Khi Doctor Strange nhìn thấy đa cuộc đời mình giữa đa vũ trụ | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 05, 2022

Khi Doctor Strange nhìn thấy đa cuộc đời mình giữa đa vũ trụ

Doctor Strange In The Multiverse Of Madness tiếp tục chứng minh sức hút của “đa vũ trụ,” cũng như tiềm năng phát triển của Stephen Strange và Wanda Maximoff.
Khi Doctor Strange nhìn thấy đa cuộc đời mình giữa đa vũ trụ

Nguồn: Lumiere

*Bài viết có tiết lộ nội dung nhưng không làm ảnh hưởng trải nghiệm xem phim của bạn

Nếu ở Spider-Man: Far From Home (2019), đa vũ trụ (multiverse) chỉ là một trò đùa thì ở phần phim thứ 2 của Doctor Strange, khái niệm này đã thật sự tồn tại trong vũ trụ Marvel. Hỗn loạn và khó đoán, bộ phim như thể muốn nói rằng 3 Người Nhện ở No Way Home (2021) chỉ mới là khởi đầu cho những tràng vỗ tay liên hồi trong rạp.

Xuyên suốt cú “rơi tự do” qua các chiều không gian và các thực tại khác nhau, bộ phim đã chạm đến khán giả, một phần nhờ hành trình phát triển song song của hai nhân vật Doctor Strange và Wanda Maximoff, phần khác là nhờ phong cách kể chuyện chưa từng có ở những bộ phim MCU, dưới bàn tay của đạo diễn Sam Raimi.

Doctor Strange và bài học dang dở từ phần phim đầu tiên

Trong vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), khái niệm biến thể (variant) lần đầu được giới thiệu ở series Loki. Đó là những phiên bản khác nhau của chúng ta ở rất nhiều vũ trụ và những dòng thời gian khác. Phức tạp hơn, họ không phải là những bản copy vô tri.

Khi một nhân vật trong dòng thời gian linh thiêng (the sacred timeline - dòng thời gian chính của MCU) gặp một biến thể của họ, khoảnh khắc đó không đơn thuần là gặp một bản sao của mình. Họ đang gặp một bản ngã khác của chính mình, dẫn đến sự tự vấn.

Nguồn Variety
Nguồn: Variety

Doctor Strange In The Multiverse Of Madness, Strange nhìn thấy nhiều hơn một biến thể khác của chính bản thân mình. Tất cả biến thể đều có những lựa chọn sai lầm, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho vũ trụ của chính họ.

Từ đây, phim khai thác một góc tâm lý chưa bao giờ được tỏ bày của Doctor Strange - quyết định đẩy cả nhân loại vào cú búng tay của Thanos.

Những ai đã xem Infinity War (2018) và Endgame (2019) đều biết rằng Strange đã dùng viên đá thời gian để kết luật rằng chỉ có một khả năng đánh thắng Thanos giữa 14 triệu khả năng khác. Để đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, Strange đã để Thanos thực hiện cú búng tay, sau đó Strange cũng cho Tony Stark biết Người Sắt cần hy sinh để tiêu diệt Thanos. Tới phần phim riêng này, câu hỏi đặt ra cho chính bậc thầy bí thuật là liệu đó có là cách duy nhất, và liệu anh có hạnh phúc với quyết định của chính mình?

Mỗi anh hùng đều phải đứng giữa những lựa chọn. Trong công thức chung của dòng phim siêu anh hùng, càng qua các phần tiếp theo, lựa chọn của họ phải càng khó và những đánh đổi phải càng lớn. Ở phần phim đầu tiên, Strange đứng giữa lựa chọn dùng hết phép thuật để trở lại thành một bác sĩ phẫu thuật có đôi tay vàng hay trở thành một bậc thầy bí thuật.

Nguồn Tumblr
Nguồn: Tumblr

Giữa những lựa chọn đó, câu nói của Thượng Cổ Tôn Giả (The Ancient One - Tilda Swinton thủ vai) không ngừng văng vẳng bên tai anh: “Sự tự mãn và nỗi sợ vẫn luôn ngăn cậu học được bài học đắt giá nhất: không phải cái gì cũng xoay quanh cậu đâu!”

6 năm sau phần phim đầu tiên, Doctor Strange vẫn tiếp tục học bài học này khi Christine Palmer (Rachel McAdams) ở cả hai vũ trụ khác nhau đều nói rằng anh luôn là một người thích nắm đằng chuôi trong mọi tình huống. Đối diện với các bản thể khác nhau của mình, Doctor Strange đứng giữa 2 sự lựa chọn: hoặc tiếp tục là kẻ nắm đằng chuôi, hoặc nhận ra rằng anh không phải cái rốn của đa vũ trụ.

Wanda Maximoff: tột cùng của mất mát và tổn thương là một phản diện “máu me” nhất MCU

Không chỉ riêng Doctor Strange, Wanda Maximoff (Elizabeth Olsen) cũng là người lạc lối giữa đa vũ trụ rộng lớn sau biến cố quá lớn của Infinity War và WandaVision (2021). Chỉ có điều, Wanda trong phần phim này không còn là một Avenger mà đã trở thành Scarlet Witch - nữ phù thuỷ gieo rắc kinh hoàng khắp đa vũ trụ để được đoàn tụ với hai người con của mình.

Năm 2021, Marvel ra mắt series 9 tập WandaVision, cũng là series đầu tiên của hãng phát hành trên Disney+. Series cho phép Wanda đối diện với những mất mát quá lớn của chính cô, và cũng chứng minh sức mạnh đáng sợ của Wanda khi cô mang trong mình thực thể có tên Scarlet Witch - phù thuỷ có thể thay đổi thực tại.

Ở cuối series, với quyết tâm tìm lại được 2 con của mình là Billy và Tommy đang ở một vũ trụ khác, Wanda đã tìm đến quyển sách hắc ám Darkhold dẫu biết nó có thể băng hoại tâm trí một con người.

Nguồn Deadline
Nguồn: Deadline

Xuất hiện ở phần phim thứ 2 của Doctor Strange, Scarlet Witch có lẽ là một trong những phản diện đáng sợ nhất trong lịch sử của MCU. Như một thực thể không thể bị đánh bại và luôn theo sát đối tượng ở những bộ phim kinh dị kinh điển, Scarlet Witch mang dáng vóc của một kẻ tâm thần, không ngại sát hại người vô tội để đạt được mục tiêu của mình. Từng câu thoại của Scarlet Witch sặc mùi đe doạ, với những cảnh “đồ sát” chưa từng thấy trước đây trong MCU.

Diễn xuất của Elizabeth Olsen là điểm nhấn rất lớn của phần phim lần này, và với thời lượng xuất hiện ngang ngửa với Doctor Strange, có lẽ đây là một nhân vật còn thú vị hơn nhân vật chính. Cũng như Strange, Wanda nhìn thấy những cuộc đời khác của mình ở những vũ trụ khác, những cuộc đời viên mãn hơn. Nó vừa biến cô trở thành một con quái vật nhưng phần nào cũng chạm đến trái tim của cô, của một người mẹ.

Cái kết cho nhân vật này vừa xúc động, vừa ngậm ngùi lại vừa cho thấy một sự phát triển rõ rệt hơn hành trình của Doctor Strange, khiến người xem vừa tiếc nuối vừa thỏa mãn và đặt câu hỏi rằng khi nào thì Marvel mới có một phim điện ảnh dành riêng cho Wanda Maximoff?

Sam Raimi: phong cách kinh dị điển hình và những cú máy “travelling shot” thần sầu

Doctor Strange In The Multiverse Of Madness có một điểm cộng rất lớn về phong cách làm phim, thể loại và cả những góc máy sáng tạo chưa từng có ở MCU. Tất cả là nhờ bàn tay của Sam Raimi. Sau khi cho Chloé Zhao cầm trịch Eternals, có vẻ như Marvel tiếp tục để tính tác giả lên ngôi khi cho Raimi cầm trịch dự án lần này.

Nếu bạn là một người theo dõi Sam Raimi, bạn sẽ thấy rất rõ phong cách của ông trong rất nhiều cảnh phim mà rõ ràng nhất là sở trường pha trộn thể loại và những cú máy travelling đặc trưng.

Được quảng bá là phim MCU đầu tiên có màu sắc kinh dị, Doctor Strange In The Multiverse Of Madness đã cho thấy những cảnh phim có màu tra tấn, gây đau đớn về xác thịt cũng như việc không ngại cho thấy cái chết dã man của một số nhân vật.

Tuy nhiên, vì là Sam Raimi, phim luôn trong trạng thái biến chuyển giữa hành động, kinh dị và hài hước. Cái hài hước ở đây không phải là “comedy” mà là sự “fun” trong tiết tấu, nhịp phim. Mọi thứ luôn thay đổi không ngừng, luôn muôn hình vạn trạng và sáng tạo hết mức.

Điển hình như một cảnh thi triển phép thuật sử dụng các nốt nhạc, Raimi cho thấy rằng giữa một cảnh phim đen tối và căng thẳng, tiếng cười vẫn có thể cất lên bởi sự ứng biến “điên rồ” của nhân vật và sự đóng góp không nhỏ của nhà soạn nhạc Danny Elfman. Hay ở hồi 3, một cái xác biết đi quái dị vừa rất ngược với Marvel nhưng lại đậm màu của The Evil Dead (1981), phim đầu tiên của Raimi cũng khiến khán giả vỡ oà trong sự thích thú tột độ.

Các cú máy mà Raimi hay sử dụng là những cú máy nghiêng (dutch angle) hay các cú máy xoay (spinning). Đặc biệt, cú máy travelling, đặt POV (điểm nhìn) vào một thực thể bí ẩn đang lao thẳng đến nhân vật được sử dụng rất nhiều lần. Cú máy travelling này đã làm nên thương hiệu của Raimi, khiến giới làm phim lúc bấy giờ (ngay cả Quentin Tarantino) phải nể phục qua cảnh mở màn bộ phim The Evil Dead.

Không chỉ có The Evil Dead, Doctor Strange In The Multiverse Of Madness còn mang màu sắc một tác phẩm khác của Raimi là Drag Me To Hell (2009). Những ai đã xem Drag Me To Hell sẽ thấy quen thuộc với hình ảnh nhãn cầu trợn ngược nhìn thẳng vào nhân vật. Ngoài ra, các hình ảnh về tà thuật, dị giáo hay những cánh tay của quỷ dữ níu kéo một người vào hố đen thăm thẳm cũng được sử dụng trong phim khiến fan của Raimi không thể không nhận ra.

Sẽ có nhiều siêu anh hùng Marvel đen tối hơn nữa?

Hành trình của Doctor Strange vào đa vũ trụ hỗn loạn là một trong những hành trình đáng nhớ nhất một vài năm trở lại đây của MCU. Bước vào thế giới pháp thuật của Doctor Strange, người xem có cảm giác như thoát ra hẳn khỏi những cao ốc, những bối cảnh hiện đại và những màn đánh đấm thông thường của các siêu anh hùng khác.

Nguồn Deadline
Nguồn: Deadline

Điểm trừ lớn nhất có lẽ là bài học cuối phim mà Doctor Strange gửi đến America Chavez, nhân vật mới, có phần sáo rỗng, khiến cho cái kết của Wanda trở thành cái kết chạm đến người xem nhất.

Cuối cùng, Doctor Strange In The Multiverse Of Madness còn cho thấy độ chịu chơi của Marvel khi đưa yếu tố kinh dị vào để cho thấy rằng hãng phim có thể làm nên những tác phẩm đen tối, dán nhãn khó khăn hơn và sẵn sàng hơn cho các siêu anh hùng có phần máu me như Deadpool.