Hierarchy: Dở thế sao vẫn Top 1 Netflix toàn cầu? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 06, 2024

Hierarchy: Dở thế sao vẫn Top 1 Netflix toàn cầu?

Series Hierarchy mới lên sóng Netflix đầu tháng 6 vừa qua với những “trope” cũ đầy khuôn sáo, đẩy chủ nghĩa phi lý trong phim truyền hình Hàn Quốc đến giới hạn.
Hierarchy: Dở thế sao vẫn Top 1 Netflix toàn cầu?

Nguồn: Netflxi

Hierarchy (tựa tiếng Việt là Thứ Bậc) dường như có tất cả mọi thứ mà người hâm mộ K-Drama thèm muốn. Chủ đề thanh xuân vườn trường đi kèm vấn đề bạo lực học đường. Từ gà bông cảm nắng đến tình tay ba trớ trêu. Tài phiệt “đời thứ 3” và màn báo thù của kẻ yếu.

Nhưng thứ mà Hierarchy không có, đối với đa số khán giả, còn nhiều hơn thế. Câu chuyện lỏng lẻo đầy đủ các yếu tố cliché (sáo mòn). Nhân vật thiếu chiều sâu lại còn được “dí” những trope cũ kỹ. Tính năng động trong phát triển tâm lý nhân vật uể oải hệt như cách diễn xuất ngái ngủ của dàn diễn viên?

Hierarchy nhận nhiều đánh giá dở nhưng vẫn sở hữu hàng triệu lượt xem, vươn lên Top 1 Netflix toàn cầu trong tuần thứ 2 ra mắt? Điều gì khiến cho bộ phim vừa ra mắt đã bị chê bai nhưng vẫn vượt trội về tỉ suất người xem, và được Netflix “bật đèn xanh” cho mùa tiếp theo?

Phần sau đây có thể tiết lộ nội dung phim.

Bí mật trong trật tự hoàn hảo

Có 2 poster chính được dùng để quảng bá cho Hierarchy, gồm cả phiên bản tiếng Hàn và tiếng Anh. Cả hai 2 poster quảng bá này đều đặt Hierarchy dưới câu chuyện một “bê bối tuổi teen”, và giới thiệu bộ phim thuộc thể loại lãng mạn.

Poster thứ nhất cho thấy hình ảnh một chiếc vương miện tinh xảo được đặt trong lồng kính bị nứt vỡ, trên một trụ đá. Xa xa là hình ảnh nam chính bị làm mờ với dòng tagline, rằng bất kể công nhận hay phản đối thì ngôi trường này có một trật tự hoàn hảo.

Tấm poster thứ 2 (cũng là tấm poster chính) cho thấy hình ảnh dàn nhân vật chính của series, hầu hết đều nhìn trực diện vào ống kính/ khán giả. Dòng tagline lúc này được thay đổi, mỗi người đều có bí mật sống để bụng chết mang theo.

alt
Nguồn: Netflix

Nếu “chuyển ngữ” hai poster, người xem sẽ có một góc tiếp cận tổng quát về series này. Nếu xem ngôi trường là một xã hội thu nhỏ với trật tự (thứ bậc) hoàn hảo thì điều gì có thể phá vỡ nó? Theo gợi ý từ poster, điều phá vỡ sự hoàn hảo này chính là những “bí mật”. Và người có thể làm được điều này chính là nam chính Kang Ha (Lee Chae-min).

Xuyên suốt 7 tập phim, điều tạo nên không khí của series quả thực là những bí mật. Bí mật mà mỗi nhân vật mang theo. Bí mật trong từng màn đối thoại. Bí mật trong các sự kiện chủ chốt. Tất cả được phủ một lớp sương mù của bí mật, khó có thể đoán chắc được họ là ai, tốt hay xấu, nạn nhân hay kẻ ác? Động cơ và mục đích của họ là gì? Hierarchy giống như một trò đuổi bắt, liên tiếp đặt ra những câu hỏi thay vì cung cấp câu trả lời.

Thật hay thách

Chào mừng bạn đến với trường trung học tư thục Jooshin. Nơi học sinh được chia thành hai nhóm, giàu có thượng đẳng và “diện học bổng”. Nơi người chủ thật sự không phải là hiệu trưởng, mà là tài phiệt tài trợ cho ngôi trường. Nơi bạo lực diễn ra như cơm bữa. Nơi học sinh quan hệ tình dục không an toàn với nhau. Nơi giáo viên vâng lời học sinh hoặc/ và quan hệ giường chiếu với họ.

Jooshin nhìn bên ngoài thì hoàn hảo nhưng bên trong lại đầy tội ác, những tưởng là utopia (lý tưởng) nhưng thực ra là dystopia (phản lý tưởng). Xã hội thu nhỏ này đánh mất đi vẻ hoàn hảo khi một nam sinh diện học bổng Kang In-han (Kim Min-chul) đột nhiên qua đời sau một vụ tai nạn giao thông đáng ngờ.

alt
Nguồn: Netflix

Em trai song sinh của Kang In-han là Kang Ha quyết định chuyển đến Jooshin để tìm ra sự thật đằng sau, và thách đấu với “sự hoàn hảo trong trật tự” của ngôi trường dưới động cơ báo thù.

Phim bắt đầu từ đây, với tập đầu có tựa đề Tiệc chào mừng học sinh mới: Thật hay thách, dựa trên trò chơi Truth or Dare. Sự thật ở đây là gì? Màn thách đố sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi trung tâm của bộ phim, không chỉ riêng trong tập mở đầu. Và quan trọng hơn, liệu Kang Ha có tìm ra sự thật, và màn đối đầu của anh (một kẻ yếu) liệu có giành được chiến thắng trước những kẻ mạnh?

Thay vì đưa ra câu trả lời trọn vẹn, dường như series Hierarchy chỉ là những gợi mở hoặc úp mở cho câu hỏi trên. Bầu không khí phim từ bí ẩn đến gượng gạo càng khiến người xem cảm thấy khó hiểu, nhất là khi nội dung của series chủ yếu nói về tình yêu một cách vô lý (và vô nghĩa).

Từ vô lý đến vô nghĩa

Hierarchy là đỉnh cao của “makjang” (từ tiếng lóng Hàn Quốc mô tả những điều kinh khủng, không thể tồi tệ hơn thường xuất hiện trong phim). Những khoảnh khắc makjang thường bị cường điệu đến lố bịch và hiếm khi xảy ra ngoài đời thực.

Hierarchy không chỉ cung cấp những tình huống vô lý kiểu makjang mà chủ yếu là tạo ra sự vô nghĩa. Ban đầu, bộ phim hứa hẹn mang đến một cuộc báo thù nhưng đa phần nội dung phim khai thác theo hướng tình yêu gà bông, cảm nắng và mối tình tay ba học đường. Những điều này vốn nhàm chán trong nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc, đặc biệt là trong mảng phim học đường.

alt
Nguồn: Netflix

Suốt 7 tập phim là màn rượt đuổi tình yêu giữa nữ chính Jung Jae-yi (Roh Jeong-eui) và nam phụ Kim Ri-an (Kim Jae-won); giữa nam chính Kang Ha và nữ chính; nam phụ Lee Woo-jin (Lee Won-jung) và nữ phụ Yoon He-ra (Ji Hye-won). Tất nhiên, để tăng tính “vô lý” phim còn đưa ra nhiều chi tiết gây sốc không thường có trong phim truyền hình Hàn Quốc như “cảnh nóng”, trái đạo đức, giật gân, kinh dị.

Sau bảy tập phim “quắn quéo” với motif yêu hay không yêu nói một lời, Hierarchy kết thúc với một kết thúc thuyết phục kiểu… nửa vời. Nhìn trên bề mặt thì có vẻ Kang Ha và kẻ yếu, kẻ nghèo thắng; những kẻ ác và kẻ giàu phải chịu trách nhiệm cho cái xấu do mình gây ra.

Kết thúc chỉ là mở đầu

Hierarchy khác với những series Hàn Quốc thông thường khi có giọng kể của một người phụ nữ vang lên suốt phim. Từ mở đầu, trước mọi cuộc hội thoại, trong từng diễn biến, giọng kể này không ngừng... đưa chuyện. Rốt cuộc, người dẫn chuyện này là ai?

Vì thế, góc nhìn trong Hierarchy nằm ở người kể chuyện, ngôi thứ 3 và có vẻ như người này không tham gia vào đường dây câu chuyện. Điều này cũng cho thấy, người kẻ có vẻ khách quan nhưng cũng là người có thể thao túng câu chuyện. Vì thế, toàn bộ nội dung phim có thể không phải là sự thật, chỉ được hư cấu để che giấu sự thật.

alt
Nguồn: Netflix

Trên bề mặt, Hierarchy là một bộ phim cũ kỹ đầy vô lý. Khán giả sẽ cảm thấy thất vọng bởi những gì đạo diễn bày ra trên khuôn hình, với câu chuyện tình yêu học đường không có gì mới mẻ. Diễn xuất của dàn diễn viên cũng không có gì đặc sắc, thậm chí là hơi “buồn ngủ”.

Nhưng Hierarchy không hẳn là một bộ phim dở như vậy bởi nó vẫn có một đường dây kể chuyện khá mượt mà, giữ sự bí ẩn của các nhân vật tuyệt đối, không tiết lộ nhiều về động cơ của từng. Kim Ri-An chỉ là một anh chàng nhà giàu si tình vô tội? Jung Jae-Yi chỉ là một tiểu thư tốt bụng vô tình mắc sai lầm? Tại sao Kang Ha luôn chắc chắn Kim Ri-an là kẻ chủ mưu?

Liệu bí mật thực sự sẽ được chôn sâu hay sẽ được kể lại sáng tỏ trong phần phim tiếp theo? Nhất là khi phần post-credit của Hierarchy mang đến một khởi đầu mới, lái câu chuyện phim sang một hướng khác. Lúc này, câu chuyện của Hierarchy mới thực sự bắt đầu?