Khi Hoàng Dũng kể hết: Nàng Thơ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 09, 2021

Khi Hoàng Dũng kể hết: Nàng Thơ

"Em không là nàng thơ. Và Hoàng Dũng cũng không còn là nhạc sĩ mộng mơ."
Khi Hoàng Dũng kể hết: Nàng Thơ

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Năm lớp 7 (2007), Hoàng Dũng theo anh trai của mình đến một quán karaoke. Đó là lần đầu tiên anh hát trước những người lạ. Đúng hơn, đó là lần đầu Hoàng Dũng có cảm giác vui sướng khi được cầm mic lên hát.

Sau lần đi karaoke này, Hoàng Dũng bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc nghiêm túc. Anh tập tành chơi guitar và bắt đầu sáng tác. "Âm nhạc đến với tôi tự nhiên như thế!", giọng ca Yếu Đuối nói.

Năm 2015, Hoàng Dũng tham gia cuộc thi The Voice và đoạt vị trí Á Quân. Từ đây, anh bắt đầu hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Album 25 và đặc biệt là ca khúc Nàng Thơ giúp Hoàng Dũng ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Ca khúc Nàng Thơ đến với Dũng như thế nào?

Nguồn cảm hứng để sáng tác ca khúc Nàng Thơ đến với Dũng vào năm 2016. Lúc đó, Dũng đang ở Sài Gòn tham gia cuộc thi Sing My Song.

Dũng đọc một bức thư rất mùi mẫn, nhiều thương cảm và tò mò bức thư này xuất phát từ đâu? Sao người viết thư có thể tình cảm, lãng mạn đến như vậy? Sau này, Dũng mới biết đó là bức thư cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho cô Dao Ánh.

Hoàng Dũng trong MV "Nàng Thơ" | Nguồn: Hoàng Dũng

Sau khi đọc xong, trong đầu Dũng liền bật ra hai câu hát, "Em không là nàng thơ. Anh cũng không còn là nhạc sĩ mộng mơ."

Dũng có nghĩ rằng, đó là những ca từ đắt nhất của bài hát?

Lời ca có sự ẩn dụ và cảm thán ở trong đó. Nó còn thể hiện sự tiếc nuối.

Nàng thơ vừa là tình yêu và vừa nguồn cảm hứng của một người nghệ sĩ. Vì thế, nếu người sĩ đánh mất "nàng thơ" của mình, anh ta thà không sáng tác nữa, còn hơn là viết ra những bài hát không hay.

"Tình này nhẹ như gió" nhưng để lại "những vết hằn", từ đâu mà Dũng có thể viết ra những hình ảnh đối lập đến vậy?

Chúng ta thường nuối tiếc và thần tượng hóa những thứ không với đến được. Tình đầu rất đặc biệt bởi nó đem lại cho mình sự nuối tiếc. Dũng nghĩ, có người nhanh người chậm khi vượt qua một mối tình tan vỡ.

"Mai, rồi em sẽ quên ngày mình khờ dại" - Nàng thơ của Dũng là một cô gái tên Mai?

Có rất nhiều tin đồn, phỏng đoán trong câu hát này cũng như nhiều bài hát khác của Dũng (cười.) Có một số bạn tên Mai đã bình luận, "Hoàng Dũng sáng tác bài hát này cho mình". Dũng thấy điều này rất dễ thương.

Hình ảnh trong MV "Nàng Thơ" của Hoàng Dũng.

Lúc sáng tác, Dũng không hề biết người nghe sẽ tiếp nhận câu hát này như thế nào? Thay vì hiểu "ngày mai" hay "một mai" thì khán giả lại nghĩ Dũng đang viết về một cô gái tên Mai nào đó.

Dũng còn giữ sự khờ dại trong tình yêu như lời bài hát?

Dũng có cách yêu khác hơn trước đây rất nhiều, dù không biết đó là khờ dại hay trưởng thành. Đi qua những chuyện tình, Dũng cũng đã đúc kết được một số kinh nghiệm riêng. Cũng có thể, Dũng vẫn khờ dại trong tình yêu theo một cách nào đó.

Giai điệu của bài hát có đến nhanh như ca từ mà Dũng đã viết ra trước đó?

Thường thì Dũng sẽ viết ca từ trước, sau đó mới áp giai điệu vào. Tiếng Việt hay ở chỗ có thanh điệu (dấu). Chính thanh điệu này sẽ phù hợp với từng nốt nhạc nhất định. Nốt sắc đi lên, nốt huyền đi xuống. Dũng dựa vào thanh điệu này mà đi giai điệu cho bài hát.

Thật ra, Dũng không có một công thức nào cụ thể khi sáng tác giai điệu. Dũng tự xướng lên trong đầu mình, đánh đàn và chỉnh sửa lại cho đến khi cảm thấy ưng ý nhất.

Lần trình diễn ca khúc Nàng Thơ nào khiến Dũng nhớ nhất?

Với Dũng, hát lúc sáng tác luôn mang đến nhiều cảm xúc nhất. Dũng hát đầy say mê khi đang xây dựng ca khúc ở giai đoạn đầu tiên. Điều này có thể kéo dài cho đến lúc Dũng thu xong bản demo đầu tiên.

Với Hoàng Dũng, giai đoạn sáng tác cũng là lúc anh hát cảm xúc nhất.

Sau tất cả công đoạn đó, Dũng sẽ nhìn bài hát theo một cách khác, đôi khi hơi phũ phàng một chút. Khi bài hát được phát hành, Dũng sẽ nhìn tác phẩm của mình trên một phương diện khác nữa.

Dũng đã thu bao nhiêu bản demo cho bài hát Nàng Thơ?

Như đã chia sẻ trước đó, Dũng bắt đầu sáng tác Nàng Thơ từ năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, Dũng mới ra mắt ca khúc này. Trong 4 năm, Dũng thu 5, 6 bản demo Nàng Thơ khác nhau.

Trong quá trình sản xuất bài hát, có câu chuyện nào thú vị mà Dũng chưa kể?

Ban đầu, Dũng xem Nàng Thơ như một sản phẩm mở đường cho album 25. Dũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào bài hát này. Những sản phẩm khác Dũng có thể gặp áp lực, phải tính toán để tiếp cận công chúng... nhưng MV Nàng Thơ không quay xung quanh những vấn đề này.

Dũng đã gọi cho bạn bè của mình để quay MV Nàng Thơ. Đội ngũ sản xuất là những anh em, bạn bè thân thiết - là "biệt đội đánh thuê" của Dũng. Quá trình sản xuất giống như cuộc gặp gỡ, chuyến đi chơi của những người bạn.

Dũng thấy thế nào khi có người nhận xét, ngoài Yếu Đuối và Nàng Thơ, các bài hát khác đều bị đánh giá thấp?

Trước hết, Dũng cảm thấy rất thoải mái về việc bài hát của mình nằm ở những vị trí khác nhau trong lòng khán giả.

"Underrated" (đánh giá thấp hơn) hay "overrated" (đánh giá cao hơn) một bài hát không hề quan trọng. Đó chỉ là một cách gọi để khán giả bộc lộ cảm xúc. Họ muốn người khác biết đến và nghe ca khúc này nhiều hơn nên họ mới nhận xét như vậy.

Nguồn: Hoàng Dũng

Khi đã hoạt động được 1 thời gian, Dũng thấy có nghệ sĩ nổi tiếng và cũng có những nghệ sĩ chưa được biết đến nhiều. Nhưng họ đang chăm chỉ làm việc và tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Ngoài hai hit này, Dũng nghĩ fan cứng sẽ nghe bài nào của mình?

Dũng xin được đoán bừa bài Đôi lời tình ca.

Nếu đó là bài Đi đâu để thấy hoa bay thì sao?

Nếu vậy, người đó chắc chắn là fan cứng của Hoàng Dũng rồi (cười.)

Ca khúc Nàng Thơ là "mẫu số chung" cho sáng tác nhạc của Hoàng Dũng nhưng dễ nghe, dễ cảm hơn?

Những ca khúc của Dũng đều có tuyến giai điệu khó. Tuy nhiên, Nàng Thơ lại có giai điệu khá bắt tai. Khán giả dễ nghe và dễ cảm nhận cũng là vì vậy.

Trong thời đại này khó có nội dung nào ghìm chân chúng ta quá 5 phút. Chúng ta thường xem các video TikTok với những giai điệu 10s, 15s hay 1 phút. Vì thế không phải bài hát nào cũng có thể giữ chân mọi người để nghe hết. Một bài hát được khán giả nghe trọn vẹn và nhiều lần, đó là một sự thành công.