Hiện tại, giá trị thương hiệu của Hoàng gia Anh được ước tính đạt 100 tỉ USD. Và nếu bạn vẫn chưa hình dung ra con số này lớn thế nào, hãy biết rằng giá trị thương hiệu của Hoàng gia Anh xếp trên cả Coca-Cola, Nike và Microsoft đấy!
Từ xưa đến nay, Hoàng gia Anh luôn là một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Đế chế của họ thường được gọi là “The Firm” (Công ty) vì mô hình hoạt động như một doanh nghiệp của mình, với CEO hiện tại là Nữ hoàng Elizabeth II.
Vì sao thương hiệu Hoàng gia Anh lại được định giá cao như vậy? Hãy cùng Vietcetera đi tìm hiểu những cách kiếm tiền của gia đình quyền lực này nhé!
Hoàng gia Anh sở hữu những gì?
Tài sản của Hoàng gia Anh chủ yếu đến từ bất động sản - những cung điện, điền trang, đất đai mà họ sở hữu.
Có giá trị nhất trong khối tài sản trị giá 28 tỉ USD này là Crown Estate - tổ chức quản lý các bất động sản của Hoàng gia Anh. Danh mục của Crown Estate bao gồm hàng loạt những bất động sản trải dài khắp Anh và Scotland. Trong đó, số bất động sản ở Anh được định giá 19,5 tỉ USD, và ở Scotland là 592 triệu USD.
Tiếp đến là hai cung điện hoàng gia Buckingham Palace, trị giá 4,9 tỉ USD và Kensington Palace, trị giá 630 triệu USD. Cung điện Buckingham gồm 775 phòng, là nơi ở hiện tại của Nữ hoàng Elizabeth và trước đó là Hoàng tế Phillip. Trong khi đó, Kensington Palace hiện là nơi ở của Hoàng tử William và Công nương Kate cùng gia đình.
Cuối cùng là hai quỹ tín thác đất đai Duchy of Lancaster, trị giá 748 triệu USD và Duchy of Cornwall, trị giá 1,3 tỉ USD. Ngoài ra, Hoàng gia Anh còn sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới (Royal Collection), có giá trị rất lớn dù chưa bao giờ được chính thức định giá.
Tuy số tài sản này có giá trị rất lớn, Hoàng gia Anh cũng chỉ được sở hữu trên danh nghĩa, chứ không được bán. Thu nhập thật sự của họ vì thế đến từ những nguồn khác cơ!
Hoàng gia Anh kiếm tiền như thế nào?
Các thành viên trong gia đình Hoàng gia kiếm tiền chủ yếu từ 3 nguồn chính:
1. Trợ cấp Hoàng gia (Sovereign Grant)
Trợ cấp Hoàng gia là số tiền được trích từ hoạt động thương mại của Crown Estate. Hàng năm, hoàng gia Anh sẽ nhận 25% từ khoản thu nhập của Crown Estate, trong khi 75% còn lại sẽ được chuyển về ngân khố quốc gia. Trong năm 2020, Hoàng gia Anh nhận 120 triệu USD từ nguồn thu nhập này.
Nguồn thu từ Trợ cấp Hoàng gia trang trải phần lớn chi phí cho các hoạt động. Các chi phí này bao gồm công tác đi lại để thực hiện các nhiệm vụ Hoàng gia, tiền lương, chi phí an ninh, dọn dẹp nhà cửa, bảo trì và cả chi phí công nghệ thông tin nữa (Nữ hoàng có Instagram rồi mà).
2. Quỹ tín thác đất đai Duchy of Lancaster
Duchy of Lancaster có diện tích tổng cộng là 45,550 mẫu Anh, trải dài từ Anh sang xứ Wales. Danh mục này bao gồm nhiều bất động sản ở nông thôn, các khu đất nông nghiệp, các tòa nhà lịch sử và một số tài sản thương mại.
Thu nhập từ các hoạt động thương mại của Duchy of Lancaster chảy trực tiếp vào tài khoản của Nữ hoàng. Năm 2020, Duchy of Lancaster báo cáo lợi nhuận ròng 30 triệu USD.
Nữ hoàng dùng nguồn thu từ Duchy of Lancaster để chi trả cho những hạng mục không được bao gồm trong Trợ cấp Hoàng gia. Một số thành viên gia đình như Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward cũng nhận lương từ quỹ này để thực hiện các nhiệm vụ.
3. Quỹ tín thác đất đai Duchy of Cornwall
Cũng như Duchy of Lancaster, danh mục mà Duchy of Cornwall quản lý cũng bao gồm hàng loạt bất động sản giá trị, có diện tích tổng cộng hơn 130,000 mẫu Anh.
Ngoài là Thân vương xứ Wales, Thái tử Charles còn là Công tước xứ Cornwall. Điều này giúp ông có thêm thu nhập từ Duchy of Cornwall, vốn được lập ra bởi Vua Edward III để tạo thu nhập cho người đứng đầu vùng đất này. Theo truyền thống, quyền sở hữu danh mục bất động sản này được trao cho các thái tử trong lúc chờ nối ngôi.
Thái tử Charles nhận 30 triệu USD từ Duchy of Cornwall trong năm 2020. Nguồn thu này được Thái tử Charles dùng để chi trả cho các nhiệm vụ Hoàng gia, các khoản từ thiện cũng như các khoản trợ cấp cho con cháu của mình.
Hoàng tử William và Hoàng tử Harry cũng nhận tổng cộng 7,8 triệu USD trong năm 2020 từ Duchy of Cornwall.
Dù vậy, nhiều thành viên Hoàng gia bắt đầu chọn lối sống độc lập hơn
Theo quy định, các thành viên Hoàng gia Anh không được phép có nguồn thu nhập từ bên ngoài nếu vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ Hoàng gia.
Tuy vậy, dù có rất nhiều thành viên, không phải ai cũng được Nữ hoàng chỉ định thực hiện các nhiệm vụ. Mà không thực hiện nhiệm vụ Hoàng gia cũng đồng nghĩa với việc không được hưởng các khoản trợ cấp.
Nhiều thành viên thuộc thế hệ sau của Hoàng gia Anh vì thế hiện làm việc toàn thời gian để độc lập hơn về tài chính.
Công chúa Beatrice hiện làm việc tại một doanh nghiệp phát triển phần mềm.
Công chúa Eugenie hiện làm việc tại một phòng triển lãm tranh. Cả hai đều là con gái của Hoàng tử Andrew - và là cháu nội của Nữ hoàng.
Peter Phillips sở hữu một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao và giải trí.
Zara Tindall là một vận động viên cưỡi ngựa. Cả hai đều là con của Công chúa Anne - và là cháu ngoại của Nữ hoàng.
Mới đây nhất, Hoàng tử Harry và Công nương Meghan cũng tuyên bố rút khỏi các nhiệm vụ Hoàng gia, đồng thời chuyển đến sống tại Mỹ. Để tự chủ về tài chính, Công tước và Công nương xứ Sussex cũng ký hàng loạt những hợp đồng giải trí.
Tiêu biểu trong số này là hợp đồng trị giá 18 triệu USD với Spotify, và đặc biệt là hợp đồng trị giá 100 triệu USD với Netflix.
Kết
Hoàng gia Anh là biểu tượng của đất nước, nhận được sự kính trọng và ủng hộ từ dân chúng. Để duy trì chế độ quân chủ, Hoàng gia Anh đã thích nghi với thời cuộc để trở thành một “doanh nghiệp” đặc biệt, góp phần giúp nước Anh theo đuổi thành công mô hình chính thể quân chủ lập hiến.
Và dù được hưởng nhiều đặc quyền, đóng góp của Hoàng gia Anh đối với đất nước cũng là rất lớn. Họ được ước tính mang lại cho nền kinh tế Anh 2,7 tỉ USD mỗi năm, với nguồn thu chủ yếu đến từ du lịch và truyền thông.