Penny trong series The Big Bang Theory là một cô gái có tóc vàng hoe giữa một nhóm bạn “mọt sách”. Có một running gag (trò đùa lặp đi lặp lại) trong series rằng Penny không được thông minh cho lắm về học thuật. Cô thường bị trêu chọc vì điều này.
Có một quan niệm thường thấy trong văn hóa đại chúng phương Tây, đó là nhân vật nữ có mái tóc vàng thì bắt mắt cánh đàn ông hơn. Và, bởi lẽ họ được lợi về nhan sắc, những phẩm chất khác của họ cũng được xem nhẹ (vì một định kiến ghim sâu rằng khó ai có thể “tài sắc vẹn toàn”).
Đây là trope (dụ pháp) thường thấy trong những tác phẩm nghệ thuật đại chúng của thế kỷ XX và XXI, có tên gọi “tóc vàng hoe ngu ngốc” (dumb blonde).
1. “Tóc vàng hoe ngu ngốc” là gì?
Trope “tóc vàng hoe ngu ngốc” trong điện ảnh xuất hiện dưới dạng một người phụ nữ da trắng, với mái tóc vàng, đỏng đảnh, gia thế lẫy lừng và không được thông minh cho lắm.
Nó thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Mỹ và Châu Âu, và là stereotype (hình mẫu) được sử dụng, lạm dụng và nhạo báng (parody) nhiều nhất.
2. Nguồn gốc của “tóc vàng hoe”?
Nhiều các tác phẩm văn học trước khi điện ảnh ra đời đã khắc họa hình ảnh nhân vật nữ quyến rũ có mái tóc vàng. Trope “tóc vàng hoe” phổ biến khi Anita Loos làm nó trở nên nổi tiếng trong tiểu thuyết của bà, Gentlemen Prefer Blondes, ra mắt năm 1925.
Từ Karen Smith trong Mean Girls, cho tới Cherilyn ‘Cher’ Horowitz trong Clueless, “tóc vàng hoe” xuất hiện khắp mọi nơi.
Đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock đã góp phần làm nổi bật trope “tóc vàng hoe” trong điện ảnh vào thập niên 1950 và 1960. Hitchcock đã cố tình casting những diễn viên nữ có màu tóc vàng, như Grace Kelly, Kim Novak và Doris Day.
3. “Tóc vàng hoe” ảnh hưởng như thế nào?
Mục đích mà Hitchcock làm điều này là để khiến người xem không có mấy nghi ngờ những nhân vật ấy có hành vi xấu trong các phim kinh dị tâm lý.
Ta có thể dùng thuật ngữ “bình bông di động” trong tiếng Việt để so sánh với “tóc vàng hoe”. Một nhân vật gần giống nhất với hình mẫu “tóc vàng hoe” tại Việt Nam đó là Loan (thủ vai bởi Tường Vy) trong series Bỗng dưng muốn khóc. Cô là em gái của nhân vật phản diện Ngọc Diệp, thích mặc đồ đẹp và rất...bon chen, hùa theo số đông.
Nhân vật “vàng hoe”, ngoài những tác động tiêu cực mà bài viết sẽ đề cập bên dưới, còn có tác dụng đó là làm cho bộ phim trở nên “dễ thở” hơn. Các nhân vật “tóc vàng hoe” thường được viết một chiều, chủ yếu với mục đích “xả stress” cho khán giả. “Tóc vàng hoe” được áp dụng rất nhiều trong các phim hài châm biếm.
Những biến thể của “tóc vàng hoe” cũng tồn tại, giả dụ như một nhân vật “vàng hoe” có thể thông minh nhưng vờ như mình ngu ngốc.
4. Những ví dụ “nghịch đảo”
Không phải hình mẫu nhân vật nữ “tóc vàng hoe” nào cũng ngu ngốc, hoặc giàu có. Ngược lại, có những ví dụ cho thấy nhân vật nữ với mái tóc vàng xuất thân từ tầng lớp hạ lưu và đạt thành tích cao ở mảng học thuật.
Trong Legally Blonde, nhân vật nữ chính do Reese Witherspoon thủ vai có mái tóc vàng lại là một trong những sinh viên xuất sắc tại Đại Học Luật Harvard.
Hay ở trên series Suite life of Zack and Cody, có một subverted trope (dụ pháp bị đảo ngược) “không hề nhẹ”. Nhân vật London Tipton là nhân vật châu Á lại là một cô tiểu thư được khắc họa có IQ...không được cao cho lắm (người châu Á thường được thủ vai trong các phim như thành công về mặt học thuật). Trong khi bạn thân của London, Maddie, là một người Mỹ chính gốc, có tóc vàng, gia cảnh không được tốt, lại rất thông minh lanh lợi.
Marilyn Monroe, nổi tiếng với những vai diễn các cô tiểu thư ngu ngốc trên phim ở ngoài đời lại là một diễn viên với những sở thích tri thức như đọc sách. Marilyn cũng có vốn kiến thức lớn về triết học.
5. Khi “vàng hoe” bị lạm dụng
Hình mẫu “tóc vàng hoe”, cũng như rất nhiều hình mẫu khác xuất hiện trong văn hóa đại chúng, cho ta thấy những hệ lụy đến từ việc “đóng khung” những nhân vật trong cốt truyện. Ở nhiều trường hợp, nó là biểu hiện của sự lười biếng (lazy writing) trong việc xây dựng nhân vật.
Ngoài ra, khi ta nhìn rộng hơn, trope “tóc vàng hoe” còn cho thấy sự phân biệt giới tính (lẫn màu tóc) rõ rệt. Đây là hệ quả đến từ việc đa số những nhà biên kịch tại Hollywood là nam. (Theo tờ Woman and Holliwood)
Vấn đề không chỉ dừng ở đó, khi trope “tóc vàng hoe” còn góp phần tạo nên sự vật hóa (objectification) đối với các vai trò nữ trong các bộ phim. Những cô nàng tóc vàng hoe được miêu tả như một “phần thưởng” dành cho đàn ông sau khi họ hoàn thành một nhiệm vụ nào đó ở tình tiết của phim.
Trong cuộc sống, ta cũng chẳng thể nào rập khuôn được mẫu cá tính từng người. Những stereotype như “tóc vàng hoe” chỉ có thể gây hại nhiều hơn là mang giá trị tích cực. Để một kịch bản có thể trọn vẹn, các nhà biên kịch cần nắm rõ những trope như “tóc vàng hoe” và vận dụng đúng cách. Hoặc, có thể tránh hoàn toàn nhân vật “vàng hoe” ngốc nghếch để không rơi vào cạm bẫy thường thấy của một kịch bản tệ hại.
6. Ví dụ trên màn ảnh
Penny trong series The Big Bang Theory (2007)
Lina Lamont trong Singin’ in the Rain (1952)
Susan Alexander trong Citizen Kane (1939)
Buttercup trong The Princess Bride (1987)