong Luyến quyến phong trần | Nguồn: Seattle Screen Sceen

Một câu chuyện khác mà thoạt nhiên không có vẻ gì liên quan tới lịch sử là phần mở đầu của Thời khắc đẹp nhất (Three Times) mang tên Mộng ái tình lấy bối cảnh năm 1966, khi một người lính trẻ thường đến chơi billiard tại một thị trấn nhỏ mỗi lần được về phép. Anh đem lòng yêu cô gái người Nhật chơi billiard với khách ở đó, nhưng một ngày anh quay lại và cô không còn ở đó nữa, thay vào đó là một cô gái Đài Loan.

Trong tiếng nhạc Smoke Gets in Your Eyes, họ lặng lẽ chơi billiard và dường như anh nảy sinh tình cảm với cô gái này. Và rồi, cô cũng biến mất. Anh đi tìm. Họ gặp lại nhau vào đúng đêm trước ngày anh phải về doanh trại, đi ăn cùng nhau, và nắm tay dưới cơn mưa trong khi đợi tàu đến.

Nếu hiểu về những sự kiện của Đài Loan, người ta sẽ hiểu vì sao cô gái người Nhật biến mất (Đế Quốc Nhật bị đánh bại khỏi Đài Loan), vì sao lại có Smoke Gets in Your Eyes (sự đổ bộ của văn hoá phương Tây vào Đài Loan), vì sao Hầu Hiếu Hiền thường chọn góc máy trung cảnh hoặc viễn cảnh, thay vì những góc cận cảnh đặc tả cảm xúc của hai nhân vật (trong một bối cảnh bất ổn, đôi tình nhân không có một nền tảng bền vững để thật sự đến với nhau).

03nov2023threetimes102575870largejpg
Thời khắc đẹp nhất | Nguồn: filmaffinity

Nhưng kể cả không biết những điều đó, ta vẫn có thể một cách tự nhiên, rung động trước cảnh hai bàn tay ngại ngùng nắm lấy nhau, thu mình đứng dưới ô, tận hưởng những phút giây ngắn ngủi có nhau.

Cũng có khi, Hầu Hiếu Hiền sẽ mượn chuyện về một nữ diễn viên đang chuẩn bị cho vai diễn của mình cùng những ký ức lạ lùng của cô về mối tình với một chàng trai đã bị đâm chết trong một vụ ẩu đả ở vũ trường, để kể một câu chuyện lớn lao hơn về những người Đài Loan trở về Đại Lục những mong được tham gia kháng chiến chống Nhật, như trong Hảo nam, hảo nữ (Good Men, Good Women).

03nov2023imagew1280jpg
Hảo nam hảo nữ | Nguồn: MUBI

Hoặc, qua bi kịch của một gia đình bốn anh em trai trong Bi tình thành thị mà kể nên một sử thi nỗi buồn Đài Loan, từ khi giải phóng khỏi ách áp bức Nhật Bản, ai ngờ lại rơi vào một bi kịch lớn lao với vụ thảm sát 28/2, khi hàng ngàn người bị giết bởi quân đội Tưởng Giới Thạch.

Ngay đến một bộ phim tưởng như có thể xếp vào dạng phim thanh xuân như Thiên hy mạn ba (Millenium Mambo), với nhân vật chính là Vicky, cô gái trẻ không thể từ bỏ người bạn trai bạo lực của mình và sống hết tuổi trẻ trong những quán bar lắc lư đèn màu, cũng không nằm ngoài câu hỏi: Đài Loan là thế nào? Sự trượt nghĩa của danh tính Đài Loan trong thời đại bùng nổ kinh tế, ngay cả không gian sống của Vicky cũng ngập ánh neon, như ngụ ý về những luồng sáng chói lọi đã làm mất đi ý nghĩa đích thực của vùng đất này. Cuối cùng, Vicky chỉ tìm được khoảng bình lặng ở Yubari, một thị trấn Nhật xa xôi tràn tuyết trắng với bầu không khí hoài niệm - như một sự an trú trong quá khứ.

Điều thực đáng khâm phục là làm sao Hầu Hiếu Hiền vừa có thể gói gọn không khí lịch sử thăng trầm của Đài Loan - một chủ đề rất nặng nề và khô khan - nhưng lại đồng thời tạo nên những thước phim bay bổng vô kể về con người. Ví dụ đó là thước phim các chàng trai trẻ vô lo nhảy múa bên cảng biển trên nền nhạc concerto của Vivaldi trong Những cậu trai từ Phong Quỹ (The Boys From Fengkuai); hay như thước phim Thư Kỳ mặc chiếc áo sặc sỡ, vừa tung tăng bước đi trên cầu Trung Sơn vừa quay đầu lại, tóc gió thôi bay mở đầu Millenium Mambo.

03nov2023millenniummambo11jpg
Diễn viên Thư Kỳ trong Millenium Mambo. | Nguồn: MUBI

Rồi có cả những thước phim Lương Triều Vỹ trầm ngâm bước đi giữa con phố nhỏ tấp nập lúc về khuya khi đèn lồng được thắp lên ở Cửu Phần trong Bi tình thành thị; cuối cùng là thước phim nghệ nhân múa rối Lý Thiên Lộ dùng bữa với một người Nhật trong khung cảnh êm đềm nhìn ra khu vườn xanh ngắt được đặt ngay phía sau một thước phim ồn ào về chiến tranh trong Hí mộng nhân sinh.

Định nghĩa Hầu Hiếu Hiền

Nếu như Dương Đức Xương chỉ làm phim về thành phố Đài Bắc thì điện ảnh của Hầu Hiếu Hiền di chuyển từ nông thôn tới thị thành, từ Cao Hùng tới Đài Bắc, thậm chí ra ngoài biên giới Đài Loan, như Thượng Hải trong Hải thượng hoa, Tokyo trong Café Lumière, Yubari trong Millenium Mambo, Paris trong Flight of The Red Balloon.

Ngôn ngữ trong phim ông cũng thật đa dạng. Bi tình thành thị được coi là cột mốc điện ảnh đâu chỉ vì nó là một trong những tác phẩm đầu tiên đối diện với lịch sử đen tối đã bị Tưởng Giới Thạch bóp nghẹt trong bao thập niên. Nó còn vĩ đại vì dùng tiếng Hakka bản địa đang dần mai một bên cạnh tiếng Quảng, tiếng Nhật, tiếng Quan Thoại phổ thông, và một người nói tiếng Hoa hiện đại sẽ không thể hiểu tác phẩm nếu thiếu đi phụ đề.

Đúng là Hầu Hiếu Hiền đi ngược lại nhiều triết lý mỹ học Trung Hoa cổ điển, như trong tác phẩm nghiên cứu "No Man An Island: The Cinema of Hou Hsiao Hsien" của James Udden chỉ ra, chiều sâu trong dàn cảnh của ông trái ngược với sự ưa chuộng những hình hoạ phẳng, thiếu vắng sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối (kỹ thuật chiaroscuro) trong tranh vẽ Trung Hoa truyền thống.

03nov202327rewind1superjumbojpg
Người con gái sông Nile | Nguồn: Cohen Film Collection

Dẫu vậy, vẫn có nhiều khía cạnh được nhận định là rất Trung Hoa trong phim của Hầu Hiếu Hiền, chẳng hạn, số lượng vượt trội những cảnh mọi người quây quần cùng nhau ăn uống, như kết thúc của Bi tình thành thị, một đại bi kịch về thân phận con người, cũng là cảnh dùng bữa của cả gia đình họ Lâm. Thậm chí có cả nhà nghiên cứu cho rằng những cú máy dài đặc sản trong phim Hầu Hiếu Hiền là một di sản từ tinh thần “du” - trôi nổi, phiêu lãng - trong nghệ thuật Trung Hoa.

Hầu Hiếu Hiền cũng có cảm tình với Nhật Bản. Trong Bi tình thành thị, người vợ của nhân vật do Lương Triều Vỹ thủ vai là một cô gái Nhật. Còn Người con gái sông Nile (Daughter of The Nile) lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh Nữ hoàng Ai Cập từ Nhật Bản. Và đó là chưa kể những điểm tương đồng giữa Hầu Hiếu Hiền và đạo diễn vĩ đại của điện ảnh Nhật, Yasujiro Ozu (dù ban đầu, theo Hầu Hiếu Hiền, chỉ là tình cờ): những cú máy tĩnh tại, cảnh những đoàn tàu sầm sập băng qua, cảnh những món đồ tĩnh lặng trong thế giới của riêng chúng.

Phương Tây trong Hầu Hiếu Hiền

Hầu Hiếu Hiền cũng để phương Tây xuất hiện với nhiều trìu mến trong phim của ông. Là bản Smoke Gets In Your Eyes vang lên khi các nhân vật chơi billiard. Là Rain and Tears tình tự khi cặp tình nhân trong Thời khắc đẹp nhất đứng cùng nhau dưới mưa. Là những bản nhạc cổ điển nổi lên liên tục trong Những cậu bé đến từ Phong Quỹ.

Rất khó để tóm gọn Hầu Hiếu Hiền trong một vài từ. Ông, cũng như hòn đảo nơi ông gắn bó và làm phim, tiếp nhận rất nhiều luồng văn hoá, đương nhiên là văn hoá Trung Hoa, đương nhiên là văn hoá bản địa, nhưng có cả Nhật Bản, cả châu Âu, cả Mỹ.

Và cũng khó để nói đâu là đỉnh cao nhất của Hầu Hiếu Hiền, bởi trong mỗi giai đoạn làm phim, từ những tác phẩm đầu tay, tới trilogy về tuổi trưởng thành, trilogy về lịch sử, trilogy về tuổi trẻ đô thị, đến những tác phẩm làm ở nước ngoài, ở thời kỳ nào Hầu Hiếu Hiền cũng sản sinh ra tuyệt phẩm. Thời kỳ nào ông cũng có đỉnh cao, không cứ gì Bi tình thành thị.

Điều không phải ai cũng để ý là Hầu Hiếu Hiền cũng đóng phim. Ông từng vào vai chính trong tác phẩm kinh điển Thanh mai trúc mã (Taipei Story) của người bạn Dương Đức Xương. Đó là một chàng trai từng đầy kỳ vọng về tương lai khi từng vô địch bóng chày thời đi học, nhưng cuộc sống dần lấy khỏi anh những mơ mộng, để rồi anh kết thúc đời mình trên đường, bị đâm chết trong một vụ bạo lực có phần vô cớ.

03nov2023mv5bzmm2odhhogqtyzu5my00ngnmltllnjctyjk2ztu4zgq3ntgxxkeyxkfqcgdeqxvymjm1mdeynjuv1jpg
Hầu Hiếu Hiền trong Taipei Story | Nguồn: IMDb

Xem lại cảnh anh bị cuộc đời đả bại, nằm trên mặt đường nhớ về những giấc mơ dang dở trong thời điểm Hầu Hiếu Hiền từ giã điện ảnh dù còn những dự án chưa hoàn thành, khiến cho người yêu phim có chút gì xót xa. Không ai chiến thắng cuộc đời cả, dù là Hầu Hiếu Hiền cũng thua trước tuổi già.

Nhưng với một con người đã thấu suốt lẽ đời từ khi mới chỉ suýt soát 40 như Hầu Hiếu Hiền, thì hẳn là, điều ấy có đáng gì đâu?